NHỮNG CƠN CÁM DỖ TRONG CUỘC ĐỜI
Cộng đoàn thân mến,
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có những cơn cám dỗ trong cuộc đời của mình. Đối với Chúa Giêsu cũng vậy. Những cơn cám dỗ không chỉ xảy ra trong thời gian Chúa Giêsu chay tịnh nơi hang địa, nhưng còn xảy ra trong suốt thời gian hoạt động công khai của Ngài. Những cơn cám dỗ ấy vẫn cứ kéo dài triền miên và đôi khi còn phát xuất từ chính các môn đệ của Ngài. Thí dụ có lần khi dân chúng của một làng kia không muốn đón nhận Chúa Giêsu, các môn đệ đòi đem lửa từ trời xuống để thiêu đốt họ ( Lc 9,55 ). Hay một lần khác, sau khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó mà Ngài phải gánh chịu, Phêrô kéo Ngài ra khỏi đám đông để ngăn cản Ngài. Bấy giờ Chúa Giêsu nghiêm giọng quở trách Phêrô: “Xéo đi xa khỏi Ta. Hỡi Sa tan, vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là ý tưởng của loài người” ( Mt 16,23 ).
Mặt khác, có khi những cám dỗ đem đến cho Chúa Giêsu từ dân chúng, vì họ muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua theo ý nghĩa trần thế. Nhưng đến giây phút cuối cùng, Ngài đã không làm các dấu lạ để thu hút dân chúng, để thị uy mà đạt được danh vọng.
Ngược lại, Đức Giêsu đã chọn con đường phục vụ trong tinh thần khiêm nhu và hy sinh để đóng trọn vai trò “người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa”. Qua đó Ngài thực hiện đúng chương trình và phương thế cứu rỗi nhân loại thể theo thánh ý của Thiên Chúa Cha, và Ngài đã đi trọn con đường này đến bước cuối cùng trên ngọn đồi Canvê, chấp nhận chết đau thương và xỉ nhục trên Thập giá để cứu rỗi loài người.
Cộng đoàn thân mến,
Bài học nào chúng ta có thể rút ra qua bài Tin Mừng hôm nay và qua cuộc sống gương mẫu của Chúa Giêsu? Trước tiên, vào Chúa Nhật I Mùa Chay mỗi năm, bài Tin Mừng về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa mời gọi chúng ta đi vào sa mạc của cuộc đời mình, để suy nghĩ về những cơn cám dỗ chúng ta đang phải chạm trán trong cuộc sống hằng ngày, như quá lo lắng cho miếng cơm manh áo, hay mất lòng tin nơi Thiên Chúa, vì Ngài không nhận lời chúng ta cầu xin, hay công việc làm ăn của chúng ta có liêm chính, công bằng không? Những hành động nào đang làm mất bầu khí hoà bình trong gia đình và ngoài thôn xóm? Nếp sống của chúng ta có xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu hay không? Chúng ta phải cải chừa những tính hư tật xấu nào và phải luyện tập những nhân đức nào? Đó là những việc làm mà chúng ta cần phải thực hiện trong Mùa Chay thánh.
Kế đó, khởi đầu của Mùa Chay, chúng ta hãy quyết tâm tận dụng trọn thời gian để ăn năn thống hối, để canh tân cuộc sống và thự sự trở thành một con người mới, sống một cuộc sống mới khi cùng cộng đoàn cử hành biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Vâng, đổi mới cuộc sống, cải thiện cuộc đời của mình chỉ là phương tiện chứ chưa phải là mục đích. Mục đích đời sống Kitô hữu của chúng ta là tiếp tục sống lại đời sống của Chúa Kitô với nhau và cho nhau. Vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thêm xác tín rằng, Chúa Giêsu đã không chọn sống và hoạt động như những người có uy quyền giàu sang và danh vọng, nhưng Ngài đã chọn con đường phục vụ trong khiêm nhu và hy sinh. Sự phục vụ và hy sinh ấy đã dẫn Ngài đến ngọn đồi Canvê để chết tất tưởi tang thương trên Thập giá vì yêu thương nhân loại.
Cơn cám dỗ của Chúa Giêsu cũng là cơn cám dỗ của mỗi chúng ta. Và cuộc chiến thắng của Chúa cũng là của chúng ta. Ai lại không trải qua ba cơn cám dỗ ấy?
Cơn cám dỗ thứ nhất là cuộc giao tranh ngàn đôi giữa xác thịt và thần trí. Giác quan của chúng ta đói khát bánh danh nhục dục. Cơn cám dỗ thứ hai tế nhị hơn hướng về “cái tôi” của mình, mình phải là trên hết, tài giỏi hơn cả, ai cũng phải nể nang kính phục. Cơn cám dỗ thứ ba là mộng trinh phục thế giới bằng tiền tài danh vọng, tự cho mình là Chúa, ngoài ta không có Chúa nào cả.
Như Chúa Giêsu, chúng ta hãy chống lại Satan và trả lời bằng ba chữ “không”: không chiều theo đòi hỏi của xác thịt, không chiều theo sự tự tôn và không đặt tiền tài làm Chúa tể.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn gặp những sự cám dỗ. Tiếng của thần dữ vẫn còn vọng lên: ngươi sẽ trở nên như Chúa. Chúa Giêsu mời chúng ta trở nên Con Thiên Chúa sống thân mật với Ngài. Thần dữ mời gọi ăn trái cấm. Chúa Giêsu khuyên ta lắng nghe lời Chúa và đem thực hành. Chính Ngài là Lời của Thiên Chúa, là của ăn nuôi linh hồn chúng ta.
Ngày nay, có một số người, khi nghe nói đến ma qủy cám dỗ, họ bỉu môi cho là việc tưởng tượng. Cha Ravignan, nhà diễn giả trứ danh nói rằng: Cái khôn ngoan của ma quỉ thời nay là làm cho người ta tin tưởng rằng nó không có, để dễ dàng hoạt động.
Đầu mùa Chay, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nhận ra những cám dỗ đang bủa vây cuộc đời của mỗi người và đứng vững trong đức tin mà chống trả lại những cơn cám dỗ ấy. Amen.
Lm. Joseph Phan Cảnh