CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CỦA MỖI CHÚNG TA | Hướng tới ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

11/05/2024
749


CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CỦA MỖI CHÚNG TA
Hướng tới ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

DẪN NHẬP

Trước công đồng Vaticanô II, Chúa Thánh Thần là một ngôi vị bị lãng quên trong một góc trời xa lạ đầy huyền bí. Thánh Linh như ngọn lửa đom đóm leo lét, chập chờn giữa một đêm đông âm u giá lạnh kéo dài gần 14 thế kỷ. Thần Khí như ngọn gió hắt hiu trên sườn đồi cô đơn cuối chân trời. Mới khoảng 30 gần đây, các phong trào Thánh Linh, phong trào Canh Tân Đặc Sủng …phát triển khá rầm rộ với số thành viên lên tới hàng triệu người. Riêng ở Việt nam, có lẽ do hoàn cảnh đặc thù, nên những phong trào này mới được số ít người biết đến và hoạt động tương đối âm thầm. Nhìn chung, đại đa số giáo dân chúng ta vẫn còn xa lạ với Thánh Thần. Tại sao vậy? Có lẽ chúng ta vẫn còn mang cặp mắt nhân loại. 

Hội Thánh muốn làm nổi bật sự hiện diện và vai trò của Ngài trong việc thực thi ơn cứu độ của Thiên Chúa. Mặt khác, Hội Thánh cũng muốn làm cho mọi người mở lòng ra để  Chúa Thánh Thần soi dẫn.Trong thực tế, từ xưa cho đến nay, ta thấy rất ít tài liệu của các nhà thần học trình bày về các hoạt động của Chúa Thánh Thần cách rõ ràng và sống động. Ngay cả nền thần học Tây phương cũng dành một chỗ rất khiêm tốn để nói đến các công trình của Ngài. Cho nên, nhiều người Ki-tô hữu hầu như không hiểu biết về vai trò Chúa Thánh Thần, họ lại càng không thể yêu mến Ngài trong đời sống thường ngày : vì “vô tri bất mộ”. Vì thế, họ xa lạ với Chúa Thánh Thần và hầu như chỉ biết có Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần nhưng chưa hiểu biết các công trình hoạt động của Ngài và Ngài có giúp gì cho đời sống người Ki-tô hữu không. Nhiều người còn nghi ngờ về sự hiện diện của Ngài, do các công trình của Ngài qúa tế nhị, nhẹ nhàng xem như không có vậy. Ngài là Vị Thiên Chúa bị quên lãng giữa Ba Ngôi. Quả thực, người tín hữu chúng ta không ý thức được đầy đủ rằng Chúa Thánh Thần đang sống trong mình như hơi thở và Ngài thôi thúc chúng ta làm điều thiện, ban những ơn cần thiết để cho chúng ta chu toàn bổn phận, chính Ngài làm cho chúng ta kết hợp thâm sâu với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vì thế, những trang viết về “VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KI-TÔ HỮU” không nhằm trình bày một đề tài về Chúa Thánh Thần, nhưng ở đây người viết chỉ muốn gây ý thức rằng : đời sống của người Ki-tô hữu là sống trong ơn của Chúa Thánh Thần, đồng thời  họ biết mở rộng lòng ra để đón nhận các ơn của Ngài và để Ngài dẫn dắt chúng ta hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu của đời sống người Ki-tô hữu.

I. CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

Trong Kinh Thánh ta chỉ thấy rõ Chúa Thánh Thần hiện diện một vài lần dưới những hình ảnh khác nhau : hơi thở, gió, lửa, nước, chim câu... Đây chỉ là vài biểu tượng mà con người thấy để nhận biết Ngài, nhưng không một hình ảnh nào diễn tả được đầy đủ mạc khải của Thiên Chúa. Một khi người ta nhận được các tác động, hiệu quả của Chúa Thánh Thần thì lúc đó chúng ta biết rằng Ngài hiện hữu. 

1. Chúa Thánh Thần là hơi thở 

Khi mới chào đời, yếu tố cần thiết nhất cho cuộc sống con người là hơi thở. Một khi không thở được, lập tức đứa trẻ chết ngay và người ta gọi nó là đứa chết ngạt. Nó sẽ không có khai sinh, không có tên gọi và bị xem như không hiện hữu trên đời. Chính nhờ hơi thở mà người ta phân biệt người sống với người chết. Còn thở là còn sống, tắt thở là chết. Hơi thở  quan trọng biết bao đối với cuộc sống con người.

Trong Kinh Thánh, Thần Khí được ví như là hơi thở, là sự sống xuất hiện ngay từ khi vũ trụ được tạo thành. “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước"  (St 1,2). Chính nhờ Thần Khí này mà con người đầu tiên trở thành sinh vật có sự sống. Khi dựng nên A-đam Thiên Chúa đã thở hơi vào thân xác vừa được nhào nặn từ bùn đất, lập tức thân xác ấy sống động ( St 2,7). Hơi thở đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Người khi con người nhắm mắt xuôi tay. Sinh khí mà rút lại thì mọi loài sống động sẽ chết và trở về cát bụi ( Tv 103,29). Hơi thở hay sinh khí không đối lập với thân xác hay những gì là vật chất, cũng không ở ngoài thân xác, nhưng là chính sự sống của thân xác hay cơ thể. Tuy nhiên, con người không thể làm chủ được hơi thở của mình, cũng không thể giữ nó mãi trong mình, vì hơi thở chính là đặc tính của Thiên Chúa. Đặc tính này diễn tả cái mà nhờ đó thế giới trở nên sinh động, có sự sống và cũng tạo ra những khả năng nơi con người : kẻ có thể làm tông đồ, kẻ được ơn khôn ngoan  để giảng dạy, kẻ được ơn nói tiếng lạ… (1Cr 12, 4-11). Đối với Thiên Chúa, hơi thở của Ngài là một biểu tượng khả giác về sự hiện diện và quyền năng của Ngài, quyền mà Thiên Chúa dùng để phát ra lời được biểu hiện trong hơi thở. Hơi thở của Ngài là “nguồn” của mọi loài. Chúng sống được là nhờ sinh khí của Ngài (St 2,7 ; 6,17 ; Hc 3, 9-21). 

Theo quan niệm Cựu Ước thì “thần khí” chưa phải là một ngôi vị, vì nó là một nguyên lý hoạt động. Nó thuộc về Giavê, và có thể được thông ban cho các sinh vật, nhưng không bao giờ biến thành một yếu tố trong cơ cấu của các sinh vật ấy. (Norberto, Thiên Chúa Ba Ngôi, tr. 52)

Sang Tân ước, Thần Khí mới là Ngôi Ba Thiên Chúa, là tác động đầy quyền năng của Thiên Chúa. “Thần Khí sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên Bà" (Lc 1,35). Một tác động rõ ràng và quan trọng nhất là việc Đức Giê-su Phục Sinh. “Người đã chịu đóng đinh vì mang thân  phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa" ( 2Cr 13,4 ; Ep 1,18-22). Quyền năng lớn lao ấy chính là Thần Khí. Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người ngự trong anh em, mà làm cho thân các anh em được sự sống mới.( Rm 8,11 )

Như thế, hơi thở-gió giúp ta hướng đến Chúa Thánh Thần là Đấng đang sống trong mỗi người và mỗi sinh vật. Ngài không chỉ hiện hữu và giúp ta trong đời sống thể lý, mà còn hoat động và giúp mỗi người cảm nhận sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa. Chính nhờ Thần Khí mà người Ki-tô hữu mới hiểu được Thiên Chúa : “khi Đấng bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha Người sẽ làm chứng về Thầy" ( Ga 15,26). Cũng chính từ Thần Khí này mà chúng ta được sinh ra làm con Thiên Chúa. Nhờ lòng tin và nhờ phép rửa mà người Ki-tô được Thiên Chúa trao ban Thần Khí. Chính sự hiện diện của Thần Khí trong tâm hồn và cuộc đời các tín hữu, khiến họ thành những thụ tạo mới, có các liên hệ với Thiên Chúa Ba Ngôi.

2. Chúa Thánh Thần nguồn sống của người tín hữu

Khi nói Thiên Chúa gởi Thần Khí của Ngài đến ngự trong lòng tín hữu, có ý ám chỉ chiều kích thâm sâu nơi mỗi con người được đánh động và được biến đổi. Do đó tín hữu trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần : “Nào anh em đã chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em đó sao?" (1Cr 3,16).

Chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như hoa trái của lòng tin vào Đức Giê-su ; đồng thời mạc khải của Ngài có hệ lụy vô cùng lớn lao trong đời sống tín hữu. Như vậy, có thể nói rằng cuộc đời tín hữu được bắt nguồn từ Thánh Thần Thiên Chúa và họ được liên kết mật thiết với Ngài. Ngài sống và hoạt động trong họ.Hồng ân cao quí nhất mà ta nhận được từ Thiên Chúa là Ngài tự thông ban sự sống cho ta, giúp ta được thông dự vào chính sự sống của Ngài. Chính nhờ thanh tẩy, ta trở nên nghĩa tử, được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi đến ngự trong ta ( Ga 16,23). Một đời sống mới được hình thành, đó là một đời sống thần linh.Chính Thiên Chúa ban sự sống thân linh cho ta qua Đức Giê-su Con của Ngài. Đức Giê-su đến để ta được sống và sống dồi dào ( Ga10,10). Ngài hiến thân để cứu chuộc và thánh hóa con người ( Ga 17,19). Ngay khi nhìn ngắm gương Đức Ki-tô, tín hữu sẽ được hoạt động của Chúa Thánh Thần biến đổi và sẽ đi từ vinh quang này đến vinh quang khác ( 2Cr 3,18).

Sự kiện Thần Khí Thiên Chúa và ta có sự sống của Ngài, đã tạo ra một sự hiệp thông trong đời sống thần linh. Sự sống đó gọi là ơn thánh sủng. Ơn này là một thực tại siêu nhiên, là sự hiện diện của đời thần linh trong ta.Theo thánh Phao-lô ( Rm 8,5-13) đời sống của người Ki-tô hữu là tất cả những gì Thần Khí khởi sự trong đời sống của họ. Ngài là Thần Khí của Cha cũng là Thần Khí của Con. Ngài ở trong mỗi Ki-tô hữu. Ngài là nguồn mạch sự sống thiêng liêng trong họ và cho họ.Ngay khi hiện xuống, Thánh Thần Thiên Chúa đã đến để bảo toàn, xác tín và nội tâm hóa tất cả các công trình của Đức Ki-tô. Tất cả những gì nhìn thấy được khi xưa Đức Ki-tô đã làm, thì từ khi Người lên trời, đều được đưa vào nội tâm hóa, tức là vào lãnh vực thiêng liêng vô hình của Thánh Thần. Thực ra, trong lãnh vực bí tích, qua những dấu chỉ bề ngoài, sự hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa được ban xuống và được mạc khải trong những lời cầu nguyện hay là trong mô thức của bí tích. Thực vậy, đời sống của người Ki-tô hữu bắt đầu bằng các bí tích và thường kết thúc cũng bằng bí tích. Nhờ các bí tích mà Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong đời sống người Ki-tô hữu.

Trong bí tích thanh tẩy, con người được tái sinh bởi nước và Thánh Thần ( Ga 3,5). Nhờ mầu nhiệm tử nạn Phục Sinh của Đức Ki-tô, con người được đồng hóa với bản tính Thiên Chúa trở nên con của Ngài. Sự kiện tái sinh nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần minh chứng người Ki-tô hữu đã được gia nhập vào mầu nhiệm Ba Ngôi và trở thành đền thờ của Thánh Thần. Sách giáo lý Công Giáo dạy : 

Bí Tích thanh tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống người Ki-tô hữu, của sự sống trong Thần Khí và là cửa ngõ dẫn vào các bí tích khác. Nhờ bí tích thanh tẩy chúng ta trở nên chi thể của Đức Ki-tô đồng thời được tháp nhập vào Hội Thánh và được chia sẻ sứ vụ của Người (GLHTCG số 1213). Như vậy trong bí tích thanh tẩy, Chúa Thánh Thần thực hiện một sự biến đổi tận gốc rễ, Ngài làm cho họ trở thành con người mới nhờ được tái sinh trong Đức Ki-tô.  Như thánh Phao-lô nói : "Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới" ( 2Cr  5,17). Cũng trong bí tích thanh tẩy người tín hữu trở nên công chính trong Đức Ki-tô  và nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa ( 1Cr 6,11). Đây là một sự giải thoát khỏi tội lỗi để được một đời sống mới. Cuối cùng, để chứng thực cho đời sống mới của người Ki-tô hữu, Thánh Thần ghi dấu ấn thiêng liêng trên họ. Dấu ấn này không thể phai mờ. “Chính Thánh Thần là dấu ấn ghi trên anh em ( Ep 4,30).

Trong bí tích thêm sức, người Ki-tô hữu được tái sinh, lớn lên trong sự hiểu biết và để chuẩn bị cho họ bước vào đời với những nguy hiểm, những khó khăn … . Nhờ bí tích này người tín hữu được tham dự vào mầu nhiệm hiện xuống. Và nhờ mầu nhiệm này người Ki-tô hữu được đánh dấu bước khởi đầu của mình. Trong bí tích thêm sức, Thánh Khí liên kết những người chịu phép rửa với Đức Ki-tô. Và nhờ việc đặt tay, Chúa Thánh Thần ngự xuống và chiếm hữu trọn vẹn người tín hữu. Từ đây Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong họ. Để với lòmg can đảm và nhiệt thành phát xuất từ Thánh Thần, họ trở nên chứng nhân đích thực của Chúa Ki-tô ( Lc 24, 48-49).

Bí tích Thánh thể là trung tâm đời sống người Ki-tô hữu. Một khi người tín hữu thành con Thiên Chúa nhờ bí tích thanh tẩy và được sức mạnh để làm chứng cho đức tin của mình, nhờ bí tích thêm sức con người vẫn không thể lớn lên và bền vững trong cương vị đó, nếu không được sức mạnh của Đức Ki-tô sống trong và nuôi dưỡng họ. “Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ không có sự sống trong linh hồn …" ( Ga 6,55-58).Trong bí tích này Hội Thánh kêu xin Thánh Thần Thiên Chúa đến để Ngài thánh hoá bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Ki-tô và rồi Ngài cũng thánh hoá người Ki-tô hữu, qui tụ họ lại trong một thân mình duy nhất của Đức Ki-tô. Cũng như xưa mầu nhiệm Nhập Thể đã được thực hiện nhờ quyền năng Thánh Thần, thì nay nhờ bí tích Thánh Thể, tức là cuộc sinh ra hằng ngày của Đức Ki-tô trên bàn thờ và sự tháp nhập của người Ki-tô hữu vào thân mình Đức Ki-tô cũng được thực hiện nhờ Thánh Thần duy nhất đó ( Norberto, Thiên Chúa Ba Ngôi, tr. 288).

Bí tích hòa giải : Trường hợp vì yếu đuối phạm tội mất lòng Thiên Chúa, nếu biết ăn năn và đi làm hòa với Thiên Chúa, thì người Ki-tô hữu sẽ được thứ tha nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. Lúc này người tín hữu tìm lại được sự thăng bằng và bình an thiêng liêng. Nếu trước đây đã mất ơn thánh sủng do phạm tội thì giờ đây được ban lại và còn làm tăng thêm các ơn  ích khác nữa.Lý do liên kết Chúa Thánh thần với việc tha tội chính là vì Chúa Thánh thần là Đấng vạch trần tội lỗi thế gian ( Ga16,18-21). Và Ngài cũng là Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi ( Ga 15,26 ; 16,7). Ngài ban cho tội nhân ơn sám hối để được sự sống đời đời. Tội lỗi chính là sự chết ( Rm 6, 23 ; 7,11), còn Thánh Thần là Đấng ban sự sống (x. Ga 6,63).Chúa Thánh Thần còn là sức mạnh cứu độ, thuyết phục con người nhận ra mình là kẻ có tội và thúc dục họ hoán cải ( Ga 16,8). Thánh Thần không những ban ơn tha tội, mà Ngài chính là ơn tha tội. Không đón nhận ơn tha tội là hoàn toàn đóng kín với Chúa Thánh Thần ( Mc 3,39) và như thế là một sự sụp đổ toàn diện.

Bí tích xức dầu : Trong nghi thức xức dầu đã nêu rõ tác động quan trọng của Chúa Thánh thần là giải thoát bệnh nhân khỏi tội lỗi và nâng đỡ họ trong những cơn đau của bệnh tật. “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Thánh Thần mà giúp đỡ con, để Ngài giải thoát con khỏi tội lỗi, cứu chữa con và làm cho con nên thuyên giảm”. ( Công thức xức dầu bệnh nhân).Trong bí tích sức dầu, sức mạnh của Thánh Thần làm cho người bệnh thông phần vào cuộc tử nạn của Đức Ki-tô và sự phục sinh của Người. Bệnh nhân được Thánh Thần thúc đẩy dâng những đau khổ của thân xác để kết hiệp với cuộc tử nạn của Đức Ki-tô. Thân xác người bệnh được xức dầu là đền thờ Chúa Thánh Thần, đã nhiều lần lãnh nhận lương thực trường sinh là Mình Máu Đức Ki-tô sống động nhờ Thánh Thần và có khả năng làm cho sống.

Bí tích truyền chức : Nhờ bí tích này Thiên Chúa đã đóng ấn của Ngài trên tiến chức. Dấu ấn này không thể xoá nhòa được nhờ việc xức dầu Thánh Thần trong bí tích truyền chức. Nhờ dấu ấn này người Ki-tô hữu được tham dự vào chức tư của Đức Ki-tô và là thành phần của Hội thánh. Việc đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô là do Chúa Thánh Thần thực hiện thì không thể tẩy xoá và được tồn tại mãi trong người Ki-tô hữu như một trạng thái cho ân sủng, như một lời hứa và bảo đảm có sự phù trì của Thiên Chúa, như là một ơn gọi lo việc phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội thánh ( GLHTCG số 1121).

Bí tích hôn nhân : Trong lời kêu cầu của bí tích hôn nhân, hai vợ chồng nhận đuợc Chúa Thánh Thần như mối hiệp thông tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Chính Người là ấn tín của giao ước giữa hai người, là nguồn mạch đầy tình yêu của ho, là sức mạnh cho sự trung thành bền vững của hai vợ chồng. ( GLHTCG SỐ 1624. Chính Thánh Thần, qua bí tích hôn phối ban cho vợ chồng một trái tim mới và làm cho nam nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Ki-tô yêu thương chúng ta. Tình yêu này đến từ Thánh Thần và làm cho có được sự hiệp nhất giữa vợ chồng. Cũng chính Thánh Thần là Đấng chuẩn bị dẫn đưa những người đính hôn đi đến hôn nhân, cũng chính Ngài đồng hành với vợ chồng và gia đình suốt cuộc đời. Thánh Thần làm cho tình yêu vợ chồng ngày càng lớn lên và ban cho họ thành một gia đình Ki-tô Giáo biết sống và rao truyền đức tin của mình.

Vậy, gia đình Ki-tô Giáo sinh ra từ Thánh Thần. Đó là hồng ân của Thánh Thần, làm cho đôi bạn nên hiến thánh ( MV 48). Gốc rễ cơ bản nhất làm nảy sinh cộng đoàn tại gia không phải là tình yêu của các thành viên cho bằng là tình yêu  của chính Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài là tình yêu làm cho nên một.

II. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÁC ÂN HUỆ CỦA NGÀI

Người tín hữu được thanh tẩy đã nhận được ơn thánh sủng và các nhân đức thiên phú, nhưng họ vẫn chưa lấy lại được toàn bộ trạng thái ban đầu mà Ađam xưa kia đã đánh mất, nghĩa là ngay cả khi chịu phép rửa tội người Ki-tô hữu vẫn có thể suy yếu, sai lầm và nhu nhược, chính vì còn mang trong mình vết thương nguyên tội. Những hồng ân Thiên Chúa ban trong các bí tích tuy là những đặc ân lớn lao siêu việt, nhưng là ban xuống trong trí khôn và trong lòng muốn của con người đã bị suy yếu. Thực ra với những ơn của Thiên Chúa qua các bí tích, con người vẫn có thể bước đi trên con đường thánh hóa, nhưng những bước đi đó còn chậm chạp, hữu hạn và theo những phương cách của con người bị sa ngã.Chính vì thế mà người Ki-tô hữu cần đến một sự thúc đẩy từ bên ngoài, một sự thúc đẩy mạnh mẽ để người Ki-tô hữu đã được siêu nhiên hóa nhờ các bí tích bước đi những bước mau lẹ trên đường trọn lành.Sau khi Đức Ki-tô về trời, quyền can thiệp vào đời sống thánh hóa của người Ki-tô hữu là Chúa Thánh Thần với những ân huệ của Ngài. Xét một cách tổng quát những ân huệ Chúa Thánh Thần mà chúng ta nghiên cứu ở trên là nhằm thánh hóa Hội Thánh xét như một cộng đồng. Còn bảy ơn mà chúng ta sắp nói đến thì liên quan đến từng người Ki-tô hữu. Các ân huệ này biểu lộ sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong mỗi người Ki-tô hữu.

Bảy ân huệ mang theo các đặc tính là những nguyên nhân tác động siêu nhiên. Khi đã được ban xuống trong tâm hồn tín hữu sạch tội, ơn Thánh Thần sẽ dần dần phát triển và gia tăng thêm mãi. Vì mục đích của bảy ơn là họa lại trong chúng ta hình ảnh trung thực của Chúa Ki-tô : ơn thông minh và hiểu biết của Salômôn, ơn khôn ngoan và mạnh mẽ của Đavít, sự hiểu biết và lòng kính sợ Đức Chúa của các Tổ phụ và các Ngôn sứ. “Sự tràn đầy này của ơn Chúa Thánh Thần không chỉ ở lại trên Đấng Mêsia mà phải thông ban cho toàn dân ki-tô…" (GLHTCG, số 1287).

Xét về một phương diện nào đó, thì bản ngã của Ki-tô hữu vẫn còn, nghĩa là vẫn bảo toàn sự tự do của mình, nhưng cũng từ lúc được thấm nhuần sự hoạt động Thần Khí Thiên Chúa, bản ngã người Ki-tô hữu trở nên mềm mại dễ dạy dưới sức thiêng liêng và sẵn sàng uốn mình theo sự hướng dẫn của bảy ơn Thánh Thần: Ơn khôn ngoan,Giúp ta gắn bó với Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc. Ơn thông hiểu, ban cho ta sự hiểu biết sâu xa các chân lý đức tin. Ơn lo liệu, ban cho ta biết chọn lựa con đường nào hợp ý Thiên Chúa hơn và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn. Ơn hiểu biết, ban cho ta biết phán đoán các giá trị của các thụ tạo theo ánh sáng đức tin. Ơn đạo đức, ban cho ta lòng tôn thờ Thiên Chúa với lòng con thảo và liên kết với mọi người như anh em của cùng một Cha trên trời. Ơn can đảm (sức mạnh), giúp vượt thắng mọi khó khăn hoặc chịu đựng những đau khổ bằng sức mạnh Chúa ban. Ơn kính sợ Chúa, giúp tránh tội lỗi và loại bỏ những quyến luyến của cải trần gian khi nó làm ta mất lòng tôn kính, yêu mến Chúa. 

Trong tất cả bảy ơn, dù dưới hình thức nào đi nữa, thì cũng có một chủ nhân duy nhất hoạt động. Chính là Chúa Thánh Thần, Ngài dùng những ân huệ khác nhau để ban ơn cho mỗi người tín hữu, Ngài đi vào tận đáy lòng họ để lôi cuốn, sửa trị, ổn định…. Chính Ngài dùng những ơn để dọn sẵn tâm hồn tín hữu và làm cho tâm hồn này thành đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần ở trong họ và họ được kết hợp với Ba Ngôi cách thâm sâu. “ Để tình Cha đã yêu thương Con, ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa" (Ga 17,24). 

III. CHÚA THÁNH THẦN NƠI NGƯỜI KI-TÔ HỮU 

Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mỗi người Ki-tô hữu không những qua các bí tích, qua bảy ơn thánh sủng mà Ngài còn hoạt động trong các sinh hoạt thường ngày của họ nữa. Cuộc sống hàng ngày của mỗi người Ki-tô hữu tuy có những khác biệt về hoàn cảnh sống, lúc vui lúc buồn, lúc thành công lúc thất bại … , nhưng chung qui đời sống của họ là kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng lời cầu nguyện và bằng chính cuộc sống chứng tá của mình. Chúa Thánh Thần làm cho người Ki-tô hữu trở về và sống đúng với căn tính của mình. Căn tính của họ là hiệp thông với Thiên Chúa bằng chính lời cầu nguyện. Họ được kêu gọi đến với Thiên Chúa là “Cha chúng con” , đồng thời hiệp thông với mọi người và thực hiện các đòi hỏi của đức tin trong tình nghĩa anh em tương ái lẫn nhau. Lúc này là lúc mà người Ki-tô hữu được kêu mời để làm chứng cho Tin Mừng hơn nữa. Vì thế giới hôm nay đang rơi vào vòng tục hóa và xa rời Ki-tô giáo. Để làm được điều này người Ki-tô hữu phải ý thức nhìn nhận rằng chính Chúa Thánh Thần đang sống trong họ, Ngài cầu nguyện trong họ và cho họ, đồng thời Ngài cũng thôi thúc, chỉ dẫn cho họ biết sống và rao truyền chân lý đức tin của mình.

1. Chúa Thánh Thần, Đấng sửa trị tâm linh.

Xin Thánh Thần Thiên Chúa gội rửa những gì dơ bẩn, làm phong phú những gì khô cằn, chữa lành những gì mang thương tích, uốn nắn những gì cứng cỏi, sưởi ấm những gì giá lạnh và đem những gì sai trái trở về nẻo chính đường ngay (Veni, créator spiritus ).

Trong thế giới hôm nay, những dơ bẩn, những phong hóa suy đồi và lệch lạc luân lý không chỉ được trưng bày qua phim ảnh, sách báo, mà nó còn được ca tụng quảng cáo như là giá trị cần thiết cho cuộc sống con người hôm nay. Hơn bao giờ hết, con người hôm nay khoe khoang cuộc sống nhơ nhớp của mình; thậm chí họ còn cổ võ phong trào suy đồi đó nữa. Loài người hôm nay cũng giống như khung cảnh sa đọa tội lỗi thời ông Noê, trước khi nước hồng thủy hủy diệt. Tại vì con người độc ác tham gia vào những tội lỗi dơ bẩn, đến độ Thiên Chúa như đã hối hận vì tạo dựng nên con người và Ngài đã dùng nước hồng thủy để rửa mặt đất. Hậu quả đầu tiên của tình trạng sa đoạ tội lỗi là sự khô cằn, chai lỳ lương tâm. Trái tim và cuộc sống con người trở thành cằn cỗi vì thiếu tình thương, do đó tâm hồn con người chẳng khác nào đống xương khô  ( Ed 37). Tuy nhiên, như xưa Thiên Chúa đã dùng Thần Khí của Ngài làm cho đống xương đó sống lại thế nào, thì nay Ngài cũng dùng Thánh Thần của Ngài làm cho nhân loại bị sự dữ và tội lỗi giết chết được biến đổi thành người mới, thành con cái Thiên Chúa.

Thần Khí Thiên Chúa cũng là Đấng uốn nắn tâm hồn, làm cho chúng ta trở nên con người cởi mở, mềm dẻo, dễ dạy, khiêm nhu. Thần Khí làm cho chúng ta có khả năng nghe Lời, đón nhận và thực thi Lời. Thần Khí khai mở tinh thần chúng ta cho sự hiện diện chân lý.Thần Khí là sức mạnh, là hiệu năng chiến thắng sự ươn lười, khuynh hướng dễ dãi buông trôi. Thần Khí lôi kéo chúng ta đi tới, trải qua các chặng đường cuộc sống, bất chấp mọi chông gai hay chướng ngại, để chúng ta có thể vượt qua cùng với Đức Ki-tô hành trình hướng về Thiên Chúa.

Sau khi được Chúa Thánh Thần thanh tẩy và sửa trị, Ngài tiếp tục đưa con người vào trong chính đời sống thiêng liêng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thực ra con người chỉ là hữu thể “thiêng liêng” trong Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng là nguyên lý sự sống của con người.Ta có thể nói rằng, nhờ sự uốn nắn của Thánh Thần mà lương tâm con người trở thành “thiêng liêng”. Như các nhà thần bí Ki-tô giáo quả quyết rằng : “Thánh Thần là linh hồn của linh hồn con người”. Tuy nhiên điều này không được làm ta nghĩ rằng có sự đồng nhất giữa Thánh Thần và con người. 

Dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, con người nội tâm hoá, nghĩa là thiêng liêng, trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn. Nhờ sự hiệp thông thần linh ấy, Thần Khí làm cho con người có khả năng biết được những gì thuộc về con người, gặp được Thần Khí là Đấng dò thấu cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Trong Thần Khí ấy, cũng là ân huệ vĩnh cửu, Ba Ngôi tự cởi mở mình ra với con người, với thần trí con người. Do ân huệ hữu hiệu Thần Khí ban, con người đi vào một đời sống mới, con người được dẫn đưa vào thực tại siêu nhiên của chính sự sống thần linh và trở thành một nơi cho Thánh Thần ngự, một đền thờ sống động của Thiên Chúa.

2. Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện.

Cầu nguyện là một thái độ của một tâm hồn con người hướng đến Thiên Chúa. Lời nói và cử chỉ trong lời cầu nguyện chỉ là phương thế diễn tả tâm tình con người. Chính tâm tình bên trong mới quan trọng, khi lòng ta hướng về Thiên Chúa và gặp Ngài là chúng ta cầu nguyện rồi. Khi chúng ta được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần, Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người ta, trở thành thầy nội tâm dạy ta biết cầu nguyện. Ngài là tác giả truyền thông kinh nguyện sống động của Hội Thánh. Có bao nhiêu người cầu nguyện thì có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng tác động trong mọi người và cùng với mọi người. Được thông hiệp nhờ Chúa Thánh Thần, khi người Ki-tô hữu cầu nguyện, họ cầu nguyện trong Đức Ki-tô (GLHTCG, số 2672)

Con người với bản tính thấp hèn không thể tìm kiếm và khám phá Thiên Chúa trong tất cả sự tinh tuyền cao cả của Ngài được, nếu như họ không được Đấng mà họ tìm kiếm trợ giúp. Cũng giống như tất cả các ân ban của Thiên Chúa, việc cầu nguyện chỉ có thể đến từ sự rộng mở của tâm hồn người Ki-tô hữu với Thánh Thần là Đấng hiệp thông với Chúa Cha và nhờ Chúa Con. Khi cầu nguyện, người Ki-tô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Kinh nguyện vừa là hoạt động của Thiên Chúa vừa của con người, phát xuất từ Chúa Thánh Thần và từ con người. Kinh nguyện hoàn toàn hướng về Chúa Cha, nhờ hiệp nhất với ý chí nhân trần của con Thiên Chúa làm người. (GLHTCG, số 2564)

Trong lời cầu nguyện, Thánh Thần là Đấng giải thoát và là sức mạnh, Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc, ngăn cản hành trình của chúng ta theo Chúa Ki-tô. Những dây ràng buộc vô hình tuy nhỏ, nhưng rất nhiều và tinh vi. Chỉ có Thánh Thần ban cho chúng ta ơn can đảm nhổ tận gốc tất cả những ràng buộc.Chúa Thánh Thần còn là sức mạnh thần thiêng làm cho chúng ta không bao giờ mệt mỏi, mất sức trên đường hành trình. Có Thánh Thần, càng tiến sâu, chúng ta càng tiến bước và được tăng thêm sức.

Trong lời cầu nguyện, Thánh Thần là Đấng soi sáng và khai mở. Có những lúc đường đi của chúng ta như mờ tối, chúng ta cần sự soi sáng của Thánh Thần, để đi cho đúng hướng, khỏi rơi vào những vực sâu, hoặc té ngã nặng nề khó chỗi dậy. Quan trọng hơn cả là sự soi sáng của Thánh Thần làm cho ta nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng mà bình thường chúng ta nhận thấy xa vời không thực tế, không ăn nhập với đời sống của mình.Chúa Thánh Thần còn là ân sủng đi vào tâm hồn con người. Trước hết và trên hết, Chúa Thánh Thần biểu lộ chính Ngài giúp chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta. “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả" (Rm 8,26).Chúa Thánh Thần không chỉ làm cho chúng ta có thể cầu nguyện, mà còn hướng dẫn tâm trí chúng ta khi cầu nguyện. “Đấng thấu suất tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8,27). Cầu nguyện bằng sức mạnh Thánh Thần trở thành cách diễn tả trưởng thành hơn nữa của nhân loại mới, những người mà nhờ cách cầu nguyện này dự phần vào đời sống thần linh.

Hơn nữa, lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu không thể nào khác hơn lời cầu nguyện của tình con thảo. Đó là lý do tại sao cầu nguyện được Thánh Thần tác động, được thánh Phao-lô giới thiệu như một tiếng kêu do cảm nghiệm Abba (Cha ơi) (Rm 8,15). Chính trong lời cầu nguyện này mà người Ki-tô hữu ý thức hơn về căn tính của mình, về tiếng gọi sống tràn đầy tình tương quan con thảo với Thiên Chúa Cha.

 

KẾT LUẬN

Qua những gì đã được trình bày trên đây, ta có thể nhận thấy vai trò Chúa Thánh  Thần trong đời sống người Ki-tô hữu như thế nào. Ngài thực sự là tâm điểm, là hơi thở của chính chúng ta. Do đó chúng ta không những phải “sùng kính” Chúa Thánh Thần, mà còn phải sống bằng Thần Khí và hít thở trong Ngài. Chúng ta cần phải tìm gặp lại một số giá trị của đời sống người Ki-tô hữu, là được sống và rao giảng Tin Mừng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Như thế, chúng ta sẽ không bao giờ nhấn mạnh đủ về sự kiện ơn thánh hóa. Ơn này  không là một cái gì đó trừu tượng, mà là chính sự sống của Thiên Chúa kết nối người Ki-tô hữu nhờ ơn huệ Thánh Thần. Trước mặt Ngài, tội lỗi xuất hiện với đầy đủ tính chất bi thảm của nó, như là xâm phạm đến sự nguyên tuyền “thiêng liêng” của con người.

Thực vậy, ơn cứu độ không phải là hoa quả do sự chinh phục của con người, mà là một biến cố do tương quan với Thiên Chúa, được ghi vào kinh nghiệm làm con cái Thiên Chúa. Để cho Thần Khí dẫn dắt mình, có nghĩa là tiếp nhận ơn cứu chuộc như điều kiện, để sống đời sống của mình theo cùng đích và trong sự mỏng dòn, như chứng nhân của thụ tạo mới, được Thiên Chúa tạo thành trong thời đại của chúng ta. Theo đó, mỗi tín hữu được mời gọi sống yêu thương phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Được mời gọi xây dựng những tương quan mới với chính anh em mình và với thực tại trọn vẹn, người Ki-tô hữu thực hiện căn tính của mình, được đánh giá như một con đường phấn khởi tiến đến tự do qua kinh nghiệm đích thực trong Thần Khí  : đó là con đường tự giải thoát để yêu thương.Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn người Ki-tô hữu biết sống trong cảnh huống của cuộc đời mà Thiên Chúa gửi đến cho họ. Chỉ có Ngài mới dạy chúng ta biết sống đúng vai trò của một người cha, một người mẹ, một người con … trong đời sống thường ngày của mình. Ngài là niềm hy vọng của thế giới, Ngài hướng dẫn vũ trụ và lịch sử. Ngài giống như dòng nước trong thiên nhiên mang lại sự sống và trù phú khắp nơi. "Sinh Khí của Ngài, Ngài gởi tới, là chúng được dựng nên, Ngài đổi mới mặt đất này".

Cuối cùng, Chúa Thánh Thần hằng không ngừng nâng đỡ đời sống của người Kitô hữu để họ được mãi kiên trì trong niềm hy vọng cánh chung. Giữa trăm chiều thử thách, Ngài vẫn luôn đứng bên cạnh  như Ðấng An ủi hằng bảo vệ các kitô hữu (x. Ga 16,8t). Ngài nâng đỡ Hiền thê của Ðức Kitô trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, và mạnh mẽ phù trợ lời cầu của Giáo hội: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!” (Kh 22: 17). Xác tín điều đó, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Thánh Thần, hãy cầu xin Ngài trong mọi nơi mọi lúc, để Ngài thánh hoá và hướng dẫn chúng ta đến bến bờ vinh quang.

 

Lm. Joseph Phan Cảnh