​​​​​​​CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C - NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG HAY NGƯỜI CHA NHÂN HẬU ?

28/03/2025
408
Header


CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM C - NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG HAY NGƯỜI CHA NHÂN HẬU ?
 

Chúa nhật IV Mùa Chay được gọi Chúa nhật Laetare nghĩa là Hãy vui lên !, và bài Tin Mừng của Chúa nhật tới đây đúng là một trang Kinh Thánh trác tuyệt về niềm vui khi thánh Lu-ca kể cho chúng nghe dụ ngôn Người Con Hoang Đàng hay Người Cha Nhân Hậu (Lc 15,11-32). Trong lần học hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu đôi điều từ kho tàng ý nghĩa phong phú của dụ ngôn này.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan 9,1-41 :

1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2 Các môn đệ hỏi Người : "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?" 3 Đức Giê-su trả lời : "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.  4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng ; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."

6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta : "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa" (Si-lô-ác có nghĩa là :người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói : "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?" 9 Có người nói : "Chính hắn đó !" Kẻ khác lại rằng : "Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi !" Còn anh ta thì quả quyết : "Chính tôi đây !" 10 Người ta liền hỏi anh : "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ?" 11 Anh ta trả lời : "Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : 'Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa.' Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy." 12 Họ lại hỏi anh : "Ông ấy ở đâu ?" Anh ta đáp : "Tôi không biết."

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. 14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời : "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy." 16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói : "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát" ; kẻ thì bảo : "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17 Họ lại hỏi người mù : "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?" Anh đáp : "Người là một vị ngôn sứ !"

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19 Họ hỏi : "Anh này có phải là con ông bà không ? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được ?" 20 Cha mẹ anh đáp : "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. 21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó ; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." 22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. 23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói : "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó."

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo : "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi." 25 Anh ta đáp : "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều : trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được !" 26 Họ mới nói với anh : "Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?" 27 Anh trả lời : "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?" 28 Họ liền mắng nhiếc anh : "Có mày mới là môn đệ của ông ấy ; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. 29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê ; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến." 30 Anh đáp : "Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! 31 Chúng ta biết : Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi ; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." 34 Họ đối lại : "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?" Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi : "Anh có tin vào Con Người không ?" 36 Anh đáp : "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?" 37 Đức Giê-su trả lời : "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." 38 Anh nói : "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

39 Đức Giê-su nói : "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !"

40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng : "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?" 41 Đức Giê-su bảo họ : "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : ' Chúng tôi thấy ', nên tội các ông vẫn còn !"

---------

Chúa nhật IV Mùa Chay được gọi Chúa nhật Laetare nghĩa là Hãy vui lên !, và bài Tin Mừng của Chúa nhật tới đây đúng là một trang Kinh Thánh trác tuyệt về niềm vui khi thánh Lu-ca kể cho chúng nghe dụ ngôn Người Con Hoang Đàng hay Người Cha Nhân Hậu (Lc 15,11-32).

Trong lần học hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu đôi điều từ kho tàng ý nghĩa phong phú của dụ ngôn này.

1. Tên của dụ ngôn

Đây là dụ ngôn cuối cùng trong “chùm dụ ngôn” nêu bật niềm vui tìm lại được những gì đã mất theo Lc 15 : con chiên bị lạc, đồng tiền bị mất, và đứa con hoang đàng. Nỗi mất mát ngày càng lớn nên niềm càng tràn đầy khi tìm lại được : 100 con chiên lạc mất 1 con (mất 1/100) ; 10 đồng tiền bị mất 1 đồng (mất 10/100) ; rồi 2 người con bị mất 1 người (mất 50/100), và thực ra là 2 người con, bị mất cả 2 (người con thứ thì phung phá và anh con cả bất bao dung).

Đây là dụ ngôn của riêng thánh Lu-ca, thường được gọi là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, là một trong những giáo huấn đẹp nhất của Sách Thánh về lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Từ dụ ngôn này, có thể rút ra nhiều đề tài và từ đó mà dụ ngôn này được đặt tên là Đứa Con Phung Phá, Đứa Con Hư MấtHai Đứa Con Hư MấtĐứa Con Hoang Đàng và Đứa Con Nô LệNgười Cha Nhận Hậu, Người Cha Nhân Từ, Người Cha Mong Đợi  v.v.

Dụ ngôn nổi tiếng này đã tạo cảm hứng cho nhiều văn nhân nghệ sĩ trong đó có bức tranh nổi tiếng của danh họa Hà Lan Rembrandt mang tên Đứa Con Hoang Đàng Trở Về. Nhưng điểm đặc biệt nhất của bức tranh không phải là đứa con mà là  hình ảnh của người cha đang ôm lấy đứa con trở về của mình, với hai bàn tay khác nhau : bàn tay trái thì gân guốc, rắn rỏi như của người cha, còn bàn tay phải thì thon thả mềm mại như của người mẹ, với hàm ý rằng Thiên Chúa ấp ủ chúng ta bằng cả tình cha lẫn tình mẹ.

Dụ ngôn gồm hai phần được nối kết lại bởi hình ảnh của người cha với lòng bao dung nhân hậu, cũng như bởi cùng một lời mời gọi của người cha ở câu kết của mỗi phần. Câu kết thứ nhất khi người con thứ trở về : “Chúng ta phải mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 14,23b-24) và câu kết thứ hai khi người con cả không chịu vui mừng với cha mình : “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Như thế, tên gọi quen thuộc của dụ ngôn là Người Con Hoang Đàng hay Đứa Con Phung Phá xem ra không thích hợp lắm mà đúng hơn, có lẽ phải gọi là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu.

2. Đối tượng của dụ ngôn

Trong dụ ngôn, người con thứ được nói đến trước là đứa con hoang đàng, nhưng nó đã trở về, và người cha vui mừng đón lấy nó và trả lại cho nó quyền làm con. Người con cả được kể sau nhưng lại là đứa con mà người cha bây giờ đang phải năn nỉ nó “trở vào nhà” mà ăn mừng “vì em con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).

Nhiều độc giả nhấn mạnh đến người con thứ hư hỏng, dẫn đến việc đặt tên cho dụ ngôn là Người Con Hoang Đàng. Nhưng giữa hai người con, hẳn là câu chuyện nhắm đến người con cả, tiêu biểu cho người Pha-ri-sêu và các kinh sư, đang có thái độ khinh miệt và loại trừ những người thu thuế và người tội lỗi, và chính Đức Giê-su cũng bị liên lụy.

Phần cuối của dụ ngôn nói về thái độ giận dữ của người con cả và lối cư xử nhân từ của người cha là câu trả lời cho vấn đề đặt ra ở đầu bài Tin Mừng, đó là lời đàm tiếu, xầm xì của người Pha-ri-sêu và các kinh sư : “Bấy giờ các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau (Lc 15,1-2).

Câu chuyện kết thúc với lời mời gọi bỏ lửng của người cha “phải ăn mừng, phải vui vẻ” mà không cho biết người anh cả có quay vào hay không. Lời mời gọi bỏ ngỏ này dành cho người Pha-ri-sêu và các kinh sư.

Như vậy, sứ điệp quan trọng của dụ ngôn là lời kêu gọi người Pha-ri-sêu và các kinh sư hãy chia sẻ niềm vui với Thiên Chúa, biết mở rộng tâm hồn và niềm nở đón tiếp những người tội lỗi sám hối ăn năn.

3. Nhân vật chính của dụ ngôn

Phần đầu dụ ngôn khiến cho người con thứ nổi lên như nhân vật chính với một hình ảnh thật tồi tệ.

Khi đòi chia gia tài, tuy anh không làm gì sai quá đáng, nhưng anh đòi hỏi sớm quá. Thường thì gia sản được chia cho các con trai sau khi người cha qua đời, đằng này anh lại đòi chia gia tài khi cha còn đang sống, chẳng khác nào đang trù ẻo cha mình. Nhưng người cha vẫn bằng lòng.

Về việc phân chia tài sản, theo luật Mô-sê, con trai trưởng sẽ được thừa hưởng 2/3 gia sản của cha mình (x. Đnl 21,17), theo đó, người con trai còn lại chỉ được hưởng 1/3. Như vậy, phần của người con trưởng vẫn còn đó và nhiều gấp đôi em mình.

Khi cha còn sống, người con có thể được giao trách nhiệm đối với phần thừa kế của mình ; tuy nhiên, người cha vẫn nhận được phần lợi tức của ông. Những gì người con thứ đã làm là điều không thể chấp nhận trong mắt người Do-thái khi đòi chia gia tài lúc cha còn đang sống, rồi phung phá tiền của, đánh mất 1/3 lợi nhuận mà lẽ ra cha anh được hưởng.

Khi lâm cảnh khốn cùng, anh phải đi chăn heo và ước ao được ăn đậu muồng heo (x. Lc 15,13-16) mà heo là con vật dơ bẩn theo luật Mô-sê (x. Lv 11,7-8), như thế anh đã biến mình thành kẻ đáng ghê tởm.

Trong tình cảnh thê thảm nói trên, người con thứ đã chỗi dậy và quay về. Khi “anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20).

Theo văn hóa Do-thái, để một người lớn tuổi phải chạy là điều bất kính, nhưng người cha không màng chi chuyện đó. Từ đằng xa, ông chạy đến với con, làm cho con đường trở về của người con ngắn lại. Cũng vậy, khi ta trở về với Thiên Chúa, Người sẽ đi đoạn đường về còn lại của chúng ta : “Hãy trở lại với Ta, và Ta sẽ quay lại với các ngươi” (Ml 3,7).

Người cha còn ra lệnh cho các đầy tớ : “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng !” (Lc 15,22-23). Áo hạng nhất là dành cho người có phẩm vị cao quý, nhẫn tượng trưng cho quyền bính và dép dành riêng cho người tự do. Anh đã được phục hồi quyền làm con và vị thế trong nhà cha mình. Người cha vui mừng khôn xiết vì cuộc trở về của đứa con hoang đàng này.

Phần sau của câu chuyện, Đức Giê-su chuyển sang đối tượng chính của dụ ngôn, qua hình ảnh của người con cả. Anh phản đối niềm vui của cha. Anh cảm thấy bị lừa dối và xúc phạm vì đã “hầu hạ” cha nhưng chưa bao giờ nhận được phần thưởng nào như đứa em đã được. Người cha đã đáp lại bằng những lời đầy nhân từ, và cũng là lời kết của dụ ngôn : “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32).

Chúng ta thấy, ngay từ đầu câu chuyện, nhân vật chính đã được giới thiệu là : “Một người kia có hai con trai” (Lc 15,11) tức là chuyện của một người cha có hai đứa con. Hình ảnh người cha xuyên suốt câu chuyện với 12 xuất hiện danh từ Hy-lạp πατήρ  - người cha, trong khi danh từ υἱός - người con chỉ xuất hiện 8 lần dành cho cả hai người con.

Như vậy, người cha là nhân vật thứ nhất và quan trọng nhất. Đức Giê-su nhấn mạnh đến hình ảnh người cha trong dụ ngôn mà mời gọi chúng ta hãy nhận ra lòng từ ái của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta và cũng hãy biết đối xử nhân hậu với anh em.

Kết

Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu là một trong những câu chuyện tuyệt vời nhất về lòng nhân từ của Thiên Chúa, và cũng có thể nói là về “niềm hy vọng không làm cho thất vọng” nơi Thiên Chúa là Cha nhân từ. Dụ ngôn cho thấy cách Thiên Chúa nhìn chúng ta dù chúng ta là đứa con hoang đàng, hay là anh con cả tự cho mình là đàng hoàng vì luôn ở nhà với cha.

Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người đã đối xử với chúng ta bằng cả tình cha ấm áp và còn với cả tình mẹ dịu dàng, như ngôn sứ I-sai-a đã diễn tả : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).

Cầu nguyện  (Tv 103,2-14)

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,

thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,

khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.

Chúa phân xử công minh,

bênh quyền lợi những ai bị áp bức,

mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,

cho con cái nhà Ít-ra-en

thấy những kỳ công Người thực hiện.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương,

chẳng trách cứ luôn luôn,

không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,

không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,

tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Như người cha chạnh lòng thương con cái,

Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,

hẳn Người nhớ : ta chỉ là cát bụi.

Lm. Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ

Nguồn: tgpsaigon.net