ĐAU KHỔ - MỘT THÁCH ĐỐ CHO ĐỨC TIN CON NGƯỜI HÔM NAY
1. Xin khởi đi từ một câu chuyện.
Có một người đàn ông đã hoàn toàn thất vọng. Ông đi đến một nhà thờ, đến trước một tượng Chúa chịu nạn, rồi than thở, kể lể và trách Chúa vì những thảm kịch cứ liên tục đổ xuống trên ông như cơn lũ khủng khiếp. Kho tàng khổng lồ chứa đầy hàng hóa của ông đã bị một toán cướp tấn công, cướp phá và đốt cháy rụi. Rồi sau khi đứa con của ông đã từ ông thì những đầy tớ không chịu đựng nổi những khó khăn gian khổ cũng bỏ ông ra đi. Người vợ đau ốm của ông ngày một còm cõi và đi dần đến cái chết nhưng ông cũng chẳng còn tiền cho bà chữa bệnh và cũng chẳng có tiền để mua thuốc cho bà uống dù chỉ để cầm chừng. Ông chẳng còn gì ngoài nỗi xót xa và bất hạnh đang bao trùm và vùi dập ông.
Người đàn ông này đã cầu nguyện một cách chua chát: Chúa ơi, con đến đây để trao lại cho Ngài niềm tin, tình yêu và hy vọng của con. Từ nay, con sẽ không tin vào Ngài nữa, sao Ngài lại quá nhẫn tâm đến như vậy? Ngài chỉ muốn tình yêu phải được thử thách bằng đau khổ thôi sao?
Sau khi phàn nàn với những lời cay đắng và thất vọng như thế, ông ra về. Vừa về đến nhà thì ngạc nhiên chưa từng thấy. Ông nhìn thấy ngôi nhà và kho hàng hoá đang được tái thiết và hầu hết những mặt hàng trước đây của ông đang được chất vào kho như cũ. Người vợ bệnh hoạn của ông đã tươi tắn hẳn lại và tinh thần rất sảng khoái chạy đến ôm chầm lấy ông khi ông vừa bước chân đến nhà. Một phép lạ đã xảy đến cho vợ ông và bà đã được mạnh khoẻ hoàn toàn, trên mặt biểu lộ nét vui tươi hớn hở. Vui sướng đến ngập lòng, người đàn ông vội vàng trở lại nhà thờ và ông rất kinh hoàng sợ hãi bởi ngôi đền thờ đã sụp đổ, chỉ còn là đống gạch vụn. Và ông nghe có tiếng vọng lại với ông, khó khăn lắm ông mới hiểu được câu nói đó:
Này con, con không thể yêu Ta qua chính những đau khổ, nhưng Ta thì yêu thương con như con đang thấy đây. Vội nhìn lên thì người đàn ông chỉ nhìn thấy duy nhất một cây thánh giá đã bị bể nát, trên đó Chúa Giêsu khổ nạn đã bị biến dạng, vẻ mặt tiều tụy, xấu xí và đáng thương đang bị treo trên đó.
Vâng, đau khổ dường như là một cái gì đó gắn liền với thân phận của kiếp người, như Nguyễn Công Trứ đã từng diễn tả: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, đời có vui sao chẳng cười khì”. Hay như giáo lý nhà Phật đã bảo: “đời là bể khổ mà mỗi người chúng ta như cánh bèo dạt trôi trên đó”. Trong kinh “lạy nữ vương” chúng ta thường đọc: “chúng con ở nơi khóc lóc than thở…”. Đúng thế, trần gian này là một thung lũng nước mắt. Tiếng nức than van thì nhiều hơn tiếng cười rạng rỡ. Ngày vui thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn ngày buồn thì đầy những tiếng thở dài… bởi đó, chúng ta có thể xác quyết được rằng: “sống là đau khổ”.
2. Thái độ trước đau khổ của những người không có niềm tin.
Đứng trước vấn đề đau khổ, những người không có đức tin sẽ nguyền rủa, sẽ phẫn uất, bi quan và dao động. Họ sẽ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ, bởi theo họ nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài lại để cho họ phải đau khổ? Tại sao lại để cho động đất, sóng thần, khủng bố bạo lực xảy ra triền miên? Tại sao những người tốt thì luôn gặp đau khổ, còn những kẻ xấu thì lại được hưởng niềm vui, hạnh phúc?. Tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước nỗi thống khổ của con người? ... và vô vàn câu hỏi tại sao nữa. Không phải chỉ có những người không có niềm tin, mà ngay cả những người có đức tin khi gặp đau khổ, họ cũng có thái độ phản kháng như vậy. Và như thế, đau khổ là một vật cản con người đến với niềm tin. Vậy phải làm sao để có được một đức tin vững chắc trước đau khổ?.
3. Thái độ trước đau khổ của những người có niềm tin.
Đứa bé vừa thoát thai từ lòng mẹ đã mang tiếng khóc chào đời, phải chăng như dấu hiệu nói lên “đời là bể khổ”. Dù muốn hay không, sự đánh dấu đau khổ cũng đã gắn liền với kiếp nhân sinh ngay từ những giây phút đầu đời. Nguyên nhân của đau khổ chính là do sự dữ, do tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian (Rm 5, 12). Từ một lúc nào đó sự dữ, sự tội, sự ác đã có mặt trong thế gian này, do con người đã phá vỡ trật tự hài hoà mà Thiên Chúa đã thiết định khi tạo dựng (St 2, 16-17; 3, 1-7). Sự dữ xuất hiện như một hiện tượng và là một thực tại bi đát của những thương đau trong kiếp người. Sự dữ hiện hữu dưới mọi hình thức và tàng ẩn trong chính tâm khảm của con người. Nó tự động phát triển, lây lan và thâm nhập vào mọi sinh hoạt của con người. Nó chế ngự con người một cách vô hình và và đưa đến hậu quả đau khổ một cách đương nhiên tuỳ thuộc vào mức độ nguyên nhân. Người ta làm mọi cách để tránh khổ. Bao nhiêu tôn giáo xuất hiện là để “cứu khổ”. Dù sao thì sự dữ vẫn nằm trong quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể biến cải sự dữ thành sự lành (Câu chuyện Giuse : St 37-50), Đấng chấp nhận cho cỏ lùng và lúa cùng lớn lên đợi cho đến mùa gặt (Mt 13, 29-30), Đấng “cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. (Mt 5, 45). Chúng ta không có quyền tiêu diệt người ác, nhưng chúng ta có bổn phận phải tiêu diệt sự ác trong con người, trước tiên nơi chính mình. Vì thế, tự bản chất, cuộc sống đòi hỏi một sự thanh tấy sự dữ không ngừng ở nơi chính mình, vì chính mình là mầm mống trước tiên gây nên biết bao đau khổ cho mình và cho người khác.
Sách Giob đã cố gắng trả lời vấn đề này cho dầu chưa mỹ mãn, nhưng cuối cùng, đau khổ vẫn là một huyền nhiệm, con người không thể hiểu hết những nguyên do sâu thẳm của nó ngoài việc nhìn ngắm Đức Kitô trên thập giá như chứng tích của tình yêu.
Tuy có những nguyên do sâu thẳm ta không thể hiểu hết được, nhưng đau khổ không phải là sự đối kháng của con người, không phải là một mãnh lực bên ngoài phải loại trừ, trái lại, đau khổ thực sự là một mầu nhiệm linh thiêng gắn liền với cuộc sống con người. Tuy người ta sợ hãi nhưng đau khổ thực sự là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống làm người. Không có đau khổ, con người “sẽ không lớn nổi thành người”, không thể hoàn thành “định mệnh” của mình, và càng không thể hiểu được giá trị chân thực của đời sống làm người. Như vậy đau khổ có một ý nghĩa và giá trị nhất thiết để hoàn thành chính mình theo Thiên ý . Thật vậy, chính “Đức Giêsu cũng phải trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn” (Dt 2,10) và Ngài cũng “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8), để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Ngài (1Pr 2, 22). Ai đến trong cuộc trần cũng đều mong chiếm hữu hạnh phúc cho mình. Nhưng Chúa Giêsu đến thì Ngài lại mong chu toàn thánh ý Cha, mà thánh ý Cha là “chén đắng”, là nhục hình, để đánh đổi lấy hạnh phúc cho nhân loại. Những ai bước theo Ngài: này con xin đến để chu toàn Thánh Ý (TV 40) cũng nhận lấy chén đắng mà Chúa Giêsu đã uống để đánh đổi hạnh phúc cho mình và cho anh em. Như vậy, Chúa cứu độ con người không bằng con đường nào khác ngoài con đường đau khổ đến tận cùng, để có thể thanh tẩy và đền bù tội lỗi của họ. Với định hướng này, đau khổ không còn là những phản kháng trần tục, nhưng là một phương tiện thần thiêng Chúa dùng để tinh luyện và thánh hoá đời sống con người.
Cũng như Sự dữ giúp ta nhận ra tính cách chân chính của Sự thiện, thì Đau Khổ cũng giúp ta nhận ra tính cách cao quí của Hạnh Phúc. Chính nhờ đó mà con người giảm bớt đi những đam mê ích kỷ, những tham vọng và thoả mãn cá nhân, đồng thời nỗ lực tìm hiểu và khám phá ra những đường nẻo của Thiên Chúa trong cuộc đời. Tuỳ theo mức độ nhận thức này người ta sẽ ý thức và xác tín được ơn gọi cao cả làm người và làm con cái Thiên Chúa: “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Trong sự khổ tâm của chính mình ta mới hiểu được những nỗi khổ tâm của người khác. Khi mong được sự cảm thông trong tình cảnh khốn đốn của mình ta mới biết cảm thông với bao nỗi bất hạnh trong cuộc đời. “Đồng bệnh tương lân”, lâm vào tình cảnh bi ai mới biết thương người khốn khó. Tình yêu chân chính không thể lớn lên nơi một tâm hồn thiếu vắng và muốn tránh né đau khổ. Cuộc sống chẳng ý nghĩa và đẹp đẽ gì khi con người không chấp nhận khổ đau. Không ai ưa thích sự đau khổ, nhưng trong đau khổ người ta yêu chuộng và khám phá ra bí quyết sống hạnh phúc. Trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn, đau khổ giúp ta nhận ra sự thật và giả trá, chân lý và sai lầm, giúp ta vươn lên trên con đường tiến tới CHÂN -THIỆN- MỸ.
4. Từ Cuộc hành trình đức tin của Ông Giob.
Cuộc đời của mỗi người chúng ta đều có những thử thách khác nhau, nhưng điều quan trọng là mình có biết vượt qua những thử thách đó hay không. Giữa những lúc đen tối của cuộc đời bủa vây, hãy nhìn về ánh sáng của niềm tin và hy vọng. Hãy thắp lên ngọn lửa của tin yêu để thấy những kỳ công Chúa thực hiện. Cuộc hành trình đức tin trong tăm tối của Giob là một minh chứng.
Giob là một tôi tớ vẹn toàn của Thiên Chúa, ông là một mẫu người vẹn toàn cả về đời sống thiêng liêng lẫn nhân bản, một người giầu có và được nhiều người kính nể. Nhưng không vì thế mà ông tự cao tự đại, trái lại, ông có một đời sống đạo đức tinh tuyền: “kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (G 1,1). Chớ trêu thay, ông lại gặp những đau khổ và thử thách quá lớn trong cuộc đời. Ông đã mất hết tất cả mọi sự và ngay chính bản thân ông cũng bị đau đớn ghê sợ về thể xác.
Trong hoàn cảnh như Giob, chắc chắn sẽ có rất nhiều người sẽ nguyền rủa Thiên Chúa vì ngài để cho họ phải chịu quá nhiều đau khổ, nhưng Giob thì không, Giob đã không để cho miệng lưỡi mình có một lời nào xúc phạm đến Thiên Chúa. Ông chỉ cố gắng đi tìm cho mình một lời giải đáp từ Thiên Chúa mà thôi. Ông mong ước mình có thể gặp gỡ Thiên Chúa để ông xin Ngài cho ông biết lý do tại sao ông lại phải chịu khổ như vậy? và xin Ngài chỉ cho ông biết lý do để sống, cũng như giải thích cho ông lý do để hy vọng. Nhưng để có được lời giải đáp này, Giob vẫn ở trong tình trạng vô cùng bế tắc và cùng quẫn không một lối thoát.
Các bạn của Giob thì cho rằng tại vì ông có tội nên mới bị phạt như thế. Bản thân ông thì cho rằng mình vô tội và ông lý luận rằng chẳng lẽ đau khổ lại là con đường của kẻ vô tội sao? Trong khi đó, quan niệm truyền thống thì cho rằng đó là một sự trừng phạt dành cho kẻ có tội. Tất cả những điều đó như bóng tối bủa vây, làm cho Giob khó xử và sự lo sợ phải xa đối tượng mà ông đang tìm kiếm lại càng gia tăng.
Mặc dù Giob muốn đi tìm lời giải đáp cho những đau khổ của mình, nhưng lại có quá nhiều thử thách và trở ngại dành cho ông. Điều đầu tiên Giob trải nghiệm đó là câu hỏi về Thiên Chúa: nếu có một Thiên Chúa yêu thương, công bằng thì tại sao người công chính lại phải chịu đau khổ? Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan nhưng tại sao lại điều tra tỉ mỉ một con người mà Ngài thừa biết là vô tội? tại sao Chúa lại coi rẻ công trình sáng tạo của Ngài? Giob cho rằng ông đã không phản bội Chúa, ông vô tội, vậy tại sao ông lại phải chịu khổ như thế này? Quả thực, đây là những câu hỏi không có lời giải đáp và sự bế tắc của Giob ngày một tồi tệ hơn. Không những đau đớn về thể xác, Giob còn bị giày xéo bởi những lời cay độc của chính người “đồng hành” trong cuộc sống với ông: “ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi, hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” ( G 2,9 ). Giob đã phải chịu một sức ép quá lớn đến từ gia đình. Bạn bè thì cho rằng đau khổ xảy đến là để trừng phạt tội lỗi của ông. Thực sự đây là một nỗi đau quá lớn của Giob.
Tuy Giob phải một mình mò mẫm trong đêm tối, nhưng niềm tin của ông không hề bị dập tắt mà nó vượt lên cao hơn cả những chán chường để cho Giob thấy “ánh sáng bừng lên trong đêm tối” và “ánh sáng cuối đường hầm”. Sau những lời than vãn, ai oán và những thất vọng. Giob vẫn tin tưởng và quả quyết rằng ông có “một nhân chứng ở trên cao”, có “Một người bảo lãnh trên chốn cao xanh”, đó chính là Thiên Chúa. Chỉ có Người mới có khả năng phân xử và trả lại cho ông những gì đã mất. Với tất cả tự do của con người và bằng niềm tin, Giob đã chấp nhận đi vào lô- gíc của tình yêu Thiên Chúa: ông tin rằng nếu như Thiên Chúa tỏ tình thương của Ngài đối với những con nai, nếu như Ngài lắng nghe tiếng kêu của con quạ non, thì huống chi đối với con người, Ngài lại không ân cần chăm sóc họ sao? Chính niềm tin này đã giúp cho Giob vượt qua những thử thách. Ông hiểu rằng vết thương do sự im lặng của Thiên Chúa gây ra nơi mình lại chính là niềm hy vọng. Khi tự đánh mất mình đi lại là lúc Giob tìm lại được chính mình, một Giob theo ý của Thiên Chúa. Sau khi đi hết đường hầm tối tăm, Giob đã tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời mình. Đó chính là ánh sáng đã bừng lên trong hành trình đức tin tăm tối của Giob.
5. Niềm tin và hy vọng sẽ chiến thắng đau khổ.
Trong đời sống cá nhân, có những lúc, có những thời điểm tôi cũng thấy thất vọng buồn bã như Giob. Mặc dù tôi không mất tất cả cùng một lúc như Giob, tôi đã mất đi một người thân yêu. Tôi cũng than trách Chúa: “Chúa ơi! tại sao Chúa lại để cho sự đau khổ buồn bã đó xảy đến cho con?” và rất nhiều câu hỏi tại sao? tại sao nữa?... Chúa đã đáp lại tôi như Ngài đã từng trả lời cho Giob: “ngươi là ai mà dám gạn hỏi đường lối của Ta”.
Vâng! Dù chúng ta là ai, có tôn giáo hay không đều cần phải có niềm tin và hy vọng, cả những lúc hoàn cảnh xem ra bi đát, đen tối và đầy tuyệt vọng: ông Giob, một người công chính và kính sợ Thiên Chúa, bị sập nhà, mất hết hàng ngàn gia súc, tiêu tan hết tài sản, con chết, vợ chửi, ung nhọt từ gan bàn chân đến đỉnh đầu, ngồi dưới đống tro lấy mảnh sành mà gãi…ông đau đớn đến nỗi nguyền rủa ngày sinh: “tại sao tôi không chết đi khi mới vừa ra khỏi dạ, tắt thở khi mới lọt lòng” ( G 3,11 ) vẫn có lời đáng khâm phục: “ tôi trần truồng lọt lòng mẹ, tôi cũng trần truồng trở về nơi đó. Chúa ban cho rồi Chúa lại lấy đi, đáng chúc tụng thay danh Chúa” (G 1,21 ). Thật sự niềm tin và hy vọng tuyệt vời của ông đã được “Giavê chúc lành cho tình trạng mới của Giob hơn tình trạng cũ. Ông có mười bốn ngàn chiên và sáu ngàn lạc đà, ngàn cặp bò và ngàn lừa cái. Ông được bảy trai và ba gái…cả xứ không tìm đâu được người nữ nào xinh đẹp bằng con gái ông… (G 42, 12-15). Quả thực đây là bài học tuyệt với về niềm tin và hy vọng cho bản thân tôi.
Đặc biệt, chúng ta đang sống trong một thế giới mà không ngày nào không có chết chóc, bạo lực và đau khổ lan tràn, làm cho con người mất hết ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa quyền năng và tình thương. Là một mục tử. Tôi cần học tập Giob, xác tín sự hiện diện của Chúa rằng Ngài vẫn có đó, vẫn hiện diện sống động với con người bằng một tình yêu mãnh liệt và sự cảm thông của Đấng “khi còn sống kiếp phàm nhân, đã lớn tiếng rơi lệ nài xin Chúa Cha” (Dt 5,7) như chúng ta khi gặp thử thách. Người đời có thể bỏ rơi nhau khi gặp nguy hiểm, nhưng với Đức Kitô, “mục tử nhân lành thí mạng vì đoàn chiên” (Ga 10,11 ) thì “Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi” ( Dt 13,5 ). Tôi phải xác tín điều đó để không bao giờ cho phép mình tuyệt vọng, nhưng luôn kiên vững và trở thành chứng nhân của niềm tin, niềm hy vọng cho tha nhân.
Qua sách Giob, tôi thấy mình phải tin tưởng hơn nữa và phải tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài có cách giáo dục riêng của Ngài đối với con người. Mặc dù có những lúc tôi cảm thấy như Chúa vắng bóng, không thấy Ngài đâu cả, nhưng qua Giob tôi thấy Thiên Chúa luôn đi bước trước để Ngài mở lối dẫn dắt con người bước đi trong đêm tối, và những đau khổ mà con người phải chịu không bao giờ Chúa để cho quá sức chịu đựng của con người, bởi vì ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta.
Cuối cùng, trong chương trình cứu độ quan phòng của Thiên Chúa, tôi tin rằng đau khổ không bao giờ nhận chìm con người, nhưng mời gọi con người tỉnh thức và vươn lên trong sự thiện, trong nỗ lực cậy trông và tin tưởng. Đau khổ nhắc nhở tôi về thân phận và kiếp sống mỏng manh của mình, để đừng có bám víu vào bất cứ điều gì hay bất cứ người nào, mà chỉ đặt hy vọng vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Qua Giob, tôi thấy được rằng, Chúa thương ai nhiều, thì Chúa cũng muốn cho họ đau khổ nhiều hơn, để họ được nên tinh tuyền và hoàn thiện trong tình yêu. Xác tín vào điều đó để khi gặp đau khổ, tôi biết cậy trông vào Chúa, luôn bình tâm trong mọi nỗi khổ đau của cuộc đời mình để giữ vững niềm tin, thế thôi.
Để kết thúc, xin được mượn lời cầu nguyện của một ai đó: “ Lạy Chúa, con cầu xin ơn mạnh mẽ để thành đạt trong cuộc đời, Chúa lại làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời khiêm hạ. Con cầu xin có sức khỏe, để mong thực hiện những công trình lớn lao, Chúa lại cho con ra tàn tật, để chỉ làm những việc nhỏ tốt lành. Con cầu xin được giầu sang, để sống sung sướng thoải mái, Chúa lại cho con nghèo nàn để biết thế nào là khôn ngoan. Con cầu xin cho có được uy quyền, để mọi người phải kính nể ca ngợi, Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết con cần Chúa. Con xin gì cũng chẳng được theo ý muốn. Nhưng những điều con đáng phải mơ ước, mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin, thì Chúa lại ban cho con thật dư đầy từ lâu. Xin cho con luôn biết chúc tụng Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời”.
Joseph Cảnh Phan