SUY NIỆM CHÚA NHẬT X TN B: TỘI PHẠM ĐẾN CHÚA THÁNH THẦN

08/06/2024
1104
 
Kính thưa anh chị em, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đề cập đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Vậy tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội nào? Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết, chúng ta phải biết rằng, một trong những cách Satan cám dỗ, xúi giục con người đó là kiêu căng. Chẳng hạn, các luật sĩ Do thái thời Đức Giêsu. Họ kiêu căng cho nên họ không nhận mình kiêu căng. Họ cho mình là tài giỏi, xứng đáng hơn người. Họ xuyên tạc chê bai việc lành của người khác. Họ giữ đạo mà không có tinh thần đạo đức. Họ làm việc thiện cốt để khoe khoang.

Với tâm trạng ấy, hôm nay họ tỏ rõ thái độ kiêu căng bất mãn. Thấy dân Do thái đổ xô đến chung quanh Đức Giêsu, họ ganh tị và khó chịu. Thấy phép lạ Chúa làm nhãn tiền, họ lại bảo Chúa bị quỉ ám. Thấy Chúa trừ quỉ, họ lại cho là Chúa dựa trên quyền lực quỉ vương. Thấy Chúa chữa bệnh cho kẻ phong cùi, họ lại kết án Chúa phạm luật ngày Sabat. Thấy Chúa viếng thăm kẻ tội lỗi, họ lại cho Chúa là bạn bè với bọn thu thuế và gái điếm.
Đứng trước thái độ kiêu căng cố chấp ấy của các luật sĩ, Chúa Giêsu đã chất vấn họ: "Satan lại trừ Satan được sao?" (Mc.3,26-27). Và Người cảnh cáo họ: "Mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không được tha" (Mc.3,28-30). Như vậy, tội phạm đến Thánh Thần là chối bỏ sự hiện diện của Thần Khí trong Chúa Giêsu mà gán cho ma quỉ những gì thuộc về Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Chúa Giêsu khử trừ ma quỉ là nhờ "quyền năng Chúa Thánh Thần" (Mt.12,28). Vì thế, thánh Basiliô Xêdarê đã minh chứng: "Khi gặp Đức Giêsu, ma quỉ đã bị mất hết quyền lực của mình trước sự hiện diện của Thánh Thần". Vậy ai dám nói quyền lực của Đức Giêsu do Satan mà có, thì họ đã nói lộng ngôn phạm đến Chúa Thánh Thần.
Hơn nữa, tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là tội cố tình, từ chối quyền năng của Chúa Thánh Thần, suối nguồn ơn tha thứ. Chúa luôn sẵn sàng tha thứ. Nhưng Chúa không cưỡng ép chúng ta điều gì kể cả sự thứ tha. Một khi đã từ chối ơn tha thứ thì cũng có nghĩa là từ chối hạnh phúc Nước Trời. Thomas Caryle đã nói thật chí lý rằng: "Không nhận ra lỗi lầm là lỗi lớn nhất trong mọi lầm lỗi".
Kính thưa anh chị em, con người chúng ta dễ bị Satan cám dỗ về phương diện kiêu căng. Ông bà nguyên tổ Adam và Eva cũng đã bị Satan cám dỗ, xui giục phạm tội chống lại Thiên Chúa. Chính vì nghe theo sự xúi giục của Satan mà con người phải chết. Các luật sĩ Do thái cũng thế. Họ kiêu căng, trịch thượng đến nỗi họ luôn cho mình là trổi vượt hơn tất cả mọi người, kể cả Chúa Giêsu, họ cũng gán cho là Ngài cậy nhờ thế quỉ vương để trừ quỷ. Họ đã chối bỏ quyền năng của Chúa Thánh Thần được thể hiện nơi Chúa Giêsu. Vì thế, là người Kitô hữu, chúng ta phải luôn luôn tránh xa sự kiêu căng, một trong những cám dỗ mạnh mẽ nhất mà Satan luôn tấn công con người chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: Nếu người ta đầy lòng kiêu ngạo, thì sẽ chẳng còn chỗ cho sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ở đây là con người luôn luôn nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Bằng không, nếu chúng ta không nhìn nhận tội lỗi của mình, thì đồng nghĩa với việc chúng ta khước từ sự tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ghi nhớ lời dạy của thánh Giacôbê: "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (Gc.4,6). Xin Chúa luôn giúp chúng ta luôn sống tỉnh thức, khiêm nhường, để chống lại những xúi giục của Satan. Amen!

Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Tổng Đại Diện Gp Thanh Hóa