BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH
CHÚA GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG HY VỌNG CỦA CUỘC ĐỜI CHÚNG TA
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Hiển Linh, là lễ Chúa tỏ mình cho dân ngoại. Ba vị đạo sĩ từ Phương Đông là đại diện cho những con người ấy. Họ là ai? Có mấy người ? Tin Mừng của ngày lễ hôm nay không nói đến. Nhưng người ta phỏng đoán gồm ba người, vì có ba lễ vật dâng tiến. Họ là những đạo sĩ, chiêm tinh gia thường đoán vận mạng theo hình sao chỉ trên trời. Họ là những người giầu có vì giá trị lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược... Nhất là họ có lòng tin mạnh mẽ. Nhìn thấy một ánh sao lạ mọc lên ở trên trời, họ tin tưởng vào một Đấng Cứu Tinh mà ngôi sao là dấu chỉ, đã vội ra đi mà không biết ngôi sao sẽ hướng dẫn họ về đâu. Rồi khi sao trời biến mất, họ không ngã lòng thất vọng, không bỏ cuộc trở về, mà đi hỏi cho ra tông tích của vị Vua mới sinh.
Ba nhà đạo sĩ là hình bóng của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta cũng đã sống mò mẫm trong đêm tối. Rồi ngôi sao đức Tin đã mọc lên, soi vào trong bóng đêm tối. Và chúng ta được biết Chúa và Tin Mừng của Ngài.
Bài đọc I nói với chúng ta: “ Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đã đến rồi” ( Is 60,1 ). Thánh Phaolô trong bài đọc 2, nói lên đặc ân ấy. Ngài nói: “Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em...và nhờ Tin Mừng các dân ngoại nên đồng thừa tự, đồng thừa một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Đức Kitô” ( Ep 3,5-6 ) .
Chúng ta đã có đức Tin. Ngôi sao Tin Mừng một ngày kia đã mọc lên và soi dọi vào tâm hồn tăm tối của chúng ta. Nhưng tin không phải là thấy. Tin là dựa vào Lời Chúa, và nhiều khi phải vượt qua bao nhiêu khó khăn trắc trở và bao nhiêu khủng hoảng mới giữ vững được đức Tin. Ba nhà đạo sĩ khi vừa đến Giêrusalem không còn trông thấy ánh sao hướng dẫn. Đường đi của họ là con đường thánh giá. Sau khi đã tìm lại được ánh sao, họ vui mừng, tiến vào nhà quỳ xuống và thờ lạy. Họ đã phủ phục thờ lạy, và mở kho tàng ra dâng tiến là vàng, nhũ hương và mộc dược.
Vàng là lễ vật cho vua: Vàng, vua của mọi kim loại xứng hợp với lễ vật con người dâng cho vua. Cũng vậy, Chúa Giêsu là người "sinh ra để làm vua", nhưng Ngài không cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu, và Ngài cai quản lòng người không từ ngai vàng mà từ thập giá.
Nhũ hương là lễ vật dâng cho vị tư tế: Trong cuộc thờ phượng nơi đền thờ và trong việc dâng lễ vật, người ta thường xông một lễ vật có mùi thơm dịu. Chức vụ của vị tư tế là mở đường cho loài người đến với Thiên Chúa. Vị tư tế là người bắc cầu giữa loài người và Thiên Chúa .
Mộc dược là lễ vật cho người phải chết: Mộc dược là hương liệu để xông xác người chết. Chúa Giêsu đã đến trong thế gian để sống cho loài người và cuối cùng để chết cho loài người. Ngài đến để ban cho loài người sự sống. Vàng là để tặng vua, nhũ hương tặng vị tư tế, mộc dược dành cho Đấng phải chết. Đấy là những lễ vật của các bậc hiền triết dâng ngay trước nôi của Chúa Cứu Thế . Những lễ vật đó dự báo rằng Ngài là Vua chân thật, vị tư tế trọn vẹn, và sau hết Ngài là Chúa Cứu Thế cao cả của loài người.
Ba vị đạo sĩ đã được ngôi sao đức Tin hướng dẫn và cuộc gặp gỡ hài nhi là một sự đổi mới. Họ không trở vè đường cũ, đã qua đường khác trở về xứ sở. Từ đây họ đã trở nên "muối ướp, đèn soi", "ngôi sao hướng dẫn” kẻ khác tìm về với Chúa. Lòng đạo đức bình dân khoác cho họ tấm áo hoàng vương dựa trên Thánh vịnh: “ Vua Tarsis và các đảo sẽ tiến đến dâng lễ vật, vua Saba và Saba sẽ đem triều cống lại chầu” ( Tv 72 ). Và đặt cho họ ba danh hiệu là Melchior, Balthazar và Gaspard, một ông trắng, một ông đen, và một ông vàng, đại diện cho mọi dân tộc, mầu da, được kêu gọi đến với Chúa. Lễ Hiển Linh – Épiphanie, đã trở nên “Lễ Tin Mừng các dân ngoại được nên đồng thừa tự" (Ep 6) , là lễ đức Tin.
Người ta có kể một câu chuyện rằng: Một linh sư ấn giáo nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo của mình. Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh đau đớn vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác. Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày ngày phải vác bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài năm sau, khi có dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ. Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử mới trả lời: "Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì con đã không làm cách nào “để giữ được chiếc áo”.
Kính thưa cộng đoàn,
Câu chuyện trên diễn tả cho chúng ta thấy rằng: vì miếng cơm manh áo, người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì miếng cơm manh áo, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì miếng cơm manh áo, người ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Trong ngày lễ Chúa Hiển Linh hôm nay, ngày lễ mừng nhân loại tìm về Đức Kitô Giêsu Ánh Sáng, chúng ta hãy để lòng mở rộng đón nhận tất cả mọi người, cách riêng những anh chị em đang trên đường tìm kiếm Đức Kitô. Hôm nay trong đêm tối của cuộc đời không còn ý nghĩa khắp nơi có những người nam nữ đi tìm một ánh sao... Có khi nào họ gặp được một Kitô hữu mở cho họ những trang Lời làm cho sống? Hôm nay trong đêm tối của chiến tranh và nghèo đói nhiều dân tộc khát khao tìm một ánh sao... Tìm đâu ra những con người đứng lên lãnh đạo bắc cầu, lấp vực thẳm mở đường hòa giải để giúp họ? Hôm nay trong đêm tối của thử thách, lẻ loi, bao gia đình, bao người trẻ mong chờ một ánh sao... Có khi nào họ gặp được một bạn đường trên lối bước lắng tai nghe chia sẻ những nỗi lòng? Hôm nay, giữa cộng đoàn Dân Chúa vẫn có những người nam nữ, trẻ già đi tìm người chỉ lối tới Ánh Sao...Họ gặp được chăng một người anh người chị say mê tìm Chúa?
Hành trình tìm kiếm Chúa của các đạo sĩ gặp nhiều khó khăn, ngăn trở và kể cả hiểm nguy (đường xa, đất lạ, bị Hêrôđê gạt gẫm, sinh mạng bị đe dọa). Nhưng họ được trợ lực và hướng dẫn bởi một ngôi sao. Thánh Phaolô, vị tông đồ truyền giáo, đã hiểu ngôi sao ấy là cuộc sống tốt đẹp của kitô hữu “Giữa thế hệ đó, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philipphê 2,15). Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành nhà đạo sĩ, để chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Giêsu rồi loan truyền về Người cho anh em khác. Và nếu ngôi sao trên bầu trời Bê-lem này như ngọn đuốc soi đường dẫn các hiền sĩ tới mục tiêu, thì thế giới mà chúng ta đang sống đây cũng cần ngôi sao ấy mới tìm ra được ý nghĩa mới, vui mừng và hy vọng mới thay vì tuyệt vọng và sầu thảm của những ngày cũ. Và nếu chúng ta không trở thành những ngôi sao sáng trên bầu trời, thì ít nhất hãy trở thành ngôi sao sáng trong gia đình của mình.
Lm. Giuse Phan Cảnh