Ăn và Sống

02/04/2017
1043

1. Từ một ý nghĩa văn hóa
 

Ăn uống là một sinh hoạt thuộc về nhu cầu sinh học. Con người cũng như con vật đều cần ăn, cần uống để sống. Thế nhưng, với con người, một sinh hoạt có vẻ đầy tính sinh học ấy cũng trở thành văn hóa. Con người không phải ăn để sống, nhưng còn là sự hiệp thông sâu xa.
 

Sự sống của con người, từ ý nghĩa siêu hình căn bản sâu xa nhất, không phải chỉ là kết quả của một hoạt động sinh học thuần túy, mà là một ân huệ đầy ý nghĩa nhất; thì sinh hoạt ăn uống, điều gắn liền với sự sống ấy, cũng được con người nhìn nhận như một hành động có nhiều ý nghĩa, đặc biệt là ý nghĩa của sự hiệp thông, liên đới. Thật ra, “ý nghĩa” không phải là một giá trị phụ thuộc thêm vào cho thực tại. Ngược lại, ở mức độ người, điều làm nên bản chất của thực tại chính là ý nghĩa siêu hình căn bản của nó; và mọi ý nghĩa chân chính khác luôn phải xuất phát từ bản chất ấy. Tự trong miếng ăn và thức uống của con người, đã có công lao, có tình nghĩa, có “sự hiện diện” của biết bao người trong đó. Con người trong đúng bản chất xã hội của mình, không được quyền chỉ thấy ăn ngon, mặc đẹp, nhà ở tiện nghi... cho bản thân mình. Một đứa bé được mẹ cho cái bánh, nếu đứa bé chỉ thấy bánh ngon hay dở mà không thấy tình nghĩa của mẹ, thì đứa bé đó có nguy cơ trở thành đứa bé “hư”. Mặc dù có thể nó lớn lên, thành tài, tạo dựng cơ nghiệp lớn... nhưng tất cả những thành tựu đó vẫn chỉ mang bản chất quy ngã; vẫn chỉ là sự hưởng thụ thế giới của sự vật cho bản thân mình; trong khi bản chất của sự vật, cái bánh, chỉ là phương tiện để diễn tả tương quan con người với nhau...
 

2. Tái lập lại ý nghĩa “siêu hình”
 

Những lời nói của Đức Giêsu : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời...” làm cho người nghe bị chướng tai. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc thiết lập Bí tích Thánh Thể là một hành vi nghịch thường, không phải là lấy một ý nghĩa xa lạ để trùm lên thực tại cách khiên cưỡng. Bí tích Thánh Thể, là tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa, không thể nào lại đặt nền trên một sự gán ghép khiên cưỡng giữa ý nghĩa và thực tại.
 

Đức Tin Kitô giáo khẳng định Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự trong Ngôi Lời vĩnh cửu. Điều đó có nghĩa là ở nền tảng của mọi thực tại, có “cấu trúc”, có bóng dáng của “Lời Vĩnh Cửu”, có âm hưởng căn bản của Logos (Ngôi Lời). Khi vũ trụ này được trao cho con người cai quản, và con người, do phạm tội, đã làm mờ đi cấu trúc căn bản ấy, thì Thiên Chúa lại cứu độ con người và phục hồi vũ trụ trong Ngôi Lời Nhập Thể, là chính Đức Giêsu Kitô.
 

Ngôi Lời Vĩnh Cửu và Ngôi Lời Nhập Thể là một. Những gì Đức Giêsu nói và làm không phải là một sự đổi mới thuần túy (x. Mt 5, 17-19) nhưng là đổi mới bằng cách “phục hồi” và “nâng cấp”. Trong chương trình sáng tạo, bóng dáng Ngôi Lời Vĩnh Cửu thể hiện như một “cấu trúc” căn bản; thì trong chương trình cứu độ, tất cả ý nghĩa quan trọng nhất của vũ trụ và của nhân loại được phục hồi và “nâng cấp” bằng mối tương quan ngã vị với chính Đức Giêsu Kitô.
 

 

3. Thánh Thể, mạch nguồn sự sống mới
 

Tiếp xúc với Đức Giêsu Kitô, con người tìm gặp được chính mình, tìm lại bóng dáng Ngôi Lời Vĩnh Cửu nằm sâu trong bản thân mình; từ đó, con người tìm lại được mối tương quan yêu thương với anh chị em của mình cũng như khả năng thống trị vũ trụ cách chân chính.
 

Tất cả “sự sống” của vũ trụ và con người chỉ có thể tìm được sự sống mới trong Đức Giêsu Kitô; và mạch nguồn sự sống ấy được khơi dậy, được nuôi dưỡng, được bổ sức trong “bữa ăn” mới, bữa ăn mà “thực phẩm” là chính bản thân Đức Giêsu Kitô. Thánh Thể “phục hồi” và “nâng cấp” chất dinh dưỡng sự sống mới ấy cho con người bằng mối tương giao thân tình với chính Đấng đang sống - với và đã là Logos thâm sâu trong chính bản chất của con người.
 

“Chúa Giêsu phán cùng dân Do Thái rằng : ‘Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
 

 

Bí tích Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập trong giờ phút bi đát nhất của cuộc đời, khi mà thế lực của Satan đang bao trùm và như đang giương móng vuốt đe dọa. Đức Giêsu biết rõ “giờ của Ngài đã đến” (Ga 13,1); Đức Giêsu biết rõ âm mưu gian ác của người Do Thái, lòng dạ tráo trở của đám dân chúng, nỗi yếu hèn của các tông đồ, và nhất là sự mưu phản của Giuđa... Để đáp lại thế lực đen tối ấy, Đức Giêsu không nguyền rủa, không phản ứng, không lạnh lùng, không dửng dưng... nhưng Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể, bí tích của tình yêu. Bí tích Thánh Thể là câu trả lời của Đức Giêsu, là thái độ tiếp tục dấn bước đến cùng trên nẻo đường tình yêu dù có bị phản bội, là con dấu tình yêu lớn lao đóng trên cuộc khổ nạn sắp tới...
 

Chất dinh dưỡng mới của nhân loại chỉ có thể là sự hiệp thông trong tình yêu, thứ tình yêu chiến thắng hận thù, trong Bí tích Thánh Thể.
 

LM GIUSE NGUYỄN TRỌNG VIỄN, DÒNG ĐAMINH, OP

(Nguồn: cgvdt.vn)