SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B

12/09/2024
536


SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B
ĐAU KHỔ - TRƯỜNG HỌC ĐỨC TIN

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Các bài đọc phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay mô tả cho chúng ta những về những đau khổ như là yếu tố để dạy chúng ta trong “ trường học đức tin”. Điều đó đã được thánh Maccô giới thiệu trong bài Tin mừng hôm nay: “ Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, thượng tế và luật sĩ chối bỏ và giết đi nhưng sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

Hình ảnh Đấng Cứu Thế, theo chương trình của Thiên Chúa thật nhỏ bé, khiêm cung, hiền từ, vô danh tiểu tốt, khác hẳn với quan niệm và sự trông đợi của người Do Thái đương thời về một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt xuất hiện trong uy quyền, vinh quang, là vị Cứu tinh của dân tộc Israel thoát xiềng xích đô hộ của đế quốc La Mã. Vì thế, họ vấp phạm vì Người và họ đã không nhận ra Người mà cứ mỏi cổ trông đợi hết năm này đến năm khác, hết thế kỷ này đến thế kỷ khác. Hình ảnh tiên báo về Đức Kitô, Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi đã nhập thể trong cung lòng một thôn nữ nghèo nàn, sinh hạ trong hang lừa máng cỏ. Đối với con mắt người phàm quả là một sự thất bại ê chề, nhưng đối với Thiên Chúa đó là đường đưa đến vinh quang vô tận. Vì chính thánh giá khổ nạn mới là con đường Đấng Cứu Thế phải trải qua để tiến vào vinh quang như Người đã xác quyết : “ ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” ( Mc 8,34 ). 

Đau khổ vẫn là một huyền nhiệm, con người không thể hiểu hết những nguyên do sâu thẳm của nó ngoài việc nhìn ngắm Đức Kitô trên thập giá như chứng tích của tình yêu. Tuy có những nguyên do sâu thẳm ta không thể hiểu hết được, nhưng đau khổ không phải là sự đối kháng của con người, không phải là một mãnh lực bên ngoài phải loại trừ, trái lại, đau khổ thực sự là một mầu nhiệm linh thiêng gắn liền với cuộc sống con người. Tuy chúng ta sợ hãi nhưng đau khổ thực sự là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống làm người. Không có đau khổ, con người “sẽ không lớn nổi thành người”, không thể hoàn thành “sứ mệnh” của mình, và càng không thể hiểu được giá trị chân thực của đời sống làm người. Như vậy đau khổ có một ý nghĩa và giá trị nhất thiết để hoàn thành chính mình theo Thiên ý. Thật vậy, chính “ Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn ” (Dt 2,10) và Ngài cũng “ đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ” (Dt 5,8), để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Ngài (1Pr 2, 22). Ai đến trong cuộc trần cũng đều mong chiếm hữu hạnh phúc cho mình. Nhưng Chúa Giêsu đến thì Ngài lại mong chu toàn thánh ý Cha, mà thánh ý Cha là “chén đắng”, là nhục hình, để đánh đổi lấy hạnh phúc cho nhân loại. Những ai bước theo Ngài : này con xin đến để chu toàn Thánh Ý (Tv 40) cũng nhận lấy chén đắng mà Chúa Giêsu đã uống để đánh đổi hạnh phúc cho mình và cho anh em. Như vậy, Chúa cứu độ con người không bằng con đường nào khác ngoài con đường đau khổ đến tận cùng, để có thể thanh tẩy và đền bù tội lỗi của họ. Với định hướng này, đau khổ không còn là những phản kháng trần tục, nhưng là một phương tiện thần thiêng Chúa dùng để tinh luyện và thánh hoá đời sống con người.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà không ngày nào không có chết chóc, bạo lực và đau khổ lan tràn, những trận bão lũ vừa qua, sập cầu...làm cho con người mất hết ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa quyền năng và tình thương. Đứng trước vấn đề đau khổ, những người không có đức tin sẽ nguyền rủa, sẽ phẫn uất, bi quan và dao động. Họ sẽ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ, bởi theo họ nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài lại để cho họ phải đau khổ? Tại sao lại để cho động đất, lũ lụt, khủng bố bạo lực xảy ra triền miên? Tại sao những người tốt thì luôn gặp đau khổ, còn những kẻ xấu thì lại được hưởng niềm vui, hạnh phúc?. Tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước nỗi thống khổ của con người?. .. và vô vàn câu hỏi tại sao nữa. Không phải chỉ có những người không có niềm tin, mà ngay cả những người có đức tin khi gặp đau khổ, họ cũng có thái độ phản kháng như vậy. Và như thế, đau khổ là một vật cản con người đến với niềm tin.

Chúng ta cần xác tín sự hiện diện của Chúa rằng Ngài vẫn có đó, vẫn hiện diện sống động với con người bằng một tình yêu mãnh liệt và sự cảm thông của Đấng “ khi còn sống kiếp phàm nhân, đã lớn tiếng rơi lệ nài xin Chúa Cha” ( Dt 5,7 ) như chúng ta khi gặp thử thách. Người đời có thể bỏ rơi nhau khi gặp nguy hiểm, nhưng với Đức Kitô, “ mục tử nhân lành thí mạng vì đoàn chiên” ( Ga 10,11 ) thì “ Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi” ( Dt 13,5 ). Chúng ta cần xác tín điều đó để không bao giờ cho phép mình tuyệt vọng, nhưng luôn kiên vững và trở thành chứng nhân của niềm tin, niềm hy vọng cho tha nhân.

Vậy, trong chương trình cứu độ quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta tin rằng đau khổ không bao giờ nhận chìm con người, nhưng mời gọi con người tỉnh thức và vươn lên trong sự thiện, trong nỗ lực cậy trông và tin tưởng. Đau khổ nhắc nhở chúng ta về thân phận và kiếp sống mỏng manh của mình, để đừng có bám víu vào bất cứ điều gì hay bất cứ người nào, mà chỉ đặt hy vọng vào một mình Thiên Chúa mà thôi. 

Một hoàng đế nọ mở đại tiệc và nhiều người được mời. Đến giờ ăn, một cơn bão dữ dội ập tới và chẳng ai đến được. Tức giận với "thần bão", hoàng đế ra lệnh cho lính bắn lên trời đề trả thù.

Những mũi tên rơi trở lại và gây thương tích cho rất nhiều lính, còn thần "thần bão", không hề phương hại gì .

Những lời than trách của chúng ta cũng giống như những mũi tên bắn lên Chúa. Chúng sẽ quay lại và làm ta thêm đau khổ. Hãy nhớ rằng: đau khổ sẽ là trường dạy đức tin cho mỗi chúng ta.

            Để kết thúc, xin được mượn lời cầu nguyện của một ai đó: “ Lạy Chúa, con cầu xin ơn mạnh mẽ để thành đạt trong cuộc đời, Chúa lại làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời khiêm hạ. Con cầu xin có sức khỏe, để mong thực hiện những công trình lớn lao, Chúa lại cho con ra tàn tật, để chỉ làm những việc nhỏ tốt lành. Con cầu xin được giầu sang, để sống sung sướng thoải mái, Chúa lại cho con nghèo nàn để biết thế nào là khôn ngoan. Con cầu xin cho có được uy quyền, để mọi người phải kính nể ca ngợi, Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết con cần Chúa. Con xin gì cũng chẳng được theo ý muốn. Nhưng những điều con đáng phải mơ ước, mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin, thì Chúa lại ban cho con thật dư đầy từ lâu. Xin cho con luôn biết chúc tụng Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời”. 

Lm. Giuse Phan Cảnh