SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 32 TN NĂM B

08/11/2024
693
 

Hôm ấy, ngồi đối diện với hòm tiền trong đền thờ, Chúa Giêsu thấy có nhiều người giàu có dâng cúng rất nhiều tiền. Trong khi đó có một bà góa nghèo chỉ dâng có hai đồng tiền bằng một phần tư xu. Bấy giờ Chúa Giêsu gọi các môn đệ lại và kết luận rằng: “Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. Tại sao vậy? Thưa bởi vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình.

Như vậy, qua kết luận của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay về sự dâng cúng tiền của, chúng ta thấy rằng: giá trị của sự dâng cúng không phụ thuộc vào số lượng, nhưng tùy thuộc vào thái độ nội tâm của người dâng cúng.

Sở dĩ Chúa Giêsu khen ngợi bà góa nghèo khổ, không phải là bà dâng cúng nhiều tiền, mà là do tấm lòng quảng đại và sự yêu mến chân thành. Có thể nói rất hiếm người như bà, bởi vì bà dám dâng cúng tất cả những gì nuôi sống bà: “Bà góa nghèo khổ này đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống bản thân”. Còn phần lớn hay hầu hết là người ta dâng cúng từ tiền dư bạc thừa. Dâng cho Chúa rồi, nhưng còn phải thủ tiền của trong giương trong két sắt. Thật đúng là như vậy. Nhìn lại bản thân, tôi thấy điều đó chẳng sai chút nào. Bởi vì mình cho đi, mình giúp đỡ, mình chia sẻ cho người khác, nhưng một điều chắc chắn là không bao giờ mình cho đi tất cả. Trái lại, mình còn phải tính toán chán chê, để làm sao sau khi cho đi, thì mình và gia đình mình, con cái mình vẫn còn cái gì đó để nuôi sống, để ló làm việc này việc kia, chẳng hạn như cưới vợ, gả chồng cho con cái, hay là trả nợ nần cho người này người kia, hoặc tổ chức tiệc tùng gì đó, …Cho nên hành động cho đi của mình không thể nào giống hành động cho đi của bà góa nghèo trong bài Tin mừng. Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là Chúa có thật sự bắt chúng ta phải cho đi giống như bà góa kia không? Chắc chắn một điều là không. Chúa không bắt chúng ta phải cho đi như thế. Bà góa kia chỉ có một mình thôi. Bà cho hết những gì nuôi sống bà trong ngày hôm đó, nhưng ngày mai bà lại có người khác cho lại. Còn chúng ta đây, không chỉ có một mình, mà còn có vợ, con cái, cháu chắt… và còn biết bao nhiêu công việc phải lo liệu cho gia đình. Vì thế, mỗi trường hợp mỗi khác nhau trong việc cho đi. Nhưng điểm chung qui là ở chỗ: Cho đi với thái độ nào?

         Thật vậy, mỗi người chúng ta hãy suy xét xem những lần chúng ta dâng cúng tiền của cho Chúa qua việc xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý, giúp đỡ người dân bị thiên tai, giúp đỡ người nghèo, … thì chúng ta đã giúp đỡ với thái độ nào? Chính Chúa đã nói với chúng ta rằng: Ngài không thích của lễ chúng ta dâng, mà chỉ cần tấm lòng chân thành của chúng ta. Như vậy, mỗi lần dâng cho Chúa cái gì, chúng ta có dâng cho Ngài với tấm lòng thành kính mến yêu không? Hay là chúng ta dâng cúng để lấy tiếng, để khoe khoang ta đây là người lắm tiền nhiều của, ta đây là người quảng đại, hào phóng, … Chúng ta rất dễ bị rơi vào cái tình trạng đó: tình trạng giả trá, giả hình giống như người pharisieu và các kinh sư. Có nhiều người dâng cúng tiền xây dựng nhà Chúa rất nhiều tiền, nhưng họ lại rất âm thầm, không cần phải rao trên nhà thờ. Thậm chí họ còn yêu cầu cha xứ không được tiết lộ cho ai biết, nếu không họ sẽ rút lại. Thế nhưng ngược lại, chẳng thiếu những người đã dâng cho nhà Chúa ít rồi, nhưng còn phải rao cho mọi người biết… Ước gì mỗi lần đến với Chúa, chúng ta dâng cúng lễ vật gì, chúng ta hãy quan tâm chú trọng tới tấm lòng yêu mến chân thành của mình đối với Chúa và Hội thánh. Cho đi không so đo tính toán hơn thiệt…

Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Chánh xứ Sầm Sơn