SUY NIỆM THỨ 6 TUẦN THÁNH – THẬP GIÁ, ĐIỂM GIAO THOA CỦA TÌNH YÊU

15/04/2025
18

BÀI SUY NIỆM CHIỀU THỨ 6 TUẦN THÁNH – TAM NHẬT THÁNH

THẬP GIÁ, ĐIỂM GIAO THOA CỦA TÌNH YÊU

Cộng đoàn phụng vụ thân mến!          

Chiều thứ 6 Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi nhìn lên Thánh giá Chúa Giêsu để cảm nếm nguồn tình yêu bất tận mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thập Giá ngất cao trên đồi Thập Giá ơi. Người mong, Người mong nói gì, nói gì với đời? Người nói đến một tình yêu cao ngất muôn trùng. Người nói đến một tình yêu dâng hiến máu hồng. Người nói đã bao nghìn năm đã bao nghìn năm. Lời nói dẫu bao nghìn năm vẫn luôn vọng ngân. Người nói đến một niềm đau giăng kín mây trời. Người nói đến một vầng tim hiu hắt trên đồi. Trọn kiếp sống cho tình yêu chết cho tình yêu. Thập Giá khắc ghi lòng son Chúa thương đoàn con. 

Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng.

Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại: “ Thánh Giá là chữ T. Người nằm giang tay chữ Y. Là tình yêu, yêu đến tận cùng. Yêu nhân gian chiều ngang.Yêu đời mình chiều sâu. Yêu Chúa là chiều cao. Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu” ( bài hát học yêu thánh giá ).

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11). Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta” ( Gl 6,14 )  .

Kinh Tiền Tụng đã chú giải : “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Nhìn lên Thánh Giá Chúa trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta cảm nghiệm tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho nhân loại, và để mỗi chúng ta học sống yêu thương. Để sống yêu thương như Chúa, chúng ta cần có trái tim như Ngài. Trái tim ấy không chỉ đặt trên ngực để yêu thương, mà còn:

Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.

Đặt trên mắt để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân, để mau mắn chạy đến với người cùng khổ. 

Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh. 

Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác. Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em. Thân xác sẽ không thể sống được nếu không có trái tim, cũng vậy, làm người không có đức yêu thương hay không có tấm lòng, thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi người. 

Hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tôn Thánh Giá Chúa, nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được rằng: mỗi lần chúng ta phạm tội, mỗi lần chúng ta làm cho người khác bị tổn thương là chúng ta cầm búa để đóng đinh Chúa vào Thánh Giá một lần nữa. 

Linh mục Giuse Phan Cảnh