GIÁO PHẬN QUI NHƠN: TỌA ĐÀM VỀ DI SẢN SẤM TRUYỀN CA (1670) CỦA LINH MỤC LỮ Y ĐOAN (1608-1678)

24/09/2024
146

GIÁO PHẬN QUI NHƠN: TỌA ĐÀM VỀ DI SẢN SẤM TRUYỀN CA (1670) CỦA LINH MỤC LỮ Y ĐOAN (1608-1678)

Ban văn hóa Giáo phận Qui Nhơn
23/09/2024

Năm nay, cuộc họp mặt Văn thơ Công giáo lần thứ XIII được đánh dấu bằng tọa đàm “Về di sản Sấm truyền ca (1670) của Linh mục Lữ Y Đoan (1608-1678)”. Tọa đàm đã quy tụ được hơn 110 tham dự viên, gồm các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học và nhiều người quan tâm.

 

WHĐ (23/9/2024) - Từ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (2012), hằng năm vào hai ngày 21-22/9, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã tổ chức họp mặt các tác giả Văn thơ Công giáo Việt Nam, hoặc trao các giải thưởng hoặc tọa đàm về văn học Công giáo, và dần dần đã tạo nên một ngày truyền thống về Văn thơ Công giáo Việt Nam.

Năm nay, cuộc họp mặt Văn thơ Công giáo lần thứ XIII được đánh dấu bằng tọa đàm “Về di sản Sấm truyền ca (1670) của Linh mục Lữ Y Đoan (1608-1678)”. Tọa đàm đã quy tụ được hơn 110 tham dự viên, gồm các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học và nhiều người quan tâm.

Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã khai mạc Tọa đàm lúc 8g00 ngày 22/9/2024 tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn, 120 Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn. Đoàn chủ tọa gồm có: Linh mục Giuse Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Giáo phận Qui Nhơn; Pgs. Ts. Nguyễn Hữu Sơn, viện Khoa học Xã hội thuộc viện Hàn Lâm Việt Nam; Pgs. Ts. Võ Văn Nhơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM; Ts. Võ Minh Hải, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn và nhà nghiên cứu Michel Nguyễn Hạnh, Phó trưởng ban Từ vựng Hán Nôm Công giáo.

Tọa đàm nhằm giúp công chúng biết đến bộ tác phẩm Sấm truyền ca, gồm 5 tập truyện thơ lục bát dài, diễn ca 5 quyển đầu của bộ Cựu ước, được một trong những linh mục thuở đầu của Địa phận Đàng Trong soạn xong vào năm 1670. Tiếc là tác phẩm chỉ được chép tay và lén lút truyền lại dưới những thế kỷ đạo Chúa bị bách hại, nên đã bị mai một, hiện nay chỉ mới tìm lại được quyển Tạo đoan kinh, tức là sách Sáng thế, và 21 chương Lập quốc kinh, tức là một nửa sách Xuất hành. Ba quyển sau hiện ta chưa rõ tác giả đã đặt tên thế nào.

Các thuyết trình viên đã đặt nổi giá trị của tác phẩm. Đây là bộ truyện thơ trường thiên từ thế kỷ XVII, hơn một trăm năm trước truyện Kiều. Sấm truyền ca có chỗ đứng đáng trân trọng trong văn học Việt Nam (Pgs. Ts. Nguyễn Hữu Sơn), trong truyền thống văn học chữ Nôm của Nam Trung Bộ (Ts. Võ Minh Hải), với nhiều đóng góp nổi bật (Ts. Đặng Quốc Minh Dương). Có tác giả nêu câu hỏi liệu bản chép tay quốc ngữ có bị chỉnh sửa do kỵ húy, phải tránh chữ “thì” là tên của nhà vua chăng. Tham luận của nhà nghiên cứu Michel Nguyễn Hạnh nêu dẫn chứng cho thấy điều ấy không ảnh hưởng đến bản chép tay Sấm truyền ca, vì một số sách in vẫn dùng lẫn lộn, không kiêng dè. Pgs. Ts. Đinh Điền đã chuẩn bị đề tài khoa học về chữ Nôm, nhưng ông không đến được, nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh đã thay ông, giới thiệu chương trình vận dụng trí tuệ nhân tạo để chuyển dịch các sách chữ Nôm Công giáo sang chữ quốc ngữ.

Điểm nhắm thứ hai của Tọa đàm là phát hành quyển Sấm truyền ca, ấn phẩm đối chiếu để phục hồi nguyên bản. Sau năm 1975, Học giả Hoàng Xuân Việt nhận được hai bản chép tay quyển Sáng thế và một bản chép tay 21 chương đầu sách Xuất hành. Cố Giáo sư Trần Thanh Đạm đã nêu ý kiến nhờ các nhà văn bản học nghiên cứu để xác định được đâu là phần của thế kỷ XVII, đâu là phần được thế, được sửa về sau. Theo gợi ý ấy, nhóm Tủ sách Nước Mặn trong Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã thực hiện một ấn phẩm nhằm tạo thuận lợi cho những nghiên cứu về văn bản. Quyển sách in đối chiếu bốn cột, những chi tiết khác biệt được đánh dấu bằng định dạng chữ hoặc bằng màu, nhờ đó, các sinh viên có thể nhận ra ngay phần chủ yếu của bản văn đã được bảo tồn rất tốt, những chênh lệch về sau không đáng kể.

Ngoài quyển sách ấy, mỗi tham dự viên đều nhận được tập Tài liệu tham khảo Bước đầu nghiên cứu về Sấm truyền ca, dày trên 500 trang, gồm bài viết của 28 tác giả trong và ngoài Công giáo, giúp hiểu sâu hơn về tác phẩm Sấm truyền ca và tác giả của nó.

Điểm nhắm thứ ba của Tọa đàm là phát động chương trình truy tìm cổ bản Sấm truyền ca. Tủ sách Nước Mặn dự kiến sớm thực hiện một quyển sách tựa đề Sấm truyền ca, ấn bản cập nhật cho các bạn trẻ, để cùng truy tìm phần còn lại của tác phẩm. Quyển sách 200 trang, sẽ chỉ bán giá 20.000 vnđ để mỗi bạn trẻ đều có thể mua một vài tập tham gia cuộc kiếm tìm. Cùng với quyển này, Ban Tổ chức sẽ gửi đến các cộng đoàn nữ tu trong nước ấn bản Sấm truyền ca đối chiếu hai cột và Bản chỉ dẫn truy tìm cổ bản Sấm truyền ca để nhờ các chị hướng dẫn các bạn trẻ tìm kiếm, hỏi tìm nơi các gia đình Công giáo kỳ cựu, cả nơi người ngoài Công giáo, các chùa và những người sưu tầm tư liệu cổ.

Trong những khoảnh khắc chia sẻ, cử tọa đã có dịp cùng ngưỡng mộ một tác giả Công giáo xuất sắc trong làng thơ văn chữ Nôm Nam Trung Bộ thế kỷ XVII.

Tọa đàm đã kết thúc lúc 12g00 trưa cùng ngày. Hy vọng Tọa đàm lần này là một khởi đầu có sức gợi hứng cho những nghiên cứu và hội thảo quy mô hơn trong tương lai về Sấm truyền ca của cha Lữ Y Đoan, một trong những linh mục buổi đầu của Địa phận Đàng Trong.

Nguồn: hdgmvietnam.com