BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

12/02/2025
133


BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Kính thưa anh chị em, nếu thánh Matheu ghi nhận tám mối phúc thật, thì ở đây, thánh Luca chỉ ghi lại có bốn mối phúc mà thôi. Và đồng thời thánh nhân còn thêm bốn mối họa tiếp sau đó. Tuy nhiên, ở đây chúng ta nhận thấy rằng: Mối phúc cho những ai sống tinh thần nghèo khó, thì bao giờ cũng đứng hàng đầu: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”.

         Thưa anh chị em, với thời đại ngày hôm nay mà nói sống khó nghèo thì quả là hết sức khó khăn. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới đầy tiện nghi và hưởng thụ. Con người thời nay chỉ biết hưởng thụ mà thôi. Nguyên cách thức đời tu ngày này cũng rất khác thời xưa về đời sống khó nghèo. Khác lắm!

         Thế nhưng, mối phúc: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” vẫn không lỗi thời chút nào. Tại sao vậy? Thưa bởi vì thời đại nào cũng cần có những con người sống tinh thần nghèo khó. Nghèo khó ở đây không phải là không có cơm ăn áo mặc, không có phương tiện đi lại, nhưng là biết cho đi, biết chia sẻ của cải vật chất cho người khác, đặc biệt là đối với những người nghèo đói, khổ đau. Chính Chúa Giêsu, tự bản chất, Ngài là một vị Thiên Chúa đầy sung mãn, thế nhưng Ngài đã chấp nhận làm người, để chia sẻ kiếp người nghèo hèn với chúng ta. Chắc không ai trong loài chúng ta nghèo bằng Chúa Giêsu. Nghèo đến nỗi là khi chết trên thập giá không có mảnh vải che thân. Còn loài người chúng ta khi chết thì ai cũng được tẩm liệm với những bộ đồ quần áo mới, chẳng ai để cho chúng ta phải chết trần truồng như Chúa Giêsu.

         Nhưng đối lại với mối phúc khó nghèo, thì là mối họa giàu có: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi”. Tại sao Chúa Giêsu lại nguyền rủa những người giàu có? Chúng ta nhớ lại dụ ngôn nhà phú hộ giàu có và anh Lazaro nghèo đói. Một đàng, nhà phù hộ giàu có kia ngày ngày tiệc tùng linh đình, ăn mặc gấm vóc lụa là. Còn anh Lazaro thì nghèo đói, nằm trước cửa nhà ông ta, thèm ăn những đồ ăn vụn vặt trên bàn rớt xuống cũng không được ăn; rồi mấy con chó lại cứ đến liếm chốc ghẻ trên người. Cũng là con người, nhưng hai thế giới lại khác biệt nhau hoàn toàn. Nghe dụ ngôn này, ai mà chẳng nguyền ông phú hộ giàu có. Giàu có, nhưng ông ta không biết chia sẻ cho người nghèo. Ông ta chỉ tích góp của cải cho bản thân mình và rồi đã trở thành con người keo kiệt, bủn xỉn. Cho nên sau khi chết, ông ta phải vào chốn cực hình. Ông ta van xin tổ phụ Abraham, nhưng tổ phụ đã trả lời: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi”. Điều đó có nghĩa là: những người giàu có như ông phú hộ, khi còn sống ở trần gian này đã được an ủi nhờ của cải của họ rồi. Cho nên ở đời sau, họ sẽ không còn được phần phúc như anh Lazaro nữa. Thành thử ra, mối họa này dành cho những ai giàu có mà keo kiệt, bủn xỉn, chứ người giàu có mà có lòng quảng đại chia sẻ cho người nghèo, thì họ chính là người hùng của Thiên Chúa, vì biết cho đi tất cả. Chúng ta thấy những nhà tỷ phú trên thế giới, họ rất là giàu có, nhưng họ sẵn sàng làm từ thiện trong nhiều lãnh vực khác nhau như các tỷ phú: Warren Buffett 169 tỷ USD, Bill Gate 33,4 tỷ, Mark Zuckerberg 45 tỷ, George Soros 18 tỷ, Chuck Feeney 8 tỷ, … Và còn bao nhiêu người giàu có khác, họ đã có lòng quảng đại cho đi.

         Ước gì khi suy gẫm về các mối phúc và các mối họa trong Tin mừng thánh Luca, chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu, dù giàu sang hay nghèo hèn, chúng ta cũng phải sống tinh thần nghèo khó: biết cho đi, biết chia sẻ của cải tinh thần cũng như vật chất cho những người đang cần tới sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta không thể sống dửng dưng, hẹp hòi, kẹo kiệt và bủn xỉn. Trái lại, ta hãy bắt chước Chúa Giêsu, Đấng sung mãn quyền năng vô biên, nhưng đã từ bỏ tất cả để trở nên nghèo hèn giống như chúng ta, để chính nhờ đó mà chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác từ nơi Chúa.

Rev. Michael Trịnh Ngọc Tứ

Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hóa