SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY NĂM C
Kính thưa anh chị em, thoạt tiên, vụ án này là vụ án người phụ nữ ngoại tình: bị cáo là chị ta, kẻ tố cáo là các kinh sư và những người pharisieu, Chúa Giêsu là thẩm phán. Thế nhưng suy nghĩ sâu xa hơn, thì chúng ta lại thấy rằng đây là vụ án Giêsu. Những kinh sư và những người pharisieu chủ tâm gài bẫy Chúa Giêsu, vì họ muốn giết Ngài và Ngài trở thành bị cáo. Điều mà người ta hỏi Chúa Giêsu rằng: Thưa thầy, thầy dạy sao, ném đá hay là không ném đá? Giả như Chúa Giêsu bảo là cứ ném đá cho nó chết, thì chúng ta thử tưởng tượng xem: ngay lập tức, hình ảnh của một Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, giàu từ tâm và nhân nghĩa; hình ảnh của một Chúa Giêsu gần gũi với những người tội lỗi để cảm thông và tha thứ cho họ, có còn không? Thưa ngay lập tức hình ảnh đó biến mất.
Hơn thế nữa, nếu chúng ta hiểu được rằng theo luật Mose, thì người Do thái có thể ném đá người phụ nữ ngoại tình cho đến chết. Nhưng lúc bấy giờ đất nước Do thái đang nằm dưới sự thống trị của đế quốc Roma và vì thế, chỉ có đế quốc Roma mới có thể ban hành án xử tử Chúa Giêsu. Còn người Do thái thì không... Chính vì vậy, khi người ta muốn giết chết Chúa Giêsu, thì người ta phải mượn tay Philato để giết Ngài. Cho nên, nếu mà Chúa Giêsu nói cứ ném đá cho nó chết đi, thì lập tức đế quốc Roma sẽ lên án Ngài. Chúa Giêsu trở thành bị cáo. Mà ngược lại, nếu ngài bảo đừng có ném đá, thì hóa ra ngài lại chống lại luật Mose. Đang khi đó, người Do thái vốn coi Mose là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và là ngôn sứ của Thiên Chúa. Đàng nào cũng chết. Nếu bị cáo là Chúa Giêsu, thì những kẻ tố cáo vẫn chính là các kinh sư và những người pharisieu. Và thẩm phán ở đây là dân chúng và đế quốc Roma. Tiến thoái lưỡng nan. Nhưng thưa anh chị em, câu trả lời của Chúa Giêsu rất độc đáo. Câu trả lời đó làm cho vụ án không còn là vụ án người phụ nữ ngoại tình, cũng không phải vụ án Giêsu, mà trở thành vụ án lương tâm của mỗi con người chúng ta. Thật vậy, khi Chúa Giêsu trả lời rằng: “Ai trong các ông sạch tội, thì hãy ném đá trước đi”, thì bằng một câu nói như vậy thôi, Chúa Giêsu muốn tất cả những kẻ đang tố cáo người đàn bà ngoại tình và đang âm mưu làm hại Ngài, trở thành bị cáo. Bởi vì sao? Bởi vì ai cũng thấy mình có tội cả. Chẳng có ai là không có tội lỗi. Và kẻ tố cáo không phải là Chúa Giêsu, mà là chính lương tâm của mỗi một người chúng ta.
Rồi Thánh Gioan ghi nhận: “Họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Cho nên, đám trẻ xem ra ít tội hơn, còn người càng già thì lại càng lắm tội. Nhưng tại làm sao họ lại rút lui? Thưa bởi vì trước đây tôi tưởng rằng là tôi vô tội, tôi không có tội gì cả, cho nên tôi sẵn sàng ném đá. Nhưng bây giờ tôi được mời gọi nhìn lại chính mình, thì tôi mới khám phá ra rằng, mình cũng nhiều tội lắm chứ không ít, cho nên tôi đâu còn dám ném đá ai nữa. Bởi vì nếu tôi ném đá người ta, thì cũng có nghĩa là tôi ném đá chính mình, tôi tự lên án chính mình.
Kính thưa anh chị em, chúng ta đang sống trong năm thánh thường niên, thì việc sám hối, ăn năn trở về với Chúa lại càng khẩn thiết hơn nữa, để nhờ đó mà chúng ta có thể lãnh nhận ơn toàn xá của Chúa. Muốn được như thế, mỗi người chúng ta cần phải có một lương tâm nhạy bén. Lương tâm chính là tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, thì chúng ta sẽ hành động theo lương tâm ngay thẳng, từ đó mình có thể nhận ra biết bao nhiều điều sai trái, lỗi lầm và tội lỗi của mình, để rồi mình can đảm sám hối, ăn năn trở về với Chúa, trở về với nẻo chính đường ngay là chính Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống.
Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hóa