BÀI SUY NIỆM
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong ngày đầu năm mới, phụng vụ Giáo hội cho chúng ta mừng kính và tôn vinh Đức Maria dưới tước hiệu khả ái: “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.” Có thể nói tước hiệu này là nền tảng cho những đặc ân khác của Đức Maria. Lễ Mẹ Thiên Chúa còn gọi là lễ đặt tên. Hội Thánh nhớ đến phong tục của người Do Thái: tám ngày sau khi được sinh ra, các bé trai Do Thái sẽ được cắt bì và đặt tên. Tin Mừng của thánh Luca hôm nay giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này: “Khi Hài Nhi đã đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su. Đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng Mẹ” (Lc 2, 21).
Tước hiệu “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa” đã được nhắc tới trong Kinh Thánh qua miệng bà Ê-li-sa-bét, khi bà được đầy Thánh Thần: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43).
Niềm tin vào thiên chức cao cả của Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Ngôi Hai nhập thể, đã có ngay từ thời đầu của Giáo Hội. Chính thánh Phaolô đã viết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4, 4).
Và đối với Giáo Hội, chúng ta thấy rằng Giáo Hội dành cho Mẹ Maria lòng sùng kính đặc biệt, vì Giáo Hội xác tín rằng: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa” (LG 61). Qua Mẹ và trong Mẹ, Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, đã nhập thể làm người để cứu độ chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tước hiệu “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa” đã là một đề tài gây tranh luận sôi nổi từ rất sớm trong lịch sử Giáo Hội. Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ V, một trường phái thần học Antiôkia, đứng đầu là Nestôriô, Giám mục Công-tan-ti-nốp, khi tìm hiểu về mầu nhiệm Nhập Thể, đã đi đến khái niệm: phải phân biệt hai bản tính (nhân tính và thiên tính) hiện diện trong hai bản vị khác nhau. Dựa trên quan điểm Kitô học riêng, Nestôriô đã phản đối việc xưng tụng Đức Maria dưới tước hiệu Mẹ Thiên Chúa.
Chống lại lạc thuyết này, thánh Xy-ri-lô thành Alexandria và Công đồng Êphêsô (431) đã bảo vệ giáo lý Chúa Kitô có một ngôi vị duy nhất và đã tuyên xưng rằng:
“Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác được sinh động hoá bởi một linh hồn có lý trí, đã trở thành một con người.” Và Công đồng công bố: “Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa do việc cưu mang nhân tính của Con Thiên Chúa trong dạ mình. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời đã nhận bản tính thần linh của Người từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Người đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn; Ngôi Lời đã liên kết với thân xác ấy ngay trong ngôi vị của mình, vì thế, chúng ta nói: ‘Ngôi Lời đã sinh ra làm người’” (DS 250).
Tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa” trước hết xác định sự duy nhất toàn vẹn nơi con người Chúa Giê-su. Mặc dầu Ngài có hai bản tính trong một thân xác, nhưng không có sự xung khắc hay tách biệt nào giữa hai bản tính: chỉ có một con người Giê-su duy nhất với hai bản tính, nên Đức Maria là Mẹ của Đức Giê-su toàn vẹn. Tín điều này cũng nói lên ân huệ cao trọng và độc nhất mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, một ân huệ “nhưng không” chỉ vì lòng ưu ái mà Thiên Chúa dành riêng cho Đức Mẹ.
Chúng ta đang sống trong năm thánh 2025, cùng nhau loan báo Tin Mừng. Chúng ta hãy không ngừng tìm kiếm Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và ra đi loan báo về Ngài theo cung cách của những người chăn chiên được giới thiệu trong bài Tin Mừng: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi họ gặp Đức Maria, thánh Giuse và Hài Nhi Giê-su mới sinh đang nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 16).
Một khi chúng ta đã khám phá được Đức Kitô, chúng ta cần chia sẻ cho người khác. Đó là một trách nhiệm đòi hỏi chúng ta không được lơ là hay bỏ qua. Khi một người nào đó có được niềm vui, họ liền chia sẻ niềm vui của mình với bạn bè và người thân. Chính vì thế, khi gặp được Hài Nhi Giê-su, viên ngọc quý của đời chúng ta, chúng ta cần sống và chia sẻ niềm vui ấy.
Ngày đầu năm mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, để chúc tụng và cầu xin Mẹ bao bọc chúng ta trong suốt cả năm và suốt cả cuộc đời.
“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.” Amen.
Lm. Giuse Phan Cảnh