SUY NIỆM CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM C

08/07/2025
15


SUY NIỆM CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Ai là người thân cận của tôi? Đó là câu hỏi của nhà thông luật hỏi Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Thay vì trả lời trực tiếp cho ông ta, thì Chúa Giêsu đã kể cho ông ta nghe một dụ ngôn: Người Samaritano nhân lành.

Nhưng tại sao người Samaritano lại được gọi là nhân lành? Thật vậy, thưa anh chị em, thánh Luca đã mô tả rằng: Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô và rơi vào tay bọn cướp. Chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua con đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một thầy Levi khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Như vậy chúng ta thấy người Samaritano lại được gọi là nhân lành, bởi vì ông đã hành động yêu thương đối với người bị bọn cướp đánh nhừ tử, nửa sống nửa chết. Hơn thế nữa, ông chính là người anh em, người thân cận của nạn nhân bị đánh nửa sống nửa chết. Đó chính là câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho nhà thông luật, vì ông ta đã hỏi Ngài: Ai là người thân cận của tôi? Còn thầy tư tế, lêvi mặc dù đi ngang qua, thấy nạn nhân, nhưng họ đều tránh đi đường khác, vì họ sợ bị liên lụy hay nói đúng hơn là họ không có lòng thương xót.

Thưa anh chị em, ngày hôm nay, tình trạng giống như thầy tư tế và lêvi thì thiếu gì trong xã hội chúng ta đang sống? Đúng là như vậy, không thiếu, mà còn nhiều nữa là đàng khác. Ngay trong gia đình thôi, nạn bạo hành đang là vấn đề nhức nhối của xã hội ngày hôm nay. Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. 

Nạn bạo hành gia đình không chỉ ở ngoài xã hội đương đại, mà nó còn len lỏi vào trong các gia đình công giáo của chúng ta. Có biết bao nhiêu người chồng công giáo, nhưng họ sống như người không có đức tin: cũng phủ phu, độc ác, đánh ghen vợ con, lún sâu vào các tệ nạn xã hội làm cho gia đình tan nát, chia ly. Một điều chớ chêu nhất ở đây, đó là các thành viên trong gia đình đều là những người “thân cận” của nhau, nhưng họ lại biến nhau thành kẻ thù: cha con, mẹ con, anh chị em ruột thịt lôi nhau ra tòa kiện tụng nhau, tranh chấp nhau từng cm đất, từng đồng xu. Thậm chí vợ chồng còn hơn cả người thân cận, đó là đã được Thiên Chúa kết hợp thành một xương một thịt rồi, họ không còn là hai nữa, nhưng chỉ là một thôi, ấy thế mà cả hai đều biến nhau thành kẻ thù không đội trời chung. Ngày nay, ly hôn đã trở thành một tệ nạn xã hội. Nó thường xảy ra khắp mọi nơi, khắp hang cùng ngõ hẻm, không phân biệt tôn giáo hay không tôn giáo. Ngoài ra còn bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp, khiến các nhà chức trách phải đau đầu, chưa biết cách phải giải quyết thế nào cho êm thoả. Bởi vì đâu đó khắp nơi xảy ra nạn bạo lực học đường, từ mầm non cho đến đại học. Ngày 20/06/2025, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn kim Sơn cho biết, theo thống kê, có đến 70% học sinh có hành vi bạo lực đối với người khác đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, hoặc bố mẹ ly hôn, hoặc chứng kiến bạo lực gia đình, hoặc bản thân các em bị bạo lực gia đình.

Thế nhưng nguyên nhân nào dẫn con người đến tình trạng khốn đốn đó? Thưa tất cả đều không có lòng thương xót, sống thiếu tình người, thiếu tình anh em, thiếu tình bạn bè, thiếu tình hàng xóm láng giềng. Tất cả là thiếu lòng quảng đại hay nói đúng hơn là không có lòng quảng đại, không có lòng thương xót, cho nên người ta không thể tha thứ cho nhau. Và điều quan trọng nhất ở đây, đó là người ta không trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa, thực thi giáo huấn của Hội thánh, đời sống đức tin khô khan, nguội lạnh.

         Vì thế, người Samaritano nhân lành chính là mẫu gương cho mọi người chúng ta noi theo bắt chước. Nhưng muốn noi theo bắt chước, thì chúng ta cầng phải tập sống nhân đức thương người. Bởi vì muốn có nhân đức thì phải tập luyện. Ngay từ khi con cái còn nhỏ, chúng ta đã phải tập cho chúng biết sống thương người, sống quảng đại cho đi, cảm thông và chia sẻ. Noi gương người Samaritano, chúng ta hãy ra đi và làm như vậy, thay vì cứ ngồi đó mà hỏi : “Ai là người thân cận của tôi?

Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hoá