SỰ TRUNG TÍN VỚI CHÚA GIÚP CHÚNG TA BIẾN ĐỔI
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong Chúa nhật I Mùa Chay, bao giờ phụng vụ Giáo Hội cũng chọn bài Tin Mừng nói về những cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu phải trải qua, để giúp mỗi người chúng ta ý thức về mối nguy hiểm mà mỗi người phải đối diện trong đời sống đức tin: những cơn cám dỗ. Tương tự như thế, trong Chúa nhật II Mùa Chay, Giáo Hội luôn chọn bài Tin Mừng về cuộc Hiển dung của Chúa Giêsu để giúp chúng ta ý thức về một nguy hiểm khác: sự chán nản, nhụt chí trong đời sống đức tin. Để vượt qua mối nguy hiểm này và để trung tín đến cùng với Thiên Chúa, trong Chúa nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm và suy niệm về ơn gọi và sự trung tín của tổ phụ Abraham, nhất là của chính Chúa Giêsu.
Muốn đi theo tiếng Chúa gọi, Abraham đã phải bỏ quê hương và những người thân. Muốn đi theo Chúa, các môn đệ phải từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày để đi loan báo Tin Mừng, các tông đồ phải chịu biết bao gian khổ. Họ đã bỏ rất nhiều. Bù lại họ được gì? Abraham nhận được lời Chúa hứa ban cho một dòng dõi đông đảo, các môn đệ được Đức Giêsu cho thoáng thấy vinh quang ở cuối cuộc hành trình, và người tông đồ được hứa: “tên các con được trên trời trời” ( Lc 10,20 ). Tin theo những lời hứa về một tương lai xa vời như thế đúng là phiêu lưu.
Thông thường, người khôn ngoan không nên phiêu lưu, thà giữ lấy cái hiện tại tuy bình thường nhưng chắc chắn, còn hơn bỏ nó để theo đuổi một tương lai chỉ mới có trong lời hứa. Nhưng đó là lối cư xử giữa loài người với nhau vì loài người thì rất khó tin. Nhưng đối với Thiên Chúa thì rất đáng phiêu lưu như vậy, vì đã có nhiều bằng chứng cho thấy lòng trung tín thực hiện lời hứa của Ngài. Thiên Chúa có kêu gọi chúng ta từ bỏ để phiêu lưu theo Ngài cũng chỉ vì Ngài muốn đưa chúng ta trở về hạnh phúc thuở ban đầu mà thôi. Thực ra phiêu lưu theo Chúa không phải là phiêu lưu, chỉ cần có đức tin vào lòng trung tín của Chúa là có bảo đảm.
Hình ảnh con rùa: nếu nó cứ rụt đầu rút chân vào vỏ thì xem ra an toàn đấy nhưng nó cứ mãi ở lì một chỗ, không bao giờ tiến đến đâu cả. Chỉ khi nào nó dám thò dầu thò chân ra để bước thì, tuy có thể gặp nguy hiểm đấy, có thể bị đau đấy, nhưng có thế nó mới tiến được.
Cuộc sống là một cuộc chuyển động, như dòng sông, dòng suối, như dòng xe cộ chen chúc trên đường phố. Vì thế, có người cho rằng sống là chuyển động, là đổi mới, là ra đi. Đời sống Ki-tô hữu cũng có những nét tương tự.
Áp-ra-ham, trong bài đọc thứ nhất là một con người như vậy. Đang sống yên vui trên quê cha đất tổ, Áp-ra-ham được Thiên Chúa mời gọi ra đi, đến một miền xa lạ : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Áp-ra-ham không chỉ được Thiên Chúa mời gọi bỏ quê cha đất mẹ để lao vào một cuộc hành trình tưởng như không có ngày mai. Sau này, lời mời gọi của Thiên Chúa còn đòi ông hiến tế con trai độc nhất của mình cho Thiên Chúa ( St 22, 2 ) ; nghĩa là phải không ngừng ra đi khỏi những gì là an toàn và vững chắc nhất về mặt nhân loại. Và Áp-ra-ham đã lên đường theo tiếng Chúa, đã dâng con để thể hiện sự phục tùng tuyệt đối với Thiên Chúa. Không ai có thể sánh được với Áp-ra-ham. Vì thế, Hội Thánh vẫn nhận Áp-ra-ham là tổ tiên, là mẫu mực của kẻ tin.
Không phải bất cứ ai được mời gọi cũng đều sẵn sàng cất bước đi. Không phải bất cứ lúc nào con người chúng ta cũng mạnh tin và tràn trề hi vọng để đi tiếp cuộc hành ttrình. Có nhiều lúc, nhiều người chúng ta không muốn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Cơn cám dỗ dừng chân có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống.
Chúng ta không đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng nhiều cách, với nhiều lý do. Có thể vì chúng ta giả điếc làm ngơ, coi như không nghe không biết tới tiếng Chúa. Có thể vì chúng ta để cho tiếng thế gian, xác thịt lấn át tiếng Chúa trong tâm hồn. Có thể vì chúng ta ngủ quên, tưởng rằng Chúa chỉ gọi chúng ta một lần khi chúng ta được đổ nước Thánh Tẩy trên đầu, còn sau đó chúng ta có quyền sống thế nào thì tuỳ ý thích của chúng ta. Cũng có thể vì chúng ta thích "định cư” không muốn ra đi, chán phiêu lưu gian khổ. Tiền bạc, địa vị, chức quyền, sự tự mãn, thành công ... đều có thể trở thành những yếu tố khiến chúng ta ngủ quên hoặc xây tường đắp luỹ cho tháp ngà của mình. .
Nhìn sâu vào kinh nghiệm cá nhân của từng người và của từng cộng đoàn, chúng ta sẽ thấy được nguyên nhân sâu xa của thái độ dừng chân. Đó là sợ phiêu lưu, không đủ tin cậy, phó thác và hi vọng vào Lời của Thiên Chúa. Lao mình vào cuộc phiêu lưu thco tiếng Chúa mời gọi đòi chúng ta phải từ bỏ tất cả kể cả chính bản thân và sự an toàn của mình.
Kính thưa cộng đoàn,
Suy niệm về sự ra đi của Ap-ra-ham, và nhất là về biến cố Biến Hình của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi hãy ra khỏi chính mình, ra khỏi sự an toàn tâm lý, tài chính, xã hội, bản thân của mình để gieo mình vào cuộc phiêu lưu Niềm Tin, đáp trả tiếng Chúa mời gọi. Thco chân Áp-ra-ham, thco chân các tông đồ, thco chân chính Đức Giê-su, chúng ta thưa với Chúa Cha : Lạy Cha, này con đây, con sẵn sàng ra đi theo tiếng Cha mời gọi.
Có một người khi còn trẻ đến cầu nguyện với Chúa :
Lạy Chúa, xin giúp con biến đổi cả thế giới này. Vậy mà người ấy đến tuổi trung niên cũng chưa biến đổi được gì trong thế giới! Người ấy lại đến cầu nguyện:
Lạy Chúa, nếu con không biến đổi được thế giới thì xin Chúa hãy cho con biến đổi được những người quanh con. Nhưng về già, người ấy cũng thấy chẳng biến đổi được ai. Người ấy lại đến cầu nguyện với Chúa:
Nếu con không biến đổi được ai, thì xin Chúa cho con biến đổi chính mình. Thế là cụ già lo biến đổi chính mình, nhưng cụ cảm thấy thất vọng vì từ nhỏ, cụ không lo biến đổi mình, bây giờ về già, quá nhiều tật xấu bám rễ sâu, sửa mãi không được. Cụ liền trách thân phận: biết vậy, ngay từ nhỏ mình xin Chúa giúp biến đổi chính mình, nay già chắc đã thành công!
Không có cách nào biến đổi đời mình, ngoại trừ: biết nghe lời giáo huấn của Hội thánh, là lời Con chí ái của Cha trên trời. Như lời kinh của Mark Link, xin được tạm dịch như sau: Lạy Thiên Chúa, xin cho con được nếm những giây phút ngất ngây như Đức Giêsu trên núi Tabor. Trong những lúc đó xin cho con biết làm như Đức Giêsu xưa: con sẽ hướng về Chúa để cầu nguyện, và con sẽ được nghe lời Chúa nói: Con là con yêu dấu của Cha . Lạy Thiên Chúa, khi con gặp những lúc suy sụp, xin cũng cho con biết làm như Đức Giêsu xưa: con cũng hướng về Chúa để cầu nguyện. Và khi đó con cũng được bàn tay Chúa an ủi, nâng đỡ và xoa dịu con. Amen
LM. Joseph Phan Cảnh