BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B

15/11/2024
1401
Header


BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM B


Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 33 Thường Niên năm B - Ngày Thế giới Người nghèo.

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 33 Thường Niên năm B, Ngày Thế giới Người nghèo (14/11/2021) - Nỗi khổ đau hôm nay và niềm hy vọng ngày mai

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (14/11/2021) - Đâu là lựa chọn của tôi?

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (18/11/2018) - Điều duy nhất chúng ta có thể mang theo

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (15/11/2015) - Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (18/11/2012) - Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (15/11/2009) - Tiếp nhận hạt giống của Lời Chúa

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 33 Thường Niên năm B, Ngày Thế giới Người nghèo (14/11/2021) - Nỗi khổ đau hôm nay và niềm hy vọng ngày mai

Anh chị em thân mến,

Trong phần đầu của Tin Mừng hôm nay, những hình ảnh được Chúa Giêsu nói đến để lại sự kinh sợ: mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển (x. Mc 13, 24- 25). Tuy nhiên, ngay sau đó, Chúa mở ra cho chúng ta niềm hy vọng: chính xác trong khoảnh khắc hoàn toàn tăm tối đó, Con Người sẽ đến (xem câu 26); và hiện tại, chúng ta đã có thể chiêm ngắm những dấu hiệu sắp đến của Người, như khi chúng ta thấy một cây vả bắt đầu ra lá vì mùa hè đã đến gần (xem câu 28).

Do đó, Tin Mừng này giúp chúng ta đọc lịch sử bằng cách nắm bắt hai khía cạnh: nỗi khổ đau hôm nay và niềm hy vọng ngày mai. Một mặt, tất cả những mâu thuẫn nhức nhối mà thực tại con người vẫn còn đắm chìm trong mọi thời đại đều được gợi lên; mặt khác, ơn cứu độ tương lai đang chờ đợi nó, đó là cuộc gặp gỡ với Chúa khi Người đến, để giải thoát chúng ta khỏi mọi điều ác. Chúng ta nhìn hai khía cạnh này với cái nhìn của Chúa Giêsu.

Khía cạnh thứ nhất: nỗi khổ đau hôm nay. Chúng ta đang ở trong một lịch sử được đánh dấu bằng những hoạn nạn, bạo lực, đau khổ và bất công, đang chờ đợi một sự giải phóng dường như không bao giờ đến. Trên tất cả, đó là những người nghèo, là những mắt xích mỏng manh nhất trong dây chuyền, họ là những người bị tổn thương, bị áp bức và đôi khi bị chèn ép. Ngày Thế giới người nghèo, mà chúng ta đang cử hành, mời gọi chúng ta đừng nhìn theo hướng khác, đừng ngại nhìn kỹ vào nỗi đau khổ của những người yếu đuối nhất, mà bài Tin Mừng hôm nay rất phù hợp: mặt trời của cuộc đời họ thường bị che khuất bởi nỗi cô đơn, vầng trăng mong đợi của họ bị dập tắt; những ngôi sao trong giấc mơ của họ đã rơi vào cảnh cam chịu và chính sự tồn tại của họ mới là điều đáng buồn. Tất cả những điều này do bởi cái nghèo nên họ thường bị chèn ép, thành nạn nhân của sự bất công và bất bình đẳng của một xã hội lãng phí, vốn chạy nhanh mà không thấy họ và bỏ mặc họ một cách vô lương tâm cho số phận của họ.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, khía cạnh thứ hai: niềm hy vọng ngày mai. Chúa Giêsu muốn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, để xé bỏ chúng ta khỏi nỗi thống khổ và sợ hãi khi đối mặt với nỗi đau của thế giới. Đây là lý do tại sao Người khẳng định rằng, trong khi mặt trời đang tối dần và mọi thứ dường như sụp đổ, thì Người đến gần. Trong tiếng rên rỉ của lịch sử đau thương của chúng ta, ơn cứu độ tương lai đang bắt đầu nảy mầm. Niềm hy vọng ngày mai nảy nở trong nỗi đau hôm nay. Đúng vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ là một lời hứa từ sau này, nhưng nó đã phát triển trong lịch sử bị tổn thương của chúng ta, - tất cả chúng ta đều có con tim bị thương tổn - vượt qua những áp bức và bất công của thế giới. Ngay giữa tiếng khóc của người nghèo, Vương quốc của Thiên Chúa trổ sinh như những chiếc lá cây mỏng manh và dẫn đưa lịch sử đến cùng đích, đến cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, Vua Vũ trụ, Đấng sẽ giải thoát chúng ta một cách dứt khoát.

Tại điểm này, chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta, Kitô hữu, được đòi hỏi gì trước thực tế này? Để nuôi dưỡng niềm hy vọng ngày mai bằng cách chữa lành nỗi đau của ngày hôm nay. Chúng có liên hệ với nhau: Nếu chúng ta không chữa lành những thương tổn hôm nay, thì thật khó để có được niềm hy vọng ngày mai. Thật ra, niềm hy vọng đến từ Tin Mừng không phải nằm ở việc thụ động chờ đợi mọi việc trở nên tốt đẹp hơn vào ngày mai, điều này không thể, nhưng trong việc biến lời hứa về ơn cứu độ của Thiên Chúa trở nên cụ thể ngay hôm nay, mỗi ngày. Thật ra, niềm hy vọng Kitô giáo không phải là niềm lạc quan vui thích, hay có thể nói là sự lạc quan chưa chín tới, của những người hy vọng rằng mọi thứ rồi sẽ thay đổi, và trong thời gian chờ đợi, họ tiếp tục chạy theo cuộc sống riêng mình. Nhưng thay vào đó, niềm hy vọng Kitô giáo là, bằng những cử chỉ cụ thể, xây dựng Vương quốc của tình yêu, công lý và tình huynh đệ mỗi ngày, vốn là điều Chúa Giêsu đã khởi sự. Chẳng hạn, niềm hy vọng Kitô giáo đã không được gieo bởi các thầy Lêvi và các tư tế khi họ đi ngang qua người đàn ông bị thương do bị cướp. Nhưng nó được gieo bởi một người lạ, bởi một người Samari. Người này đã dừng lại và thực hiện một hành động (x. Lc 10,20-35). Và hôm nay, đó là điều mà Giáo hội muốn nói với chúng ta: “Hãy dừng lại và gieo hy vọng nơi sự nghèo khó. Hãy đến gần người nghèo và gieo hy vọng.” Niềm hy vọng của một người, của chúng ta và của Giáo hội. Chúng ta được đòi hỏi thế này: giữa những tàn tích hàng ngày của thế giới, những người xây dựng hy vọng không mệt mỏi; hãy trở nên ánh sáng khi mặt trời trở nên tối tăm; hãy trở thành chứng nhân của lòng thương xót khi xung quanh là ghẻ lạnh; hãy là người trao yêu thương và quan tâm nơi sự thờ ơ và vô cảm lan tràn. Hãy là chứng nhân của lòng thương xót. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể làm điều thiện nếu không bước qua lòng trắc ẩn. Họa lắm, chúng ta sẽ làm điều thiện, nhưng nó vẫn không chạm đến con đường của người Kitô hữu, bởi vì nó không chạm đến trái tim. Điều chạm đến trái tim của chúng ta, chính là lòng trắc ẩn: Chúng ta đến gần hơn, cảm nhận được lòng trắc ẩn và chúng ta thực hiện những cử chỉ dịu dàng. Đúng là phong cách của Chúa: gần gũi, thương xót và dịu dàng. Điều này đòi hỏi chúng ta ngày nay.

Gần đây tôi được nhắc nhở về điều mà một Giám mục gần gũi với người nghèo, và nghèo khó trong tinh thần nữa, cha Tonino Bello, đã từng lặp lại: “Chúng ta không thể giới hạn mình trong hy vọng, chúng ta phải tạo nên hy vọng.” Nếu niềm hy vọng của chúng ta không được chuyển thành những lựa chọn và cử chỉ cụ thể của sự quan tâm, công bằng, liên đới, chăm lo cho ngôi nhà chung, thì nỗi đau khổ của người nghèo không thể nguôi ngoai, nền kinh tế lãng phí buộc người nghèo phải sống bên lề sẽ không thể chuyển đổi được, những mong chờ của họ sẽ không thể tái trổ sinh. Điều đó tùy thuộc vào chúng ta, đặc biệt là các Kitô hữu, phải tạo nên hy vọng – diễn tả đẹp này của cha Tonino Bello: tạo nên niềm hy vọng -, biến nó thành cuộc sống cụ thể mỗi ngày, trong các mối quan hệ của con người, trong các dấn thân xã hội và chính trị. Đối với tôi, nó khiến tôi liên tưởng đến công việc mà rất nhiều Kitô hữu đã làm với các hành động bác ái, làm việc trong tổ chức Bác Ái tông đồ… Người ta đã làm gì ở đó? Người ta tạo nên niềm hy vọng. Người ta không cho một đồng xu, không, người ta tạo nên hy vọng. Đây là năng động mà hôm nay Giáo hội kêu gọi chúng ta.

Có một hình ảnh về niềm hy vọng mà Chúa Giêsu gửi đến cho chúng ta hôm nay. Nó vừa giản dị vừa mang ý nghĩa biểu thị: đó là hình ảnh những chiếc lá vả âm thầm đâm chồi nảy lộc, báo hiệu mùa hè đã gần kề. Và Chúa Giêsu nhấn mạnh, những chiếc lá này xuất hiện khi cành trở nên mềm mại (x. Mc 13:28). Anh chị em thân mến, đây là từ làm cho hy vọng nảy mầm trên thế giới và xoa dịu nỗi đau của người nghèo: sự dịu dàng . Lòng trắc ẩn đưa chúng ta đến với sự dịu dàng. Chúng ta phải vượt qua sự khép kín, sự cứng nhắc bên trong, đây là cám dỗ ngày nay, của “nhà thủ cựu” vốn là những người muốn có một Giáo hội hoàn toàn trật tự, mọi sự khắc khe: đây không phải là của Chúa Thánh Thần. Và chúng ta phải vượt qua điều này, và làm cho hy vọng nảy mầm trong sự cứng nhắc này. Và chúng ta cũng phải vượt qua cám dỗ chỉ giải quyết các vấn đề của chúng ta, để biết mềm lòng trước những bi kịch của thế giới, để biết đau với nỗi đau. Giống như những chiếc lá cây, chúng ta được kêu gọi hấp thụ sự ô nhiễm xung quanh chúng ta và làm cho nó nên tốt: không cần phải nói về các vấn đề, tranh cãi, căm phẫn - là điều tất cả chúng ta đều biết làm - cần phải bắt chước những chiếc lá, mặc dù không được ai để ý đến, nhưng hằng ngày lại chuyển hóa không khí bẩn thành không khí sạch. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành “những người cải thiện”: những người đắm mình trong bầu không khí nặng nề mà tất cả mọi người đều hít thở, hãy lấy thiện mà thắng ác (x. Rm 12:21). Những người hành động: họ bẻ bánh cho người đói, làm việc vì công lý, nâng cao người nghèo và phục hồi phẩm giá của họ, giống như người Samari đã làm.

Thật đẹp và mang tính Tin Mừng khi một Giáo Hội trẻ trung bước ra khỏi chính mình và giống như Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cho người nghèo (x . Lc 4,18). Tôi dừng lại ở tính từ đó, tính từ cuối cùng: một Giáo hội trẻ như vậy, một sự trẻ trung để gieo niềm hy vọng. Đây là một Giáo hội ngôn sứ, bằng sự hiện diện của mình, nói với những tâm hồn thất lạc và những ai bị thế giới vứt bỏ: “Hãy can đảm lên, Chúa đã đến gần, vì anh chị em cũng có một mùa hè ngay giữa mùa đông. Ngay cả từ nỗi đau của anh chị em, hy vọng có thể trổ sinh”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mang đến cái nhìn đầy hy vọng này cho thế giới. Chúng ta hãy mang sự dịu dàng đến với người nghèo, với sự gần gũi, với lòng trắc ẩn, không phán xét họ - vì chúng ta sẽ bị phán xét. Bởi vì tại nơi đó, nơi người nghèo, có Chúa Giêsu; bởi vì tại nơi đó, trong họ, có Chúa Giêsu, Đấng đang chờ đợi chúng ta.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (14/11/2021) - Đâu là lựa chọn của tôi?

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đoạn Tin Mừng của phụng vụ hôm nay mở đầu bằng một câu nói của Chúa Giêsu gây nên sự kinh ngạc: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống” ( Mc 13, 24-25). Nhưng làm thế nào, ngay cả Chúa cũng bắt đầu bằng việc nói về thảm họa? Không, chắc chắn đây không phải là ý định của Người. Người muốn chúng ta hiểu rằng mọi thứ trên đời này, sớm muộn gì cũng qua đi. Ngay cả mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao tạo nên “vòm trời” - một từ biểu thị “sự vững chắc”, “sự ổn định” - cũng có số phận phải qua đi.

Tuy nhiên, cuối cùng, Chúa Giêsu nói đến điều không sụp đổ: “Trời đất sẽ qua đi - và Người nói - nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (câu 31). Lời của Thiên Chúa sẽ không qua đi. Người phân biệt giữa những điều áp chót là những thứ sẽ qua đi và những điều cuối cùng là những thứ còn lại. Đó là một thông điệp cho chúng ta giúp chúng ta định hướng những lựa chọn quan trọng của chúng ta trong cuộc đời, để chúng ta định hướng điều gì đáng để chúng ta đầu tư cuộc sống của mình? Chúng ta đầu tư vào những thứ sẽ qua đi hay vào lời của Chúa Giêsu tồn tại muôn đời? Rõ ràng, về những điều này, thật không dễ chút nào. Trên thực tế, những điều thuộc về cảm giác của chúng ta và ngay lập tức chúng mang lại cho chúng ta sự hài lòng và thu hút chúng ta, trong khi những lời của Chúa, tuy đẹp đẽ, vượt lên trên cái tức thời và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chúng ta bị cám dỗ để bám vào những gì chúng ta nhìn thấy, và đụng chạm, và đối với chúng ta, nó dường như an toàn hơn. Con người là như thế, và đó là cám dỗ. Nhưng đó là một sự lừa dối, bởi vì “trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy sẽ chẳng qua đâu”. Vì vậy, đây là lời mời: đừng xây dựng cuộc sống trên cát. Khi xây nhà, bạn đào sâu và đặt nền móng thật vững chắc. Chỉ có kẻ khờ dại mới nói đó là tiền vứt đi cho những thứ không nhìn thấy. Đối với Chúa Giêsu, người môn đệ trung tín là người đặt cuộc sống trên đá, đó là Lời của Người (x.Mt 7, 24-27) là điều không qua đi, đặt cuộc sống trên sự vững chắc của Lời Chúa Giêsu: đây là nền tảng của cuộc sống mà Chúa Giêsu muốn trao cho chúng ta, và nó sẽ không qua đi.

Và bây giờ, có một câu hỏi mà luôn luôn: khi chúng ta đọc Lời Chúa, chúng ta phải đặt câu hỏi để tự vấn: Đâu là trọng tâm, đâu là nhịp đập của Lời Chúa? Tóm lại, điều gì mang lại sự vững chắc cho cuộc sống và sẽ không bao giờ kết thúc? Thánh Phaolô nói với chúng ta. Chính trung tâm, trái tim đang đập, vốn là nơi mang đến sự vững chắc, lòng bác ái: “Đức mến không bao giờ mất được” ( 1Cr 13,8). Thánh Phaolô đã nói vậy, đó là tình yêu. Ai làm việc lành thì đầu tư cho sự sống vĩnh cửu. Khi chúng ta thấy một người rộng lượng và tử tế, hiền lành, nhẫn nại, không đố kỵ, không nói xấu, không tự phụ, không kiêu căng, không coi thường (x. 1Cr 13 : 4-7), thì đây là một người xây dựng Thiên đàng trên trái đất. Có thể anh sẽ không được chú ý, sẽ không thu lợi, sẽ không được nổi trên các tờ báo nhưng những gì anh làm sẽ không bị mất. Vì điều tốt đẹp không bao giờ mất đi, điều tốt đẹp còn mãi.

Và chúng ta, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự vấn: mình đang đầu tư gì cho cuộc sống của mình? Về những thứ trôi qua, như tiền bạc, thành công, ngoại hình, thể chất? Những thứ này vốn là điều mà chúng ta sẽ không mang theo được. Chúng ta có bị dính mắc vào những thứ trần gian, như thể chúng ta phải sống ở đây mãi mãi không? Khi chúng ta còn trẻ, còn khỏe, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng khi đến giờ từ giã, chúng ta phải bỏ lại tất cả. Lời Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta rằng: khung cảnh đất trời này sẽ qua đi. Và chỉ đức mến sẽ còn lại. Vì thế, sống theo Lời Chúa không phải là trốn chạy khỏi lịch sử, nhưng là dìm mình vào những thực tại trần thế để làm cho chúng vững chắc, để biến đổi chúng bằng tình yêu, khắc ghi nơi chúng dấu ấn của sự vĩnh cửu, dấu chỉ của Thiên Chúa. Đây chính là lời khuyên để nắm lấy những lựa chọn quan trọng. Khi tôi không biết phải làm gì, làm thế nào để đưa ra một lựa chọn dứt khoát, một lựa chọn quan trọng, một lựa chọn quan trọng đối với tình yêu của Chúa Giêsu, thì tôi phải làm gì? Trước khi quyết định, chúng ta hãy tưởng tượng mình đang đứng trước Chúa Giêsu, như đang trong phút cuối cuộc đời, trước mặt Đấng là tình yêu. Và hãy suy nghĩ về điều đó, trước sự hiện diện của Người, trước ngưỡng cửa vĩnh cửu, chúng ta hãy đưa ra quyết định cho ngày hôm nay. Vì vậy, chúng ta phải quyết định: luôn luôn hướng nhìn về sự sống vĩnh cửu, hướng nhìn về Chúa Giêsu. Nó có thể không phải là điều dễ dàng nhất, nó có thể không phải là tức thời nhất, nhưng nó sẽ là điều tốt (xem sách Linh Thao, Thánh Inhaxiô Loyola, số 187: Hãy ngắm nhìn và suy xét tình trạng của tôi trong ngày phán xét thế nào, hãy nghĩ xem lúc ấy lẽ ra tôi muốn mình đã định đoạt về công việc hiện tại như thế nào; quy tắc mà lúc ấy tôi muốn mình đã tuân theo, tôi nhận lấy ngay bây giờ, để lúc ấy tôi được hạnh phúc và vui mừng trọn vẹn), điều chắc chắn.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta có những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời như Mẹ đã làm: theo tình yêu và theo Chúa.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (18/11/2018) - Điều duy nhất chúng ta có thể mang theo

Anh chị em thân mến,

Trong đoạn Tin mừng Chúa nhật này (x. Mc 13:24-32), Chúa muốn chỉ bảo các môn đệ về những biến cố trong tương lai. Trước hết, đó không phải là một bài diễn văn về ngày tận thế, mà là lời mời gọi sống tốt hiện tại, tỉnh thức và luôn sẵn sàng cho ngày chúng ta được gọi để giải trình về cuộc sống của mình.

Chúa Giêsu nói: “Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống” (câu 24-25). Những lời này khiến chúng ta hình dung ra trang đầu tiên của Sách Sáng thế, câu chuyện về sự sáng tạo: mặt trời, mặt trăng, các vì sao - từ thuở ban đầu đã tỏa sáng theo trật tự của chúng và mang lại ánh sáng, một dấu hiệu của sự sống - được mô tả ở đây trong sự suy tàn của chúng, khi chúng rơi vào bóng tối và hỗn loạn, một dấu hiệu của sự kết thúc. Thay vào đó, ánh sáng trong ngày cuối cùng sẽ là ánh sáng duy nhất và mới mẻ: sẽ là ánh sáng của Chúa Giêsu đến trong vinh quang cùng với các thánh. Trong cuộc gặp gỡ đó, cuối cùng chúng ta sẽ thấy dung nhan của Người trong ánh sáng tràn đầy của Ba Ngôi; một dung nhan chiếu tỏa tình yêu, trước dung nhan đó, mỗi con người cũng sẽ xuất hiện với toàn bộ sự thật.

Lịch sử nhân loại, cũng như lịch sử từng cá nhân chúng ta, không thể không thể được hiểu như là một sự hình thành đơn giản bởi các từ ngữ và sự kiện không có ý nghĩa. Nó thậm chí không thể được giải thích dưới cái nhìn định mệnh, như thể tất cả mọi thứ đã được sắp đặt trước theo một số phận, và nó tước đi mọi không gian tự do, ngăn cản việc thực hiện những lựa chọn là kết quả của một quyết định thực sự. Trong Tin Mừng hôm nay, thay vào đó, Chúa Giêsu nói rằng lịch sử của dân tộc và của các cá nhân có một mục tiêu và một mục tiêu để đạt được: cuộc gặp gỡ dứt khoát với Chúa. Chúng ta không biết thời gian cũng như cách thức mà nó sẽ xảy ra; Chúa đã khẳng định rằng “không ai biết, ngay cả thiên sứ trên trời và người Con” (c. 32); mọi thứ đều được giữ kín trong mầu nhiệm của Chúa Cha. Tuy nhiên, chúng ta biết, một nguyên tắc cơ bản mà chúng ta phải đối diện: "Trời và đất sẽ qua đời nhưng lời của Ta sẽ không qua" (c. 31). Điểm quan trọng thực sự là điều này. Vào ngày đó, mỗi người chúng ta sẽ phải hiểu nếu Lời của Con Thiên Chúa đã chiếu sáng sự hiện hữu cá nhân của mình, hay mình đã quay lưng lại với nó, thích tin tưởng vào lời nói của chính mình hơn. Nó sẽ là giây phút, hơn bao giờ hết, khi chúng ta phó thác chính mình một cách dứt khoát vào tình yêu của Chúa Cha và tín thác vào lòng thương xót của Ngài.

Không ai có thể thoát khỏi khoảnh khắc này. Sự mưu mô mà chúng ta thường có trong cách hành xử để có được hình ảnh về mình như chúng ta mong muốn, sẽ không còn hữu ích nữa; cũng thế, sức mạnh của tiền bạc và các phương tiện kinh tế mà chúng ta dự tính sẽ mua mọi thứ và mọi người, không còn có thể được sử dụng nữa. Chúng ta sẽ không có gì ngoài những gì chúng ta đã đạt được trong đời này bằng cách tin vào Lời của Ngài: tất cả và hư vô của những gì chúng ta đã kinh nghiệm hoặc quên thực hiện. Chúng ta chỉ còn có thể mang theo mình những gì mà chúng ta đã trao tặng, đã cho người khác.

Chúng ta cầu xin Đức Trinh nữ Maria khẩn cầu để việc nhận ra sự tạm bợ của mình trên thế gian này và giới hạn của mình không làm chúng ta chìm vào nỗi thống khổ, nhưng kêu gọi chúng ta có trách nhiệm với chính mình, với tha nhân của chúng ta, và với toàn thế giới.

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (15/11/2015) - Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng của Chúa Nhật áp chót trong năm phụng vụ này cung cấp cho chúng ta một phần bài giảng của Chúa Giêsu về những biến cố cuối cùng của lịch sử nhân loại, hướng đến sự viên mãn trọn vẹn của Nước Thiên Chúa (x. Mc 13:24-32). Đây là một diễn văn Chúa nói tại Giêrusalem trước lễ Vượt Qua cuối cùng của Ngài. Nó chứa đựng vài yếu tố khải huyền như chiến tranh, đói kém, các tai ương trong vũ trụ. Chúa nói: “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyền” (Mc 13,24-25). Tuy nhiên, các yếu tố này không phải là điều nòng cốt của sứ điệp. Nhân tố chính, mà diễn văn của Chúa Giêsu xoay quanh, là chính Ngài, mầu nhiệm con người của Ngài, cái chết, sự phục sinh và việc Ngài trở lại vào thời sau hết.

Mục đích cuối cùng của đời sống chúng ta là cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh. Và tôi muốn hỏi anh chị em: có bao nhiêu người trong anh chị em nghĩ tới điều này? Sẽ có một ngày kia tôi sẽ gặp gỡ Chúa diện đối diện. Đó là đích điểm của chúng ta: cuộc gặp gỡ này với Chúa. Chúng ta không chờ đợi một thời gian hay một nơi chốn, nhưng chúng ta đi gặp gỡ một người: đó là Chúa Giêsu. Vì thế vấn đề không phải khi nào xảy ra các dấu chỉ báo trước thời sau hết, nhưng là phải sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ ấy. Vấn đề cũng không phải là biết các điều đó sẽ xảy ra như thế nào, mà là biết chúng ta phải hành xử ra sao, hôm nay, trong lúc chờ đợi các điều đó. Chúng ta được mời gọi sống hiện tại, bằng cách xây dựng tưong lai của chúng ta với sự thanh thản và tin tưởng nơi Thiên Chúa. Dụ ngôn cây vả đâm chồi, như dấu hiệu của mùa hè gần tới (x. cc28-29) nói rằng viễn tượng của ngày sau hết không cất chúng ta ra khỏi hiện tại, nhưng làm cho chúng ta nhìn các ngày sống của mình trong một lăng kính của niềm hy vọng. Đó là nhân đức thật khó mà sống được: đức cậy, nhân đức bé nhỏ nhưng là nhân đức mạnh mẽ nhất. Và niềm hy vọng của chúng ta có một gương mặt: đó là gương mặt của Chúa phục sinh, đến trong “quyền năng lớn lao và vinh quang” (c. 26), nghĩa là Ngài tỏ lộ tình yêu bị đóng đanh được hiền dung của Ngài trong sự phục sinh. Chiến thắng của Chúa Giêsu vào thời sau hết sẽ là chiến thắng của Thập Giá, là việc chứng minh cho thấy rằng sự hiến tế chính mình vì yêu thương tha nhân và noi gương Chúa Kitô, là quyền lực chiến thắng duy nhất và là điểm vững chắc duy nhất giữa các đảo lộn và các thảm cảnh của thế giới.

Chúa Giêsu không chỉ là điểm tới cuộc lữ hành trần thế của chúng ta, nhưng là một sự hiện diện thường hằng trong cuộc sống chúng ta: ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta. Vì thế khi Ngài nói tới tương lai và dự phóng chúng ta về tương lai, đó là để dẫn đưa chúng ta trở lại hiện tại. Ngài chống lại các ngôn sứ giả, các thị nhân thấy trước ngày tận cùng của thế giới gần kề, và chống lại thuyết định mệnh. Chúa ở bên cạnh chúng ta, bước đi với chúng ta, yêu thương chúng ta. Ngài muốn kéo các môn đệ thuộc mọi thời đại của Ngài khỏi sự tò mò muốn biến các ngày tháng, các tiên báo, các lá số tử vi, và tập trung sự chú ý của chúng ta trên ngày hôm nay của lịch sử. Tôi muốn hỏi anh chị em – nhưng xin đừng trả lời, mỗi người hãy trả lời trong chính mình thôi – có bao nhiêu người trong anh chị em đọc lá số tử vi mỗi ngày? Im lặng nhé! Mỗi người hãy tự trả lời đi. Và khi bạn muốn đọc lá số tử vi, thì hãy nhìn lên Chúa Giêsu, đang ở với bạn. Làm như thế thì tốt hơn cho bạn. Sự hiện diện này của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chờ đợi và tỉnh thức. Chúng loại trừ biết bao thái độ mất kiên nhẫn cũng như ngủ quên, biết bao trốn chạy về phía trước, biết bao tình trạng bị giam cầm trong thời gian hiện tại và trong tinh thần thế tục.

Cả trong thời đại chúng ta nữa cũng không thiếu các tai ương thiên nhiên và tai ương luân lý, cũng không thiếu các thù nghịch và sai lạc đủ loại. Mọi sự đều qua đi – Chúa nhắc cho chúng ta biết thế - chỉ có Ngài, Lời ngài còn lại như ánh sáng dẫn đường, trao ban can đảm cho các bước chân của chúng ta, và Ngài luôn luôn tha thứ cho chúng ta, bởi vỉ Ngài ở bên cạnh chúng ta. Chỉ cần nhìn Chúa và Ngài thay đổi con tim chúng ta.

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta tín thác nơi Chúa Giêsu, là nền tảng vững vàng của cuộc sống chúng ta, và xin Mẹ giúp chúng ta tươi vui kiên trì sống trong tình yêu của Chúa.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (18/11/2012) - Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa sẽ tồn tại mãi mãi

Anh chị em thân mến,

Trong ngày Chúa Nhật áp chót của năm phụng vụ, được công bố một phần diễn văn của Chúa Giêsu về thời sau hết trong trình thuật của thánh sử Marcô, trong từ chuyên môn gọi là thời ”cánh chung” (x Mr 13,24-32). Chúng ta cũng tìm thấy diễn văn này trong Phúc Âm thánh Mátthêu và Phúc Âm thánh Luca, và chắc hẳn nó là văn bản khó nhất trong các Phúc Âm.

Sự khó khăn này bắt nguồn từ nội dung cũng như từ ngôn ngữ: thật thế, người ta nói tới một tương lai vượt qúa các phạm trù của chúng ta, và vì thế Đức Giêsu dùng các hình ảnh và từ vựng lấy từ Thánh Kinh Cựu Ước, và nhất là đưa vào đó một trung tâm mới, là chính Người, mầu nhiệm con người, cái chết và sự phục sinh của Người. Văn bản hôm nay cũng bắt đầu với vài hình ảnh vũ trụ loại khải huyền: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ không chiếu sáng nữa, các tinh tú sẽ từ trời rơi xuống, và các quyền lực trên trời sẽ bị đảo lộn” (cc. 24-25), nhưng yếu tố này bị tương đối hóa bởi những gì theo sau: “Khi đó Con Người sẽ đến trên mây trời với quyền lực lớn lao và vinh quang” (c. 26). “Con Người” là chính Chúa Giêsu, nối liền hiện tại với tương lai; các lời tiên tri xưa kia sau cùng đã tìm thấy một trung tâm nơi con người của Đấng Cứu Thế người Nagiarét: chính Người là biến cố đích thật, là điểm chắc chắn và ổn định giữa các chao đảo của thế giới.

Có một kiểu nói khác của Phúc Âm hôm nay xác nhận điều này. Chúa Giêsu khẳng định: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng các lời của Ta sẽ không qua đi” (c. 31). Thật thế, chúng ta biết rằng trong Thánh Kinh Lời Chúa là nguồn gốc của việc tạo dựng; mọi tạo vật, bắt đầu từ các yếu tố vũ trụ - mặt trời, mặt trăng, bầu trời - đều vâng phục Lời Thiên Chúa, hiện hữu trong tư cách “được gọi” bởi Lời Chúa. Quyền năng tạo dựng đó của Lời Chúa đã được tập trung nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, và cũng qua các lời nói là người của Ngài mà “bầu trời” đích thật hướng dẫn tư tưởng và lộ trình của con người trên trái đất này. Vì thế, Đức Giêsu không miêu tả ngày tận thế, và khi dùng các hình ảnh khải huyền, Người không hành xử như là một “thị nhân”.

Trái lại, Người muốn lấy đi khỏi các môn đệ Người thuộc mọi thời đại, sự tò mò đối với các thời điểm, các dự kiến, và muốn ban cho họ một chìa khóa giúp đọc hiểu một cách sâu xa nòng cốt, và nhất là chỉ cho họ con đường đúng đắn để theo, hôm nay và ngày mai, hầu bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa nhắc cho chúng ta biết mọi sự đều qua đi, nhưng Lời Chúa không thay đổi. Và trước Lời Chúa mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm đối với cung cách hành xử của mình. Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên đó.

Anh chị em thân mến, cả trong thời đại của chúng ta nữa cũng không thiếu các tai ương thiên nhiên, và rất tiếc cả chiến tranh và bạo lực nữa. Cả ngày nay nữa chúng ta cần có một nền tảng ổn định cho cuộc sống và niềm hy vọng của chúng ta, nhất là vì chủ nghĩa tương đối trong đó chúng ta bị chìm ngập. Xin Đức Trinh Nữ Maria trợ giúp chúng ta tiếp nhận trung tâm này trong Con Người của Chúa Kitô và trong Lời Ngài.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 33 Thường Niên năm B (15/11/2009) - Tiếp nhận hạt giống của Lời Chúa

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã đến hai tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta, một lần nữa, được hoàn tất cuộc hành trình đức tin – vừa cổ nhưng vẫn luôn mới mẻ - ở trong đại gia đình thiêng liêng của Hội thánh. Đây là một ân huệ vô giá cho phép chúng ta được sống mầu nhiệm của Chúa Kitô trong lịch sử, qua việc tiếp nhận vào cuộc sống cá nhân và cộng đoàn hạt giống của Lời Chúa, hạt giống của cõi vĩnh hằng làm biến đổi thế giới từ bên trong, và mở rộng đến Nước Trời. Năm nay, trong những bài đọc Sách Thánh các ngày Chúa nhật, chúng ta được hướng dẫn bởi Tin mừng thánh Marcô, mà hôm nay trình bày một phần bài giảng của Chúa Giêsu về thời tận thế. Trong bài giảng ấy, có một câu nói đập mạnh vào chúng ta do tính cách gọn ghẽ và minh bạch: “Trời và đất sẽ qua đi, nhưng các lời của Ta sẽ không qua” (Mc 13,31). Chúng ta hãy dừng lại đôi chút để suy nghĩ về lời tiên báo này của Chúa Kitô.

Thuật ngữ “trời và đất” thường được Kinh thánh sử dụng để ám chỉ toàn thể vũ trụ. Chúa Giêsu tuyên bố rằng tất cả thế giới sẽ qua đi; không những là trái đất mà thôi nhưng cả trời nữa, ở đây được hiểu về vũ trụ chứ không hiểu là Thiên Chúa. Về điều này Kinh Thánh không mập mờ gì nữa: tất cả mọi thọ tạo đều mang dấu tích của sự hữu hạn, kể cả những yếu tố được các huyền thoại cổ điển gán cho tính cách thần thiêng: giữa các thọ tạo và Đấng Tạo hóa có một sự khác biệt rõ rệt chứ không có chuyện trà trộn. Với sự phân biệt minh bạch như vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng những lời của Người sẽ “không trôi qua”, nghĩa là đứng về phía của Thiên Chúa và vì thế mang tính vĩnh cửu. Tuy những lời ấy được nói lên cách cụ thể trong một thời khắc lịch sử, nhưng các lời ấy có tính cách tiên tri vượt bực, như chính Người đã quả quyết ở nơi khác khi khẩn nài Chúa Cha: “Những lời mà Cha đã ban cho con thì con đã trao lại cho họ. Họ đã đón nhận chúng và biết rằng những lời ấy là bởi con, và họ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,8). Trong một dụ ngôn rất quen thuộc, Chúa Kitô ví mình như người gieo giống, và giải thích rằng hạt giống là Lời (xc Mc 4,14): những ai lắng nghe, đón nhận lời và làm sinh hoa kết trái (xc Mc 4,20) thì trở nên phần tử của Nước Trời, nghĩa là sống dưới quyền chỉ đạo của Người; họ sống trong thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian nữa; họ mang trong mình hạt giống của vĩnh cửu, một nguyên uỷ biến hóa được biểu lộ ngay từ bây giờ qua một cuộc sống tốt lành, được linh hoạt nhờ tình yêu, và sau cùng sẽ đưa đến sự phục sinh thân xác. Quyền năng của Lời Chúa Kitô là như thế đó.

Anh chị em thân mến! Đức Trinh nữ Maria là dấu chỉ sống động của sự thật vừa nói. Trái tim của Người đã là “mảnh đất tốt”, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, cũng như trót cuộc đời của Người, được biến đổi giống như hình ảnh của Người Con mình, nay đã được dẫn đưa vào cõi vĩnh cửu, cả hồn và xác, tiên báo trước ơn gọi vào đời sống vĩnh cửu dành cho hết mọi nhân sinh. Giờ đây, trong lúc cầu nguyện, chúng ta hãy dùng lời Người đáp trả sứ thần như là của mình “Xin để cho lời ngài thể hiện nơi tôi” (Lc 1,38), ngõ hầu nhờ việc đi theo Chúa Kitô trên đường thập giá, chúng ta cũng được đạt đến vinh quang phục sinh.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Nguồn: hdgmvietnam.com