SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C

21/05/2025
48
 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM C

Kính thưa anh chị em, khi dâng thánh lễ, linh mục chào chúc giáo dân: Chúa ở cùng anh chị em. Thế còn Giám mục dâng lễ thì chào: Bình an của Chúa ở cùng anh chị em. Lời chào đó vang vọng lại lời cầu chúc của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của Người trong bài Tin mừng hôm nay. Và chúng ta thấy bất cứ lần nào Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ, thì lời đầu tiên Ngài nói, đó là: Bình an cho các con!

Thưa anh chị em, đối với người Do thái, khi người ta gặp nhau thì người ta thường chào là Shalom. Shalom có nghĩa là bình an. Nhưng ở đây với Chúa Giêsu Phục sinh thì không chỉ có bình an, mà là bình an cho các con. Như vậy không phải là một lời chào xã giao quen thuộc hằng ngày, nhưng là một ân ban, một ân huệ, một quà tặng. Quà tặng của Chúa Giêsu Phục sinh. Và mỗi Chúa nhật chúng ta đến đây là để đón nhận quà tặng, đón nhận ơn bình an đó của Chúa Giêsu Phục sinh. Và có ai trong anh chị em lại không mong muốn có được ơn bình an đó cho bản thân và cho gia đình? Chắc chắn là không rồi. Ai trong chúng ta cũng mong muốn điều ấy, ân ban ấy.

Thế nhưng có một điều mà chúng ta nhận thấy ở đây, đó là khi Chúa Giêsu Phục sinh trao ban bình an cho các môn đệ, thì đồng thời Ngài cũng cho các ông xem tay và cạnh sườn. Điều đó có ý nghĩa gì, thưa ace? Chắc chắn một điều ở đây, đó là Chúa Giêsu Phục sinh củng cố niềm tin cho các môn đệ. Khi cho các môn đệ xem bàn tay bị đóng đinh, cạnh sườn bị lưỡi đồng đâm thâu là bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu đã sống lại thật, chứ không phải là ma: Ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy đây. Cho nên Chúa Giêsu sống lại không phải là chuyện hoang đường. Nhưng đây là một biến cố lịch sử, một biến cố có thật: Chúa Giêsu đã thật sự sống lại.

Và nếu như chúng ta chỉ dừng lại ở đây mà thôi, thì chưa đủ, thưa anh chị em, mà chúng ta còn phải tiến xa hơn nữa, đó là khi Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ xem tay đã bị đóng đinh và cạnh sườn đã bị đâm thâu là Ngài muốn nói với các môn đệ rằng: Đấng chịu đóng đinh và Đấng Phục sinh chỉ là một mà thôi. Như vậy sẽ không có Phục sinh nếu không có khổ nạn. Hạt lúa sẽ không có thể trổ bông nếu nó không chấp nhận vùi vào lòng đất và không thối đi, không chết đi, thì sẽ không có Phục sinh nếu không có khổ nạn. Tương tự như vậy, ơn bình an mà Chúa Giêsu Phục sinh ban tặng cho chúng ta không phải là ơn bình an theo kiểu thế gian.

 Anh chị em hãy nhớ lại lời chủ tế đọc trong thánh lễ: Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Và nếu chúng ta đọc trong Kinh thánh thì Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Thầy ban bình an cho các con không giống như kiểu thế gian ban tặng. Mà bình an kiểu thế gian nghĩa là cái gì?

Thật vậy, thưa anh chị em, bình an theo kiểu thế gian là người ta tích trữ thật nhiều của cải vật chất và như thế là bình an rồi. Giống như ông phú hộ trong Tin mừng thánh Luca 12,13-21: Ông ta tích trữ đầy của cải và tự nhủ rằng: Linh hồn ta ơi, bây giờ thì cứ vui chơi thoải mái đi, chơi cho sướng cái đời đi. Nhưng Chúa bảo: Thằng ngốc, nội đêm nay người ta đòi linh hồn ngươi, thì của cải của ngươi để lại cho ai? Đó chính là bình an theo kiểu thế gian.

Rồi bình an kiểu thế gian nữa là người ta thâu tóm thật nhiều quyền lực. Nhà cửa ở lúc nào cũng được người bảo vệ, canh gác cẩn mật và thế là bình an. Nhưng thường thì những người đó trong tận đáy lòng không có bình an. Bởi vì không có bình an cho nên mới lo bảo vệ như vậy. Tận đáy tâm hồn đầy dãy những tính toán, những mưu mô xảo quyệt để làm hại người khác, để thanh trừng lẫn nhau, thì làm gì có bình an.

Còn sự bình an đích thực của Chúa Giêsu Phục sinh cũng chính là sự bình an của Đấng chịu đóng đinh, đó là sự bình an xuyên qua thập giá; đó là sự bình an xuyên qua cuộc khổ nạn; đó là sự bình an xuyên qua hy sinh và cho đi cách nhưng không; và đó là sự bình an của tình yêu. Cho nên khi nào chúng ta sống yêu thương, thì tâm hồn chúng ta vô cùng bình an và không có bất cứ cái gì cướp đi sự bình an đích thực đó của chúng ta. Đấy mới là ơn bình đích thực của Chúa Giêsu Phục sinh.

Kính thưa anh chị em, chúng ta đang sống trong năm thánh thường niên 2025, thì việc đi tìm kiếm sự bình an đích thực của Chúa Giêsu Phục sinh lại càng cần thiết hơn nữa đối với mỗi người chúng ta. Tại sao vậy? Thưa bởi vì chính nhờ sự bình an đích thực của Chúa Giêsu Phục sinh mà chúng ta mới có thể lãnh nhận được ơn toàn xá của Chúa, của Hội thánh. Nguyện xin bình an của Chúa Giêsu Phục sinh luôn ở mãi trong lòng chúng ta.

Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hoá