BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM C

14/05/2025
11


BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM C

Tình yêu thì không tính toán. Nếu chúng ta làm một hành động tốt, nhưng có một động cơ tiềm ấn trong đó, tốt hơn chúng ta đừng làm. 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Tình yêu là điều căn bản của mọi sự. Tình yêu nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa và con người với con người, tất cả đều buộc chặt vào nhau bằng sợi dây yêu thương. Đó chính là sứ điệp của Tin mừng Chúa nhật V Phục sinh hôm nay : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” ( Ga 13,34 – 35 ). Có ba tình trạng của tình yêu : Thứ nhất, không yêu và cũng không được yêu, điều này xem ra giống như địa ngục trên trần gian. Thứ hai, yêu nhưng không được yêu lại, điều này, mặc dù đau thương nhưng còn tốt hơn tình trạng thứ nhất. Thứ ba, yêu và được yêu, đây là tình trạng hạnh phúc mà Chúa Giêsu đã trải qua: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” ( Ga 15,19 ).

Yêu thương là một điều răn mới, bởi vì Chúa Giêsu đã biến đổi luật yêu thương cũ của Cựu ước: “ Ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình” (Lv 19,18) trở thành: “ Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”( Ga 13,34 ). Như vậy, tình yêu mà chúng ta có với nhau không phải là một tình yêu lấy cái tôi làm chủ, mà là tình yêu chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, như thế thì chúng ta cũng biết yêu thương nhau. Giới răn mới của Chúa được  đồng hoá với tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Như thế, nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì là kẻ nói dối. Ai yêu mến Chúa thì cũng yêu thương anh em mình. Chính vì thế mà yêu thương trở thành dấu chỉ của những người thuộc về Chúa, là môn đệ Chúa: “ cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau” ( Ga 13,35 ) .

Qủa thật, Tình yêu là món quà đem đến cho con người nhiều hân hoan nhất, nhiều cảm xúc nhất. Yêu là chết trong lòng một ít, yêu là đau khổ, yêu là phục vụ, yêu là hy sinh, là chết đi cho người mình yêu: “ Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” ( Ga 15,13 ). Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “ Thiên Chúa là Tình yêu” ( 1 Ga 4,16 ). Ngài chính là nguồn gốc của tình yêu, Ngài đã yêu chúng ta, vì “ Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” ( Ga 15,9 ). Nhờ lãnh được tình yêu Chúa ban mà chúng ta biết yêu thương nhau. Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương mọi người như chính mình.

            Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã diễn tả một cách sâu sắc, rất thơ, mà cũng rất triết lý trong câu thơ của bài Tình nhớ:

                         Khi cơn đau chưa đầy, thì tình như chút nắng.

                         Khi cơn đau lên đầy, thì tình đã mênh mang.

            Còn cha ông chúng ta thì nói một cách rất thật thà, chất phác: “ Yêu nhau lắm, thì cắn nhau đau”. Hiểu được ý nghĩa ấy nên Pierre L’Ermite đã nói: “ Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, thì đó là tình yêu thật”.

Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy rằng, chúng ta giữ giới răn của Chúa, sống đạo, có thể có hai tâm trạng và hai thái độ: một là chúng ta giữ đạo vì vụ lợi, giữ cho có lệ gọi là cho có. Hai là chúng ta giữ đạo vì yêu mến Chúa. “Nếu các con yêu mến Thầy thì giữ giới răn của Thầy, Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng thầy gọi các con là bạn hữu” ( Ga 15,15 ). Tình yêu thì không tính toán. Nếu chúng ta làm một hành động tốt, nhưng có một động cơ tiềm ấn trong đó, tốt hơn chúng ta đừng làm.

Giữa một thế giới đang ngày càng thiếu vắng yêu thương, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường. Mahadma Gandhi, vị cha già tranh đấu bất bạo động để giải phóng Ấn Độ khỏi nộ lệ của người Anh đã nói: “Tình yêu là sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay. Bao lâu nhân loại chưa thấy sức mạnh ấy, thì bấy lâu bạo động vẫn còn tồn tại và chính con người tự biến thành một thứ khí giới để tự hủy và sát hại người khác”.

Để sống yêu thương như Chúa, chúng ta không những đem trái tim của mình đặt trên ngực để yêu thương, mà còn: Đặt trên tay để giúp đỡ người khác. Đặt trên mắt để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân, để mau mắn chạy đến với người cùng khổ. Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh. Nói những lời dễ nghe đối với những người xung quanh mình. Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý chân tình của người khác. Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm trong chính gia đình của mình và với anh chị em trong cộng đoàn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta có một trái tim yêu thương như Chúa, để chúng ta có thể yêu thương hết thảy mọi người : “ Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” ( Ga 15,17 ).

 

Linh mục Giuse Phan Cảnh