BÀI SUY NIỆM THÁNH LỄ TIỆC LY - BUỔI CHIỀU CỦA TÌNH YÊU

15/04/2025
28


BÀI SUY NIỆM THÁNH LỄ TIỆC LY

BUỔI CHIỀU CỦA TÌNH YÊU

      Cộng đoàn phụng vụ thân mến!

     Bài hát : “ Xin định nghĩa tình yêu “ của tác giả Paul Cao Huy Hoàng thật ý nghĩa. “Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu. Yêu không là ngó nhau nhưng là ngước cao cùng nhìn về bến mai sau. Yêu xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan. Yêu ta cùng ước giao, dẫu ngàn khổ đau, một lần xin hứa trọn đời thủy chung. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”. 

Chiều thứ Năm Tuần Thánh là một buổi chiều của Tình Yêu. Cả bầu không khí thấm đẫm Tình Yêu. Từng lời nói, từng cử chỉ của Chúa Giê-su đều trang trọng và đậm đặc sứ điệp tình yêu làm cho phòng Tiệc ly thật ấm cúng. Hai cử chỉ nổi bật trong bữa Tiệc ly là việc Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể và rửa chân cho các Môn đệ.

Thánh Gioan không tường thuật việc lập Phép Thánh Thể, nhưng chỉ tập trung vào việc rửa chân. Việc rửa chân được miêu tả rất tỉ mỉ, rành rọt, từng chi tiết, bằng lời văn trang trọng. Chúng ta hãy đọc lại đoạn tả Chúa Giêsu chuẩn bị rửa chân cho các môn đệ: "Chúa Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ" ( Ga 13, 4-5 ).

Khi Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, đến lượt ông Phêrô, ông hoảng hốt la lên : “Không đời nào Thầy rửa chân cho con”, Đức Giêsu đáp lại : “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con không có phần nào với Thầy” (Ga 13,8). Nói cách khác, ở đâu có tình yêu, ở đó có quà tặng. Quà tặng là dấu tình yêu chuyển lưu từ người này đến người khác.

Có một người mẹ khi dự tiệc, người ta đưa cho chị trái cam để ăn tráng miệng, nhưng vì nghĩ đến đứa con ở nhà, nên chị bỏ trái cam vào túi.

Đứa con thấy mẹ về nên hớn hở chạy ra đón, chị liền trao trái cam cho con. Em bé mừng quýnh cám ơn mẹ, rồi định lấy dao bổ cam ra ăn cho đỡ thèm! Nhưng em chợt nghĩ đến bố đang đi làm nắng nôi ngoài đường, em thương bố nên cất trái cam đợi bố về để cùng ăn với bố.

Khi ông bố vừa về đến nhà, em bé cầm trái cam chạy đến nói :

- Thưa bố, chắc bố mệt lắm, con có trái cam biếu bố ăn cho đỡ mệt này.

Ông bố vô cùng cảm động trước cử chỉ của đứa con, ông cám ơn con và định không nhận, nhưng em cứ nằng nặc đòi bố phải lấy ăn cho đỡ mệt!

Cầm trái cam vào nhà, ông định lấy dao bổ ra cho hai cha con ăn. Nhưng ông chợt nghĩ : con mình còn bé mà còn biết nghĩ đến mình, sao mình không biết nghĩ đến vợ đang vất vả trong bếp nhỉ? Thế là ông chồng cầm ngay trái cam vào bếp tươi cười chào vợ và nói :

- Anh đi làm về, không có gì để tặng em, chỉ có trái cam này, em dùng cho đỡ mệt.

- Người vợ cầm trái cam rưng rưung nước mắt và nói: em hạnh phúc quá, em tạ ơn Chúa và cám ơn anh.

Như thế cả gia đình đã biết sống lời Thánh Gioan nói : “Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi, nhưng yêu bằng việc làm thực sự!” (1 Ga 3,18). Thiên Chúa cho chúng ta biết bao món quà quý giá, nhưng Ngài không nhận lại điều gì, vì sự giàu sang vinh quang của Ngài không bao giờ vơi cạn. Loài người không ai có thể cho người khác điều gì tốt nếu không biết nhận từ nơi Thiên Chúa. Những ân lộc Chúa ban cho, không chỉ để chúng ta hưởng dùng, mà còn để chia sẻ tình yêu chân thật ấy. Đó là cách tạ ơn Chúa, vì thế trong kinh Tiền Tụng Tạ Ơn, Hội Thánh cất lời chúc tụng : “Việc tạ ơn của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng con”.

Chúa Giêsu cử hành việc rửa chân một cách trang trọng như cử hành một Bí tích. Vì việc rửa chân bổ túc cho bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể được cử hành trong nhà thờ. Việc rửa chân được thực hiện ngoài cuộc đời. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu có ý dạy ta hãy thực hành đạo không chỉ trong nhà thờ mà còn ngoài xã hội nữa. Bí tích Thánh Thể hướng lòng ta về Chúa. Việc rửa chân hướng lòng ta về con người. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu có ý dạy ta rằng chỉ mến Chúa thôi thì chưa đủ, cần phải yêu người nữa mới trọn vẹn điều răn Chúa truyền. Bí tích Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ. Việc rửa chân được cử hành trên con người. Khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu dạy ta rằng con người chính là đền thờ, là bàn thờ của Chúa.

Chúa Giêsu cử hành nghi thức rửa chân một cách trang trọng vì Người kính trọng con người. Đang ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng, đó là cử chỉ của người đầy tớ. Khi chủ đang ngồi ăn, đầy tớ phải đứng phục vụ. Để việc phục vụ được dễ dàng đầy tớ phải cởi bỏ áo ngoài, thắt lưng cho gọn gàng. Ở đây, Chúa Giêsu quỳ gối xuống trước mặt môn đệ. Thiên Chúa quỳ xuống trước mặt con người. Thiên Chúa hạ mình phục vụ con người. Thật là một cảnh tượng mà không trí óc nào có thể tưởng tượng nổi. Thật là một sáng kiến mà không có nhà phát minh nào dám ngờ tới. Chưa hết, khi Phêrô lên tiếng hỏi, Chúa Giêsu ngẩng mặt lên để trả lời. Một cảnh tượng khiến những tâm hồn kiêu căng phải vỡ ra tan nát. Thiên Chúa phải ngẩng đầu lên mới đối diện được với con người. Thiên chúa hạ mình thẳm sâu để tôn vinh con người. Thiên Chúa trân trọng con người, biến con người thành đối tượng phục vụ.

Có thứ phục vụ vì bắt buộc. Có thứ phục vụ vì yêu thương. Chẳng ai có thể bắt buộc Thiên chúa phục vụ con người. Chính tình yêu thương đã thúc đẩy Người làm điều ấy. Hãy nhìn Người nâng niu bàn chân nhân loại. Những bàn chân đã lầm đường lạc lối. Những bàn chân mang đầy thương tích. Những bàn chân bán bẩn bụi trần. Người âu yếm kỳ cọ cho sạch mọi đau thương. Người nhẹ nhàng tẩy rửa mọi vết nhơ phản bội. Người dịu dàng phủi đi lớp bụi kiêu căng. Người lặng lẽ xoá đi những dấu vết mặc cảm. Người rửa sạch đôi chân để từ nay nhân loại có thể đứng thắng lên. Người uốn nắn đôi chân để từ nay con người biết đi vào đường nay nẻo chính.

Chúa Giêsu không giải thích trước khi rửa chân cho các môn đệ. Chúa Giêsu làm rồi Người mới nói. Việc làm của Người không chỉ đi đôi mà còn đi trước lời nói. Người muốn dạy chúng ta hiểu rằng việc làm quan trọng hơn lời nói. Việc phục vụ tự nó đã là một giải thích sâu xa, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Chính việc làm minh chứng một tình yêu chân thành tha thiết.

Chiêm ngắm Chúa rửa chân cho các môn đệ, chúng ta hiểu rằng: Thánh lễ không kết thúc ở nhà thờ mà còn phải tiếp tục trong cuộc sống. Thánh lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng không kém gì thánh lễ trong nhà thờ, nên cũng phải cử hành một cách trang nghiêm kính cẩn. Lễ vật dâng trên bàn thờ còn thiếu sót nếu tôi chưa dâng trong đền thờ thân xác con người lễ vật yêu mến phục vụ anh em. 

Cuộc kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể chưa trọn vẹn nếu tôi không kết hiệp với anh em trong tình yêu thương được biểu lộ trong sự phục vụ khiêm nhường. Việc giữ đạo sẽ khập khiễng nếu tôi chỉ tạo được mối liên hệ tốt với Chúa mà không có mối liên hệ tốt với anh em. Tôi sẽ không thực hành ý Chúa nếu tôi chỉ thờ phượng Thiên chúa mà không kính trọng con người. Trân trọng con người, quan tâm phục vụ anh em đó là tất cả ý nghĩa của bài học rửa chân mà chúng ta sắp cử hành theo gương Chúa Giê-su Kitô Thầy Chí Thánh.

Linh mục Giuse Phan Cảnh