
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM C
"Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ"
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một lời mời gọi cao cả nhưng cũng đầy thách đố cho chúng ta: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6, 36).
Câu nói này không chỉ đơn thuần là một lời khuyên luân lý, mà còn là một chỉ dẫn rõ ràng về cách chúng ta phải sống với tư cách là con cái Thiên Chúa. Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta cùng suy niệm ba điểm chính: Tình yêu vượt trên sự thù hận; Nhân từ như Cha trên trời và Nhân từ là con đường hoàn thiện Kitô hữu
1. Tình yêu vượt trên sự thù hận
Chúa Giêsu mở đầu bài giảng bằng một lời dạy gây sốc đối với người Do Thái thời đó: "Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em" (Lc 6, 27). Đối với người Do Thái, lề luật dạy rằng: "Mắt đền mắt, răng đền răng" (Xh 21, 24). Đây là nguyên tắc công bằng theo luật Cựu Ước. Nhưng Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật, Ngài không chỉ đòi hỏi sự công bằng, mà còn mời gọi con người bước xa hơn những gì luật day là yêu thương kẻ thù.
Yêu thương kẻ thù không có nghĩa là dung túng cho sự xấu xa, mà là hành động của con tim biết yêu thương và có lòng bao dung, nhân từ, mong muốn điều tốt lành cho cả những người đối nghịch với mình. Chúa Giêsu chính là mẫu gương hoàn hảo cho một tình yêu cao cả ấy. Cách cụ thể khi Chúa bị treo trên thập giá, Ngài vẫn cầu nguyện cho kẻ nhục mạ, đánh đập, vu khống những điều xấu xa và chuẩn bị giết Ngài: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34).
Trong đời sống, chúng ta thường gặp những người làm tổn thương mình. Phản ứng tự nhiên của con người là giận dữ, muốn đáp trả bằng những ngôn từ căm tức và những hành động muốn tấn công họ. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước vào một quỹ đạo tình yêu lớn hơn: tình yêu không có chỗ cho hận thù.
Câu hỏi đặt ra ở đây: Chúng ta có dám tha thứ và cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương mình không?
Thật vậy, tha thứ và cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương mình không phải là điều dễ dàng, nhưng đó chính là con đường Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước theo. Nếu chỉ dựa vào sức riêng, có lẽ chúng ta sẽ khó lòng làm được. Nhưng khi nhìn lên Thánh Giá, nơi Chúa đã tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài, chúng ta nhận ra rằng tha thứ không chỉ là một bổn phận, mà còn là con đường dẫn đến bình an và tự do nội tâm.
Nếu chúng ta dám tha thứ và cầu nguyện cho những người làm tổn thương mình, chúng ta sẽ trở nên giống Chúa hơn, và chính điều đó giúp chúng ta tìm được niềm vui đích thực trong cuộc sống. Tha thứ không có nghĩa là quên đi hay biện minh cho lỗi lầm của người khác, mà là trao phó mọi sự cho Chúa, để tình yêu của Ngài biến đổi chính mình và cả người làm tổn thương mình.
2. Nhân từ như Cha trên trời
Chúa Giêsu không chỉ dạy chúng ta yêu thương kẻ thù, mà còn chỉ ra cho chúng ta mẫu gương tuyệt hảo nhất: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6, 36).
Thật vậy. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng nhân từ tuyệt đối. Trong toàn bộ cuốn Kinh Thánh, đã diễn tả cho chúng ta thấy lòng thương xót của Người: chẳng hạn khi dân Israel phản bội, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn tha thứ và đưa họ trở về đất hứa (Hs 11, 8-9). Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã không tiêu diệt họ mà còn hứa ban Đấng Cứu Độ (St 3, 15) cho nhân loại. Rồi khi Giuđa phản bội, Chúa Giêsu vẫn gọi ông là "bạn" (Mt 26, 50).
Chúa mời gọi chúng ta sống lòng nhân từ không phải theo kiểu nửa vời, nhưng theo chính cách Ngài yêu thương. Điều đó có nghĩa là: Tha thứ mà không oán hận - Giúp đỡ mà không tính toán và yêu thương mà không đòi hỏi sự đáp trả. Bởi vì, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rằng: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6, 38). Nếu chúng ta sống nhân từ, Chúa sẽ đối xử với chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.
3. Nhân từ là con đường hoàn thiện đời sống Kitô hữu
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống nhân từ không phải chỉ trong những lúc dễ dàng, mà ngay cả khi chúng ta bị thử thách. Đó là con đường giúp chúng ta trở nên giống Thiên Chúa hơn. Như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: "Đừng để sự dữ thắng được anh em, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác" (Rm 12, 21).
Những vị thánh trong Giáo Hội là những người đã sống trọn vẹn tinh thần này. Các ngài không trả thù, không cay đắng, nhưng luôn lấy tình yêu đáp lại hận thù. Vì thế chúng ta đã có Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, khi bị ném đá vẫn cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Cv 7, 60). Thánh Gioan Phaolô II đã tha thứ cho kẻ ám sát mình. Ngài không chỉ tha thứ bằng lời nói, mà còn đến trại tù để thăm và cầu nguyện cho người ấy.
Nếu chúng ta muốn trở nên giống Chúa, chúng ta cần thực hành lòng nhân từ trong cuộc sống hàng ngày. Điều này có thể được thể hiện qua những hành động nhỏ bé như: Tha thứ cho những ai xúc phạm mình; giúp đỡ những người gặp khó khan và không xét đoán hay nói xấu người khác.
Anh chị em thân mến,
Lời mời gọi của Chúa Giêsu "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ."vô cùng ý nghĩa đối với cuộc sống của con người ngày hôm nay. Vì chúng ta hiểu rằng lòng nhân từ không phải là yếu đuối, mà là sức mạnh của tình yêu. Lòng nhân từ không phải là thỏa hiệp với sự ác, mà là chiến thắng bằng sự thiện và long nhân từ không phải là một lựa chọn tùy ý, mà là con đường nên thánh.
Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: Tôi đã sống lòng nhân từ như Chúa dạy chưa? Tôi có thể thực hành lòng nhân từ trong cuộc sống của mình như thế nào? Đó là những câu hỏi giúp chúng tự vấn lương tâm của mình để khám phá và tìm ra câu trả lời hoàn hảo nhất, khi chúng ta sống trọn vẹn lòng nhân từ của Chúa đối với tha nhân trong đời sống thường ngày.
Nguyện xin Chúa Giêsu giúp chúng ta có một trái tim rộng lớn, biết tha thứ, yêu thương và sống nhân từ như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Amen.
Lm. Từ Tâm
Ban Truyền Thông GP. Thanh Hóa