BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C

08/05/2025
108

BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C

Hãy theo bước chân của vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu, chúng ta sẽ thấy đời ấm áp

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Chúa Nhật IV Phục Sinh thường được gọi là "Chúa Nhật Chúa Chiên Lành", và cũng là ngày chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi, cách riêng ơn gọi Linh mục và Tu sĩ nam nữ. Hình ảnh người Mục tử là một đề tài được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới. Vì thế, Ngài không bỏ lỡ cơ hội nào để diễn tả thật rõ ràng, thật đậm sâu những đức tính của người Mục tử.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nêu bật đặc tính của người Mục tử là biết các con chiên của mình. Theo ngôn từ của Kinh Thánh, biết đồng nghĩa với yêu. Và khi thật sự yêu thì Mục tử sống trọn một đức tính khác cũng được Đức Giêsu nêu lên, đó là thí mạng sống mình cho đoàn chiên.

Chúa Giêsu chính là vị Mục Tử Nhân Lành, chẳng những Ngài đã lo lắng cho đoàn chiên của Ngài là Giáo Hội, mà Ngài còn lo lắng cho từng con chiên của Ngài là mỗi người chúng ta, Ngài còn hy sinh cả mạng sống Ngài cho đoàn chiên. Chúa Giêsu đã hy sinh cả cuộc sống mình cho người khác, thì số đông mục tử của Chúa, trải qua các thế hệ cũng đã noi gương Chúa, hy sinh mạng sống mình cho tha nhân, hy sinh cuộc đời cho Chúa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân đơn sơ, chất phác. Nhưng lại có tinh thần đạo đức và thương người. Vì thế, Đanien đã quyết định hiến dâng cuộc đời để phục vụ tha nhân trong Dòng Thánh Tâm. Năm 24 tuổi Đanien được thụ phong Linh mục, một cuộc đời tận hiến để phục vụ tha nhân đã bắt đầu rộng mở.

Tại hòn đảo Molokai của Hoa Kỳ, có một xã hội đặc biệt gồm toàn những người cùi hủi, cụt chân, cụt tay, mắt đui, tai rụng, hình hài thật kinh khủng.

 Một hôm Đức Giám Mục Louis Maigret đặc trách đảo Molokai thông báo kêu gọi các Linh mục tình nguyện hy sinh đến đó phục vụ. Và một Linh mục người Bỉ, 33 tuổi, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh, đã hăng hái tình nguyện đáp lời. Đó là cha Đanien, sau này Ngài mang thêm biệt danh “ Bạn những người phong cùi”.

  Buổi chiều ngày 10 tháng 5 năm 1873, Cha Đanien đến đảo Molokai . Trong nhà thờ đông nghẹt những người cùi hủi, da họ ngăm ngăm đen, với mùi hôi tanh nồng nặc. Đức Giám Mục đứng trên cung thánh cùng với Cha Đanien, quay xuống giới thiệu Ngài với giáo dân: “ Các con thân mến! đã bao năm nay, các con hằng ao ước có một Linh mục đến với các con, thì đây, cha giới thiệu cha Đanien, một Linh mục người Bỉ, đã tình nguyện đến với các con. Các con có hài lòng và vui sướng không?”.

        Đức Giám Mục vừa giới thiệu xong, cả nhà thờ xôn xao thì thầm to nhỏ…Cha Đanien đứng cạnh Đức Giám Mục chẳng hiểu ất giáp gì cả. Rồi Cha thấy những người cùi hủi từ từ tiến lên cung thánh, dáng điệu đơn sơ chất phác. Càng nhìn những người khốn khổ ấy tiến gần, cha Đanien càng sởn tóc gáy. Trông họ chẳng khác nào những thây ma còn sống, những thi hài biết đi, những quái thai dị dạng mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây? Họ tiến đến bên Cha, rồi họ sờ vào mặt, vào tay, vào áo Cha.

Lúc ấy cha Đanien sợ hãi quá liền hỏi Đức Giám Mục:

- Thưa Cha, họ làm gì thế? Họ nói gì vậy?

Đức Giám Mục âu yếm nhìn cha trả lời:

- Ồ! Họ nói, họ không thể tưởng tượng được, cũng không bao giờ dám nghĩ có được một người từ phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, trái lại còn đẹp trai, trẻ trung, thông minh, không bị cùi như họ, cha lại tình nguyện xin đến phục vụ họ trên quần đảo Molokai cùng khổ, cô đơn, bị nguyền rủa này. Chính vì họ không tin vào mắt mình, nên họ mới đến sờ mó vào người cha, vào áo Cha để họ kiểm tra xem họ đang sống thực hay chỉ là một giấc mơ, hoặc xem Cha có thực sự là người hay là ma? Và nếu là người thật, thì Cha có bị cùi hủi khốn khổ bất hạnh như họ không? Rồi sau đó họ thì thầm với nhau qua nét mặt hãnh diện sung sướng:

-  Không! Cha đẹp quá! Cha tốt quá!

        Thời gian trôi qua…dần dần với những năm tháng, Cha Đanien đã hoà đồng, đã hội nhập hẳn với xã hội cùi hủi nhỏ bé đáng thương này. Một xã hội bất hạnh bị người đời nguyền rủa và ngay cả cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, bạn hữu của chính họ, cũng đã can tâm giơ tay gạt họ ra ngoài lề xã hội.

      Dần dần, Cha Đanien không còn cảm thấy nhờn tởm gớm ghiếc như thuở đầu gặp gỡ. Từ đó Ngài yêu thương họ chân tình, thắm thiết. Nói đúng hơn Ngài đã yêu Đức Kitô bị bỏ rơi, bị đau khổ trong họ nên chẳng còn sợ hãi gì. Ngài đã nhận thấy bóng dáng Đức Kitô đang ẩn hiện qua họ. Chúa đang tiếp diễn cuộc khổ nạn của Ngài qua những con người này.

Mười hai năm sau, năm 1885, đến lượt Cha Đanien cũng phát hiện chính mình đã mắc bệnh cùi hủi lúc nào không hay. Rồi thân hình Cha lở loét, nhức nhối, tanh hôi. Khuôn mặt cha sằn sùi, đen đủi và trông rất dễ sợ.

Trong bốn năm thụ bệnh, Cha Đanien vẫn cố gắng để phục vụ tập thể người cùi trên đảo Molokai cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài đã trở thành cùi hủi và chết ở tuổi đời 49 và sau 16 năm phục vụ tại hòn đảo này. Ngài đã tình nguyện xin được chôn vùi thân xác mình giữa những người cùi hủi mà Ngài đã yêu thương và phục vụ.

Trong thế giới ngày nay nhiều khi rất khó nhận diện ra sói dữ, nhưng muốn bảo vệ cộng đoàn, người Mục tử phải để lợi ích thiêng liêng và hạnh phúc của đàn chiên lên trên hết các việc thường ngày, chớ không phải các lợi lộc riêng tư, danh dự của mình, hay thứ gì khác. Để có được điều đó, người Mục tử cần phải thường xuyên học hiểu và trau dồi luyện tập mỗi ngày. Từng giọng nói và kiểu cách cho tới các cử chỉ, từ ngữ và hình ảnh. Hình ảnh sử dụng đơn sơ, sáng sủa, rõ ràng, nhưng ý nghĩa súc tích và thích hợp hầu có thể chuyển đạt sứ điệp Tin Mừng của Chúa đến cho tín hữu một cách hữu hiệu hơn, xác tín và sâu xa hơn. Làm thế nào để lời của người Mục tử rao giảng luôn làm giàu cho người nghe, thắp sáng lên trong tâm hồn họ sức mạnh tinh thần, nung nấu đốt cháy con tim họ, và thúc đẩy họ tiến đến gần Thiên Chúa. Đồng thời, người Mục tử cần hiểu biết từng hoàn cảnh của người giáo dân.

Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, hiểu biết có nghĩa là bước vào trong tương quan hiệp thông với tha nhân. Vì thế, người Mục tử là người có liên hệ huynh đệ với đàn chiên của mình. Biết chú ý đến sự khác biệt, không lẫn lộn tinh thần hiệp nhất với sự đồng nhất, máy móc một chiều. Nhưng để có thể hiểu biết đàn chiên của mình, người Mục tử cần phải biết tiếp xúc với họ, nhất là cần phải biết lắng nghe họ nói. Biết cố gắng nhìn mọi người với con tim của mình, sẵn sàng học hỏi nơi giáo dân của mình. Mà giáo dân có thể cho các Mục tử biết bao nhiêu là bài học quí giá trên mọi bình diện cuộc sống, từ các đức tính xã hội, nhân bản, cho đến các nhân đức Kitô giáo là đức tin, đức cậy, đức mến và sự thánh thiện.

Con người ngày nay vẫn khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa, thế nhưng ở thời đại nào cũng có những tiên tri giả, thời đại nào cũng có kẻ mà Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu gọi là quân trộm cướp. Họ không qua cửa là Chúa Giêsu để dẫn đến sự sống đích thực, mà chỉ có quanh quẩn ở những nơi lừa đảo dẫn đến chết chóc mà thôi. Có biết bao nhiêu người đang bị các tiên tri giả và quân trộm cướp ấy đưa dẫn đến một thứ thiên đàng ảo tưởng mơ hồ. Khác với những người chăn thuê giữ mướn, những người lợi dụng và trộm cướp, người chăn chiên lành chỉ biết phục vụ đoàn chiên và cứu thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ. Đối lại, con chiên nghe tiếng người chăn, hăm hở đi theo và tỏ tình yêu mến. Người mục tử đi trước để bảo vệ đoàn chiên, đoàn chiên theo sau ngoan ngoãn và tín nhiệm. Chúa nói: “ Ta đến để mọi người được sống và được sống dồi dào” ( Ga 10,28 ), cho dầu phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống mình.

Nơi Chúa Giêsu, con người gặp gỡ Thiên Chúa và cũng gặp anh em mình. Nhưng con người ta có kẻ tốt và người xấu, kẻ thánh thiện và người tội lỗi. Đối với đoàn chiên hiền lành, có kẻ không qua cửa mà đột nhập vào, họ là kẻ trộm cướp, đến để ăn cướp, để sát hại và phá hủy. Vì thế, Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có Đức Giêsu, Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta chỉ có thể có sự sống đích thực khi chúng ta đi trong con đường là chính Ngài. Chúng ta chỉ có thể biết được chân lý về con người, nghĩa là chúng ta chỉ có thể biết mình bởi đâu mà ra, mình sẽ đi về đâu và mình sẽ phải sống như thế nào, đó là khi chúng ta có sự sống trong và nhờ Đức Kitô. Hãy theo bước chân của vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu, chúng ta sẽ thấy đời ấm áp.

 

 Linh mục Giuse Phan Cảnh