SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B

03/09/2024
1796


SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN B
RA KHỎI SỰ CÂM ĐIẾC CỦA TÂM HỒN VÀ MỞ LÒNG ĐỂ NGHE TIẾNG CHÚA

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Từ sự sạch sẽ của đôi tay đến sự thanh sạch trong tâm hồn là điều mà sứ điệp Tin mừng của tuần trước muốn trình bày cho chúng ta. Tuần này, Tin mừng của thánh Maccô muốn diễn tả cho chúng ta một sứ điệp khác, đó là: Ra khỏi sự câm điếc của tâm hồn và mở lòng để lắng nghe tiếng Chúa.

Câm và điếc, đó là hai khuyết tật thường đi đôi với nhau. Nhưng có một điều lạ là, người đã bị câm thì thường cũng bị điếc luôn, nhưng người bị điếc thì có thể không bị câm. Chúng ta không biết có một sự liên hệ nào về mặt cơ thể học hay thần kinh học mà đã khiến cho hai khuyết tật câm và điếc lại đi theo nhau như vậy không. Câm, điếc, đó là 2 trong 4 khuyết tật cản ngăn con người sống các mối quan hệ  với thế giới bên ngoài của xã hội con người và vũ trụ thiên nhiên.

Nếu câm điếc về phần thể xác đã khốn khổ như thế thì câm điếc về mặt tinh thần, về mặt tâm linh còn đáng sợ đến thế nào ? Trong Thánh Kinh, khi nói đến khuyết tật câm điếc, thì người Do Thái hiểu theo một nghĩa biểu trưng, nghĩa là muốn nói đến câm điếc về mặt tâm linh.

Bài Tin Mừng hôm nay có phải chỉ muốn kể lại cho chúng ta đơn thuần một việc là chữa lành cho người bị câm điếc không ? Câu trả lời đó là không. Qua việc chữa lành cho người câm điếc, Chúa Giêsu còn muốn tỏ cho người ta thấy, Ngài chính là Đấng Cứu Tinh, Đấng Messia mà tiên tri Isaia đã loan báo như chúng thấy trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Theo đó thì đây là những dấu chỉ báo cho biết thời đại Đấng Messia đã đến : “ Mắt người mù sáng ra, tai người điếc được mở, người câm sẽ nói được và người què sẽ nhảy nhót như nai”.

Trước phép lạ Chúa Giêsu chữa người câm và điếc, người ta phải nhận ra rằng, thời đại cứu độ đã đến và Đấng Cứu Tinh đang ở giữa họ. Như chúng ta đã nói ở trên, người bị câm điếc, kể cả câm điếc thể xác cũng như câm điếc tâm linh, đều đáng thương cả. Chính vì thế mà Chúa Giêsu, Đấng là mẫu mực về lòng thương xót, Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Ngài đối với những người đáng thương kia, bằng việc cho anh ta được khỏi câm điếc. Được khỏi câm điếc cũng có nghĩa là được trở lại vị trí, chỗ đứng của anh trong xã hội. Nói cách khác, người câm điếc ở đây được khỏi, cũng có nghĩa là anh được trả lại những khả năng như tất cả những người khác. Việc làm ấy,một cách nào đó, lại không phải là tái tạo con người của anh ta hay sao ? Như thế, qua phép lạ chữa người câm điếc ở đây, Chúa Giêsu đã bày tỏ lòng thương xót của Ngài với tất cả những ai đang bị câm điếc thiêng liêng nữa. 

Về mặt tâm linh, chúng ta có thể là những người bị điếc. Chúng ta có thể bị điếc vì tính tự mãn, tự kiêu của chúng ta, chúng ta cũng có thể bị điếc bởi những lo lắng, những ảo tưởng của chúng ta... Tất cả những thứ ấy có thể làm cho đôi tai tâm linh của mình không còn nhạy bén để nghe thấy hay ít nữa cũng làm cho chúng ta sao nhãng đối với những Lời của Chúa, cũng như đối với những lời xây dựng thành tâm của những người chung quanh.

Người ta nói, điều khó nhất ở trên đời này là nghe. Điều này những ai đã hay đang học ngoại ngữ có thể xác tín được.Thực vậy, có những câu ngoại ngữ hết sức đơn giản và dễ hiểu nếu viết ra, nhưng lại trở thành khó hiểu khi chúng ta nghe người ta nói. Đấy là nghe hiểu theo nghĩa đen của nó. Nghe lại càng khó khăn hơn nữa, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa bóng. Theo nghĩa này thì nghe có nghĩa là sẵn sàng tiếp thu những chỉ giáo của người khác. Muốn tiếp thu những điều này, chúng ta phải vứt bỏ những cái cũ của chúng ta. Nếu cái cũ đó lại là cái đang gắn bó mật thiết với chúng ta, thì vấn đề lại càng trở nên khó khăn hơn nữa. Mà còn cái gì gắn bó mật thiết với chúng ta hơn là cái TÔI của mình ? Dứt bỏ cái tôi đi  là điều khó khăn biết bao. Chính vì thế mà chúng thường mới sợ phải nghe, thậm chí là không muốn nghe. Trong trường hợp này chúng ta đang là những người điếc tâm linh đó.

Nếu chúng ta đã có thể là những người điếc về mặt tâm linh, thì chúng ta cũng có thề là những người bị "câm về mặt tâm linh nữa" khi chúng ta không biết mở miệng ra mà chúc tụng, cảm tạ Chúa về những hồng ân của Ngài đã thương ban cho cá nhân, cho gia đình, cho xã hội, cho thời đại...; Chúng ta không dám công bố tình yêu của Thiên Chúa; không dám tuyên xưng niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, không dám thực hiện những công việc để củng cố niềm tin ấy. Đó lại không phải là những người bị câm tâm linh hay sao ? Còn đối với anh chị em đồng loại nữa. Đó là những người, vì lãnh đạm,vì sợ hãi, sợ bị chế diễu, sợ bi phê bình, sợ bị liên lụy, sợ bị thiệt thòi quyền lợi... mà đã làm thinh trước những bất công, áp bức, chèn ép, không dám công bố Tin Mừng vào lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

Nói tóm lại, chúng ta có thể là những người câm điếc về mặt tâm linh. Chính vì thế mà chúng ta  cần phải để cho Chúa chữa trị cho chúng ta. Ngài “ sẽ dẫn chúng ta ra  khỏi đám đông” đám đông của những lo toan trần thế, của miếng cơm manh áo, của những hận thù ghen ghét, đám đông của những ưu tư phiền muộn, vì già yếu bệnh tật, vì thất bại, hiểu lầm để chữa lành va thông truyền sức sống thần thiêng cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta gác bỏ tất cả để gặp gỡ riêng Ngài hay theo từ thông dụng là Ngài muốn chúng ta cầu nguyện. Chính trong những giờ phút riêng tư ấy, Ngài sẽ chữa lành các khuyết tật câm điếc thiêng liêng của chúng ta, nghĩa là Ngài sẽ cởi bỏ những sợi giây vô hình đang trói buộc chúng ta. Ngài sẽ tái tạo địa vị làm con Chúa cho chúng ta.

Căn bệnh của người câm điếc trong Tin Mừng làm chúng ta nghĩ đến căn bệnh của rất nhiều người, nhất là những người sống trong xã hội ích kỷ ngày nay, đó là căn bệnh “đóng cửa”, đóng mắt, đóng tai, đóng tay, đóng lòng. Căn bệnh khiến người ta sống bên cạnh nhau mà không hề để ý tới nhau, không quan tâm đến nhau và nhất là không biết lằng nghe nhau.

Một cụ già ngồi bất động hàng giờ ở cuối nhà thờ. Ngày nọ, một linh mục hỏi ông:

- Chúa đã nói gì với ông? . .

Ông ta trả lời  

- Chúa không nói gì.  Người chỉ nghe.

- Vậy ông nói gì với Người nào?

- Con cũng không nói gì, con chỉ nghe.

Chúng ta cần nói với Chúa trong kinh nguyện và cầu nguyện. Nhưng chúng ta cũng phải lắng nghe Chúa. Ít phút thinh lặng sau khi rước lễ là lý tưởng để lắng nghe lời Chúa nói. Hãy tập lắng nghe người cô đơn, người phiền muộn, người lo lắng. Với nhiều người, liều thuốc hiệu nghiệm nhất, món quà quí giá nhất là có ai thực sự lắng nghe nỗi phiền muộn cũng như nỗi vui mừng của họ. Chính Chúa Giêsu, Đấng làm cho người điếc được nghe, sẽ giúp chúng ta học nghệ thuật lắng nghe nơi Ngài, để chúng ta biết lắng nghe chân thành. Hãy ra khỏi sự câm điếc của tâm hồn và mở lòng để lắng nghe tiếng Chúa.

 

Lm. Giuse Phan Cảnh