BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B

28/09/2024
12
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA - CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Văn Việt (tổng hợp)
28/09/2024

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 26 Thường Niên năm B.
 
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (26/9/2021) - Giáo hội cần loại bỏ não trạng đóng cửa và loại trừ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta biết về cuộc đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và Tông đồ Gioan, ông thay mặt cho cả nhóm môn đệ nói chuyện với Chúa Giêsu. Họ thấy một người nhân danh Chúa trừ quỷ, nhưng họ ngăn cản anh ta làm vậy vì anh ta không thuộc nhóm của họ. Ở điểm này, Chúa Giêsu mời gọi họ đừng cản trở những người làm việc tốt, vì họ góp phần thực hiện chương trình của Thiên Chúa (x. Mc 9,38-41). Sau đó, Người cảnh báo: thay vì phân chia con người thành tốt và xấu, thì tất cả chúng ta được mời gọi canh giữ lòng mình, để chúng ta không khuất phục trước sự dữ và gây gương xấu cho người khác (x. cc. 42-45.47-48).
Tóm lại, những lời của Chúa Giêsu chỉ ra một cám dỗ và đưa ra một lời khuyên. Cám dỗ ở đây là sự đóng cửa khép mình. Các môn đệ muốn ngăn cản một việc tốt chỉ vì người đã làm việc đó không thuộc nhóm của họ. Họ nghĩ rằng họ có “độc quyền đối với Chúa Giêsu” và là những người duy nhất được phép làm việc cho Nước Trời. Nhưng với suy nghĩ này, họ đi đến chỗ yêu mình và xem người khác là kẻ xa lạ, cuối cùng trở thành thù địch trước mặt họ. Thưa anh chị em, thật vậy, mỗi lần khi chúng ta đóng cửa lòng mình đều tạo ra một khoảng cách với những người không nghĩ như chúng ta. Và, chúng ta biết, đây là căn nguyên của nhiều vấn nạn trong lịch sử, chẳng hạn như chế độ chuyên chế thường tạo ra các chế độ độc tài và quá nhiều bạo lực chống lại những người khác biệt.
Nhưng cũng cần phải coi chừng sự đóng mình trong Giáo hội. Bởi vì ma quỷ là kẻ chia rẽ - đây là nghĩa của từ “diavolo” – ma quỷ, gây nên sự chia rẽ. Ma quỷ luôn gây nên sự nghi ngờ để phân chia và loại trừ người ta. Cám dỗ bằng sự mánh mung, và có thể xảy ra như với những môn đệ, đến chỗ loại trừ ngay cả chính người trừ quỷ! Đôi khi chúng ta cũng vậy, thay vì khiêm tốn và cởi mở trong cộng đoàn, chúng ta lại gây ấn tượng xem mình thuộc “hạng trên” và giữ khoảng cách với người khác; thay vì cố gắng đồng hành với mọi người, thì chúng ta lại trưng ra “danh nghĩa tín hữu” của mình : “Tôi là tín hữu” – “Tôi là người Công giáo” – “Tôi tham dự vào nhóm này, nhóm kia…” Còn những kẻ tội nghiệp kia thì không. Đây là một tội. Việc trưng ra “danh nghĩa tín hữu” là để xét đoán và loại trừ. Chúng ta cầu xin ân sủng để vượt qua cám dỗ đánh giá và phân loại, và xin Chúa gìn giữ chúng ta khỏi não trạng “cái tổ”, não trạng đóng mình cách ghen tị trong một nhóm nhỏ của những người tự cho mình là tốt, chẳng hạn linh mục với nhóm tín hữu cực thân, các nhân viên mục vụ đóng mình giữa họ để không ai vào được, các phong trào và hiệp hội trong đặc sủng riêng của họ, v.v. Đóng kín. Tất cả những điều này có nguy cơ làm cho các cộng đoàn Kitô hữu trở thành những nơi chia cắt chứ không phải hiệp thông. Chúa Thánh Thần không muốn sự đóng lại; nhưng muốn mở ra, muốn cộng đoàn chào đón, nơi có chỗ cho tất cả mọi người.
Và sau đó trong Tin Mừng, có lời khuyên của Chúa Giêsu: thay vì xét đoán mọi người về mọi thứ, chúng ta hãy cẩn thận về bản thân mình! Thật vậy, điều nguy hiểm ở đây là không uyển chuyển với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình. Và Chúa Giêsu thúc giục chúng ta đừng dây dưa với điều xấu, với những hình ảnh đánh động: “Điều gì nơi bạn là nguyên cớ gây ra điều xấu thì hãy cắt bỏ nó đi!” (x. 43-48). Điều gì làm bạn tệ đi, hãy cắt bỏ nó! Người không nói: “Nếu có điều gì là nguyên cớ gây ra điều xấu, thì hãy dừng lại, nghĩ tích cực, tốt hơn một chút...”. Không: “Cắt nó! Ngay lập tức”. Chúa Giêsu khá nguyên tắc, khắt khe ở điểm này, nhưng vì lợi ích của chúng ta, giống như một bác sĩ giỏi. Mỗi lần cắt, mỗi lần tỉa, là để phát triển tốt hơn và đơm hoa kết trái trong tình yêu thương. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: điều gì trong tôi trái ngược với Tin Mừng? Cụ thể, Chúa Giê-su muốn tôi cắt bỏ điều gì trong cuộc sống mình?
Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm để Mẹ giúp chúng ta biết chào đón người khác và cảnh giác với chính mình.
 
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (30/9/2018) - Mở lòng để đón nhận điều bất ngờ đến từ Thiên Chúa
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Mc 9:38-43.45.47-48) trình bày cho chúng ta một chi tiết rất quan trọng giáo huấn Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Các ông thấy một người không thuộc về nhóm các ông, nghĩa là những người đang theo Chúa Giêsu, nhưng lại nhân danh Chúa mà trừ quỷ, do đó các ông muốn ngăn cản người này. Thánh Gioan, với nhiệt huyết hăng say của người trẻ, kể lại cho Thầy nghe để mong được Thầy ủng hộ lòng nhiệt thành của mình; nhưng ngược lại Chúa Giêsu trả lời: "Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con” (c. 39-40)
Trước một việc tốt của một người “ở bên ngoài” nhóm của các môn đồ, Thánh Gioan và các môn đệ khác biểu lộ một thái độ đóng kín vì việc này không phù hợp với dự án của các ông. Ngược lại, Chúa Giêsu dường như rất tự do, mở lòng hoàn toàn cho Thần Khí Thiên Chúa; hành động của Ngài không bị giới hạn bởi bất cứ ranh giới và rào cản nào. Với thái độ này Chúa Giêsu muốn giáo dục các môn đệ, và hôm nay cả chúng ta sự tự do nội tâm.
Sự việc này rất đáng cho chúng ta suy gẫm, xét mình. Thái độ của các môn để Chúa Giêsu rất con người, rất phổ biến, và chúng ta có thể nhận thấy điều này trong các cộng đoàn kitô hữu ở mọi thời đại, có thể trong chính chúng ta. Thậm chí vì đức tin, lòng nhiệt thành, người ta muốn bảo vệ tính xác thực của một trải nghiệm vững chắc, sự lôi cuốn đặc biệt, bảo vệ đấng sáng lập hoặc người lãnh đạo khỏi những người bắt chước giả. Nhưng đồng thời lại sợ hãi “cạnh tranh”, sợ có người nào đó có thể chiếm đoạt các môn đệ của mình, và sau đó họ không có khả năng đánh giá những điều tốt đẹp mà những người khác đã làm: điều này không tốt vì “họ không thuộc về chúng ta”. Đây là một hình thức tự quy chiếu.
Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do vĩ đại của Ngài, sự tự do này tạo nên một thánh thức và một sự khích lệ để cho chúng ta có thể sửa đổi thái độ và các mối quan hệ của chúng ta. Đây là một lời gọi của Chúa Giêsu hôm nay dành cho chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta không suy nghĩ theo phạm trù của “bạn/thù”, “chúng ta/họ”, “người ở trong/người ở ngoài”, nhưng đi xa hơn, mở con tim để có thể nhận ra sự hiện diện và hành động của thiên Chúa ngay cả trong lĩnh vực khác thường và không thể đoán trước nơi những người không thuộc về nhóm của chúng ta. Điều cần phải được chý ý đó là tính chất của chân thiện mỹ được hoàn thành hơn là danh tiếng và nguồn gốc của người đã làm điều đó. Phần kết của bài Tin Mừng gợi ý, thay vì xét đoán người khác, chúng ta phải tự xét mình, và tránh không thỏa hiệp với tất cả những gì có thể gây ảnh hưởng xấu đến những người có đức tin yếu kém.
Đức Maria, mẫu gương ngoan ngùy trong việc đón nhận những điều bất ngờ đến từ Thiên Chúa, giúp chúng ta nhận biết những dấu chỉ hiện diện của thiên Chúa ở giữa chúng ta, khám phá Ngài ở bất cứ nơi đâu Ngài tỏ hiện, ngay cả trong những hoàn cảnh không thể biết trước và không bình thường. Mẹ dạy chúng ta yêu công đoàn của chúng ta, không ghen tương và đóng kín cõi lòng, luôn mở ra cho chân trời rộng lớn cho hoạt động của Thánh Thần.
 
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (27/9/2015) - Đừng ngăn cản bất cứ điều gì tốt lành
Anh chị em thân mến!
Lời Chúa hôm nay làm cho chúng ta ngạc nhiên với những hình ảnh mạnh mẽ và gợi lên nhiều suy nghĩ. Những hình ảnh này thách thức chúng ta, nhưng cũng khơi dậy lòng nhiệt thành của chúng ta.
Trong bài đọc I, Giôsuê nói với Môsê rằng có hai thành viên trong dân đang nói tiên tri, nói lời Chúa, mà không có lệnh truyền. Và trong Phúc âm, tông đồ Gioan nói với Chúa Giêsu rằng các môn đệ đã ngăn cản một người trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu. Và điều gây ngạc nhiên là cả ông Môsê và Chúa Giêsu đều khiển trách những người thân cận nhất của mình vì quá hẹp hòi! Giá mà tất cả đều có thể trở thành tiên tri của Lời Chúa! Giá mà mọi người đều có thể làm phép lạ nhân danh Chúa!
Chúa Giêsu đã gặp phải sự thù địch từ những người không chấp nhận những gì Người nói và làm. Đối với họ, sự cởi mở của Chúa Giêsu đối với đức tin trung thực và chân thành của nhiều người nam và nữ không thuộc dân được Chúa chọn dường như là điều không thể chấp nhận được. Về phần mình, các môn đệ đã hành động trong đức tin tốt lành. Nhưng các ông vẫn bị sốc bởi sự tự do của Thiên Chúa, Đấng ban mưa xuống cho cả người công chính lẫn kẻ bất chính (Mt 5:45), Đấng bỏ qua chế độ quan liêu, chế độ hình thức và việc đóng kín với những nhóm người thân cận, những điều đe dọa đến tính chân thực của đức tin. Do đó, những điều đó phải bị loại bỏ một cách mạnh mẽ.
Khi nhận ra điều này, chúng ta có thể hiểu tại sao những lời của Chúa Giêsu về việc gây ra “cớ vấp phạm” lại khắc nghiệt đến vậy. Đối với Chúa Giêsu, cớ vấp phạm là những điều không thể chịu nỗi, nó phá vỡ và hủy hoại lòng tin của chúng ta vào hoạt động của Chúa Thánh Thần!
Nhưng, Thiên Chúa là Cha chúng ta sẽ không chịu thua kém về lòng quảng đại và Ngài tiếp tục gieo rắc hạt giống. Ngài gieo rắc hạt giống sự hiện diện của Ngài trong thế giới của chúng ta, vì “tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng Người đã yêu thương chúng ta” trước (1 Ga 4:10). Tình yêu đó mang đến cho chúng ta sự chắc chắn sâu sắc rằng chúng ta được Thiên Chúa kiếm tìm; Ngài chờ đợi chúng ta. Chính sự tin tưởng này khiến các môn đệ thêm hăng hái, ủng hộ và nuôi dưỡng những điều tốt đẹp đang diễn ra xung quanh họ. Thiên Chúa muốn tất cả con cái của Ngài tham gia vào lời mời gọi này của Tin Mừng. Chúa Giêsu nói: “Đừng ngăn cản bất cứ điều gì tốt lành, thay vào đó hãy giúp nó phát triển!” Việc gây nghi ngờ về hoạt động của Chúa Thánh Thần, tạo ấn tượng rằng hoạt động của Chúa không thể diễn ra ở những người không “thuộc nhóm chúng ta”, những người không “giống như chúng ta”, là một cám dỗ nguy hiểm. Nó không chỉ ngăn cản việc hoán cải trở về với đức tin; mà còn là sự biến chất của đức tin!
Đức tin mở ra một “cửa sổ” cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nó cho chúng ta thấy rằng, giống như hạnh phúc, sự thánh thiện luôn gắn liền với những cử chỉ nhỏ bé. Chúa Giêsu nói: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (x. Mc 9:41). Những cử chỉ nhỏ bé này là những cử chỉ chúng ta học được ở nhà, trong gia đình; chúng bị lạc giữa tất cả những việc khác mà chúng ta làm, nhưng chúng làm cho mỗi ngày trở nên khác biệt. Chúng là những điều thầm lặng được thực hiện bởi những người mẹ và người bà, bởi những người cha và người ông, bởi những đứa con, bởi những người anh chị em. Chúng là những dấu hiệu nhỏ bé của sự dịu dàng, tình cảm và lòng trắc ẩn. Giống như bữa tối ấm áp mà chúng ta mong đợi vào ban đêm, bữa ăn sáng đang chờ đợi một người dậy sớm để đi làm. Những cử chỉ giản dị. Như một lời chúc phúc trước khi đi ngủ, hay một cái ôm sau khi chúng ta trở về sau một ngày làm việc vất vả. Tình yêu được thể hiện qua những điều bé nhỏ, qua sự chú ý đến những dấu hiệu bé nhỏ hằng ngày khiến chúng ta cảm thấy tự nhiên như ở nhà. Đức tin phát triển khi nó được sống và định hình bởi tình yêu. Đó là lý do tại sao gia đình chúng ta, ngôi nhà của chúng ta, là những giáo hội tại gia thực sự. Gia đình là nơi thích hợp để đức tin trở thành sự sống, và sự sống phát triển trong đức tin.
Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng ngăn cản những phép lạ bé nhỏ này. Thay vào đó, Người muốn chúng ta khuyến khích chúng, lan truyền chúng. Người yêu cầu chúng ta trải qua cuộc sống, cuộc sống hàng ngày của chúng ta, khuyến khích tất cả những cử chỉ nhỏ bé của tình yêu như những dấu hiệu của sự hiện diện sống động và tích cực của Người trong thế giới của chúng ta.
Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi mình, hôm nay, tại đây, khi kết thúc Đại hội này: Chúng ta đang cố gắng sống điều đó như thế nào trong gia đình mình, trong xã hội của mình? Chúng ta muốn để lại cho con cháu mình một thế giới như thế nào (x. Laudato Si’, 160)? Chúng ta không thể tự mình trả lời những câu hỏi này. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta trả lời như một phần của gia đình nhân loại vĩ đại. Ngôi nhà chung của chúng ta không còn có thể chịu được với những chia rẽ vô ích nữa. Thách thức cấp bách trong việc bảo vệ ngôi nhà của chúng ta bao gồm nỗ lực tập hợp toàn thể gia đình nhân loại lại với nhau trong việc theo đuổi sự phát triển bền vững và toàn diện, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi (x. ibid., 13). Xin cho con cháu chúng ta tìm thấy ở chúng ta những mô hình và động lực để hiệp thông, chứ không phải chia rẽ! Xin cho con cái chúng ta tìm thấy nơi chúng ta những người nam và người nữ có khả năng cùng với những người khác mang đến hoa trái trọn vẹn cho tất cả những hạt giống tốt lành mà Chúa Cha đã gieo!
Chúa Giêsu nói với chúng ta một cách thẳng thắn nhưng trìu mến: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11:13). Có biết bao sự khôn ngoan trong những lời này! Đúng là, xét về sự tốt lành và trong sạch của trái tim, chúng ta là con người không có nhiều điều để thể hiện! Nhưng Chúa Giêsu biết rằng, trong cách cư xử đối với trẻ em, chúng ta có khả năng quảng đại vô hạn. Vì vậy, Người trấn an chúng ta: chỉ cần chúng ta có đức tin, Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần cho chúng ta.
Chúng ta, những người Kitô hữu, những môn đệ của Chúa, hãy kêu gọi các gia đình khác trên thế giới giúp đỡ chúng ta! Có bao nhiêu gia đình trong chúng ta ở đây trong dịp lễ này! Bản thân điều này là một điều gì đó mang tính tiên tri, một loại phép lạ trong thế giới ngày nay, vốn mệt mỏi vì phải phát minh ra những chia rẽ mới, những tổn thương mới, những thảm họa mới. Giá mà tất cả chúng ta đều có thể trở thành những nhà tiên tri! Ước gì tất cả chúng ta đều có thể mở lòng đón nhận những phép lạ tình yêu để mang lại lợi ích cho gia đình mình và cho tất cả các gia đình trên thế giới, và do đó vượt qua được cớ vấp phạm của một tình yêu hẹp hòi, nhỏ nhen, khép kín, thiếu kiên nhẫn với người khác! Tôi để lại cho anh chị em một câu hỏi để mỗi người tự vấn – đó là câu hỏi về “sự thiếu kiên nhẫn”: Ở nhà, chúng ta có hét vào mặt nhau không, hay chúng ta nói chuyện với nhau bằng tình yêu thương và dịu dàng? Đây là một cách tốt để đo lường tình yêu của chúng ta.
Và thật tuyệt vời biết bao nếu ở mọi nơi, thậm chí vượt ra ngoài biên giới của chúng ta, chúng ta có thể đánh giá cao và khuyến khích lời tiên tri và phép lạ này! Chúng ta đổi mới đức tin của mình vào Lời Chúa, lời mời gọi các gia đình trung thành đến với sự cởi mở này. Lời mời gọi tất cả những ai muốn chia sẻ lời tiên tri về giao ước giữa người nam và người nữ, giao ước tạo ra sự sống và mặc khải Thiên Chúa! Xin Chúa giúp chúng ta trở thành những người chia sẻ lời tiên tri về hòa bình, về sự dịu dàng và tình cảm trong gia đình. Xin lời Người giúp chúng ta chia sẻ dấu chỉ tiên tri về việc chăm sóc con cái và ông bà bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn và yêu thương.
Bất kỳ ai muốn mang đến thế giới này một gia đình biết dạy trẻ em phấn khởi thi hành mọi cử chỉ nhằm chiến thắng sự dữ – một gia đình cho thấy Chúa Thánh Thần đang sống và đang hoạt động – sẽ gặp được lòng biết ơn và sự trân trọng của chúng ta. Bất kể họ thuộc gia đình, dân tộc, tôn giáo hay khu vực nào!
Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ơn để trở thành những tiên tri của niềm vui Tin mừng, Tin mừng của gia đình và tình yêu gia đình, như những môn đệ của Chúa. Xin Người ban cho chúng ta ân sủng để xứng đáng với sự trong sạch của trái tim, một trái tim không bị xấu hổ khi đối diện với Tin mừng! Amen.
 
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 26 Thường Niên năm B (30/9/2012) - Chúa hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay trình bày một trong những giai thoại trong cuộc đời Chúa Kitô, tuy có thể nói là chỉ được nhắc qua mà thôi, nhưng chứa đựng một ý nghĩa sâu xa (cf Mc 9,38-42). Đó là sự kiện một người kia, tuy không phải là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng đã trừ quỉ nhân danh Ngài. Tông đồ Gioan, vốn là người trẻ trung và hăng say, muốn ngăn cản người ấy, nhưng Chúa Giêsu không cho làm như vậy, và nhân cơ hội ấy, Người dạy các môn đệ rằng Thiên Chúa có thể làm những điều tốt lành, thậm chí cả những điều lạ lùng ở bên ngoài nhóm môn đệ của Ngài, và người ta có thể cộng tác xây dựng Nước Trời bằng nhiều cách khác nhau, kể cả việc trao tặng một ly nước cho một nhà truyền giáo (c.41). Về điểm này, Thánh Augustino đã viết: “Cũng như trong Giáo Hội ta có thể tìm thấy những gì không phải là Công Giáo, thì ngoài Giáo Hội Công Giáo, ta cũng có thể tìm thấy cái gì đó là Công Giáo” (Agostino, Sul battesimo contro donatisti: PL 43, VII, 39,77). Vì thế, các phần tử của Giáo Hội không được cảm thấy ghen tương, nhưng phải vui mừng nếu có ai ở ngoài cộng đoàn làm điều thiện nhân danh Chúa Kitô, miễn là họ làm điều ấy với ý hướng ngay chính và với lòng tôn trọng. Cả bên trong Giáo Hội, đôi khi cũng xảy ra là người ta thấy khó đề cao giá trị và quí chuộng, trong một tinh thần hiệp thông sâu xa, những điều tốt lành khác do các thực tại xã hội khác thực hiện. Trái lại tất cả chúng ta phải luôn luôn có khả năng chúc tụng Chúa vì tinh thần sáng tạo vô biên qua đó Chúa hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới.
Trong Phụng vụ hôm nay cũng vang dội lời lên án của thánh Giacôbê Tông Đồ chống lại những người giàu bất lương, tin tưởng nơi của cải tích trữ nhờ sự lạm quyền (Gc Gc 5,1-6). Về vấn đề này, Cesario thành Arles đã khẳng định như sau trong một bài giảng của Người: “Sự giàu sang không gây thiệt hại cho người tốt lành, vì họ cho đi với lòng từ bi, cũng như sự giàu sang không thể giúp ích kẻ xấu, vì họ tham lam giữ lại của cải hoặc phung phí nó” (Sermoni 35,4). Những lời của thánh Giacôbê Tông đồ, trong khi cảnh giác chống lại sự ham hố của cải vật chất, chính là một lời mạnh mẽ kêu gọi hãy sử dụng của cải ấy trong viễn tượng liên đới và nhắm công ích, luôn luôn thực thi sự liêm chính và luân lý ở mọi cấp độ.
Các bạn thân mến, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh, chúng ta hãy cầu xin để chúng ta có thể vui mừng vì mỗi cử chỉ và sáng kiến tốt lành, không ghen tị hoặc ghen tương, và biết sử dụng khôn ngoan những của cải trần thế trong sự liên tục tìm kiếm những của cải vĩnh cửu.