GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C

27/03/2025
477
Header

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C

WHĐ (27/3/2025) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 4 Mùa Chay năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 1439, 1465, 1481, 1700, 2839: Đứa con hoang đàng

Số 207, 212, 214: Thiên Chúa trung tín với những lời hứa của Ngài

Số 1441, 1443: Thiên Chúa tha tội và đưa các tội nhân về lại với cộng đoàn

Số 982: Cánh cửa của sự tha thứ luôn rộng mở cho bất cứ ai bỏ tội lỗi trở về

Số 1334: Bánh ăn hằng ngày của dân Israel là sản phẩm của Đất hứa

Bài Ðọc I: Gs 5, 9a. 10-12

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 17-21

Phúc Âm: Lc 15, 1-3. 11-32

Số 1439, 1465, 1481, 1700, 2839: Đứa con hoang đàng

Số 1439. Chúa Giêsu đã mô tả tiến trình hối cải và thống hối một cách tuyệt vời trong dụ ngôn quen được gọi là dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” mà trọng tâm của nó là “Người cha nhân hậu”[1]: sự quyến rũ của một thứ tự do sai lạc, việc rời bỏ nhà cha; sự đau khổ cùng cực sau khi phung phí tất cả tài sản; sự nhục nhã sâu xa khi thấy mình phải đi chăn heo, và còn tệ hơn nữa, ước muốn ăn cám heo mà không được; việc suy nghĩ lại về những điều thiện hảo đã bị đánh mất; sự hối hận và quyết định nhận mình có lỗi trước mặt cha; con đường trở về; việc đón nhận bao dung của người cha; niềm vui của người cha: Đó là những nét tiêu biểu của tiến trình hối cải. Áo đẹp, nhẫn và tiệc mừng là những biểu tượng của một đời sống mới, thanh sạch. xứng đáng, tràn ngập niềm vui, đó là đời sống của người trở về cùng Thiên Chúa, giữa lòng gia đình của Ngài, là Hội Thánh. Chỉ trái tim Đức Kitô, Đấng thấu suốt các tầng sâu thẳm của tình yêu của Cha Người, mới có thể mạc khải cho chúng ta tận đáy lòng thương xót của Thiên Chúa một cách đơn sơ và đầy vẻ đẹp như vậy.

Số 1465. Khi cử hành bí tích Thống Hối, tư tế chu toàn thừa tác vụ của vị Mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc, của người Samaritanô nhân hậu băng bó các vết thương, của người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng và đón nhận nó khi nó trở về, của vị thẩm phán công chính không thiên vị ai, và xét xử vừa công bằng vừa hay thương xót. Tắt một lời, tư tế là dấu chỉ và là dụng cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Số 1481. Phụng vụ Byzantin có nhiều công thức xá giải, mang hình thức cầu khẩn, diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm tha thứ: “Thiên Chúa đã dùng tiên tri Nathan mà tha thứ cho Đavid khi ông xưng thú tội mình. Ngài đã tha thứ cho ông Phêrô khi ông khóc lóc đau đớn, đã tha thứ cho người kỹ nữ khi cô nhỏ lệ trên chân Chúa, đã tha thứ cho người thu thuế và cho đứa con hoang đàng. Xin chính Thiên Chúa tha thứ cho bạn, qua tôi, là kẻ tội lỗi, ở đời này và đời sau, và không kết án bạn, khi đòi bạn phải ra trước toà phán xét khủng khiếp của Ngài, Ngài là Đấng được chúc tụng muôn đời. Amen”[2].

Số 1700. Phẩm giá của nhân vị bắt nguồn từ việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (Mục 1); phẩm giá này được hoàn thành trong ơn gọi đến hưởng vinh phúc thần linh (Mục 2). Trách nhiệm của con người là tự nguyện hướng tới sự hoàn thành đó (Mục 3). Bằng những hành vi có ý thức của mình (Mục 4), nhân vị sống phù hợp hay không phù hợp với điều thiện hảo mà Thiên Chúa đã hứa và lương tâm chứng nhận (Mục 5). Người ta tự xây dựng bản thân mình và tăng trưởng nội tâm: họ sử dụng toàn bộ đời sống cảm giác và tinh thần của họ làm chất liệu cho sự tăng trưởng của mình (Mục 6). Nhờ ân sủng trợ giúp, họ tăng trưởng về nhân đức (Mục 7), xa lánh tội lỗi, và nếu đã phạm tội, họ sẽ như đứa con hoang đàng[3], phó thác cho lòng thương xót của Cha chúng ta trên trời (Mục 8). Như vậy, con người đạt tới sự trọn hảo của đức mến.

Số 2839. Với lòng phó thác bạo dạn, chúng ta đã bắt đầu cầu nguyện với Cha chúng ta. Khi nguyện xin Ngài cho Danh Ngài cả sáng, chúng ta đã xin Ngài luôn thánh hoá chúng ta hơn nữa. Nhưng, dù đã mặc chiếc áo Rửa Tội, chúng ta vẫn không ngừng phạm tội, và quay lưng lại với Thiên Chúa. Giờ đây, trong lời cầu xin mới này, chúng ta trở lại với Ngài, như đứa con hoang đàng[4], và thú nhận mình là tội nhân trước mặt Ngài, như người thu thuế[5]. Lời cầu xin của chúng ta bắt đầu bằng “việc xưng thú”, qua đó chúng ta vừa thú nhận sự khốn cùng của chúng ta, và đồng thời, vừa tuyên xưng lòng thương xót của Ngài. Niềm hy vọng của chúng ta thật vững chắc, bởi vì, trong Con của Ngài, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,14)[6]. Chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha thứ của Ngài trong các bí tích của Hội Thánh Ngài[7].

 

Số 207, 212, 214: Thiên Chúa trung tín với những lời hứa của Ngài

Số 207. Khi mạc khải Danh Ngài, Thiên Chúa đồng thời mạc khải lòng trung tín của Ngài, một lòng trung tín có từ muôn thuở và cho tới muôn đời, một lòng trung tín có giá trị trong quá khứ (“Ta là Thiên Chúa của cha ngươi”, Xh 3,6) cũng như trong tương lai (“Ta sẽ ở với ngươi”, Xh 3,12). Thiên Chúa, Đấng mạc khải Danh Ngài là “Đấng Hiện Hữu”, đã tự mạc khải mình là vị Thiên Chúa luôn có mặt, luôn hiện diện với dân Ngài để cứu độ họ.

Số 212. Trải qua các thế kỷ, đức tin của Israel đã có thể khai triển và đào sâu hơn nữa các ý nghĩa phong phú chứa đựng trong việc mạc khải Danh thánh của Thiên Chúa. Thiên Chúa là duy nhất, ngoài Ngài ra không có thần nào hết[8]. Ngài siêu việt trên vũ trụ và lịch sử. Chính Ngài tạo dựng trời đất. “Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài; chúng như áo cũ thảy rồi mòn hao…. Nhưng chính Ngài tiền hậu y nguyên; tháng năm Ngài vẫn triền miên” (Tv 102,27-28). Nơi Ngài, “không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1,17). Ngài là “Đấng Hiện Hữu” từ muôn thuở đến muôn đời và như vậy Ngài là Đấng luôn trung tín với chính mình Ngài và với các lời hứa của Ngài.

Số 214. Thiên Chúa, “Đấng Hiện Hữu”, đã tự mạc khải cho Israel như Đấng “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Hai từ ngữ ấy diễn tả một cách cô đọng những sự phong phú của Danh Thiên Chúa. Trong mọi công trình của Ngài, Thiên Chúa biểu lộ lòng quảng đại, sự tốt lành, an sủng và tình yêu của Ngài; Ngài cũng cho thấy Ngài là Đấng đáng được tin tưởng, là Đấng bền vững, trung tín, chân thật: “Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương” (Tv 138,2)[9]. Ngài là Chân Lý, vì “Thiên Chúa là Ánh Sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào” (1 Ga 1,5); Ngài là “Tình Yêu” (1 Ga 4,8), như thánh Tông Đồ Gioan dạy.

 

Số 1441, 1443: Thiên Chúa tha tội và đưa các tội nhân về lại với cộng đoàn

Số 1441. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội[10]. Bởi vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nên Người nói về mình: “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mc 2,10), và Người thực thi quyền thần linh này: “Con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5)[11]. Hơn nữa, dựa vào quyền bính thần linh của mình, Đức Kitô còn ban quyền đó cho những con người[12] để họ thực thi quyền tha tội nhân danh Người.

Số 1443. Trong đời sống công khai của Người, Chúa Giêsu không những đã tha tội, mà còn biểu lộ hiệu quả của việc tha tội này: Người đã đưa các tội nhân được tha thứ về lại với cộng đoàn dân Thiên Chúa, cộng đoàn mà tội lỗi đã khiến họ phải xa lìa, hay thậm chí khiến họ bị loại trừ. Một dấu chỉ tỏ tường của việc này là, Chúa Giêsu đã đón nhận các tội nhân vào bàn tiệc của Người, hơn nữa, chính Người ngồi đồng bàn với họ, cử chỉ này, một cách hùng hồn, vừa diễn tả ơn tha thứ của Thiên Chúa[13] và đồng thời, vừa nói lên sự trở về giữa lòng dân Thiên Chúa[14].

 

Số 982: Cánh cửa của sự tha thứ luôn rộng mở cho bất cứ ai bỏ tội lỗi trở về

Số 982. Không có tội nào, dù nặng nề đến mấy, mà Hội Thánh không thể tha thứ. “Không người nào, dù gian ác và xấu xa đến đâu, lại không thể hy vọng chắc chắn mình được tha thứ, miễn là người đó thật sự thống hối về các lầm lạc của mình”[15]. Đức Kitô, Đấng đã chết cho tất cả mọi người, muốn rằng: các cửa của sự tha thứ trong Hội Thánh của Người luôn rộng mở cho bất cứ ai bỏ tội lỗi trở về[16].

 

Số 1334: Bánh ăn hằng ngày của dân Israel là sản phẩm của Đất hứa

Số 1334. Thời Giao Ước cũ, trong số các hoa trái đầu mùa của ruộng đất, bánh và rượu được dâng lên làm lễ vật, với tính cách một dấu chỉ của lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hoá. Nhưng chúng còn mang một ý nghĩa mới trong bối cảnh cuộc Xuất Hành: Các bánh không men mà người Do Thái hằng năm vẫn ăn trong dịp lễ Vượt Qua, gợi nhớ đến sự vội vã của cuộc ra đi thoát khỏi Ai Cập; kỷ niệm về manna trong sa mạc luôn nhắc nhớ dân Israel rằng họ sống bằng bánh là Lời Chúa[17]. Cuối cùng, bánh ăn hằng ngày là sản phẩm của Đất hứa, là bảo chứng việc Thiên Chúa trung tín với các lời hứa của Ngài. “Chén chúc tụng” (1 Cr 10,16) vào cuối bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, đã thêm cho rượu một ý nghĩa cánh chung ngoài niềm vui lễ hội, đó là sự trông chờ Đấng Messia đến tái tạo Giêrusalem. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể của Người, Chúa Giêsu đã ban một ý nghĩa mới và dứt khoát cho việc dâng lời chúc tụng trên bánh và chén rượu.

 

Bài Ðọc I: Gs 5, 9a. 10-12

"Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua".

Bài trích sách Giosuê.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: "Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!" Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cánh đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

 Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.

 Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.

 

Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 17-21

"Thiên Chúa đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình".

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu ai ở trong Ðức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Ðấng đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Ðấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Ðức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18

Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.

 

Phúc Âm: Lc 15, 1-3. 11-32

"Em con đã chết nay sống lại".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó". Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy".

Ðó là lời Chúa.

----------

[1] X. Lc 15,11-24.

[2] Eukologion to mega (Athens 1992) 222.

[3] X. Lc 15,11-31.

[4] X. Lc 15,11-32.

[5] X. Lc 18,13.

[6] X. Ep 1,7.

[7] X. Mt 26,28; Ga 20,23.

[8] X. Is 44,6.

[9] X. Tv 85,11.

[10] X. Mc 2,7.

[11] Lc 7,48.

[12] X. Ga 20,21-23.

[13] X. Lc 15.

[14] X. Lc 19,9.

[15] Catechismus Romanus, 1, 11, 5: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 124.

[16] X. Mt 18,21-22.

[17] X. Đnl 8,3.