BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

23/07/2025
106


BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

St 18,20-32. Cl 2,12-14. Lc 11, 1-13.

Sức mạnh của lời cầu nguyện

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Sống trên đời ai lại chẳng có những lúc cầu mong một điều gì đó, nhất là khi điều mong ước đó vượt quá sức con người. Chúng ta còn nhớ, chiều 19/7, tàu Vịnh Xanh QN 7105 trong quá trình chở khách tham quan ở tuyến 2 trên vịnh Hạ Long đã bất ngờ bị lật tại khu vực gần đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh. Trong vụ lật tàu khiến 49 người gặp nạn trên vịnh Hạ Long, ngoài 10 người may mắn còn sống sót, đã có 36 người tử vong được xác nhận, 3 nạn nhân vẫn đang mất tích trên biển. Thân nhân của các nạn nhân vụ lật tàu và người dân vẫn lặng lẽ thắp hương, cầu nguyện trong hy vọng mong manh một phép màu sẽ đến, để có thể cứu những nạn nhân còn sống sót và tìm thấy thi thể của những nạn nhân còn mất tích. Đồng thời, xin ơn bình an cho các thân nhân của người bị nạn.

Nếu những nguyện ước kia được xem như một ước mơ, thì lời cầu nguyện cũng có khác gì một ước mơ, nhưng ước mơ ấy đã được con người nâng lên để gởi gắm trọn vào một đối tượng siêu việt là Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng cao cả. Hơn nữa, cầu nguyện đâu chỉ nhằm đến bản thân con người, mà trước hết là tìm vinh danh Chúa và xin cho ý Ngài được thể hiện trong cuộc đời chúng ta. Vì thế, nhiều khi con người cảm thấy lúng túng không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ.

Ngày hôm nay, có nhiều người cho cầu nguyện là một thứ mê tín, một việc làm mất thời giờ và vô ích; chỉ khi nào có việc cần đến Chúa hay khi gặp những khó khăn thử thách thì họ mới chắp tay, quì gối cầu nguyện. Quì xuống cầu nguyện chính là cách xử sự của người biết mình, biết mình là ai và những gì mình có thể làm được, cũng như biết cả những gì nằm ngoài tầm tay của mình. Cầu nguyện với một thái độ khiêm tốn là con người đang hiện thực hóa những ước mơ chính đáng của bản thân.

Tin mừng của Chúa nhật hôm nay, một người trong số các môn đệ đến trình bày ước nguyện của mình với Chúa Giêsu:  “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” ( Lc 11,2 ). Như các môn đệ, chúng ta cần khát khao cầu nguyện và không ngừng xin Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết cầu nguyện. Cầu nguyện là một trường học mà con người sẽ không bao giờ hoàn tất được khóa học, bởi vì, cầu nguyện là cả cuộc sống xin vâng phó thác trong thánh ý của Thiên Chúa.

Tiếp đến, Chúa Giêsu dạy các môn đệ bắt đầu lời cầu nguyện của mình bằng một tiếng gọi thân mật: “Lạy Cha”. Điều này có nghĩa là, chúng  ta đâu chỉ có lom khom đối mặt với đất, mà chúng ta còn có thể ngẩng cao đầu để gọi Thiên Chúa bằng tiếng gọi thân thương: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha, cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” ( Lc 11,2-4 ).  Khi thưa “Lạy Cha” mỗi người chúng ta cần ý thức rằng, “người trong bốn bể đều là anh em”, vì họ cũng là con cái Thiên Chúa. Trong xã hội phát triển ngày nay, khi cuộc sống được nâng cao thì hình như con người càng xa cách nhau hơn. Ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình hay gia đình mình mà quên đi trách nhiệm liên đới với người khác. Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã mang lấy tất cả tội lỗi chúng ta, muốn rằng mỗi người đều cầu nguyện cho tất cả. Dưới cái nhìn của Chúa, mỗi người cần đứng trong mọi người và mọi người ở trong mỗi người.

Sau cùng, Chúa Giêsu  muốn chúng ta cần có thái độ kiên trì khi cầu nguyện: hãy cứ gõ cửa nhà Chúa, hãy tập đứng đợi, tập quấy rầy. Chúa không sợ chúng ta quấy rầy Ngài. Chúa sẽ mở cửa và đáp trả lời cầu xin của chúng ta theo những cách thế tốt nhất, dù có thể đó là thứ không hợp với ước mơ hay sở thích của chúng ta ( Lc 11,9-13 ). Chúng  ta thường đặt câu hỏi: Tại sao ta xin điều này ơn kia mãi mà không được? Có lần, một bà mẹ chạy đến nói với tôi: “ Con trai nhà con nó rượu chè, cờ bạc lắm cha ơi, xin cha cầu nguyện cho nó biết từ bỏ con đường ấy”. Lần khác  một bà mẹ xin: “ con nhà con chuẩn bị thi, cha cầu nguyện cho cháu được thi đậu nhé!”. Như thế, khi cầu nguyện chúng ta thường muốn áp đặt cho Chúa, muốn biến đổi Người, mà lại không nghĩ rằng chính mình cần phải thay đổi. Chính Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi cách nghĩ, cách sống của chúng ta, giúp chúng ta biết lựa chọn và dâng lên những ước nguyện phù hợp với ý muốn của Chúa, và nhận ra tất cả những gì ta đang có từ miếng cơm, manh áo đến những gì là nhỏ nhất đều là quí báu, vì do Chúa ban tặng, để rồi chúng ta biết sống hoàn toàn phó thác theo thánh ý Người.

Nói tóm lại, muốn đổi mới cuộc đời, muốn thay đổi thế giới, mỗi chúng ta cần cầu nguyện và trở thành những con người biết cầu nguyện. Cầu nguyện cá nhân hay cầu nguyện chung với cộng đoàn. Cầu nguyện cho mình và cầu nguyện cho người khác. Cầu nguyện một cách thân mật và kiên trì như tổ phụ Abraham. Thiên Chúa đã kiên nhẫn lắng nghe và đáp trả lời nài xin của Abraham sau nhiều lần ông kì kèo, trả giá: từ 50 người xuống còn 10 người lành để dân thành Xơ-đôm và Gômôra được dung thứ ( St 18, 20-32 ).

 Mỗi người chúng ta cũng vậy, khi sống trung thực ơn gọi làm người và làm con cái Chúa nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta sẽ kéo được muôn vàn ơn lành của Chúa xuống cho mình, cho người khác và tránh cho thế giới khỏi các tai ương, do chính cuộc sống ích kỷ, gian dối của con người gây ra. Và cầu nguyện với Chúa thì việc duy nhất cần làm là hãy quỳ gối cầu nguyện. Nhiều khi chúng ta không có đủ lòng khiêm tốn để cầu nguyện như vậy. Chúng ta sợ phải đối diện với sự thật, sợ phải đối diện thật sự với Chúa. Chúng ta lẩn tránh Người để khỏi phải thay đổi cuộc sống mình. Bởi vì chắc chắn nếu ta gặp Chúa rồi thì ta phải từ bỏ điều gì đó, hay nhiều điều gì đó phải hy sinh, đôi khi phải hy sinh cả điều chúng ta thích nhất để dành chỗ cho Chúa hiện diện và tác động trong cuộc đời mình. Chúng ta sợ cầu nguyện bởi vì chúng ta sợ thay đổi, sợ Thiên Chúa thay đổi đời mình. Một văn sĩ Công giáo nổi tiếng người Pháp là ông Bernanos đã tâm sự: “ Điều lạ lùng luôn đến với tôi, đó là mỗi lần tôi cầu nguyện, là mỗi lần tôi biết thay đổi tư tưởng, thay đổi nếp sống”.

Ước mong mỗi người chúng ta biết sống đời cầu nguyện với lòng tín thác vào Chúa, sẵn sàng để cho Chúa biến đổi cuộc sống mình phù hợp với thánh ý Ngài. Đó là sức mạnh của lời cầu nguyện.

 

                                                    Linh mục Giuse Phan Cảnh

ĐCV Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa