BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM C
( Is 50,4-7. Pl 2,6-11. Lc 22, 14 – 23,56 )
Nếu Tôi Thực Sự Yêu Chúa
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Đối với người Công giáo chúng ta, Tuần Thánh có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống đức tin. Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá, để cử hành những nghi thức phụng vụ đặc biệt, nhắc lại những biến cố trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách long trọng, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu chết trên Thập giá, Chúa Giêsu được mai táng trong mồ, và Chúa Giêsu sống lại.
Hôm nay, Chúa Nhật Lễ Lá, kỷ niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem và được dân chúng, tay cầm cành lá vạn tuế, tung hô. Ngày xưa người ta thường dùng cành lá vạn tuế để chào đón những anh hùng chiến thắng trở về. Người dân Giêrusalem đã dành cho Chúa Giêsu vinh dự này. Họ cầm lá vạn tuế trên tay và tung hô rằng : “Chúa tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời” ( Lc 19,38 ).
Tại sao dân Giêrusalem lại tung hô Chúa Giêsu như vậy? Chúng ta biết rằng, lúc đó dân Do Thái đang bị người Rôma cai trị. Sống dưới ách thống trị của ngoại bang làm sao mà họ lại không chờ đợi một Đấng Messia, một vị Cứu Tinh đến để giải thoát cho họ được ? Và theo quan niệm của những người Do Thái, Vị Cứu tinh phải là người có quyền thế. Với những phép lạ Chúa Giêsu đã làm mà họ được chứng kiến, và gần nhất là phép lạ cho Lazarô, người đã chết chôn được 4 ngày được sống lại, thì họ nghĩ rằng, Chúa Giêsu chắc hẳn phải là vị Cứu Tinh. Do đó, họ hồ hởi, họ phấn khởi, họ tưởng rằng ngày giải phóng đã đến với dân tộc của họ rồi. Ngày lễ Vượt Qua, với hàng triệu người đang có mặt ở Thủ đô, đó là dịp thuận tiện nhất để suy tôn Chúa làm vua. Việc làm của những người Do Thái trong dịp lễ Vượt qua năm ấy, thật là đúng, vì quả thực Chúa Giêsu là Vua, nhưng không phải là Vua theo ý nghĩ của họ.
Trái với ý nghĩ của người Do thái, Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 mô tả cuộc tử nạn của đấng Messia, “ Người Tôi Trung đau khổ”: “ Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che dấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ” (Is 50); “ Chân tay tôi chúng đã chọc thủng, có thể đếm được mọi đốt xương tôi” (Tv 21,17-18).
Đi xa hơn nữa, Thánh Phaolô nói về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng một bài thánh ca tuyệt diệu trong thánh thư gửi giáo đoàn Philiphê. Ngài mô tả con đường đi của Con Thiên Chúa, từ Thiên Chúa xuống đến thân phận một tôi đòi, từ Ngôi Lời của Thiên Chúa đến một phàm nhân chịu khổ hình chết trên thập giá; để rồi lại trở về với Thiên Chúa trong vinh quang, được suy tôn là Chúa tể trên trời dưới đất ( Pl 2,6-11 ).
Chúng ta tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để cảm tạ Chúa đã yêu và sẵn sàng chịu mọi đau khổ vì chúng ta. Chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu để nhận ra tội lỗi của mình, vì tội lỗi của chúng ta đã gây ra cái chết của Con Thiên Chúa.
Dưới thời Hoàng đế Nêron, Giáo hội bị bắt bớ gắt gao. Phêrô, vị thủ lãnh bị truy lùng, định rời khỏi thành Rôma một thời gian cho qua cơn sóng gió. Trên đường đi, Ngài gặp hình bóng Thầy Giêsu vác Thánh giá đi vào thành. Phêrô hỏi: “Thầy đi đâu? Quo vadis?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy đi vào thành Rôma để chết thay cho con một lần nữa”. Phêrô hiểu ý quay gót trở lại, chấp nhận mọi gian khổ và chịu chết để minh chứng cho đức tin.
Những ngày trong Tuần Thánh, chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh lễ, các nghi lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, để xin Chúa cho chúng ta biết cảm nếm những đau khổ Chúa đã chịu, biết xa lánh tội lỗi, đền đáp công ơn Chúa, và nhất là xin Chúa đừng để cho hiệu quả ơn cứu chuộc trở thành vô ích đối với phần rỗi linh hồn chúng ta. Nếu chúng ta thực sự yêu Chúa như “người tình”. Lúc đó chúng ta sẽ chẳng màng những người xung quanh nói gì, nghĩ gì. Điều chúng ta quan tâm nhất là được nói chuyện và ở gần bên Chúa. Chúng ta sẽ luôn cảm thấy “thèm” được ở bên Chúa, vì ở bên Người chẳng biết bao nhiêu thời gian là đủ. Vì chúng ta chưa yêu Ngài nên chúng ta tính toán đủ điều: Tham dự lễ thì cắt trước xén sao cho thật ngắn giờ. Cha đi ra, con đi vào. Cha đi vào, con đi ra. Chúng ta hiện diện cho có lệ, mặc kệ cho Lời Chúa bay cao bay xa tâm trí của chúng ta. Bí tích, Thánh lễ là trung tâm điểm của mọi hoạt động thờ phượng, nhưng đã trở thành thứ yếu so với các chương trình phụ. Bài giảng Lời Chúa bị xem nhẹ từ người cử hành. Bí tích Thánh Thể bị coi thường như một nghi thức bình thường trong các nghi thức.
Ước mong mỗi người chúng ta biết coi trọng và yêu mến Thánh lễ. Giáo dân cũng khao khát các Linh mục sốt sắng trong cử hành, sâu lắng trong lời giảng dạy. Thánh lễ còn thánh thiêng thì đời sống đạo của cộng đoàn còn cháy lửa mến Chúa, và ngược lại khi Thánh lễ bị xem nhẹ thì đời sống của cộng đoàn sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi đi lại con đường thương khó của Chúa Giêsu để được Phục sinh với Người.
Linh mục Giuse Phan Cảnh