NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG

10/11/2023
1105


NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Có một bài hát rất hay của nhạc sĩ Hoài An «  nếu chỉ còn một ngày để sống » mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng nghe. Lời của bài hát cũng rất gần với tâm tình của người công giáo chúng ta. Đại khái lời của bài hát như thế này : “Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời, làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh? Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm, làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông? Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành? Buồn vì ai, ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau. Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp, phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an?. Một cuộc đời đáng sống là một cuộc đời biết chuẩn bị cho ngày mình về với Chúa.

Vâng! Chỉ còn ít tuần nữa là năm Phụng vụ kết thúc, và chúng ta sẽ bắt đầu bằng một chu kỳ mới của năm Phụng vụ mới. Vì thế, các bài đọc kể từ Chúa nhật hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc trở lại của Chúa Giêsu trong ngày sau hết. Chúa Giêsu sẽ trở lại để gặp gỡ chúng ta, và cuộc đời của mỗi người là một cuộc đợi chờ. Chúng ta biết chắc Ngài sẽ đến, nhưng ngày nào và giờ nào thì không ai được rõ. Vậy mỗi người phải khôn ngoan trong giai đoạn đợi chờ này.

Người Việt Nam chúng ta thường có câu: "Khôn sống, dại chết", và ở đời người ta cũng thường ca tụng và thích gần gũi với những người khôn ngoan, cho nên người ta mới có câu ngạn ngữ: "Một năm sống với người đần không bằng một phút sống gần người khôn". Nhưng khôn ở đây không phải là khôn lỏi, tráo trở, lường gạt, đạp lên đầu người khác, để ai chết mặc ai, miễn là mình được sống.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật 32 thường niên hôm nay đưa ra dụ ngôn năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại ( Mt 25,1-13 ), dĩ nhiên Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta phải được xếp vào phía những người khôn ngoan, tức là những người luôn chuẩn bị đầy đủ và luôn sẵn sàng để gặp gỡ Chúa. Năm cô khôn ngoan cũng ngủ như năm cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Dầu mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm : khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ. Cách sống của năm cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn. Chúa Giêsu dạy chúng ta phương thế qua dụ ngôn mười cô Trinh nữ  đi đón chàng rể, trong đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Chúng ta biết rằng, đám cưới Do thái thường tổ chức ban đêm. Người ta sẵn sàng đèn đóm đi đón chàng rể. Chúng ta thấy, qua dụ ngôn, chàng rể là Chúa Giêsu và không biết Ngài sẽ đến lúc nào, giờ nào.

Trong bài đọc thứ 2, thánh Phaolô nhắc lại cho giáo dân đang lo sợ niềm tin của họ ngày chịu phép rửa tội. Họ đã tin vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục sinh sống lại, thì điều đã xảy ra trong quá khứ chính là niềm hy vọng trong tương lai. Trong ngày Chúa lại đến, tất cả những ai đã được Rửa tội, sống công chính thánh thiện, dầu còn sống hay đã chết, đều được dự vào bữa tiệc hoan lạc, cả hồn lẫn xác. “Vì khi hiệu lệnh ban ra, tiếng Tổng Lãnh Thiên Thần và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời xuống và những người đã chết trong Đức Kitô, sẽ sống lại, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên các tầng mây, đi đón Chúa Kitô và được ở cùng Ngài luôn mãi” ( Tx 4,16 ). Đó là niềm tin của chúng ta và đó là niềm hy vọng của những ai buồn sầu vì số phận phải chết.

Nhưng muốn vào dự Tiệc Thánh thì chúng ta phải làm thế nào? Một lần Thánh Gioan Don Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì ?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”. Hãy sống giây phút hiện tại với một sự thức tỉnh đợi chờ.

Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình ; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng được sống. “ Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào Chúa của anh em sẽ tới” ( Mt 25,13 ).

 

Lm. Joseph Phan Cảnh
BTT Giáo Phận Thanh Hoá