Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 Mùa Thường Niên Năm B | Thế Nào Là Khôn Và Dại Theo Tin Mừng

09/10/2024
572


THẾ NÀO LÀ KHÔN VÀ DẠI THEO TIN MỪNG?

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Hẳn nhiều người trong chúng ta đã được nghe kể về câu chuyện này:

Trên một chuyến bay từ Ý về Mỹ, mang theo một số Giám mục Mỹ đi dự Công Đồng Vatican II về, có một nữ tiếp viên hàng không rất xinh đẹp, tận tình và nhã nhặn phục vụ các hành khách. Thế nhưng trong chuyến bay cô cảm thấy bực bội và mất tự nhiên trước đôi mắt chăm chú nhìn mãi vào khuôn mặt và vóc dáng của cô mỗi khi thấy cô xuất hiện. Lại đáng bất bình hơn nữa khi cô kín đáo hỏi thăm một hành khách ngồi gần đó, và biết đó là  Đức Giám Mục Fulton Sheen, một Giám mục lừng danh nước Mỹ.

Khi phi cơ hạ cánh, đợi các hành khách xuống hết, Đức cha mới tiến đến trước mặt cô gái, ngỏ ý một cách đứng đắn, trang trọng, nhưng không kém phần tríu mến dịu dàng: “này cô, cô xinh đẹp lắm! Cô hãy cảm tạ Thiên Chúa thật nhiều vì Người đã lấy sắc đẹp của những người khác để ban tặng cho cô ”.

Thế rối chỉ vài ngày sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Đức cha Fulton Sheen ở tòa Tổng giám mục New York. Cô tiếp viên hàng không hôm nọ vào đề ngay khi vừa ngồi xuống ghế. "Thưa Đức cha câu nói của Đức cha đã làm cho con phải băn khoăn suy nghĩ mãi. Vậy thưa Đức cha, con biết phải cảm tạ Thiên Chúa như thế nào cho xứng đáng với những gì Người đã ban cho con?” Đức cha điềm đạm đặt lại cho cô một câu hỏi thay vì trả lời:

 Thế con có bao giờ nghe nói đến một trại phong cùi mang tên Di linh ở Việt nam chứ? Cô gái ngước đôi mắt xanh như dò hỏi:

Thưa Đức cha, có lần con đã đọc trên báo và cũng đã được nghe ai đó kể về trại Di linh. Đức cha dõi nhìn xa xăm qua cửa sổ :

Có thể hiểu theo một cách nào đó thì Thiên Chúa đã dành những nét đẹp của những người cùi ở Di linh mà ban riêng cho con! Nếu con thành tâm muốn cảm tạ Thiên Chúa, con hãy xin sang Việt nam và tìm cách yên ủi họ bằng đời sống phục vụ. Vị Tổng Giám mục thành lập trại phong Di Linh, Đức cha Jean Cassaigne người Pháp lại là người bạn rất thân của cha.

Chỉ chừng ấy thôi, cô tiếp viên hàng không chẳng bao lâu sau đó đã trút bỏ tất cả tương lai để tự nguyện khoác áo nữ tu; sau một thời gian tập tu và học hỏi, chị đã xin nhà dòng sang Việt nam phục vụ ngay giữa những con người bất hạnh ở trại cùi Di linh. Người nữ tu Bác ái đó tên là Louise Bannet. Sau biến cố 30 tháng 4 chị bị trục suất khỏi Việt nam; nhưng không chịu trở về Pháp mà lại tình nguyện sang phục vụ các bệnh viện phong tại Tahiti cho đến khi chị qua đời vào năm 1983 vì căn bệnh ung thư.

Cuộc đời của cô nữ tiếp viên hàng không trở thành nữ tu phục vụ người cùi trên giúp chúng ta hiểu sứ điệp mà Giáo hội muốn gửi đến qua phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Qua đoạn sách Khôn ngoan được trích đọc trong bài đọc thứ I, chúng ta thấy, Salomon, vị vua nổi tiếng là khôn ngoan nhất trong lịch sử của dân tộc Do Thái, đã không xin với Chúa điều gì hơn là xin cho ông được ơn khôn ngoan. Bởi theo như lời Salomon thì : “Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng.Tôi yêu quí sự khôn  ngoan hơn sức khỏe và sắc đẹp.Tất cả mọi sự tốt lành đều đến với tôi làm một với nó” ( Kn 7,10 ). Nhưng sự khôn ngoan mà Salomon nói đến ở đây hiểu là gì ?

Nếu chúng ta mở lại sách Các Vua, đoạn nói về việc Salomon cầu xin với Chúa ở trên đây, chúng ta sẽ thấy sự khôn ngoan mà vua Salomon ca ngợi ở đây là gì. Tại Gabaon, nơi mà Thiên Chúa đã hiện ra với Salomon trong giấc mộng về ban đêm, ông đã xin với Thiên Chúa : “Xin Ngài ban cho tôi tớ Ngài, tấm lòng biết nghe, để phân xử việc dân Ngài”. Và Thiên Chúa đã phán với Salomon : “ Vì ngươi đã xin điều ấy, chứ không xin cho được sống lâu, không xin cho được nhiều của cải, không xin cho được mạng quân thù nên Ta sẽ ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan, khiến trước và  sau ngươi không ai sánh bì với ngươi được”. Như vậy “tấm lòng biết nghe” mà Salomon xin Chúa, chính là sự khôn ngoan mà ông đã ca tụng.

Trở lại câu chuyện của nữ tiếp viên trên, có lẽ ít người mà lại không cho cô là người dại. Không dại, sao lại bỏ lại đàng sau, một tương lai huy hoàng của một thiếu nữ xinh đẹp ? Không dại, sao lại bỏ quê hương là nước Pháp, một nước tiến bộ văn minh, để qua Việt Nam sống với những người, lúc đó còn nghèo khổ ? Không dại, sao lại giam mình, cột trói mình với những người cùi, những người  đã bị xã  hội khai trừ và xa lánh?  Nhưng đó lại là cái khôn đối với cô nữ tiếp viên này. Cái khôn đó là cái khôn mà Salomon đã xin với Chúa và đã được Chúa nhận lời, đó là tấm lòng biết nghe. Nghe những tiếng nói âm thầm của Chúa, nghe những tiếng nói mà, theo như tác giả của thư gửi tín hữu Do Thái được trích đọc trong bài đọc 2 của thánh lễ hôm nay : “ Lời đó linh nghiệm, sắc bén hơn gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với não tủy, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm can” ( Dt 4,12-13 ).

Thái độ đó trái ngược hẳn với thái độ của người thanh niên giầu có, đến xin Chúa chỉ cho cách thức để được nên trọn lành, mà bài Tin Mừng hôm nay thuật lại.

Người thanh niên này đã được chính Chúa Giêsu chỉ vẽ cho một đường lối khôn ngoan đó là: “Hãy về bán hết gia tài anh có, lấy tiền phân phát cho người nghèo khó, rồi đến đây theo Ta” (Mc 10,21 ). Thánh sử Marco thuật: “ Nghe những lời ấy, người thanh niên sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” ( Mc 10,22 ). Anh có một giấc mơ đẹp nhưng không bao giờ chạm tới được ước mơ vì anh chỉ nghe tiếng nói của của cải mà không nghe tiếng nói của Chúa.

Vâng, không buồn làm sao được, khi mà phải bỏ hết của cải, thứ mà từ trước đến giờ anh vẫn cậy dựa vào đó và nó đã đem lại cho anh sự an toàn ? Phải bỏ đi một sự an toàn bảo đảm cho mình, để đi theo một người mà bề ngoài không có một chút gì là bảo đảm, một người đã xác nhận : “Con cáo có hang, chim trời có tổ, còn Con Người thì không có chỗ gối đầu” ( Mt 8,20) , như thế lại không phải là một người dại dột sao? Chúa nói tiếp: “ những người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao” ( Mc 10,23 ). Người giầu mà Chúa nói là khó vào Nước Trời ở đây, là những người có nhiều của cải mà cậy dựa vào của cải đến nỗi coi của cải là chúa tể vạn năng, không còn cần đến một ai khác nữa, kể cả Thiên Chúa. Người giầu như thế mới là người khó vào Nước Trời.

Như vậy, bán đi những gì mình có, lấy tiền phân phát cho những người nghèo khó, rồi đến theo Chúa lại là khôn, vì theo Chúa là nhận biết Ngài, mà nhận biết Ngài là có sự sống đời đời. Tiền của chúng ta có rồi sẽ đến một ngày, chúng không thể theo chúng ta được nữa. Lúc đó là thời điểm chúng ta phải bỏ chúng lại để ra đi. Vậy nếu không sắm sẵn cho mình những thứ có thể đi theo mình vào lúc ấy, thì chúng ta sẽ phải ra đi tay không. Như vậy từ bỏ những của cải để đi theo Chúa là khôn hay là dại ? Người khôn còn là người biết đi tới mục đích mình lựa chọn, bằng những phương cách hữu hiệu nhất. Cùng đích mà mọi người chúng ta đều nhắm tới, đó là Nước Trời. Mà Nước Trời là gì nếu không phải là chính Thiên Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết chọn phần hơn đó cho mình như  Salomon, như cô nữ tiếp viên trong câu chuyện cho dù bên ngoài xem ra có vẻ bị thua thiệt. Nhịn đi một lời trong những cuộc tranh cãi để tạo nên bầu không khí thuận hoà; nhận phần thua thiệt trong những cuộc tranh chấp để duy trì lòng yêu thương; bỏ tiền của, thời giờ và công sức ra để đóng góp vào những công việc bác ái, hầu xoa dịu những nỗi thống khổ của những anh chị em đồng loại. Tất cả những việc đó xem ra như thua thiệt, và chỉ những người dại dột mới làm như thế mà thôi, thì trước mặt Thiên Chúa đó lại là những người khôn, vì họ đã chọn phần hơn, phần mà theo như Lời Chúa, mối mọt không thể đục khoét và kẻ trộm không thể lấy đi được.

 

Lm. Giuse Phan Cảnh