SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C
Kính thưa anh chị em, những người pharisieu và các kinh sư hay khinh thường, không tôn trọng Chúa Giêsu. Tại sao vậy? Thưa vì Chúa Giêsu thường hay chữa bệnh trong ngày sabat, thường hay lui tới, đồng bàn, làm bạn với những người thu thuế và người tội lỗi. Vì thế, Ngài mới kể cho họ nghe dụ ngôn về “Người cha nhân hậu”. Thật vậy, trong câu chuyện có ba nhân vật.
Người con thứ đáng bị chê trách. Anh ta tự đòi ly khai khỏi gia đình, lấy phần tài sản của mình, chảy đi phương xa, ăn chơi đàn điếm, phung phí hết tài sản. Nhưng dù sao thì anh ta cũng đang còn có chút tinh thần sám hối, để quay trở về với cha, với gia đình, cho dù cái lý do anh ta trở về chỉ vì anh ta đói quá, khổ quá.
Người con cả thì đáng trách nhiều hơn. Tại sao? Bởi vì anh ta ở nhà đấy, chăm chỉ làm việc đấy, vâng lời cha đấy, nhưng anh ta lại dửng dửng. Sống bên cha, nhưng anh ta chỉ biết thu vén cho bản thân mình mà thôi, chứ anh ta đâu có thông cảm với cha, hiểu cho nỗi khổ của cha đang bị mất đứa con, mất người em trai của anh ta, mà hằng ngày người cha cứ ra ngoài cổng ngóng chờ con về đến mòn mỏi, tiều tịu thân xác và tâm hồn. Anh ta quá dửng dưng với cha của mình. Thế rồi, khi người em trở về, thay vì ăn mừng, chia vui với cha, thì anh ta lại phân bì, ghen ghét. Anh ta quả là con người hẹp hòi, ích kỷ, tham lam. Phần chúng ta cũng vậy thôi, thưa anh chị. Nhiều khi sống trong một gia đình, nhưng chúng ta ít quan tâm đến nhau. Cha mẹ không quan tâm đủ tới con cái trong việc giáo dục văn hóa và đức tin. Vợ chồng nhiều lúc còn sống ích kỷ với nhau, thiếu tôn trọng nhau, hay có tính ghen tương, ghen bóng ghen gió vợ chồng. Rồi con cái trong gia nhiều khi không quan tâm tới cha mẹ, không hiểu cho nỗi lòng yêu thương, lo toan của cha mẹ cho gia đình, cho con cái…
Phần người cha già thì sao? Ông không hổ danh được Chúa Giêsu gọi là dụ ngôn “Người cha nhân lành”. Mặc dù cả hai đứa con đều hư hỏng, nhưng ông vẫn một lòng yêu thương các con. Ông sẵn sàng tha thứ cho đứa con trai thứ, cho dù tội nó có lớn đến đâu, miễn là nó sám hối trở về. Hình ảnh người cha già, chiều chiều ra đứng ngoài đầu cổng, để mong chờ đứa con hư hỏng của mình trở về. Hình ảnh đó giúp chúng ta liên tưởng tới ý nghĩa của năm thánh 2025: Những người hành hương của hy vọng. Người cha không hề thất vọng. Ông hoàn toàn hy vọng rằng con trai ông sẽ có ngày trở về với ông. Và niềm hy vọng đó đã không làm cho ông thất vọng. Cuối cùng, đứa con hư hỏng cũng đã trở về với ông. Còn người con cả, ông cũng không hề chấp tội của nó, cho dù nó ích kỷ, nhỏ nhen, lạnh lùng và dửng dưng.
Kính thưa anh chị em, người cha trong dụ ngôn chính là hình ảnh của một Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Mặc dù cho nhân loại có tội lỗi đến đâu, nhưng tình thương của Chúa vẫn phủ lấp muôn vàn tội lỗi của con người, miễn là con người sám hối trở về với Ngài. Phần chúng ta, giả như chúng ta có một đứa con nào mà nó giống như người con thứ, thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Chúng ta có đối xử như người cha trong bài Tin mừng hôm nay không? Câu trả lời đó là: quả thật là rất khó. Chắc không ai trong chúng ta đối xử với đứa con hư hỏng như người cha trong dụ ngôn đâu. Chúng ta rất dễ băm nó ra thành trăm mảnh lắm. Chúng ta không dễ dàng gì mà chấp nhận một đứa con hư hỏng như vậy.
Thành thử ra, người cha trong bài Tin mừng hôm nay là mẫu gương tuyệt vời để cho chúng ta noi theo bắt chước. Thật vậy, trong Tin mừng, chính Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta rằng: Các con hãy có lòng nhân từ như Cha các con trên trời là Đấng nhân từ. Quả thật, Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Chúa biết chúng ta yếu đuối, tội lỗi và Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta ăn năn sám hối trở giống như người con thứ trong bài Tin mừng. Chúng ta đang sống trong mùa chay thánh và đặc biệt trong năm thánh thường niên, thì việc sám hối, từ bỏ những tính hư tật xấu để trở về với Chúa lại càng khẩn thiết hơn bao giờ hết. Chính hành động sám hối tận gốc rễ sẽ giúp cho chúng ta lãnh nhận được nhiều ơn thánh của Chúa trong năm thánh này. Nguyện xin Chúa là Cha, Đấng giàu lòng thương xót, tha thứ muôn vàn tội lỗi cho chúng ta.
Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hoá