DÂN THIÊN CHÚA TIẾN BƯỚC TRONG HI VỌNG (Phần 2)

19/08/2023
2423

 

DÂN THIÊN CHÚA TIẾN BƯỚC TRONG HI VỌNG
(Phần 2)

Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn

Dân Thiên Chúa tiến bước trong Hi vọng - Phần 1

3. Sống linh đạo hiệp hành

Thể hiện tinh thần hiệp hành không chỉ là tiến hành việc thỉnh ý, nhưng còn là một sự tham gia tích cực của người tín hữu trong Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Tham gia tích cực theo ơn gọi của mỗi Kitô hữu, họ vốn có khả năng và được kêu gọi phục vụ lẫn nhau qua ơn riêng của mỗi người được Chúa Thánh Thần ban cho.[1] Tinh thần Hội thánh hiệp hành đòi hỏi khơi dậy các tiến trình thỉnh ý toàn dân Chúa.[2] Khi tham khảo ý kiến đề nghị và ý kiến quyết định, dù khác nhau nhưng không vì thế mà xem nhẹ tính hiệp hành sâu xa hoạt động trong toàn thể cộng đoàn, «họ được triệu tập để cầu nguyện, lắng nghe, phân tích, trao đổi, nhận định và góp ý để lấy quyết định mục vụ»[3] bởi hoàn cảnh đặc thù của họ. Nhưng cũng cần lưu ý tới nhiệm vụ cai quản của mục tử, vì «tiến trình hiệp hành phải được thực hiện giữa lòng một cộng đoàn Hội thánh có cơ cấu phẩm trật»[4] và «quyền bính của các mục tử là một đặc sủng của Thần Khí Đức Kitô Thủ lãnh xây dựng toàn nhiệm thể Người, không phải là nhiệm vụ có thể ủy thác và đại diện bởi người dân»[5].

- Một cản trở sự tham gia tích cực của các tín hữu vào đời sống của Hội thánh hiệp hành là não trạng giáo sĩ trị khiến giáo dân bị dạt bên lề cuộc sống của Giáo hội.[6] Tinh thần giáo sĩ trị nghịch lại với tinh thần hiệp hành, nó biểu lộ sự khép kín đối với tính sáng tạo của cấu trúc hiệp hành vốn mở ra để toàn thể các tín hữu, dù có thánh chức hay không, có thể biểu lộ chính mình và đặc sủng của mình.

- Sống tinh thần hiệp hành đòi hỏi chúng ta phải hoán cải mục vụ. Phải vượt qua suy nghĩ và quan niệm coi trách nhiệm truyền giáo chỉ thuộc về các mục tử, không coi trọng cho đủ ơn gọi đời sống thánh hiến và đặc sủng, ít quí trọng đóng góp đặc biệt và có chất lượng thuộc thẩm quyền chuyên môn của các tín hữu giáo dân và của các phụ nữ nói riêng.[7] Hơn nữa, ý thức Hội thánh hiệp hành làm ta vui mừng đón nhận và thăng tiến ân thánh sủng bởi đó mọi tín hữu có khả năng và được kêu gọi làm môn đệ truyền giáo.[8] Cần thấy dòng lưu chuyển bộc phát từ các đặc sủng chảy giữa thừa tác vụ của mục tử và sự tham gia đồng trách nhiệm của giáo dân. Hoán cải này ở chiều sâu đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, từ cái “tôi” chủ vị cá thể tính sang “chúng ta” chủ thể giáo hội tính, sống và bước đi trên đường lữ hành cùng với anh chị em mình, có trách nhiệm và tích cực thi hành sứ vụ Loan báo Tin mừng duy nhất của Dân Thiên Chúa.[9] Tinh thần hiệp hành đòi hỏi chúng ta có những tâm thái sâu xa: «tin tưởng và cởi mở», cảm thức đức tin (sensus fidei) chín chắn và suy nghĩ đồng điệu với Hội thánh (sentire cum ecclesia).[10] Và có những yếu tố đặc biệt nuôi dưỡng tình yêu hiệp hành (affectus synodalis) như: tính sáng tạo và phát triển của sự hiệp thông thánh thể, vốn là phản chiếu tự nhiên của sự hiệp thông ba ngôi; khả năng biết nhìn nhận những thất bại của mình và ước muốn hòa giải; lắng nghe Lời Chúa soi chiếu lộ trình lữ hành của chúng ta; và yêu mến sứ vụ: mọi sự kiện hiệp hành thúc đẩy Hội thánh đi ra đến với mọi người để cùng đi về với Chúa.[11]

- Sống tinh thần hiệp hành cũng là biết đối thoại bạo dạn nói cũng như nghe. Không khăng khăng trong tranh luận tìm ý kiến mình vượt trội hay bác bỏ cách thô thiển quan điểm của người khác. Thái độ khiêm nhu và nguyên tắc “hiệp nhất thì lớn hơn xung đột” có thể giúp xây dựng tình hiệp thông vượt trên căng thẳng và bất đồng.

- Sau cùng, nhấn mạnh đến sự thực hành phân định là thực hành trung tâm của các tiến trình và sự kiện hiệp hành. Vượt trên tính cá nhân, sự phân định cộng đoàn giúp các Kitô hữu khám phá tiếng gọi của Thiên Chúa trong mỗi hoàn cảnh lịch sử nhất định.[12]

4. Đánh giá và suy tư

Hiệp hành là một cách thức hiện diện mới của Hội thánh trong thế giới, tham gia nhiều hơn và đối thoại nhiều hơn, từ bi nhân ái hơn và lắng nghe nhiều hơn, đi ra xa trung tâm và đến với con người ở địa phương và vùng biên nhiều hơn, ý thức sự đa dạng và bổ túc của các đặc sủng Kitô hữu dùng để phục vụ sứ vụ Loan báo Tin mừng.

Hiệp hành, đối với đức Phanxicô, không chỉ là sống tình huynh đệ, qua lắng nghe và hợp tác, nhưng còn được biểu lộ qua thực hành chương trình cải tổ rộng lớn, bắt đầu từ cơ cấu cao nhất là giáo triều, các Thượng hội đồng Giám mục và Giáo hoàng. Nhiều văn kiện Tòa thánh, ngay cả văn kiện về Giáo hội hiệp hành này, đã được xem xét nghiêm túc từ các Giáo hội địa phương. Hiệp hành đòi chương trình cải tổ từ cấp thấp nhất đến cao nhất: các Kitô hữu, gia đình, giáo xứ, giáo phận, hội đồng linh mục, ban tư vấn, tổng hội, hội đồng mục vụ, hội đồng giám mục, thượng hội đồng, giáo triều, tất cả phải nối kết từ “cơ sở”, từ người dân và các vấn đề hằng ngày của người dân. Hình ảnh diễn tả Giáo hội hiệp hành, như đức Phanxicô hay nói, như là một “kim tự tháp ngược”, trong đó, đỉnh nằm ở bên dưới đáy và quyền bính duy nhất là quyền bính phục vụ.[13]

Trong khi triển khai ơn gọi hiệp hành đối với toàn dân Chúa, Hội thánh phải thỉnh ý và mời gọi các giáo dân, vốn là thành phần đại đa số, tham dự tích cực. Các hội nghị, công nghị, được khuyên phải quan tâm và lắng nghe cách rộng rãi cảm thức đức tin (sensus fidei) hay bản năng đức tin của Dân Chúa.[14] Họ không chỉ hòa hợp với cảm thức đức tin của người tín hữu dấn thân, mà cả với những tín hữu ở bên lề hay vùng ngoại vi Hội thánh, gồm những người nghèo, những người ở “lề trái” bất đồng với huấn quyền của Giáo hội, những người li thân, li dị, những người LGBTQ+. Sensus fidei thuộc về toàn thể các tín hữu (totius populi), nên Giáo hội phải học nhiều từ những người (tín hữu) chỉ trích, chống đối mình. Tiến hành phân định và đi đến quyết định của sensus hay consensus fidei (đồng thuận dựa trên đức tin) không thể không tránh khỏi chấp nhận có căng thẳng, bất đồng và xung đột ở một mức độ nào đó, ngay cả giữa các giám mục tranh luận trong tinh thần cởi mở và thẳng thắn. Tiến trình hiệp hành là sự tìm kiếm chân lí của tập thể cộng đồng, chứ không phải như là dụng cụ để cai quản phần đa số Giáo hội kia.

- Trong Hội thánh, ở đâu và lúc nào cũng có những ý kiến xung khắc về giải thích, hay về thông diễn học. Công đồng Giêrusalem đầu tiên cho thấy điều đó, nhưng rốt cuộc sau nhiều tranh luận Hội thánh cũng đạt được một sự đồng thuận giữa các tín hữu (consensus fidelium). Đối thoại là phương thế nhờ đó Thánh Thần Chúa thông truyền. Làm thế nào để Hội thánh có thể thông truyền với thế giới hôm nay? Theo đức hồng y Luis Tagle, các nhà lãnh đạo Hội thánh cần phải phân biệt các vấn đề (problems) vốn có thể giải quyết được, với các nan đề (dilemmas) vốn không thể giải quyết. Đứng trước các nan đề chúng ta chỉ có thể kể chuyện thôi. Kể chuyện người dân đã lội bì bõm qua những giòng nước đục ngầu của nan đề ấy như thế nào. Họ không cần được cung cấp giải pháp cho bằng một ý nghĩa, một niềm hi vọng. Nhưng mà ai có thể kể chuyện ấy? Thưa, chỉ những ai đã đi vào thế giới của câu chuyện, những người đã cởi mở với những câu chuyện đời sống người ta. Hội thánh phải mở ra với thế giới trong khi phải chấp nhận bị vấy bùn, thương tổn, mang thương tích. Cộng đoàn hiệp hành phải là câu chuyện sinh động về những gì mình loan báo. Chúng ta phải là những dấu chỉ sống động của Chúa Giêsu mà ta tuyên xưng niềm tin.[15] Các giám mục và các nhà thần học nhất thiết phải lắng nghe các tín hữu kể câu chuyện của họ, xem họ đã đối diện với những vấn đề nan giải của họ như thế nào, tìm ra cho nó một ý nghĩa Tin mừng, diễn tả sensus fidei của họ. Quả thật, chính trong những hoàn cảnh tương tự người ta tỏ ra không khao khát tìm giải quyết vấn đề cho bằng thấy được ý nghĩa, khích lệ và hi vọng.

- Vai trò và sự tham gia của người nữ trong đời sống của Hội thánh phải được chú ý nghiêm túc. Đức Thánh Cha Phanxicô trong khi đấu tranh vượt qua chủ nghĩa giáo sĩ trị và văn hóa lạm dụng (lạm dụng quyền lực, lương tâm và ngay cả tính dục) đã giúp phụ nữ và người trẻ có được một cái nhìn đúng đắn vị thế có trọng lượng của họ trong Hội thánh. Điều này hết sức phù hợp với triển khai thực hành tính hiệp hành và tính tập đoàn (collegiality), ngài đã đề cập nhiều lần sự tham gia tích cực của giáo dân trong các tiến trình quyết định.[16] Cách riêng, cần quan tâm đến yêu cầu ngày càng lớn phải suy xét xem có thể phong chức phó tế cho phụ nữ không và để cho người nữ có những vị trí điều hành trong các tổ chức thuộc cơ cấu giáo triều, cũng như giáo phận.

- Chú tâm nghe những tiếng nói mới và khác biệt (nhất là để thông cảm chứ không để kiểm duyệt) sẽ là điều mấu chốt trong các tiến trình hiệp hành nếu Hội thánh muốn có một tác động canh tân trên giáo huấn và thực hành của Hội thánh. Xét thấy nhiều quan điểm và tiếng nói khác nhau ta phải nhìn nhận rằng «sensus fidelium có thể là một nhân tố quyết định trong tiến trình phát triển giáo thuyết» và bởi thế, «không chỉ một mình magisterium trong toàn thể có trách nhiệm gìn giữ và thông truyền đức tin».[17] Chúng ta có thể và nhất thiết phải thấy sensus fidelium là một cảnh vực thần học (locus theologicus) hay «lương tri của Hội thánh» như thần học Hi-lạp khẳng định, hay là một nguyên lí không chỉ có giá trị mục vụ mà còn có một thẩm quyền chính thức có thể thay đổi diễn tả giáo huấn của Huấn quyền Giáo hội công giáo. Nhưng vấn đề mấu chốt là làm sao ta xác định được cái gì là thuộc sensus fidei? Ai là người tín hữu trung tín fidelis? Tinh thần hiệp hành hướng ta tìm câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ ở cuối một quá trình dài trong thời gian đòi hỏi kiên nhẫn, không thể bị thúc ép hay phải tăng tốc. Nếu sensus fidei không đồng nghĩa với ý kiến công luận, phải là chân lí hơn là ý kiến của đa số thắng thế, thì Hội thánh phải đi sâu vào lắng nghe thực sự mọi thành viên của mình.[18] Chúng ta làm như thế «bằng cách phân định cùng với dân mình, mà không bao giờ chỉ do dân hay không cần đến dân».[19] Điều đó bao hàm một sự tìm kiếm tiệm cận chân lí, tham gia của toàn thể và đối thoại với nhau, như thế, nói cách khác, phải chăng là chấp nhận có đa nguyên của sensus fidelium? Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng Thần Khí Chúa đang hướng dẫn và qui hợp những tiếng nói dị biệt thành một hợp âm, bản giao hưởng. Giáo hội cần vượt qua sự phân cực lập trường trong nội bộ về các đề tài luân lí đạo đức. Lối đường của Giáo hội hiệp hành phải đi, vốn là một hành trình «có những lúc đầy an ủi và ân sủng» nhưng không thiếu «phiền muộn, căng thẳng và cám dỗ».[20] Đối với đức Giáo hoàng, tiến trình hiệp hành đồng thời cũng là một hình thức cụ thể của Giáo hội học về hiệp thông li tâm (decentralised) và là hành trình thể hiện một phong cách tham gia (participative) và biểu quyết (deliberative) thực sự. Điều quan trọng không phải là tìm được giải đáp rốt ráo cho mọi khó khăn mà Hội thánh đang đối diện, cũng không phải là lên án những người bất đồng ý kiến với chúng ta, bởi vì «ngay cả những người có thể bị coi là đáng ngờ do những sai lầm của họ, họ cũng có phần đóng góp mà chúng ta không thể bỏ qua».[21] Điều quan trọng là chúng ta phải biết chung sống với căng thẳng và xung đột, bằng lòng với những giải đáp xuất hiện chín muồi dần theo thời gian mà không thỏa hiệp với cám dỗ chọn lựa hấp tấp.

- Đức Giáo hoàng Phanxicô nói ở cuối Thượng hội đồng Amazzonia vừa qua rằng ngài tin tưởng ở khả năng của Giáo hội địa phương đối đầu với những vấn đề mục vụ khó khăn của họ, rằng ngài thấy Huấn quyền (Magisterium) không nhất thiết phải can thiệp vào giải quyết mọi tranh luận về giáo thuyết, luân lí và mục vụ trong lòng của cộng đồng Kitô hữu địa phương. Một quan điểm ngài đã diễn tả hết sức rõ ràng trong hai điểm qua bức thư gần đây gửi cho các Giám mục Đức, khi ấy họ đã bắt đầu làm tiến trình công nghị quốc gia: 1) Con đường hiệp hành đổi mới con người và đổi mới Giáo hội - Đức Phanxicô nói - phải phụ thuộc vào trọng tâm sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn; 2) bất cứ tiến trình đổi mới hiệp hành nào cũng phải giữ mình khỏi những nguy hiểm làm phân cực và phân mảnh đời sống Giáo hội, phải tránh nhờ tới một sensus Ecclesiae mạnh mẽ và luôn kết nối với Giáo hội hoàn vũ.[22]

Quan điểm xuất phát từ cái nhìn nhận thức luận: “Thực tế thì hơn ý tưởng” (câu nói của Đức Giáo hoàng hay được trích dẫn).

(còn tiếp)

 

[1] Cf. Ivi, s. 67.

[2] Cf. Ivi, s. 64.

[3] Ivi, s. 68.

[4] Ivi, s. 69.

[5] Ivi, s. 67.

[6] Ivi, s. 73. Trích Evangelii gaudium, 102.

[7] Cf. Ivi, s. 105.

[8] Cf. Ivi, s. 104.

[9] Cf. Ivi, s. 107.

[10] Cf. Ivi, ss. 107-108.

[11] Cf. Ivi, s. 109.

[12] Cf. Ivi, s. 113.

[13] ĐGH Phanxicô, Diễn văn dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng hội đồng giám mục.

[14] UBTHQT, ivi, s. 100; Lumen gentium, s. 12, 306.

[15] J.J. McElwee, «Cardinal Tagle: Church Should Not Look to “Idealized Past” with Nostalgia», bài báo ngày 22.5.2015 trên trang mạng National Catholic Reporter, https://www.ncronline.org/news/world/cardinal-tagle-church-should-not-look-idealized-past-nostalgia.

[16] «Người nữ là yếu tố tha tính trực tiếp của hệ thống giáo sĩ trị và họ có khao khát hợp tác giai ngẫu với người nam (reciprocity with men) để xây dựng hoàn cảnh mục vụ phong nhiêu hơn. Cùng với kinh nghiệm của các nữ tu sống đời sống cộng thể huynh đệ, thường xuyên phân định cộng đoàn, sống vâng phục qua “cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần”, phụ nữ nói chung có một vai trò nền tảng phải thể hiện để phát triển, cùng với những giáo dân khác ước muốn là thành phần của Hội thánh hiệp hành, những thực hành mới mẻ trong Hội thánh với linh đạo chủ chốt là lắng nghe, phục vụ mọi người, khiêm hạ và hoán cải, tham gia và đồng trách nhiệm» (N. Becquart, «Il ruolo delle donne per ripararer la Chiesa», in Donne Chiesa Mondo. Mensile dell’Osservatore romano n. 81, luglio 2019, 5).

[17] UBTHQT, Il sensus fidei, s. 73.

[18] Cf. Giovanni Paolo II, Discorso ai vescovi della regione ecclesisatica di Pennsylvania et New Jersey [U.S.A.] in visita «ad limina apostolorum», 11.9.2004: «Một Giáo hội học hiệp thông lành mạnh phải dấn mình tạo lập những cấu trúc tốt hơn phục vụ cho sự tham gia, thỉnh vấn và đồng trách nhiệm của Dân Chúa, không nên xem đó như một nhượng bộ cho kiểu mẫu “dân chủ” và quản trị trần thế, nhưng là một đòi hỏi nội tại (requisito intrinseco) của sự thực thi quyền bính giám mục và là một công cụ cần thiết để kiện toàn quyền bính ấy».

[19] ĐGH Phanxicô, Thư gởi Đức hồng y Marc Ouellet.

[20] ĐGH Phanxicô, Diễn văn kết thúc Đại hội Toàn thể Ngoại thường lần thứ III Thượng Hội đồng Giám mục.

[21] ĐGH Phanxicô, Evangelii gaudium, s. 236.

[22] ĐGH Phanxicô, Thư gửi dân Chúa đang lữ hành tại Đức quốc, 29.6.2019.


Nguồn: hdgmvietnam.com