GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM C

12/12/2024
82
Header


GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM C

WHĐ (12/12/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 3 Mùa Vọng năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 30, 163, 301, 736, 1829, 1832, 2015, 2362: Niềm vui

Số 523-524, 535: Thánh Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đấng Messia

Số 430-435: Chúa Giêsu - Đấng Cứu Độ

Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a

Bài Ðọc II: Pl 4,4-7

Phúc Âm: Lc 3, 10-18

Số 30, 163, 301, 736, 1829, 1832, 2015, 2362: Niềm vui

Số 30. “Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỉ!” (Tv l05,3). Dù con người có thể quên lãng hay chối từ Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mọi người tìm kiếm Ngài để họ được sống và đạt được hạnh phúc. Nhưng việc tìm kiếm này đòi hỏi con người phải có nỗ lực của trí tuệ, sự ngay thẳng của ý chí, “một tấm lòng thành”, và phải có cả chứng từ của những người khác để dạy con người tìm kiếm Thiên Chúa.

“Lạy Chúa, Chúa vĩ đại và rất đáng ca tụng: quyền năng của Chúa cao cả và sự khôn ngoan của Chúa thật khôn lường. Và con người, một phần nhỏ bé trong các thụ tạo của Chúa, con người trong thân phận phải chết, mang nơi mình chứng tích của tội lỗi mình và chứng tích việc Chúa chống lại kẻ kiêu căng: vậy mà con người như vậy, một phần nhỏ bé trong các thụ tạo của Chúa, muốn ca tụng Chúa. Chính Chúa thúc giục để con người vui thích ca tụng Chúa, bởi vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con không yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”[1].

Số 163. Đức tin làm cho chúng ta như được nếm trước niềm hoan lạc và ánh sáng của ơn hưởng kiến hồng phúc (visio beatifica), ơn đó là mục đích của cuộc lữ hành trần gian này của chúng ta. Lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12), và “Ngài thế nào chúng ta sẽ thấy Ngài như vậy” (1 Ga 3,2). Vì vậy đức tin đã là khởi đầu của sự sống muôn đời:

“Khi chúng ta chiêm ngưỡng, như nhìn trong gương, ân sủng là những điều thiện hảo còn xa vời được hứa ban cho chúng ta, mà nhờ đức tin chúng ta mong chờ được hưởng, thì y như những điều đó đã có đây rồi”[2].

Số 301. Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ mặc thụ tạo của Ngài. Không những Thiên Chúa cho chúng hữu thể và hiện hữu, nhưng Ngài còn luôn luôn giữ gìn chúng “hiện hữu”, cho chúng có thể hoạt động và dẫn đưa chúng đến cùng đích của chúng. Nhận biết sự lệ thuộc tuyệt đối như vậy vào Đấng Tạo Hoá là nguồn mạch của sự khôn ngoan và tự do, của niềm vui và sự tin tưởng:

“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,24-26).

Số 736. Nhờ sức mạnh đó của Chúa Thánh Thần, các con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái. Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ làm cho chúng ta mang lại hoa trái của Thần Khí, là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính mình[3], Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động[4].

“Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được phục hồi để vào thiên đàng, được dẫn lên Nước Trời, được ban ơn làm nghĩa tử: chúng ta được vững lòng để gọi Thiên Chúa là Cha của mình, và thông phần vào ân sủng của Đức Kitô, được gọi là con cái ánh sáng và dự phần vào vinh quang vĩnh cửu”[5].

Số 1829. Niềm vui, sự bình an và lòng thương xót là như hoa trái của đức mến. Đức mến đòi hỏi phải làm điều tốt và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ; đức mến thì nhân hậu; nó khơi dậy sự tương thân tương ái, không tìm tư lợi, và quảng đại; đức mến là tình bằng hữu và sự hiệp thông:

“Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ”[6].

Số 1832. Các hoa trái của Thần Khí là những điều trọn hảo mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội Thánh kể ra mười hai hoa trái: “Bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh” (Gl 5,22-23 vulg.).

Số 2015. Con đường của sự trọn hảo phải đi qua thập giá. Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng.[7] Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình, là những điều từng bước dẫn tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc:

“Ai trèo lên, người đó không bao giờ ngừng từ bắt đầu này tiếp sau bắt đầu kia, qua những bắt đầu không chấm dứt. Người đó không bao giờ ngừng ao ước điều người đó đã biết rồi”[8].

Số 2362. “Những hành vi…, qua đó đôi phối ngẫu kết hợp với nhau cách thân mật và khiết tịnh, đều ngay chính và xứng đáng, và khi được thực hiện cách thật sự nhân bản, những hành vi ấy biểu thị và khích lệ sự hiến thân cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong tâm tình vui mừng và biết ơn”[9]. Tính dục là nguồn mạch của sự hoan lạc và thú vui.

“Chính Đấng Tạo Hoá ... cũng đã sắp đặt để, trong nhiệm vụ sinh sản, đôi phối ngẫu gặp được thú vui và hạnh phúc cả thân xác cả tinh thần. Vì vậy, đôi phối ngẫu chẳng làm điều gì xấu, khi tìm kiếm và tận hưởng thú vui đó. Họ đón nhận những gì Đấng Tạo Hoá đã nhắm ban cho họ. Tuy nhiên, đôi phối ngẫu cũng phải biết giữ mình trong những giới hạn của sự tiết độ chính đáng”[10].

 

Số 523-524, 535: Thánh Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đấng Messia

Số 523. Thánh Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô trực tiếp của Chúa[11], đã được sai đến để dọn đường[12]. Thánh nhân là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc l,76), troi vượt tất cả mọi Tiên tri[13], và là vị Tiên tri cuối cùng[14]. Thánh nhân khởi đầu Tin Mừng[15]; ngay từ trong lòng mẹ đã đón chào Đức Kitô đến[16], và tìm thấy niềm vui trong việc được làm “bạn của chú rể” (Ga 3,29), Đấng mà thanh nhân chỉ cho biết là Chiên “Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga l,29). Thánh nhân đi trước Chúa Giêsu trong “thần trí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1,17), và làm chứng cho Người bằng lời rao giảng của mình, bằng phép rửa thống hối của mình và cuối cùng bằng cuộc tử đạo của mình[17].

Số 524. Mỗi năm khi cử hành phụng vụ Mùa Vọng, Hội Thánh thể hiện lại niềm mong đợi Đấng Messia: khi hiệp thông với sự chuẩn bị lâu dài để đón Đấng Cứu độ ngự đến lần thứ nhất, các tín hữu canh tân lòng sốt sắng đón chờ Người ngự đến lần thứ hai[18]. Khi mừng sinh nhật và cuộc tử đạo của vị Tiền Hô, Hội Thánh hợp nhất với ước nguyện của thánh nhân: “Đức Kitô phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).

Số 535. Chúa Giêsu khởi đầu[19] quãng đời công khai bằng việc Người chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Giođan[20]. Ông Gioan rao giảng “phép rửa tỏ lòng thống hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Đông đảo những người tội lỗi, thu thuế, binh lính[21], Pharisêu và Sađoc[22], cùng những cô gái điếm[23], đến xin ông làm phép rửa. “Bấy giờ Chúa Giêsu đến”. Vị Tẩy Giả ngần ngại, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu: Người chịu phép rửa. Lúc đó, Chúa Thánh Thần, lấy hình chim bồ câu, ngự xuống trên Chúa Giêsu, và có tiếng phán từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,l3-l7). Đây là việc Chúa Giêsu tỏ mình ra (“Hiển Linh”) với tư cách là Đấng Messia của Israel và là Con Thiên Chúa.

 

Số 430-435: Chúa Giêsu - Đấng Cứu Độ

Số 430. Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ của Người[24]. Bởi vì không ai “có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7), cho nên, trong Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Ngài, đã làm người, chính Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Như vậy, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa tóm kết toàn bộ lịch sử cứu độ của Ngài cho nhân loại.

Số 431. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không chỉ bằng lòng với việc giải thoát Israel khỏi “cảnh nô lệ” (Đnl 5,6) khi đưa họ ra khỏi Ai cập. Ngài còn cứu họ khỏi tội lỗi của họ nữa. Bởi vì tội luôn là một xúc phạm đến Thiên Chúa[25], nên chỉ mình Ngài mới có quyền tha tội[26]. Vì vậy, khi Israel càng ý thức rõ hơn về tính phổ quát của tội lỗi, họ càng không thể tìm kiếm ơn cứu độ ngoài việc khẩn cầu danh Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc[27].

Số 432. Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của Con Ngài[28], Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát. “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ[29], và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người[30] đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12)[31].

Số 433. Thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ được vị thượng tế kêu cầu mỗi năm một lần để xin ơn xá tội cho Israel, khi ông lấy máu của hy lễ rảy lên bàn xá tội trong nơi Cực Thánh[32]. Bàn xá tội xưa là nơi Thiên Chúa hiện diện[33]. Khi thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3,25), ông muốn nói rằng trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài” (2 Cr 5,l9).

Số 434. Việc phục sinh của Chúa Giêsu làm hiển vinh thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ[34], bởi vì từ lúc đó Danh Giêsu bày tỏ cách trọn vẹn quyền năng tối thượng của “Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-l0). Các Thần dữ khiếp sợ Danh Người[35], và nhân Danh Người, các môn đệ Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ[36], bởi vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha đều ban cho họ[37].

Số 435. Danh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm của kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả các lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu “và Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ”. Lời tâm nguyện của Giáo Hội Đông phương, gọi là “Lời khẩn nguyện Chúa Giêsu” (oratio Iesu) thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nhiều Kitô hữu đã chết khi mieng chỉ kêu danh thánh “Giêsu”, như thánh nữ Jeanne d’Arc[38].

 

Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a

“Chúa sẽ hân hoan vì người”.

Trích sách Tiên tri Xôphônia.

Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa. Trong ngày đó, ở Giêrusalem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.

Đó là lời Chúa.

 

Đáp ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Đấng Thánh của Israel thật cao cả..

Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: Vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Đấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của tôi.

Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Đấng Thánh của Israel thật cao cả..

2) Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Đấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất cao trọng.

Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Đấng Thánh của Israel thật cao cả.

3) Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, Đấng Thánh của Israel thật cao cả.

Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Đấng Thánh của Israel thật cao cả.

 

Bài Ðọc II: Pl 4,4-7

“Chúa gần đến”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa ! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên. Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Đó là lời Chúa.

 

Alleluia: Is 61,1; x.Lc 4,18)

Alleluia, alleluia! - Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 3, 10-18

“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì ?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì ?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì ?” Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Ki tô chăng ?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi thì lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người. Chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt !”. Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Đó là lời Chúa.

______

[1] Thánh Augustinô, Confessiones, 1, 1, 1: CCL 27, 1 (PL 32, 659-661).

[2] Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 15, 36: SC 17bis, 370 (PG 32,132); x. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 4, a. 1, c: Ed. Leon. 8, 44.

[3] X. Mt 16,24-26.

[4] X. Gl 5,25.

[5] Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 15,36: SC 17bis, 370 (PG 32, 132).

[6] Thánh Augustinô, In epistulam Ioannis ad Parthos tractatus, 10, 4: PL 35, 2056-2057.

[7] X. 2 Tm 4.

[8] Thánh Grêgôriô Nyssênô, In Canticum homilia 8: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger-H. Langerbeck, v. 6 (Leiden 1960) 247 (PG 44, 941).

[9] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 49: AAS 58 (1966) 1070.

[10] ĐGH Piô XII, Allocutio iis quae interfuerunt Conventui Unionis Catholicae Italicae inter Ostetrices, (29/10/1951): AAS 43 (1951) 851.

[11] X. Cv 13,24.

[12] X. Mt 3,3.

[13] X. Lc 7,26.

[14] X. Mt 11,13.

[15] X. Cv 1,22; Lc 16,16.

[16] X. Lc 1,41.

[17] X. Mc 6,17-29.

[18] X. Kh 22,17.

[19] X. Lc 3,23.

[20] X. Cv 1,22.

[21] X. Lc 3,10-14.

[22] X. Mt 3,7.

[23] X. Mt 21,32.

[24] X. Lc 1,31.

[25] X.Tv 51,6.

[26] X.Tv 51,11.

[27] X. Tv 79,9.

[28] X. Cv 5,41; 3 Ga 7.

[29] X. Ga 3,18; Cv 2,21.

[30] X. Rm 10,6-13.

[31] X. Cv 9,14; Gc 2,7.

[32] X. Lv 16,15-16; Gv 50,22; Dt 9,7.

[33] X. Xh 25,22; Lv 16,2; Ds 7,89; Dt 9,5.

[34] X. Ga 12,28.

[35] X. Cv 16,16-18; 19,13-16.

[36] X. Mc 16,17.

[37] X. Ga l5,l6.

[38] X. La réhabilitation de Jeanne la Pucelle. L’enquête ordonnée par Charles VII en 1450 et le codicille de Guillaume Bouille, ed. P. Doncoeur-Y. Lanhers (Paris 1956) 39. 45. 56.

 

Nguồn: hdgmvietnam.com