BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - LỄ CHÚA KITÔ VUA NĂM B
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Lễ Chúa Kitô Vua năm B.
Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua năm B (21/11/2021) - Hai hình ảnh của Chúa Giêsu
Anh chị em thân mến,
Hai hình ảnh từ Lời Chúa chúng ta vừa mới nghe, có thể giúp chúng ta đến gần Chúa Giêsu với tư cách là Vua Vũ trụ. Hình ảnh thứ nhất, trích từ sách Khải huyền của thánh Gioan và được tiên tri Đa-ni-en tiên báo trong bài đọc thứ nhất, được mô tả bằng những từ: ‘Người ngự đến giữa đám mây’ (Kh 1, 7; Đn 7,13). Đề cập đến sự tái lâm vinh quang của Chúa Giêsu với tư cách là Chúa vào cuối lịch sử. Hình ảnh thứ hai là của Tin Mừng: Chúa Kitô đứng trước mặt Philatô và nói với ông: ‘Ta là vua’ (Ga 18,37). Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy dừng lại và chiêm ngắm hai hình ảnh này của Chúa Giêsu, khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon.
Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh đầu tiên: Chúa Giêsu, Đấng ngự đến giữa đám mây. Hình ảnh này nói đến việc Chúa Kitô đến vào cuối thời gian; làm cho chúng ta hiểu rằng lời cuối cùng về sự hiện hữu của chúng ta sẽ thuộc về Chúa Giêsu. Kinh Thánh còn nói cho chúng ta biết Người là “Đấng ngự giá đằng vân” (Tv 68, 5), và biểu lộ quyền năng trên các tầng trời (Tv 68, 34-35). Nghĩa là Chúa là mặt trời soi sáng chúng ta từ trên cao và không bao giờ lặn, Đấng trường tồn trong khi mọi thứ khác qua đi, là niềm hy vọng chắc chắn và vĩnh cửu của chúng ta. Lời ngôn sứ hy vọng này soi sáng đêm tối của chúng ta, cho chúng ta biết rằng Chúa thực sự đang đến, Người hiện diện và đang làm việc, hướng lịch sử về phía Người, hướng tới điều tốt lành. Người ngự đến “với đám mây” để trấn an chúng ta; như muốn nói: “Thầy không để anh em một mình khi cuộc đời bị giông tố ập đến. Thầy luôn ở bên anh em. Thầy đến để mang lại bầu trời tươi sáng”.
Mặt khác, ngôn sứ Đa-ni-en nói với chúng ta rằng ông đã nhìn thấy Chúa ngự đến với những đám mây khi ông “thấy những thị kiến ban đêm” (Đn 7,13). Những thị kiến ban đêm: Chúa ngự đến trong đêm, giữa những đám mây thường bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần phải nhận ra Người, nhìn xa hơn màn đêm, ngước mắt lên để có thể nhìn thấy Người giữa bóng tối.
Các bạn trẻ thân mến, nhìn những thị kiến ban đêm, nghĩa là có đôi mắt chiếu sáng ngay cả trong bóng tối. Không ngừng tìm kiếm ánh sáng giữa những bóng tối mà chúng ta có thể có trong tâm hồn hoặc xung quanh chúng ta. Từ mặt đất hãy ngước nhìn lên cao, không phải để chạy trốn, nhưng để vượt qua cám dỗ tiếp tục bị giam cầm bởi nỗi sợ hãi của chúng ta. Điều nguy hiểm là để nỗi sợ hãi kìm hãm chúng ta. Đừng đóng kín cõi lòng chỉ nghĩ đến bản thân. “Hãy ngước mắt nhìn lên cao! Hãy chỗi dậy!” là lời khích lệ mà Chúa nói với chúng ta, và cha muốn lặp lại điều đó trong Sứ điệp gửi đến các bạn trẻ để đồng hành trong năm hành trình này. Đây là nhiệm vụ được giao cho các bạn, đầy thử thách nhưng rất lôi cuốn: đôi chân đứng vững trong khi mọi thứ xung quanh ta dường như đang sụp đổ; trở thành những người lính canh biết nhìn ánh sáng trong những thị kiến ban đêm; trở thành những người xây dựng giữa đống đổ nát, để có khả năng mơ ước. Đối với cha đây là chìa khoá: một người trẻ không có khả năng ước mơ, là một người đáng tội nghiệp, vì người này già trước tuổi. Hãy biết mơ ước. Bởi vì những điều người biết mơ ước thường làm là: không ở trong bóng tối, nhưng thắp lên một ngọn lửa, một ánh sáng hy vọng loan báo bình minh xuất hiện. Hãy ước mơ, hãy đứng lên và nhìn về tương lai với hy vọng.
Cha muốn nói với các con điều này: chúng tôi, tất cả chúng tôi, đều biết ơn các con khi các con mơ ước. Khi người trẻ mơ ước, đôi khi gây ồn ào. Hãy làm điều này, vì sự ồn ào của các con là hoa trái của những giấc mơ. Có nghĩa là các con không muốn sống trong đêm tối, khi các con biến Chúa Giêsu trở thành giấc mơ của cuộc đời các con, và các con đón nhận Chúa Giêsu với niềm vui và lòng nhiệt thành dễ lây lan, là lúc các con làm điều tốt cho chúng tôi! Cám ơn các con vì những lúc các con can đảm làm việc để biến ước mơ thành hiện thực, khi các con luôn tin vào ánh sáng ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, khi các con dấn thân với lòng say mê để làm cho thế giới của chúng ta tươi đẹp và nhân văn hơn. Cám ơn các con khi các con vun trồng ước mơ huynh đệ, khi các con quan tâm đến vết thương của thụ tạo, đấu tranh cho phẩm giá của những người yếu đuối và lan tỏa tinh thần liên đới và chia sẻ. Và trên hết, cám ơn các con, vì trong một thế giới chỉ nghĩ đến lợi ích hiện tại, có xu hướng bóp nghẹt những lý tưởng vĩ đại, các con đã không đánh mất khả năng ước mơ! Điều này giúp cho người lớn chúng tôi và Giáo hội. Vâng, là một Giáo hội cũng vậy, chúng ta cần ước mơ, chúng ta cần lòng hăng say và nhiệt huyết của người trẻ để trở thành chứng nhân của Thiên Chúa luôn tươi trẻ!
Và cha muốn nói với các con một điều khác: nhiều giấc mơ của các con cũng giống như những giấc mơ của Tin Mừng. Tình huynh đệ, liên đới, công lý, hòa bình: đây là những ước mơ của chính Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Đừng ngại mở lòng ra để gặp Chúa Giêsu: Người yêu thích ước mơ của các con và giúp các con biến chúng thành hiện thực. Đức Hồng y Martini đã từng nói rằng Giáo hội và xã hội cần “những người biết mơ ước luôn mở lòng đón nhận những điều bất ngờ của Chúa Thánh Thần”. Cha ước mong các con sẽ là một trong những người mơ ước này!
Bây giờ chúng ta đến với hình ảnh thứ hai, Chúa Giêsu nói với Philatô: “Ta là vua”. Chúng ta được đánh động bởi sự quyết tâm, lòng can đảm, tự do vượt bậc của Chúa. Chúa bị bắt, bị đưa đến dinh quan, bị thẩm vấn bởi những người có quyền kết án tử hình Người. Trong một tình huống như vậy, Chúa có mọi quyền để bảo vệ mình, và thậm chí “dàn xếp” bằng cách đi đến một thỏa hiệp. Trái lại, Chúa Giêsu không che giấu căn tính của mình, không che giấu ý định, hoặc lợi dụng cơ hội Philatô đưa ra. Với lòng can đảm đến từ sự thật, Chúa trả lời: “Tôi là vua”. Chúa nhận trách nhiệm về cuộc sống của chính mình: Tôi đến vì một sứ vụ và tôi sẽ đi đến cùng để làm chứng cho Vương quốc của Cha. Chúa nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37). Chúa Giêsu đến công bố Vương quốc của Người khác với các vương quốc của thế gian; Chúa không trị vì để gia tăng quyền lực và để đè bẹp người khác; Chúa không trị vì bằng sức mạnh. Vương quốc của Người là Vương quốc tình yêu, Vương quốc của những người hiến mạng sống vì ơn cứu độ người khác.
Các bạn trẻ thân mến, sự tự do của Chúa Giêsu là điều lôi cuốn! Chúng ta hãy để cho tự do này rung động trong chúng ta, để lay động và khơi dậy trong chúng ta lòng can đảm sinh ra từ sự thật. Chúng ta hãy tự hỏi điều này: Nếu tôi đang ở vị trí của Philatô, nhìn vào mắt Chúa Giêsu, tôi sẽ xấu hổ về điều gì? Trước sự thật của Chúa Giêsu, là chính Chúa, những giả dối nào làm Người không vừa ý? Mỗi chúng ta đều có điều này, hãy tìm ra chúng. Chúng ta cần phải đặt mình trước Chúa Giêsu, để sự thật trong chúng ta được tỏ bày. Chúng ta cần phải thờ phượng Người để có được tự do bên trong, để cuộc sống được sáng tỏ, và không bị lừa dối bởi những mốt thời thượng và những giả tạo của chủ nghĩa tiêu dùng gây loá mắt và tê liệt. Các bạn trẻ thân mấn, chúng ta ở đây không phải để bị mê hoặc bởi tiếng còi của thế giới, nhưng để nắm lấy cuộc sống chúng ta, để sống trọn vẹn!
Bằng cách này, trong tự do của Chúa Giêsu, chúng ta tìm được can đảm để lội ngược dòng: không chống lại người khác, như những người coi mình là nạn nhân và những người theo thuyết âm mưu, những người luôn đổ lỗi cho người khác; lội ngược dòng là chống lại cái tôi ích kỷ, khép kín và cứng nhắc của chúng ta, để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì Chúa dạy chúng ta chỉ chống lại điều ác bằng sức mạnh hiền lành và khiêm nhường của điều thiện. Không có con đường tắt, không giả dối. Thế giới của chúng ta bị tổn thương bởi quá nhiều tệ nạn, không cần thêm bất kỳ thỏa hiệp mơ hồ nào nữa, của những người ngã bên này nghiêng bên kia như sóng biển, tùy theo điều gì là thuận tiện nhất. Hãy sống tự do đích thực, các bạn hãy là lương tâm phê phán của xã hội. Đừng ngại phê bình góp ý! Chúng tôi cần sự góp ý của các bạn, như nhiều bạn trẻ đang phê bình chống ô nhiễm môi trường. Chúng tôi cần điều này! Hãy tự do trong khi phê bình. Hãy say mê sự thật, để với ước mơ, các bạn có thể nói: “Cuộc sống tôi không bị giam cầm bởi suy nghĩ của thế gian: Tôi được tự do, bởi vì tôi trị vì với Chúa Giêsu cho công lý, tình yêu và hòa bình!”. Cha ước mong và cầu nguyện cho các con để mỗi người trong các con có thể cảm nhận niềm vui khi nói: “Với Chúa Giêsu, tôi cũng là vua”. Tôi là vua: là một dấu chỉ sống động về tình yêu Thiên Chúa, về lòng trắc ẩn và sự dịu dàng của Người. Tôi là một người biết ước mơ, được hoa mắt bởi ánh sáng của Tin Mừng, và tôi nhìn với hy vọng trong những thị kiến ban đêm. Và khi tôi té ngã, tôi tìm lại được sự can đảm nơi Chúa Giêsu để tiếp tục chiến đấu và hy vọng, can đảm để tiếp tục ước mơ. Ở bất cứ độ tuổi nào trong cuộc sống.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Kitô Vua năm B (21/11/2021) - Tự do của Chúa Giêsu đến từ sự thật
Anh chị em thân mến!
Tin Mừng Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, kết thúc bằng một lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Tôi là vua” (Ga 18, 37). Chúa nói những lời này trước mặt Philatô, trong khi đám đông la hét lên án tử hình Người. Giờ quan trọng đã đến. Trước đây, trong lần Chúa làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, Chúa không muốn dân chúng tôn Người là vua. Lần đó Người đã lánh mặt, đi lên núi một mình cầu nguyện (Ga 6, 14-15).
Sự thật là vương quyền của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với vương quyền của thế gian. Chúa nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Chúa không đến để thống trị nhưng để phục vụ. Người không đến giữa những dấu chỉ của sức mạnh, nhưng với sức mạnh của những dấu chỉ. Trang phục của Chúa không phải là những thứ quý giá, nhưng là sự lột trần trên Thánh giá. Và chính hàng chữ được ghi trên Thánh giá đã xác định Chúa là “vua” (Ga 19,19). Vương quyền của Chúa thực sự vượt quá thước đo của con người! Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu là một vị vua không như những vua khác, nhưng Người là Vua cho những người khác. Chúng ta hãy suy ngẫm về điều này: trước mặt Philatô, Chúa nói Người là vua trong lúc đám đông chống lại Người; nhưng khi đám đông đang theo và tung hô Chúa, Chúa lại giữ khoảng cách. Có nghĩa là, Chúa đang cho thấy rằng Người có quyền tối thượng thoát khỏi ham muốn danh vọng và vinh quang trần thế. Và chúng ta - chúng ta hãy tự hỏi - chúng ta có biết noi gương Chúa về khía cạnh này không? Chúng ta có biết kiểm soát xu hướng muốn được tìm kiếm và nhìn nhận, hay chúng ta làm mọi cách để được người khác quý trọng? Trong những gì chúng ta làm, đặc biệt là trong sự dấn thân, những tràng pháo tay hay sự phục vụ có quan trọng với chúng ta không?
Chúa Giêsu không chỉ tránh xa mọi cuộc tìm kiếm những điều lớn lao của thế gian, nhưng còn làm cho tâm hồn những kẻ theo Người được tự do. Anh chị em thân mến, Người giải thoát chúng ta khỏi điều ác. Vương quốc của Người là tự do, không áp bức. Người đối xử với các môn đệ như với một người bạn, không phải như một thần dân. Mặc dù ở trên tất cả mọi quyền lực, Chúa không vạch ra ranh giới giữa Người và những người khác. Trái lại, Chúa muốn có anh chị em để chia sẻ niềm vui (Ga 15,11). Chúng ta không mất gì khi theo Người, nhưng chúng ta có được phẩm giá. Bởi vì Chúa Kitô không muốn xung quanh Người là những người phục vụ hèn hạ, nhưng là những người tự do. Và giờ đây chúng ta có thể tự hỏi tự do của Chúa Giêsu đến từ đâu? Chúng ta khám phá ra điều đó bằng cách quay trở lại lời khẳng định của Chúa trước mặt Philatô: “Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”(Ga 18,37).
Sự tự do của Chúa Giêsu đến từ sự thật. Chính sự thật của Chúa làm cho chúng ta được tự do (Ga 8,32). Nhưng sự thật của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một điều gì đó trừu tượng: nó là một thực tế, chính Người là Đấng đã tạo ra sự thật bên trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi những điều bịa đặt và giả dối có bên trong chúng ta. Ở với Chúa Giêsu, chúng ta trở thành sự thật. Đời sống của một Kitô hữu không phải là một vở kịch mà người ta có thể đeo chiếc mặt nạ phù hợp với mình. Khi Chúa Giêsu ngự trong tâm hồn, Người giải thoát chúng ta khỏi sự giả hình, mưu mẹo và giả tạo. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta là tách rời khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, làm cho nó trở nên mơ hồ, mờ đục, buồn bã. Tất nhiên, chúng ta luôn phải đối diện với những hạn chế và khiếm khuyết: tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nhưng khi sống dưới uy quyền Chúa Giêsu, chúng ta không bị hư mất, không giả dối, không có xu hướng che đậy sự thật. Chúng ta không sống cuộc sống hai mặt. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày tìm kiếm sự thật của Chúa Giêsu, Vua Vũ trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nô lệ trần gian và dạy chúng ta cai trị những thiếu sót của chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Kitô Vua năm B (25/11/2018) - Vương quốc của Thiên Chúa là tình yêu
Anh chị em thân mến,
Lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, mà chúng ta cử hành ngày hôm nay, được đặt vào cuối năm phụng vụ và nhắc nhớ rằng đời sống của vũ trụ, thụ tạo không diễn tiến một cách tình cờ, nhưng tiến tới mục tiêu cuối cùng: biểu hiện sau cùng của Chúa Kitô, Chúa của lịch sử và của mọi loài thụ tạo. Đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 18, 33b-37) cho chúng ta biết về vương quốc này và tường thuật lại sự nhục nhã mà Chúa Giêsu phải chịu sau khi bị bắt ở vườn Cây Dầu: bị trói, sỉ nhục, bị cáo buộc và bị mang đến trước nhà cầm quyền Giêrusalem. Chúa Giêsu bị đưa tới trình diện cho quan Philatô, là người đang nhắm đến quyền lực chính trị, trở thành vua của người Do Thái. Sau đó, Philatô cho điều tra và trong một cuộc thẩm vấn đầy kịch tính đã hỏi Chúa Giêsu hai lần về việc Ngài là vua (câu 33b.37).
Trước hết Chúa Giêsu trả lời về vương quốc của Ngài: "Nước tôi không thuộc về thế gian này" (câu 36). Rồi Chúa Giêsu khẳng định: "Quan nói đúng. Tôi là Vua”. (câu.37). ĐTC giải thích: Rõ ràng là trong suốt cuộc đời của mình Chúa Giêsu không có tham vọng chính trị. Sau khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khích điều này muốn tôn phong Chúa Giêsu là vua, lật đổ quyền lực Rôma và khôi phục vương quốc Israel. Nhưng đối với Chúa Giêsu vương quốc là một cái gì đó khác, và chắc chắn không thực thiện bằng việc nổi loạn, bạo lực và vũ lực. Vì vậy, Ngài đã đi lên núi một mình cầu nguyện (Ga 6, 5-15). Giờ đây, trả lời câu hỏi của Philatô, Chúa Giêsu nhắc nhớ rằng các môn đệ của Ngài không chiến đấu để bảo vệ Ngài. Chúa nói: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái” (câu 36)
Chúa Giêsu muốn nói rõ ràng rằng trên quyền lực chính trị có một quyền khác lớn hơn nhiều, quyền này không đạt được bằng các phương tiện của con người. Chúa Giêsu đến thế gian để thực hiện quyền này, đó là tình yêu, làm chứng cho sự thật (câu 37). Đây là sự thật của Thiên Chúa, cuối cùng là sứ điệp trọng tâm của Tin Mừng: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4, 8). Và Chúa Giêsu muốn thiết lập trong thế giới này vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình. Đây là vương quốc mà Chúa Giêsu là vua và nó trải dài đến tận cùng thời gian. Lịch sử dạy rằng các vương quốc được thiết lập bằng sức mạnh của vũ khí và quyền lực là mong manh và sớm hay muộn sụp đổ. Nhưng vương quốc của Thiên Chúa được thiết lập trên tình yêu của Ngài và được bắt nguồn từ trái tim, dành cho những ai đón tiếp hòa bình, tự do và tràn đầy sức sống. Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình; tất cả chúng ta đều muốn tự do và chúng ta muốn sự viên mãn. Và anh chị em làm điều này như thế nào? Hãy để tình yêu của Chúa, Vương quốc của Chúa, tình yêu của Chúa Jesus, bén rễ trong tim anh chị em và anh chị em sẽ có bình an, anh chị em sẽ có tự do và anh chị em sẽ có sự viên mãn.
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy để Ngài trở thành Vua của chúng ta. Một vị Vua mà với lời, mẫu gương và cuộc sống hiến dâng trên Thánh giá đã cứu chúng ta khỏi cái chết. Chính Ngài là Đấng chỉ đường cho người lạc lối, trao ánh sáng mới cho sự hiện hữu của chúng ta, sự hiện hữu mà đã bị ghi dấu bởi những nghi ngờ, sợ hãi và thử thách hàng ngày. Nhưng chúng ta không được quên rằng vương quốc của Chúa Giêsu không thuộc về thế gian này. Ngài sẽ có thể đưa ra một ý nghĩa mới cho cuộc sống của chúng ta, cuộc sống mà đôi khi có những thử thách bởi những sai lầm và tội lỗi của chúng ta, chỉ với điều kiện chúng ta không tuân theo luận lý của thế gian và "các vua" của nó.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đón nhận Chúa Giêsu như là vua của cuộc đời chúng ta và để truyền bá vương quốc của Ngài, làm chứng cho sự thật đó là tình yêu.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Đức Phanxicô, Huấn dụ Lễ Chúa Kitô Vua năm B (22/11/2015) - Nước Tôi không thuộc về thế gian này
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Chúa nhật cuối cùng này của Năm Phụng vụ, chúng ta mừng lễ trọng Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong khi ngài tự giới thiệu trước mặt quan Philato như là vua của “một nước không thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu là vua của một thế giới khác, nhưng là vua một cách khác. Đây là sự đối nghịch giữa hai thứ lô-gic. Lô gíc trần thế dựa trên tham vọng và cạnh tranh, mà người ta tranh đấu bằng những võ khí sợ hãi, cưỡng bách, lèo lái lương tâm. Còn lôgic của Tin Mừng, của Chúa Giêsu, được biểu lộ trong sự khiêm tốn và nhưng không, được khẳng định âm thầm nhưng hữu hiệu với sức mạnh của chân lý. Các vương quốc của trần thế này nhiều khi được cai trị bằng cường quyền, cạnh tranh, đàn áp; vương quốc của Chúa Kitô là “nước công lý, tình thương và an bình” (kinh Tiền Tụng).
Chúa Giêsu tỏ ra là vua trong biến cố Thập Giá! Ai nhìn Thập Giá của Chúa Kitô thì không thể không thấy sự nhưng không lạ lùng của tình thương. Đối với Kitô hữu, nói về quyền lực và sức mạnh có nghĩa là tham chiếu quyền lực của Thập Giá và sức mạnh tình thương của Chúa Giêsu: một tình thương vẫn kiên vững và toàn vẹn, kể cả trước sự từ khước, và xuất hiện như sự hoàn tất một cuộc sống xả thân trong sự tận hiến cho nhân loại. Trên Đồi Canvê, những người qua đường và các thủ lãnh nhạo cười Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, và họ thách thức Ngài: “Hãy tự cứu mình bằng cách xuống khỏi thập giá đi!” (Mc 15,30). Nhưng điều nghịch lý là chân lý của Chúa Giêsu chính là sự thật mà những kẻ đối thủ của Ngài với giọng chế nhạo nói lên: “Hắn không thể tự cứu mình!” (v.31). Giả sử Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì có nghĩa là ngài chiều theo cám dỗ của thủ lãnh thế gian này; Nhưng không, Ngài không thể tự cứu mình để Ngài có thể cứu vờt những người khác, để có thể cứu mỗi người chúng ta khỏi tội lỗi. Nói cách khác: “Chúa Giêsu đã hiến mạng sống Ngài cho thế gian” là đúng. Nhưng đẹp hơn nữa là nói rằng: “Chúa Giêsu đã hiến mạng sống Ngài cho tôi”. Và hôm nay, tại Quảng trường này, mỗi người chúng ta hãy nói trong lòng mình: “Ngài đã hiến mạng sống Ngài cho tôi, để cứu mỗi người chúng ta khỏi tội lỗi”.
Ai hiểu được điều này? Một trong hai kẻ gian ác bị đóng đinh với Chúa đã hiểu điều ấy, anh ta được gọi là “kẻ trộm lành”, anh cầu xin Người: “Lạy ngài Giêsu, xin nhớ đến con khi ngài vào nước của ngài” (Lc 23,42). Nhưng đây là một tên tội phạm, một kẻ tham nhũng, và thực ra hắn ở đó vì đã bị kết án tử hình vì tất cả những hành động tàn bạo mà hắn đã phạm phải trong cuộc đời. Nhưng hắn đã nhìn thấy tình yêu trong cách cư xử của Chúa Giêsu, trong sự hiền hậu của Chúa Giêsu. Vương quyền của Chúa Giêsu không áp bức chúng ta, mà đúng hơn là giải thoát chúng ta khỏi những yếu đuối và đau khổ của mình, khuyến khích chúng ta bước đi trên con đường thiện hảo, con đường hòa giải và tha thứ. Chúng ta hãy nhìn vào Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta hãy nhìn vào “tên trộm lành”, và chúng ta hãy cùng nhau nói lên điều mà tên trộm lành đã nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài vào vương quốc của Ngài”. Tất cả cùng nhau: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài vào vương quốc của Ngài”. Hãy cầu xin Chúa Giêsu, khi chúng ta cảm thấy mình yếu đuối, rằng chúng ta là những tội nhân, bị đánh bại, hãy nhìn vào chúng ta và nói với Chúa: “Chúa vẫn ở đó. Đừng quên con”.
Đứng trước bao nhiêu sâu xé trên thế giới và quá nhiều vết thương trong thân thể loài người, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm noi gương Chúa Giêsu, là vua của chúng ta, làm cho nước Chúa hiện diện với những cử chỉ dịu hiền, cảm thông và từ bi.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua năm B (25/11/2012) – Vương quyền của Chúa Kitô
Anh chị em thân mến,
Lễ trọng kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ kết thúc năm phụng vụ được phong phú thêm qua sự đón nhận vào Hồng y đoàn 6 thành viên mới. Theo truyền thống, tôi đã mời các vị đồng tế thánh lễ với tôi sáng hôm nay. Tôi xin gửi đến mỗi vị lời chào thân ái nhất và cám ơn Đức Hồng y James Michael Harvey vì những lời chào mừng nhân danh tất cả. Tôi chào các hồng y và giám mục khác hiện diện, cũng như các nhà chức trách dân sự, đại sứ, linh mục, tu sĩ và toàn thể tín hữu, đặc biệt là những người đến từ các giáo phận được giao phó cho các hồng y mới chăm sóc mục vụ.
Vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ này, Giáo hội mời gọi chúng ta mừng Chúa Giêsu là Vua của Vũ trụ. Giáo hội kêu gọi chúng ta hướng đến tương lai, hay đúng hơn là hướng đến chiều sâu, đến mục đích cuối cùng của lịch sử, đó sẽ là vương quốc chung cuộc và vĩnh cửu của Chúa Kitô. Ngài đã ở với Chúa Cha ngay từ đầu, khi thế giới được tạo thành, và Ngài sẽ biểu lộ trọn vẹn quyền thống trị của mình vào thời điểm tận thế, khi Ngài phán xét toàn thể nhân loại. Ba bài đọc hôm nay nói với chúng ta về vương quốc này. Trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, trích từ Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu xuất hiện trong hoàn cảnh nhục nhã - Ngài bị buộc tội - trước quyền lực của La Mã. Ngài đã bị bắt, bị lăng mạ, bị chế giễu, và giờ đây kẻ thù của Ngài hy vọng sẽ kết án tử hình Ngài bằng cách đóng đinh. Họ đã giới thiệu Ngài với Philatô như một người tìm kiếm quyền lực chính trị, tự xưng là Vua của người Do Thái. Quan tổng đốc La Mã tiến hành cuộc điều tra và hỏi Chúa Giêsu: "Ông có phải là Vua dân Do Thái không?" (Ga 18:33). Để trả lời câu hỏi này, Chúa Giêsu làm sáng tỏ bản chất vương quyền của Người và bản thân chức vụ Messiah (Đấng Cứu Thế) của Người, không phải là quyền lực thế gian mà là tình yêu phục vụ. Người tuyên bố rằng vương quốc của Người không thể bị nhầm lẫn với một chế độ chính trị: “Vương quyền của Ta không thuộc về thế gian này… không thuộc về thế gian” (câu 36).
Rõ ràng là Chúa Giêsu không có một tham vọng chính trị nào. Sau khi Chúa hóa bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi vì phép lạ, muốn tôn Người làm vua, để lật độ quyền lực của người La Mã và thiết lập một vương quốc chính trị mới, sẽ được coi như Nước Thiên Chúa hằng được mong chờ. Nhưng Chúa Giêsu biết rằng Nước Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn, không dựa trên võ khí và bạo lực. Và chính việc hóa bánh ra nhiều, một đàng trở thành dấu chỉ sứ mạng cứu thế của Ngừơi, nhưng đàng khác là một lằn ranh trong hoạt động của Người: từ lúc đó, hành trình hướng về Thập Giá ngày càng trở nên rõ ràng hơn; tại đó trong cử chỉ yêu thương tột cùng, Nước Thiên Chúa, nước hứa, sẽ chiếu sáng rạng ngời. Nhưng đám đông dân chúng không hiểu, họ thất vọng, và Chúa Giêsu rút lên núi một mình để cầu nguyện (Xc Ga 6,1-15). Trong trình thuật về cuộc khổ nạn, chúng ta cũng thấy các môn đệ, tuy cùng chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người, nhưng họ nghĩ đến một vương quốc chính trị, được thiết lập nhờ võ lực. Trong vườn Giệtsimani, Phêrô đã rút gươm khỏi vỏ và bắt đầu chiến đấu, nhưng Chúa Giêsu đã chặn ông lại (Xc Ga 18,10-11). Người không muốn được bảo vệ bằng võ khí, nhưng muốn chu toàn thánh ý Chúa Cha cho đến cùng và thiết lập vương quốc của Người, không phải bằng võ khí và bạo lực, nhưng bằng vẻ yếu đuối của tình thương trao ban sự sống. Nước Thiên Chúa là nước hoàn toàn khác với các nước trần thế.
Chính vì thế, đứng trước một người không phương thế tự vệ, yếu ớt, bị hạ nhục, như Chúa Giêsu, một người quyền lực như quan Philatô cũng ngạc nhiên; ngạc nhiên vì ông nghe nói về một nước, về những người phục vụ. Và ông đặt câu hỏi mà ông thấy có vẻ là nghịch lý: “Vậy ông là vua sao?” Một người ở trong hoàn cảnh như thế là vua thuộc loại nào? Nhưng Chúa Giêsu trả lời khẳng định: “Quan nói đúng: tôi là vua. Vì thế, tôi đã sinh ra và đến trần thế; để làm chứng cho sự thật. Ai bởi sự thật thì nghe tiếng tôi” (18,37). Chúa Giêsu nói về vua, về vương quốc, nhưng Người không nói đến sự thống trị, nhưng là sự thật. Quan Philatô không hiểu: có thể có quyền lực lực nào mà không đạt được với những phương thế của con người? một quyền lực không theo tiêu chuẩn thống trị và sức mạnh? Chúa Giêsu đã đến để mạc khải và mang đến một vương quyền mới, vương quyền của Thiên Chúa; Người đến để làm chứng về sự thật của một vị Thiên Chúa là tình thương (Xc 1 Ga 4,8.16) và Người muốn thiết lập một nước công chính, tình thương và an bình (Xc Kinh Tiền Tụng). Ai cởi mở đối với tình thương, thì lắng nghe chứng từ ấy và đón nhận trong niềm tin, để vào Nước Thiên Chúa.
Chúng ta thấy cũng một quan điểm này trong bài đọc đầu tiên mà chúng ta đã nghe. Ngôn Sứ Daniel nói về một nhân vật huyền bí giữa trời và đất, ngự đến trong đám mây và được trao ban quyền bính, vinh quang và vương quốc (7,13-14). “Đó là những lời nói về một vị vua thống trị từ biển này tới biển khác, cho đến tận bờ cõi trái đất với một quyền bính tuyệt đối, không bao giờ bị hủy diệt. Thị kiến này của Ngôn Sứ, thị kiến cứu thế, sáng tỏ và được thể hiện trong Chúa Kitô: Quyền bính của Đức Messia chân chính, quyền bính không bao giờ tàn lụi và không bao giờ bị hủy diệt, không phải quyền bính của các vương quốc trần thế phát sinh rồi suy sụp, nhưng là vương quốc sự thật và tình thương. Theo cách này, chúng ta hiểu được vương quyền mà Chúa Giêsu công bố trong các dụ ngôn và được mặc khải công khai và rõ ràng trước viên tổng đốc La Mã, là vương quyền của chân lý, vương quyền mang lại ánh sáng và sự vĩ đại cho mọi vật.
Trong bài đọc thứ hai, tác giả sách Khải quyền quả quyết cả chúng ta cũng được tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô. Trong lời tung hô “Đấng yêu thương chúng ta và đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi chúng ta bằng máu của Người”, tác giả tuyên bố rằng Chúa Kitô “làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (1:5-6). Ở đây cũng rõ ràng là chúng ta đang nói về một vương quốc dựa trên mối tương quan với Thiên Chúa, với chân lý, chứ không phải là một vương quốc chính trị. Nhờ sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu mở đường cho chúng ta đi vào một quan hệ sâu xa với Thiên Chúa: trong Người, chúng ta trở thành dưỡng tử đích thực, như thế, chúng ta được tham dự vào vương quyền của Chúa trên thế giới. Vì vậy, là môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là không để cho mình bị thu hút vì các tiêu chuẩn trần thế về quyền lực, nhưng vào thế giới ánh sáng của sự thật và tình thương của Thiên Chúa. Tác giả sách Khải Huyền mở rộng cái nhìn về sự tái lâm của Chúa Giêsu để xét sử và thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa, và nhắc nhở chúng ta rằng sự hoán cải, như lời đáp lại ơn thánh của Chúa, chính là điều kiện để thiết lập Nước Chúa (Xc 1,7). Đó là một lời mời gọi mạnh mẽ gửi đến tất cả và từng người: luôn trở về cùng Nước Thiên Chúa, chủ quyền của Thiên Chúa, Sự Thật, trong đời sống chúng ta. Chúng ta khẩn cầu hằng ngày trong kinh Lạy Chúa với câu “Nước Cha trị đến”, có nghĩa là thưa với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con thuộc về Chúa, xin Chúa sống trong chúng con, xin Chúa tập hợp nhân loại đang bị phân tán và đau khổ để trong Chúa tất cả đều được tùng phục Chúa Cha của lòng từ bi và tình thương.
Hỡi các anh em hồng y quí mến, tôi đặc biệt nghĩ đến các tân hồng y mới được tấn phong hôm qua, anh em được ủy thác trách vụ cam go này, đó là làm chứng về Nước Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật. Điều này có nghĩa là luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa và thánh ý Chúa trước những lợi lộc trần thế và quyền lực của nó. Anh em hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã biểu lộ vinh quang của Người trước quan Philato, trong tình trạng tủi nhục như Phúc âm mô tả: Chúa đã biểu lộ vinh quang của Người là yêu thương đến tột cùng, hiến mạng sống cho những người mình yêu. Đó là mạc khải về Nước Chúa Giêsu. Và vì thế, chúng ta hãy đồng tâm hiệp ý cầu nguyện: “Adveniat regnum tuum”, xin cho Nước Chúa được hiển trị. Amen.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Kitô Vua năm B (22/11/2009) - Chọn lựa đi theo Chúa Kitô
Anh chị em thân mến,
Vào Chúa nhật chót của năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô là Vua trời đất, một lễ tương đối mới mẻ nhưng đã đâm rễ sâu trong Kinh thánh và thần học. Tước hiệu “vua” gán cho Đức Giêsu rất là quan trọng trong các sách Tin mừng và cung cấp cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về chân dung và sứ mạng cứu độ của Người. Về điểm này chúng ta có thể ghi nhận một sự tiến triển: từ chỗ là “vua của Israel” người ta tiến đến “vua vũ trụ”, chủ tể của trời đất và của lịch sử, nghĩa là vượt qua những hoài bão của chính dân Do thái. Ở trọng tâm của mạc khải vương quyền của đức Giêsu Kitô là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Khi đức Giêsu bị treo trên thập giá, các tư tế, kinh sư và kỳ mục đã chế nhạo Người và nói: “Kìa, vua dân Israel đấy; hãy xuống khỏi thập giá thì chúng tôi sẽ tin” (Mt 27,42). Thực ra, trong tư cách là Con Thiên Chúa mà đức Giêsu đã tự ý trao nộp mình để chịu khổ nạn, và thập giá là dấu chỉ nghịch lý của vương quyền của Người, vương quyền nằm ở tình thương của Chúa Cha dành cho sự bất tuân vì tội lỗi. Chính vì hiến dâng mình làm hy lễ xá tội mà đức Giêsu trở thành Vua vũ trụ, như chính Người đã tuyên bố khi hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh: “Mọi quyền bính trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18).
Quyền bính của đức Giêsu Kitô Vua nằm ở chỗ nào? Đây không phải là thứ quyền bính của các vua chúa lãnh tụ trần gian; nhưng là quyền bính thiên linh trao ban sự sống vĩnh cửu, giải thoát khỏi sự dữ, đập tan sự thống trị của tử thần. Đó là quyền bính của tình yêu, có sức rút tiả điều thiện từ cái ác, uốn mềm một trái tim chai đá, mang lại hoà bình vào nơi tranh chấp gay go, thắp lên hy vọng giữa đêm tối mịt mùng. Thứ vương quyền Ân sủng như thế không hề áp đặt ai hết, nhưng tôn trọng tự do của chúng ta. Chúa Kitô đã đến để “làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37) – như Người đã tuyên bố trước mặt quan Philatô - : ai đón nhận chứng tá của Người thì đặt mình ở dưới trướng của Người, theo lối nói của thánh Inhaxiô Loyola. Vì thế, một sự chọn lựa được đặt ra cho mỗi lương tâm: tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay tà thần? Chân lý hay gian dối? Chọn lựa đi theo Chúa Kitô không bảo đảm thành đạt theo tiêu chuẩn của thế gian, nhưng chắc chắn sẽ gặp thấy sự bình an và hoan lạc mà duy chỉ có Người mới có thể ban. Điều này đã được chứng thực ở nơi biết bao nhiêu người, vì danh Chúa Kitô, vì danh của sự thật và công lý, đã chống lại các lời dụ dỗ của quyền lực thế gian mang nhiều lốt mặt nạ khác nhau, đến nỗi đã dám đóng ấn cho lòng trung thành của mình bằng việc tử vì đạo.
Anh chị em thân mến. Khi sứ thần Gabriel đến truyền tin của đức Maria, thì Người tiên báo rằng người con của bà sẽ thừa hưởng ngai báu vua Đavit và sẽ hiển trị ngàn đời (xc. Lc 1,32-33). Và đức Trinh nữ đã tin trước khi sinh hạ đức Giêsu cho trần gian. Rồi dĩ nhiên Mẹ đã phải tự hỏi về vương quyền của đức Giêsu sẽ ra như thế nào, và chỉ hiểu được bằng cách lắng nghe lời của Chúa và nhất là thông dự mật thiết vào mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Chúa. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria giúp cho chúng ta biết đi theo đức Giêsu là Vua của chúng ta, như Mẹ đã làm, và làm chứng cho Chúa bằng trót cuộc đời.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Lễ Chúa Kitô Vua năm B (26/11/2006) - Làm chứng cho chân lý
Anh chị em thân mến,
Vào Chúa nhật chót của năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ. Bài Tin mừng hôm nay thuật lại một đoạn trong cuộc chất vấn bi thảm giữa Tổng trấn Philatô và đức Giêsu khi Người bị giải nạp và cáo buộc vì tội lạm dụng danh nghĩa là “Vua dân Do thái”. Đáp lại câu hỏi của tổng trấn Rôma, Đức Giêsu khẳng định rằng mình là vua, nhưng không thuộc về thế gian này (xc. Ga 18,36). Người không đến để thống trị các dân tộc và lãnh thổ, nhưng là đến để giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và hoà giải với Thiên Chúa: “Tôi sinh ra và đến trần gian vì lý do này, đó là làm chứng cho chân lý. Ai ở về phía chân lý thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).
Nhưng “chân lý” mà Đức Giêsu đến trần gian để làm chứng là gì? Trót cuộc sống của Người mặc khải rằng Thiên Chúa là tình thương: đó là chân lý mà Người làm chứng trọn vẹn với sự hy sinh mạng sống trên núi Calvario. Thập giá là “ngai tòa” từ đó Người biểu lộ vương quyền của Thiên Chúa Tình thương: khi hiến mình làm của lễ xá tội lỗi thế gian, Người đã đánh bại sự thống lĩnh của “thủ lãnh thế gian” (Ga 12,31) và đã thiết lập vĩnh viễn Vương triều của Thiên Chúa. Vương triều này sẽ được bộc lộ trọn vẹn vào cuối lịch sử, sau khi mọi địch thù, mà tử thần đứng cuối sổ, sẽ bị khuất phục (xc. 1Cr 15,25-26). Lúc ấy Chúa Con sẽ trao lại vương triều cho Thiên Chúa Cha và sau cùng Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong mọi sự” (1Cr 15,28). Con đường dẫn đến mục tiêu ấy còn dài và không có lối tắt: thật vậy mỗi người cần phải tự tình đón nhận chân lý của tình thương Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình thương và Chân lý, và tình thương cũng như chân lý không thể nào áp đặt được. Tình thương và chân lý đến gõ cửa của con tim và trí tuệ, và đâu có thể vào được thì mang đến an bình và hoan hỉ đến đó. Đó là đường lối cai trị của Thiên Chúa; đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, một “mầu nhiệm” hiểu theo nghĩa Kinh thánh, nghĩa là một kế hoạch được tỏ lộ dần dần trong lịch sử.
Đức Trinh nữ Maria đã được kết nạp vào vương quyền của Chúa Kitô một cách rất độc đáo. Thiên Chúa đã yêu cầu Người, một thiếu nữ khiêm tốn Nadarét, hãy làm thân mẫu của đức Mêsia. Đức Maria đã đáp lại lời gọi ấy với trót cả thân mình, kết hợp lời “xin vâng” của mình với lời “xin vâng” của đức Giêsu Con mình, và đã vâng lời cùng với Người cho đến chỗ hy sinh. Bởi thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người lên trên mọi thọ tạo, và Chúa Kitô đã đội cho Người triều thiên Nữ hoàng trời đất. Chúng ta hãy ký thác Hội thánh và toàn thể nhân loại cho lời chuyển cầu của Mẹ, ngõ hầu tình thương của Thiên Chúa có thể ngự trị trong hết mọi tâm hồn, và hoàn tất kế hoạch công lý và hoà bình của Ngài.
Nguồn: archivioradiovaticana.va
Nguồn: hdgmvietnam.com