Môi trường lao động trong xã hội Việt Nam, một địa chỉ mới cho sứ vụ Phúc-âm-hóa

22/05/2020
881

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J.
 
WHĐ, 21-05-2020 - Trong thời gian gần đây, người ta nhắc nhiều đến những cảnh bảo về vấn nạn môi trường và biến đổi khí hậu, thế nên Thông điệp Laudato Si' do Đức giáo hoàng Phanxicô ban hành gây được tiếng vang và để lại nhiều âm hưởng thức thời đối với thế giới. Với người Công giáo, Laudato Si' được đón nhận như tiếng nói ngôn sứ của vị mục tử Hội thánh hoàn vũ đang đánh thức người đương thời trước thảm trạng đang đe dọa con người. Và ở Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã có nhiều hoạt động gây ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường; ở cấp giáo phận cũng có nhiều chương trình hưởng ứng phong trào chăm sóc môi trường, cải thiện hoàn cảnh sống, v.v... Thế nhưng, khi hưởng ứng tinh thần Laudato Si' chúng ta không chỉ dừng lại ở nỗ lực củng cố và bảo vệ môi trường thiên nhiên mà thôi nhưng còn được mời gọi đi sâu vào “nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái” (Ls, số 101) vì “con người cũng là những thụ tạo của thế giới này, vui hưởng quyền được sống và hạnh phúc, được ban tặng một phẩm giá độc nhất” (Ls, số 43). Với tâm tư đó, Đức giáo hoàng cũng thẳng thắn chỉ ra những tác nhân của suy thoái sinh thái ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, trong đó có môi trường lao động vốn ảnh hưởng bởi mô hình kinh tế “kỹ trị”.

Một mô hình kinh tế kỹ trị “chấp nhận mọi tiến bộ trong công nghệ miễn là có lợi nhuận, mà không quan tâm đến ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng của nó trên con người” (Ls, số 109) là điều không thể chấp nhận được vì chuyên môn hóa trong công nghệ khiến cho sự phát triển bấp bênh và khập khiễng (Ls, số 110), thiếu sự trân trọng đúng mực đến phát triển con người toàn diện. Đức Phanxicô trích dẫn Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes để nhấn mạnh đến trách nhiệm phải bảo vệ người lao động vì con người là nguồn mạch, tâm điểm và mục đích của tất cả đời sống kinh tế và xã hội (Ls, số 127). “Mục tiêu rộng hơn là phải giúp họ có một cuộc sống tràn đầy nhân phẩm” (Ls, số 128) qua những thành quả lao động chứ không chỉ biết nhắm đến mục đích thu hoạch sản phẩm như một tiêu chí đánh giá thành phẩm. Khi sản phẩm là mục đích duy nhất của sản xuất và thành phẩm được đặt lên trên nhân phẩm thì mô hình đó không còn giữ được giá trị ưu việt vì nó tạo nên một nền văn hóa loại trừ gây nên cuộc khủng hoảng lương tâm trong điều hành sản xuất. Phải chăng đây cũng là điều trăn trở đối với người Công giáo trong sản xuất kinh doanh?

Việc cải thiện môi trường thiên nhiên thì dễ vì có kinh phí là có thể thực hiện bất cứ ứng dụng sinh thái nào, nhưng việc cải hóa môi trường lao động lại là một thách đố. “Con người dường như không còn tin vào một tương lai hạnh phúc nữa; họ không còn tin tưởng mù quáng vào một ngày mai tươi sáng dựa trên tình trạng hiện tại của thế giới và những khả năng kỹ thuật” vì “người ta ý thức hơn về sự tiến bộ khoa học và công nghệ không thể đánh đồng với sự tiến bộ của nhân loại và lịch sử” (Ls, số 113). Một môi trường lao động nhân bản không thể lệ thuộc thuần túy vào kĩ năng hiện đại nhưng phải được nuôi dưỡng bằng bản năng Kitô giáo vì “tình yêu xã hội và sự dấn thân cho thiện ích chung là những biểu hiện tuyệt vời của lòng bác ái” (Ls, số 231). Có một chủ doanh nghiệp người Công giáo đã từng tâm sự về mô hình quản trị mà tôi tâm đắc: để có thể chăm lo cho đời sống công nhân, công ty tổ chức bếp ăn tập thể cho toàn bộ nhân viên từ lãnh đạo công ty cho đến người người bảo vệ xí nghiệp đều có thể gặp gỡ và chia sẻ với nhau trong từng bữa cơm; để tận dụng chính sách phòng cháy chữa cháy đối với xí nghiệp theo quy định, công ty đã cải tạo bồn chứa nước chữa cháy thành hồ bơi tập thể cho công nhân, vừa đảm bảo nguồn nước dự trữ lại vừa có thể tạo một mô hình thể thao tiết kiệm. Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng người lao động được quyền “nghỉ ngơi xứng hợp, và được quyền hưởng một môi trường làm việc trong lành để bảo vệ sức khỏe thể lý và đời sống luân lý của mình” (Laborem Exercens, số 19).

Trong thực tế, môi trường lao động hiện nay rất đáng báo động. Có đi thực địa đời sống của anh chị em công nhân ở chung quanh các khu công nghiệp trong nước và lao động ở ngoài nước mới thấy đời sống con người đang bị đe dọa một cách trầm trọng cả về thể lý lẫn luân lý. Ở trong nước, mặt bằng lương thấp so với khung thị trường cao dẫn đến tình trạng “sống thấp”. Người lao động phải ở chung phòng thuê chật chội thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, đồng lương không đủ trang trải những sản phẩm sạch có nguồn gốc ở siêu thị nên phải tạm tiêu ở đầu đường cuối chợ dẫn đến một tương lai bị suy yếu thể lực và suy nhược thể lý sẽ ảnh hưởng đến việc sinh sản và đời sống cao niên. Cuộc sống chung đụng giữa những người trẻ, có khi khác giới tính, đẩy đến những cạm bẫy về mặt luân lý và đạo đức mà sức non tuổi kém không cưỡng lại được để giữ mình. Đối với đời sống người lao động ngoài nước cũng chỉ nhỉnh hơn lao động trong nước về mức lương căn bản so theo thị trường và mức sống của nước sở tại; tuy nhiên, gánh nặng tiền vay và chi phí cho việc đầu tư một hồ sơ lao động ngoài nước luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi khiến đồng lương ngoại tệ không đủ tạo lực để có được một cuộc sống ổn định hơn. Hầu hết những công việc tại các xí nghiệp dành cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài là những việc ẩn chứa nhiều rủi ro, chuyên môn thấp, tai nạn lao động cao. Cứ hỏi bất cứ một di dân Công giáo nào từ các chương trình xuất khẩu lao động trở về sẽ nếm được ngay vị đắng của đời di dân.
Đứng trước thực tế đó, đâu là những động lực có thể đóng góp vào việc cải hóa môi trường lao động? Thiển nghĩ, có 3 động lực chủ đạo: nền tảng giáo huấn của Hội thánh, thiện chí cá nhân và quyết tâm của tập thể.

Hội thánh tại Việt Nam đang tiến bước với chủ đề mục vụ “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội”, với quyết tâm sống giá trị Phúc Âm của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh sống của từng người với tâm thế “thương xót như Chúa Cha” trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Nếu từng cá nhân tín hữu có thiện chí góp phần vào đời sống mục vụ chung của Hội thánh thì chắc chắn đời sống đức ái của từng người sẽ có sức lan tỏa trong môi trường của riêng mình. “Không một hệ thống nào có thể hoàn toàn ngăn chặn sự mở lòng của chúng ta đối với điều thiện hảo, chân thật và tuyệt mỹ, hoặc ngăn chặn khả năng Thiên Chúa ban cho chúng ta để đáp trả ân sủng của Ngài đang hoạt động trong đáy sâu tâm hồn” (Ls, số 205). Một cách hiệu quả, các nhà lãnh đạo trong các đơn vị kinh doanh có thể chủ động nhìn lại quy trình sản xuất và vận hành của mình để gạn lọc những yếu tố đang phá vỡ môi trường lao động theo tiêu chuẩn Kitô giáo, quyết tâm cải hóa và củng cố tập thể nhân sự do mình có trách nhiệm điều hành được vận hành đúng tâm thức của đức tin. Hơn thế nữa, Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót luôn nhắc nhớ chúng ta về “ánh mắt yêu thương” của Chúa đã giúp con người thoát vòng nô lệ vật chất và hạnh phúc chóng qua, “ánh mắt yêu thương” đó luôn mời gọi chúng ta chiêm ngắm và trở nên chính đôi mắt yêu thương của Chúa đối với con người, nhất là những ai đang chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống cần sự thấu cảm của chúng ta. Và như thế, việc cải hóa và chăm sóc môi trường lao động không chỉ dừng lại ở việc chỉnh đốn hệ thống và cơ sở nhưng con là cuộc canh tân tâm thế trong tương quan giữa con người với con người vốn là anh chị em của nhau trong đại gia đình của Thiên Chúa.

Một doanh nghiệp được điều hành bằng tình thương, vận hành với lòng nhân, và thực hành các định hướng phát triển nhân phẩm, chứ không thuần túy “kỹ trị” bằng sản phẩm, sẽ tạo nên một môi trường lao động thăng tiến công bình phù hợp với đức ái Kitô giáo vì “kinh doanh là một ơn gọi cao quý khi theo định hướng tạo ra sự giàu có và cải thiện thế giới, nó có thể là một nguồn thịnh vượng dồi dào” cho cộng đồng nếu việc kinh doanh “tạo ra việc làm như một phần thiết yếu của sự phục vụ công ích” (Ls, số 129).

Với quyết tâm cùng với Hội thánh “chăm sóc ngôi nhà chung” của gia đình nhân loại theo tinh thần Laudato Si', Ủy ban Bác ái Xã hội và Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đang cùng triển khai mô hình kinh doanh “không-vì-lợi nhuận” (Not for profit) với pháp nhân kinh tế hợp lệ và hoạt động minh bạch, tạo điều kiện hỗ trợ cho những người trẻ có giới hạn học vấn và tay nghề đạt điều kiện khởi nghiệp thông qua quý Cha đặc trách Mục vụ Di dân của 26 giáo phận. Mô hình mô hình kinh doanh “không-vì-lợi nhuận” là một trong nhiều quyết tâm xây dựng môi trường lao động công bằng, nhân ái, trung thực, hiệu quả; đóng góp cho xã hội địa phương một nguồn lực lao động trẻ “có tài có tâm” đáp ứng tầm cao của nhu cầu đô thị đang ngày càng khắc nghiệt.

Kiến tạo một môi trường lao động theo giáo huấn của Hội thánh Chúa là lời ca Laudato Si': Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN Số 96 (tháng 9 & 10 năm 2016)