
GIỮ VỮNG ĐỨC TIN GIỮA NHỮNG TIN TỨC XÁO TRỘN
Suy tư được gợi hứng từ Cv 15,1-2.22-29 – Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm C
Thời đại truyền thông: Ân huệ hay thách đố?
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên bùng nổ của thông tin. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và kết nối mạng, mọi người có thể tiếp cận tin tức từ khắp nơi trên thế giới: chính trị, khoa học, văn hóa, tôn giáo… Tin tốt, tin xấu, tin thật tin giả đều xuất hiện chỉ qua một cái chạm tay. Đó vừa là một ân huệ, vừa là một thách đố cho người Kitô hữu hôm nay.
Một trong những thách đố ấy là các tin tức tiêu cực về Giáo hội: tai tiếng, khủng hoảng, thất bại nơi các mục tử hay bất toàn nơi cộng đoàn tín hữu. Những tin ấy không phải lúc nào cũng sai, nhưng cách đưa tin có thể khiến nhiều người hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin, hoặc đánh mất lòng trung thành với Hội Thánh.
Đức Phanxicô đã cảnh báo chúng ta về điều này: “Truyền thông ngày nay cho phép ta tiếp cận một sự thật rút gọn và lập lờ. Điều này đôi khi có thể dẫn đến sự thao túng, bị ảnh hưởng bởi các lợi ích kinh tế hoặc ý thức hệ.” (Evangelii Gaudium, số 45)
Vậy người tín hữu nên có thái độ nào trước những xáo trộn ấy? Trích đoạn sách Công vụ Tông đồ (Cv 15,1-2.22-29) có thể giúp ta định hướng lại đức tin giữa thời đại truyền thông đầy nhiễu loạn.
1. Hội Thánh không miễn nhiễm với khủng hoảng
Ngay từ thời các Tông đồ, Hội Thánh đã từng đối diện với những khủng hoảng nghiêm trọng. Một số người từ Giuđê đến rao giảng một giáo lý méo mó: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, anh em không thể được cứu độ” (Cv 15,1).
Tư tưởng này khiến cộng đoàn dân ngoại hoang mang. Một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra giữa ông Phaolô và ông Banaba với những người này: “Ông Phaolô và ông Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ” (Cv 15,2). Nếu không được giải quyết đúng đắn, nguy cơ chia rẽ, mất định hướng đức tin là điều khó tránh khỏi.
Như vậy, trong bất kỳ thời đại nào Hội Thánh cũng luôn phải đối diện với những khủng hoảng từ bên trong và bên ngoài. Điều quan trọng là cách Hội Thánh đáp lại: bằng sự hoán cải, phân định và hiệp thông.
2. Hội Thánh chọn con đường hiệp hành và phân định
Thay vì né tránh khủng hoảng, các Tông đồ và kỳ mục đã triệu tập Công đồng Giêrusalem. Họ không tìm cách bảo vệ danh dự hay quyền lực, nhưng thành tâm lắng nghe nhau và phân định dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
“Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết…” (Cv 15,28).
Thái độ hiệp hành này mang lại niềm vui và sự hiệp nhất cho cộng đoàn: “Khi đọc thư ấy, các tín hữu rất vui mừng vì được an ủi” (Cv 15,31). Đây cũng là điều mà Đức Phanxicô đã cảm nghiệm: “một cộng đoàn truyền giáo có khả năng chữa lành, biết đồng hành với con người, và không bao giờ đóng cửa lòng trước ai cả.” (Evangelii Gaudium, số 46)
3. Trưởng thành trong cách tiếp nhận thông tin
Hội Thánh hôm nay cũng mời gọi các Kitô hữu cần phân định khi sử dụng các phương tiện truyền thông như Đức Phanxicô dạy: “Người Kitô hữu được mời gọi hiện diện trên mạng xã hội với tinh thần trách nhiệm, nhằm xây dựng một môi trường truyền thông lành mạnh, thúc đẩy sự thật và tình yêu thương” (Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông Xã hội lần thứ 53 năm 2019). Vì thế, chúng ta cần:
ü Đừng vội chia sẻ nếu chưa kiểm chứng nguồn gốc và nội dung các thông tin.
ü Nhìn toàn cảnh, đừng để một tai tiếng che mờ bao công trình thánh thiện và thầm lặng của Hội Thánh.
ü Cầu nguyện cho những người vấp ngã, và cho chính mình, để biết khiêm tốn nhận ra sự yếu đuối của nhân loại.
ü Kiên vững trong đời sống đức tin, vì nếu một tín hữu rời bỏ Hội Thánh trong thất vọng, Hội Thánh sẽ mất đi một chi thể tốt lành.
4. Không chỉ là người tiếp nhận tin – mà là người kiến tạo
Đức Lêo XIV trong lần gặp gỡ đầu tiên với giới truyền thông trên cương vị Giáo hoàng đã nói: “Truyền thông không chỉ là chuyển tải thông tin, mà còn là việc kiến tạo một nền văn hóa, những môi trường nhân bản và kỹ thuật số trở thành không gian của đối thoại và trao đổi. Các bạn không chỉ là những người đưa tin, mà là những người gieo mầm hoà bình, những người thắp lên ngọn lửa của sự thật trong trái tim nhân loại.”
Vì thế, mỗi Kitô hữu chúng ta không chỉ là người tiêu thụ thông tin, mà còn là người kiến tạo văn hóa, văn hóa sự thật, tình yêu và hiệp thông khi hiện diện trực tuyến để góp phần xây dựng Hội Thánh và xã hội:
ü Bằng cái nhìn xây dựng thay vì tiêu cực.
ü Bằng đời sống chứng tá, thay vì chỉ trích.
ü Bằng tinh thần hiệp thông, thay vì chia rẽ và thất vọng.
Đức tin trưởng thành không phải là đức tin không gặp thử thách, nhưng là đức tin trung thành với Chúa và Hội Thánh giữa những thử thách. Như Hội Thánh thời các Tông đồ đã vượt qua khủng hoảng nhờ Thánh Thần, ngày nay mỗi người chúng ta cũng được mời gọi bước đi cùng Thánh Thần, để trở thành người chữa lành, chứ không phải người làm lan rộng tổn thương.
“Thánh Thần và chúng tôi…” – Ước gì đó cũng là xác tín trong cách sống và xây dựng Hội Thánh hôm nay của mỗi chúng ta.
Gợi ý suy tư và chia sẻ
1. Tôi đã từng nghe hay đọc tin tiêu cực nào về Giáo hội chưa? Phản ứng đầu tiên của tôi là gì?
2. Câu nói “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15,28) gợi cho tôi điều gì về vai trò của Chúa Thánh Thần và cộng đoàn Hội Thánh?
3. Tôi đang góp phần xây dựng hay làm tổn thương Hội Thánh qua:
- Cách tôi nói về người khác?
- Những gì tôi chia sẻ trên mạng xã hội?
- Cách tôi sống đời Kitô hữu mỗi ngày?
4. Tôi có sẵn sàng trở thành người kiến tạo hiệp nhất và chữa lành không?
5. Tôi có thể làm gì cụ thể trong tuần này để:
- Bảo vệ danh dự Hội Thánh?
- Góp phần xây dựng một môi trường truyền thông lành mạnh?
- Làm chứng cho Chúa giữa thế giới kỹ thuật số?
Bài viết: Joseph Lee