SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM C
Kính thưa anh chị em, dấu chỉ để nhận ra vấn đề, sự việc xem ra hết sức là quan trọng. Chẳng hạn chúng ta còn nhớ, trong thời Cựu ước, máu chiên được bôi lên khung cửa nhà dân Israel trong đêm vượt qua. Máu đó là dấu chỉ để cho thiên thần của Thien Chúa biết đó là nhà của dân Chúa, mà không giết hại các con đầu lòng. Hoặc nụ hôn phản bội của Juda là dấu chỉ cho quân dữ bắt Chúa Giêsu: Tôi hôn ai thì chính là người ấy, các ông cứ xông lên mà bắt…
Và hôm nay, thưa anh chị em, Chúa Giêsu nói đến một dấu chỉ để cho mọi người nhận biết những ai là môn đệ của Ngài, đó là dấu chỉ yêu thương, dấu chỉ tình yêu. Như vậy, dấu chỉ của người môn đệ Chúa Giêsu là dấu chỉ yêu thương. Thật vậy, khi chúng ta sống yêu thương nhau, thì mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu. Ngược lại, khi chúng ta sống ghen ghét, hận thù, chia rẽ, cố chấp, không tha thứ, thì chẳng ai nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, bởi vì tất cả những điều đó đều thuộc về bóng tối, thuộc về ma quỷ.
Cho nên đạo công giáo được gọi là đạo yêu thương. Thế nhưng nói như vậy, thì xem ra các đạo khác không dạy yêu thương hay sao, thưa ace? Chắc chắn là không phải rồi, bởi vì đạo nào cũng dạy con người sống yêu thương. Nếu có đạo nào không dạy con người sống yêu thương, mà dạy người ta sống hận thù, ghen ghét, thì đạo đó không phải là đạo, mà là lạc đạo, tà đạo.
Tuy nhiên, yêu thương của đạo công giáo nó khác xa với yêu thương của các đạo khác. Chúng ta thấy khác ở chỗ nào? Chúng ta thấy yêu thương mà các đạo khác dạy con người sống mới chỉ là yêu thương tự nhiên, yêu thương những ai yêu thương mình mà thôi. Đang khi đó, yêu thương của đạo công giáo, đạo của Chúa Giêsu là yêu thương bằng một tình yêu siêu nhiên, nghĩa là không chỉ yêu thương những kẻ yêu thương mình, mà còn phải yêu thương cả kẻ thù nữa. Đây chính là điều răn mới mà Chúa Giêsu đã đòi hỏi những người môn đệ của Ngài phải tuân giữ, phải sống: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau. Và yêu thương như thế nào? Yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em. Thầy đã yêu thương anh em cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá. Yêu thương không chỉ đối với những người yêu thương mình, mà yêu thương cả kẻ thù, yêu thương cả những kẻ giết mình, hãm hại mình. Phần chúng ta, chúng ta có làm được không, thưa anh chị em? Cũng có thể, nhưng cực kỳ khó khăn…
Và đỉnh cao của tình yêu thương, điều răn mới của Chúa Giêsu, đó chính là Bí tích Thánh thể. Bởi vì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh thể chính là mầu nhiệm tự hủy mình ra không của một Thiên Chúa tình yêu. Ngài đã yêu thương cho đến tận cùng, yêu cho đến chết vì người mình yêu. Cho nên Chúa Giêsu đã khẳng định: Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Ước gì tình yêu cao siêu của Chúa Giêsu thấm nhập vào trong con tim mỗi người chúng ta, để rồi chúng ta sẽ tiếp tục sống yêu thương nhau ở giữa lòng đời, ngõ hầu mọi người, nhất là những anh chị em lương dân, họ sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Xin Chúa cho chúng ta càng biết sống yêu thương trong năm thánh này.
Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hoá