
Bài Giảng Chúa Nhật 4 Mùa Chay, Năm C
Hôm nay, chúng ta vừa cùng nhau lắng nghe những lời Kinh Thánh đầy ý nghĩa, đặc biệt là dụ ngôn "Người Cha Nhân Hậu" trong trích đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca. Câu chuyện ấy không chỉ là một bài học đạo đức, mà còn là lời mời gọi tha thiết về lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Để bắt đầu bài giảng, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Có một người đàn ông thành đạt, nhưng trong lòng luôn cảm thấy trống rỗng. Ông có một người con trai, người mà ông hết mực yêu thương. Nhưng rồi, người con ấy đã rời bỏ gia đình, sống một cuộc đời phóng túng, và cuối cùng rơi vào cảnh khốn cùng. Người cha ngày đêm mong ngóng con trở về và khi nhìn thấy đứa con thập thò trước ngõ, ông cảm thấy vui mừng khôn tả liền chạy ra ôm trầm lấy con, không một lời trách móc.
Câu chuyện này, cũng như dụ ngôn "Người Cha Nhân Hậu", cho chúng ta thấy một điều: mỗi khi chúng ta phạm tội vì chạy theo tiếng gọi của ma quỷ, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài. Ngài không bao giờ từ bỏ hay trách mắng chúng ta, dù chúng ta có lầm đường lạc lối.
Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy dân Israel sau khi vượt qua sông Jordan, đã được Chúa cất đi "sự dơ nhớp của Ai-cập". Họ được ăn những sản vật của Đất Hứa, chấm dứt những ngày tháng ăn manna trong sa mạc. Điều này tượng trưng cho sự giải thoát khỏi tội lỗi, và được đón nhận vào ân sủng của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô trong bài đọc II đã nói với chúng ta rằng, trong Đức Kitô, chúng ta trở nên "thụ tạo mới". Những gì cũ kỹ đã qua đi, và mọi sự trở nên mới mẻ. Thiên Chúa đã giao hòa chúng ta với Ngài qua Đức Kitô, và trao cho chúng ta chức vụ giao hòa. Điều này có nghĩa là, chúng ta được mời gọi trở thành sứ giả của lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Cuối cùng, dụ ngôn "Người Cha Nhân Hậu" là một bức tranh tuyệt đẹp về lòng thương xót của Thiên Chúa. Người cha trong dụ ngôn tượng trưng cho Thiên Chúa, người con thứ tượng trưng cho những người tội lỗi, và người con cả tượng trưng cho những người biệt phái và luật sĩ.Sau khi người con thứ đi hoang trở về, người cha không hề trách móc anh ta, mà ngược lại, ông còn mở tiệc ăn mừng. Điều này cho chúng ta thấy, Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, dù chúng ta có phạm tội nặng nề đến đâu.
Ngược lại, người con cả, người luôn trung thành với cha, lại tỏ ra ghen tị và trách móc cha. Điều này cho chúng ta thấy, đôi khi, chúng ta cũng giống như người con cả, tự cho mình là công chính và không muốn tha thứ cho người khác.
Khởi đi từ những bài Sách Thánh trên đây, trong hành trình Mùa Chay Thánh này, chúng ta được mời gọi suy niệm về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Ngài không chỉ là một vị thẩm phán nghiêm minh, mà còn là một người Cha nhân hậu, luôn dang rộng vòng tay chờ đợi chúng ta trở về. Dù chúng ta có lầm lạc, vấp ngã, hay thậm chí chối bỏ Ngài, tình yêu của Ngài vẫn luôn bao trùm và tha thứ.
Chúng ta, những người tội lỗi đã được Thiên Chúa thứ tha, cũng được mời gọi trở thành sứ giả của lòng thương xót. Mỗi người chúng ta hãy học cách tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình, như chính Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Đừng để lòng oán trách và hận thù chiếm giữ trái tim và điều khiển hành động, mà hãy mở lòng đón nhận tình yêu thương và sự hòa giải.
Đồng thời, chúng ta cũng cần phải khiêm tốn nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của mình. Đừng tự cho mình là công chính, mà hãy nhìn nhận sự bất toàn của bản thân và cầu xin Thiên Chúa tha thứ. Chỉ khi chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình, ăn năm thống hối và quay trở về với Chúa, chúng ta mới có thể thực sự cảm nhận được lòng thương xót bao la của Thiên Chúa.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta suy ngẫm về những điều này. Hãy dành thời gian để cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và thực hành những việc lành phúc đức. Hãy để lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi chúng ta, để chúng ta trở nên những người con xứng đáng của Ngài, và là những sứ giả của tình yêu thương và sự tha thứ trong thế giới này. Nguyện xin Chúa ban bình an và ân sủng cho tất cả chúng ta. Amen.
Giám Đốc Caritas Thanh Hoá