SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 17 TN NĂM B

26/07/2024
1759


Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII - Mùa Thường Niên Năm B

Bài đọc 1 (2 V 4,42-44)
Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.

Bài trích sách các Vua quyển thứ hai.
Hồi ấy, trong miền có nạn đói. Có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu ông Ê-li-sa, người của Thiên Chúa : hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông bảo : “Phát cho người ta ăn.” Nhưng tiểu đồng hỏi ông : “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được ?” Ông bảo : “Cứ phát cho người ta ăn ! Vì Đức Chúa phán thế này : Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.” Tiểu đồng phát cho người ta. Họ đã ăn, mà vẫn còn dư, như lời Đức Chúa phán. Đó Là Lời Chúa.

Bài đọc 2 (Ep 4,1-6)
Chỉ có một thân thể, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.  Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Đó Là Lời Chúa.


Tin Mừng (Ga 6,1-15)
Đức Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiện diện, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình. Đó Là Lời Chúa.
 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 17 TN NĂM B

            Kính thưa anh chị em, qua bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe, tôi xin chia sẻ với quý ông bà anh chị hai vấn đề: Lòng thương xót và Tiết kiệm.

1/ Lòng thương xót: Chúa Giêsu hôm nay làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, để nuôi đám đông dân chúng. Thế nhưng động lực nào khiến cho Ngài thực hiện phép lạ này?

         Tin mừng Nhất lãm cho chúng ta thấy rằng khi ngước mắt lên nhìn thấy đám đông dân chúng, họ bơ vơ như bày chiên không người chăn dắt, bấy giờ Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Như vậy, động lực khiến cho Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, đó là lòng thương xót. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa đã thúc đẩy Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, để nuôi đám đông dân chúng đi theo Ngài.

         Thành thử ra, qua phép lạ hóa bánh ra nhiều này, Chúa Giêsu cũng muốn mỗi người chúng ta hãy có lòng thương xót như Cha trên trời. Trong cuộc sống, chúng ta không thể là những con người sống dửng dưng, thiếu lòng thương xót đối với anh chị em đồng loại. Trong thời đại ngày hôm nay, con người sống chạy theo của cải vật chất, chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ, cho nên lại càng biến con người thành những con người không biết thương xót người khác, sống dửng dưng, lạnh lùng, ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình, chứ không quan tâm tới những người xung quanh. Là người Kitô hữu có đức tin vào Thiên Chúa tình thương, chúng ta không thể sống như vậy, mà phải noi theo lòng thương xót của Thiên Chúa, để sống như Cha trên trời: luôn biết quan tâm tới gia đình, những người thân, những người sống xung quanh mình, đặc biệt là quan tâm chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo đói, khổ đau…

         2/ Tiết kiệm: Sau khi dân chúng đã ăn no nê, Chúa Giêsu sai các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại và chất đầy được mười hai thúng.

         Ngày hôm nay xem ra vấn đề tiết kiệm đã không còn mấy ai quan tâm, vì cuộc sống dư giả hơn ngày xưa. Theo số liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố, tổng lượng thực phẩm ăn được bị vứt bỏ trong năm tài chính 2022 lên tới khoảng 4,72 triệu tấn, tương đương với 25 tỷ đô la. Liên hiệp Quốc thống kê thế giới vứt đi mỗi năm 100 tỷ đô la chỉ vì lãng phí thực phẩm. Có những người vào quán ăn, gọi rất nhiều đồ ăn, nhưng lại ăn chẳng mấy. Đồ ăn dư thừa, đang khi đó ở lục địa châu Phi còn biết bao nhiêu triệu người chết đói, không có của mà ăn. Đức giáo hoàng Phanxico đã kêu gọi mọi người hãy sống tiết kiệm, để giúp đỡ những người thiếu thốn, đói khát.

         Vì thế, chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu đời sống tiết kiệm. Mặc dù là Thiên Chúa giàu sang phú quý, đầy quyền năng, là Đấng tạo dựng nên mọi sự từ hư vô, nhưng Ngài vẫn sống tiết kiệm với mục đích làm gương cho chúng ta noi theo bắt chước. Thành thử ra, khi sống trong bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng phải sống tiết kiệm: tiết kiệm từ lời nói, nói vừa đủ chứ đừng nói quá nhiều đến độ nói luyên thuyên; tiết kiệm chi tiêu tiền của trong cuộc sống hằng ngày ở gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong gia đình, sinh hoạt của các thành viên phải biết tính toán sao cho phù hợp chứ không dư thừa phí phạng. Một điều mà chúng ta đáng chú ý ở đây rằng: tiết kiệm không phải là keo kiệt. Tiết kiệm là để thực thi lòng thương xót đối với mọi người thiếu thốn, nghèo đói. Còn keo kiệt là để thực thi, phát triển tính ích kỷ của mình. Vì thế, chúng ta phải loại trừ tính keo kiệt ra khỏi con người chúng ta, để lòng thương xót được triển nở trong chúng ta. Amen!

Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ