Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên năm C: Thái độ yêu

09/07/2022
639


Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lạ cho chúng ta về cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người thông luật. Đề tài của cuộc trò chuyện này là về sự sống đời đời.

Nhìn thoáng qua, chúng ta cứ ngỡ đang diễn ra theo hình thức hỏi-đáp. Nhà thông luật bắt đầu bằng câu hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Và ông đang rất tò mò để nghe câu đáp từ Chúa Giêsu. Khác với mng đợi của ông, Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác. Một câu hỏi không liên quan đến câu hỏi nhưng lại rất liên quan đến chuyên môn của nhà thông luật: “Trong luật đã viết gì, ông đọc thế nào?”. Người Do Thái có rất nhiều khoản luật, vậy Chúa Giê su đang ám chỉ về luật nào? Và vì là người am hiểu luật lệ, nhà thông luật đã trả lời nhanh chóng: “phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn…và yêu người thân cận như chính mình.”

YÊU ĐỂ ĐƯỢC SỐNG!

Nhà thông luật đã đúng khi kể ra hai điều luật quan trọng nhất của người Do Thái là yêu Chúa (Đnl 6,5), và yêu người thân cận (Lv 19,18).

Yêu Chúa, vì Người là Thiên Chúa duy nhất, nggoài Người ra, không có Chúa nào khác. Từ tình yêu và niềm tin dành cho Thiên Chúa duy nhất, chúng ta biết nhìn nhận những người khác cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, và do đó, chúng ta biết yêu thương và tôn trọng phẩm giá của từng người.

Hơn thế nữa, yêu là một nhu cầu cơ bản của mỗi người qua mọi thế hệ. Yêu và chia sẻ tình yêu với những người chung quanh mình là một điều tuyệt vời tron cuộc đời. Vậy nên câu trả lời của nhà thông luật đã được Chúa Giêsu chấp nhận. Và Ngài đã dùng đó như câu trả lời cho nhà thông luật: Ông cứ yêu đi, cứ làm như vậy là sẽ được sống!

Tuy nhiên, dường như nhà thông luật vẫn chưa thông. Ông tiếp tục hỏi: “Thưa Thầy, nhưng ai là người thân cận của tôi?” Câu hỏi như đang tìm đối tượng trong những phiên bản giới hạn để yêu vậy. Ai mới được gọi là thân cận với tôi, thì tôi mới thực thi tình yêu với họ. Chúa Giêsu thay vì giúp ông tìm ra “người ấy là ai?” thì Ngài lại giúp ông chuẩn bị cho chính  mình một tâm thế, một thái độ đúng đắn của người biết yêu.

THÁI ĐỘ YÊU

Chúa Giêsu đã chỉ ra bốn thái độ yêu[1] trong dụ ngôn xoay quanh câu chuyện một người bị cướp dọc đường. Bốn thái độ yêu này được thể hiện qua cách hành xử của bốn nhân vật sau đây đối với người bị cướp: tên cướp, Thầy Tư Tế, Thầy Lêvi, và người Samari. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

  • Tên cướp: Thái độ bóc lột. Đối với tên cướp, người bị hại chỉ là đối tượng để khai thác, để làm giàu cho bản thân hắn mà thôi.
  • Thầy Tư TếThái độ tránh né. Đứng trước tình cảnh của người bị cướp, ông đã tránh qua một bên mà đi. Thái độ này cho thấy, ôn chỉ xem người bị hại là một tình huống, một rắc rối, một vấn đề cần tránh xa trong cuộc sống.
  • Thầy LêviThái độ tò mò. Ông đã đi đến và thấy người bị nạn, vì sự tò mò mà thôi, nhưng rồi lại tránh qua một bên.
  • Và cuối cùng là người Samari. Ông không nhìn người bị cướp như đối tượng để bóc lột, một vấn đề để tránh xa, hay một tình huống thu hút sự tò mò…nhưng là một con người để yêu thương và cần giúp đỡ ngay lúc này. Ông đã động lòng trước nỗi bất hạnh của đồng loại và đã tỏ lòng xót thương một cách vô vị lợi.

Còn thái độ của chúng ta thì sao? Hằng ngày, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và chắc hẳn, trong bất kỳ môi trường sống nào cũng luôn có những người đang cần được nâng đỡ về tinh thần, tình cảm, và vật chất. Mỗi khi gặp gỡ những nhu cầu của anh chị em mình, chúng ta thường có những thái độ, những cách phản ứng nào? Chúng ta thường nhìn về họ như một rắc rối cần tránh xa, cần lướt qua, hay như một con người để chia sẻ tình yêu thương?

Chính câu trả lời của nhà thông luật đã hướng ông thay đổi thái độ yêu và cách yêu của mình. Thay vì chọn đối tượng thân cận để biểu lộ tình thương, thì giờ đây ông trở nên người thân cận với những ai đang cần mình giúp đỡ.

Chính thái độ này mới là điều Chúa muốn, như Ngài đã nói với ông: Hãy đi, và thực thi lòng thương xót!

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy yêu người thân cận như chính mình

  • Xin ban cho chúng con một trái tim biết thổn thức như người Samari, để chúng con dễ cảm thông trước những vui buồn của anh chị em mình
  • Xin ban cho chúng con một đôi chân nhanh nhạy như người Samari, để chạy đến với những phận người đang rên siết tron đau đớn tuyệt vọng.
  • Và xin ban cho chúng con một đôi tay đủ rộng, đủ mạnh, để có thể nâng đỡ và vựt dậy kịp thời những ai đang vấp ngã trong cuộc sống
  • Và cuối cùng, xin ban cho chúng con biết yêu thương nhau trong hòa bình và hòa hợp, để tình yêu của chúng con phản chiếu phần nào lòng thương xót của Chúa giữa cuộc đời. Amen.

Sr. Quỳnh Thoại, CĐM

https://dongten.net/2022/07/09/suy-tu-cn-15-tnc-thai-do-yeu/

[1] Life Application the New Testemant Commentary, Lk.10:25-37.