BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III TN – NĂM C
RAO TRUYỀN LỜI CHÚA TRONG SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ 3 của mùa thường niên. Chúa Nhật này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta suy nghĩ lại về vị trí của Lời Chúa trong đời sống đức tin của chúng ta. Đây là một lời mời gọi mạnh mẽ để lắng nghe Lời Chúa trong nghĩa đầy đủ của từ này, nghĩa là: nghe, đọc, cử hành, suy niệm và sống. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi tìm thấy sự phong phú trong việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Lời Chúa chỉ cho những ai lắng nghe con đường đi để đạt được sự hiệp nhất chân thật và vững chắc. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng sự đoàn kết của các tín hữu không phải là một điều trừu tượng, mà là sự hiệp nhất xung quanh Lời Chúa. Đó là sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Vị trí trung tâm mà Lời Chúa cần chiếm trong đời sống chúng ta là sự nhận thức về tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với đời sống đức tin của chúng ta, từ chính sự vang vọng của Lời Chúa trong phụng vụ, điều này đưa chúng ta vào một cuộc đối thoại sống động và thường xuyên với Thiên Chúa. Nếu không có Lời Chúa, chúng ta sẽ không còn điểm tựa.
Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay cho chúng ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Chúa Giêsu. Có thể nói không có một bước đi nào của Chúa Giêsu mà thiếu vắng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Diễn tả theo ngôn ngữ của thánh Irênê thì, Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu như hai bàn tay của Thiên Chúa Cha. Với hai bàn ta này, Chúa Cha hoàn thành công cuộc cứu độ của Ngài. Bằng chứng cụ thể ở đây là việc Chúa Giêsu trở về Nazareth, quê hương của Ngài, Thánh sử Luca cho biết : “ Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu trở về Galilêa” (Lc 4,14).
Chúa Thánh Thần có mặt bên Chúa Giêsu thường xuyên, khi sứ Thần Gabriel báo cho Đức Maria về việc Ngài sẽ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, để sinh hạ Chúa Giêsu, thì chúng ta đã thấy quyền năng của Chúa Thánh Thần trong sự việc lạ lùng này. Sứ Thần quả quyết với Đức Maria: “Thánh Thần Chúa sẽ đến với bà, và quyền phép của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà, nên Con trẻ sinh ra sẽ là Con Thiên Chúa”. Cũng thế, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, để hòa mình với nhân loại, thì Tin mừng thuật rằng, Thánh Thần Chúa ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài. Trong nhà Tiệc Ly, trong cuộc khổ nạn và sau khi Chúa Giêsu sống lại. Có thể nói, cả cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, đều được đánh dấu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, để trừ quỉ và chữa bệnh, và cũng chính quyền năng của Chúa Thánh Thần đã khiến cho Chúa Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.
Tin mừng nói tiếp với chúng ta, Chúa Giêsu còn được Thiên Chúa xức dầu: “ Thần khí Chúa ngự trên tôi. Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn” ( Lc 4,19).
Động từ “xức dầu” trong Thánh Kinh có nghĩa là được ủy thác cho một sứ mạng đặc biệt, được chọn để thi hành một sứ vụ quan trọng. Sứ mạng đó là rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó. Chúa Giêsu đã đảm nhận chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế, khi Người được xức dầu bằng Thánh Thần lúc Người chịu phép rửa. Tại sông Giođan, cùng với việc được đổ tràn Thần Khí, Đức Giêsu đã tỏ lộ Người là “Đấng Kitô”, đó là tước hiệu có nghĩa là “Đấng được xức dầu”.
Đức Giêsu khởi đầu tác vụ và sứ vụ Messia của Người bằng việc được Đức Chúa xức dầu. Trong sách Tin mừng, tác giả Luca làm nổi bật toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu được Thần Khí chứng thực như thế nào: “ Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” ( Lc 4,19-20 ). Điều gì làm cho chúng ta thành “Kitô hữu”? Phải chăng chỉ đơn thuần là việc bước theo Đức Giêsu và cố gắng bắt chước gương mẫu của Người? Thưa, không chỉ thế. Nếu tách khỏi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta không có khả năng bước theo Đức Giêsu và rập khuôn theo đường lối của Người. Chỉ với quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể bước theo Đức Giêsu. Điều làm cho chúng ta trở thành “Kitô hữu” chính là thực tại mà chúng ta có được, đó là việc được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta trong Bí Tích Rửa Tội và trọn vẹn nơi Bí Tích Thêm Sức, khi chúng ta được xức dầu bởi Đức Giám Mục. Chúng ta là những người “Kitô hữu” vì, chúng ta là những “người được xức dầu”.
Như vậy Tin Mừng mà Chúa Giêsu rao giảng, chỉ dành riêng cho người nghèo khó hay sao ? Không, chữ “nghèo khó” ở đây không chỉ hiểu là những người không có của cải, nhưng còn hiểu là những người khiêm nhường. Lý do là vì, chỉ có những người có lòng khiêm nhường, mới có thể nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình và ăn năn sám hối rồi tiếp nhận ơn cứu rỗi mà thôi. Chính Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại niềm vui giải thoát và hy vọng. Ngài đến để băng bó những tâm hồn bị thương tích, để lău khô những giọt nước mắt trên những khuôn mặt sầu tư, để đem lại niềm vui cứu độ. Chúa Giêsu đã đến để mở một kỷ nguyên ân sủng của Thiên Chúa. Đây là kỷ nguyên Thánh Phaolô đã nói đến trong thư gửi tín hữu Corintô rằng : “ Tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần khí duy nhất” ( 1Cr 12,13 ).
Kết thúc đoạn Tin mừng chúng ta nghe tuyên bố : “ Hôm nay ứng nghiệm lời tiên tri mà tai các ông vừa nghe” ( Lc 4,21 ) Chúa Giêsu đã mạc khải về chính mình. Theo đó thì chính Ngài là Thiên Chúa, Ngài được Thiên Chúa Cha xức dầu Thánh Thần để thánh hiến và tấn phong làm Đấng Messia và được trao cho sứ mạng cứu thế.
Với chúng ta, ngày chúng ta chịu phép Rửa, chúng ta cũng đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng được trao cho sứ mạng là tiếp tục con đường của Chúa Giêsu, loan báo Lời chúa cho mọi người xung quanh. Cách đặc biệt, đối với các vị mục tử, cần chuẩn bị các bài giảng một cách nghiêm túc, khuyến khích các Kitô hữu thấy rằng, Kinh Thánh là câu chuyện về mầu nhiệm ơn cứu độ, nơi cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người đạt đến đỉnh cao trong việc nhập thể của Con Một Thiên Chúa. Nếu tình yêu đối với Lời Chúa thiếu vắng nơi các vị mục tử, chắc chắn nó sẽ không có tác dụng đối với tín hữu khi họ lắng nghe. Các vị mục tử cần làm cho Lời Chúa được rao truyền cách trọn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ, kể cả những người đã lơ là việc giữa đạo hoặc chưa tuyên xưng đức tin chân thật. Những công việc và bổn phận trên được thực thi qua các bài giảng trong thánh lễ, các khóa giảng dạy các chân lý đức tin, huấn luyện giáo lý, cổ động tinh thần Phúc âm và công bằng xã hội, giáo dục trẻ em và giới trẻ, gặp gỡ những người không còn sống đức tin cũng như rao truyền Phúc âm cho những người chưa tin.
Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta cần có thái độ cởi mở con tim và tâm hồn đối với Lời Chúa; vì qua đó Thiên Chúa mạc khải về sự thật của chính Ngài cho chúng ta. Chúng ta không cần, đúng hơn là không thể hiểu mọi sự trong Kinh Thánh. Thái độ chúng ta phải có là thái độ của Samuel: “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ đang lắng tai nghe” (1 Sam 3,10). Chúng ta không nên áp đặt ý hay lời của mình lên ý và Lời của Chúa. Chúng ta không nên lèo lái Lời Chúa cho vừa lời của chúng ta.
Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu mến Lời Chúa. Biết đọc, suy niệm, chiêm ngắm và sống Lời Chúa mỗi ngày. Đồng thời biết loan báo Lời ấy cho những người xung quanh bằng chính đời sống chứng tá của mình. Và chỉ khi nào đời sống của chúng ta trở thành một lời minh chứng cho sứ mạng ấy, lúc đó chúng ta mới có thể tuyên bố như Chúa Giêsu ngày xưa trong hội đường Nazareth: “ Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai quý vị vừa nghe” ( Lc 4,21 ).
Linh mục Giuse Phan Cảnh