SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Lc 4,18-21)
Kính thưa anh chị em, Tin mừng thánh Luca hôm nay mô tả việc Chúa Giêsu về quê hương của mình là Nazaret. Ngài vào trong hội đường rao giảng lời Chúa cho dân chúng và Ngài đã kết luận rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Thế nhưng thưa anh chị em, vấn đề đặt ra ở đây là: có thực sự là lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm không? Có thực sự là mọi người mù thời bấy giờ được sáng mắt không? Có thực sự là mọi kẻ giam cầm đều được tha không? Và có thực sự mọi kẻ bị áp bức đều được trả lại tự do không?
Bởi vì chúng ta thấy rằng ngay cả Gioan Tẩy giả, người thân của Chúa Giêsu, lúc bấy giờ đang bị giam trong tù, cũng chưa được giải thoát. Gioan ở trong ngục nóng lòng đến nỗi ông đã sai môn đệ của ông đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Và ngay cả Chúa Giêsu cũng đã bị đánh đập dã man, bị vác khổ giá và cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá. Đến chính bản thân Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi ngục tù, thì lấy đâu ra tự do để ban tặng cho các tù nhân? Chính Chúa Giêsu cũng bị áp bức, thì lấy đâu ra sức mạnh để giải thoát những người bị áp bức?
Kính thưa anh chị em, nêu lên những vấn nạn như thế không nhằm khước từ lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”, nhưng là để đọc lại và hiểu những lời của Chúa Giêsu dưới một góc độ chính xác hơn, sâu xa hơn.
Trước hết, mù loà không chỉ đơn thuần là khuyết tật thể lý, nhưng có thể còn là khuyết tật tri thức, khuyết tật tâm lý và khuyết tật tâm linh. Thật vậy, người ta mù lòa về mặt trí thức khi mà người ta nhìn một sự kiện, một biến cố mà không rõ ngọn nguồn sự việc vì thiếu hiểu biết. Người ta mù lòa về mặt tâm lý khi mà người ta mở mắt thật to ra để nhìn, mà vẫn không thấy được cái tốt lành của người khác chỉ vì người ta cố chấp, nhỏ nhoi, ích kỷ. Người ta khuyết tật tâm linh khi mà người ta nhìn rõ thế giới vật chất này, nhưng lại không thấy mối tương quan giữa thế giới này và Đấng tạo dựng nên nó.
Về ngục tù cũng thế, có nhiều thứ ngục tù. Có những thứ ngục tù không thể giam hãm nổi tự do của con người, và ngược lại, có những thứ tự do lại biến con người thành tù nhân. Những nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc chỉ có thể giam hãm thân xác con người, chứ không thể giam hãm sự tự do hiểu như một giá trị tinh thần, không thể giam hãm suy tư và cảm xúc của con người. Thế nhưng ngược lại, có những hành động được gọi là tự do, nhưng thực ra chỉ là cái vỏ bên ngoài che đậy tình trạng nô lệ sâu xa bên trong, đó là nô lệ cho những đam mê và ham muốn trần tục, nô lệ cho những tính toán quyền lực và phe nhóm…
Kính thưa anh chị em, khi hiểu về sự mù loà và ngục tù như thế, thì mỗi người chúng ta, bỗng dưng khám phá ra mình cũng có những lúc sống trong tình trạng mù loà và mất tự do. Mù lòa vì chúng ta không nhìn thấy cái tốt nơi người anh em; mù lòa khi chúng ta không nhận ra Chúa Kitô hiện diện trong những con người đau khổ, nghèo hèn. Và chúng ta mất tự do khi mà chúng ta sống trong tội lỗi, làm nô lệ cho tội lỗi, cho những đam mê trần tục. Thành thử ra, tất cả chúng ta đều cần được Chúa giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi và chữa lành những vết thương về phần tâm linh và phần linh hồn. Amen!
Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Chánh xứ Sầm Sơn