Nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội: Viếng nghĩa trang thai nhi Đồi Cốc và gặp được Mẹ Nhiệm, “người mẹ” của những thai nhi

17/11/2020
2245
Có một người phụ nữ, lặng lẽ dành 13 năm cuộc đời để chôn cất những thai nhi xấu số. Bàn tay ấy đã chôn cất hơn 100.000 thai nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc và con số ấy vẫn còn tiếp tục tăng lên.

Đoàn SVCG Thanh Hoá chúng tôi gặp mẹ và được cùng mẹ đi thăm viếng, chôn cất thai nhi trong một chiều Chúa Nhật mưa lạnh. Vượt gần 40km tới Đồi Cốc nhưng mọi sự mệt mỏi, rét buốt đều bị tan biến, bởi trước mắt chúng tôi là gần 600 thai nhi xấu số đang được liệm khăn chuẩn bị chôn cất. Lòng người như thắt lại, mỗi phút trôi qua chúng tôi biết rằng lại có thêm một sinh linh tội nghiệp sẽ nằm lại mãi dưới lòng đất.
 
Mỗi tiểu có từ 5-6 bé cùng được an táng.

Mẹ Nhiệm kể rằng, những thai nhi này mẹ cùng nhóm “Bảo vệ sự sống thai nhi Việt” cứ một tháng thu gom ba lần rồi an táng một lần, con số những thai nhi cứ ngày càng tăng.
Đại diện nhóm “Bảo vệ sự sống thai nhi” chia sẻ với chúng tôi:
“Chúng tôi đi thu gom xác thai nhi ở nhiều nơi, ví dụ như Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương. Còn Hà Nội thì chủ yếu lấy ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long nơi mà công nhân tập trung từ các tỉnh về đấy nhiều. Cứ cuối tuần thì mọi người sẽ tập trung đem về đây. Mỗi lần an táng sẽ rơi vào 600 – 800 thai nhi.”
Các bạn sinh viên cùng nhau giúp mẹ Nhiệm an táng các thai nhi xấu số.

“Bọn điên” là câu chửi quen thuộc mà thành viên nhóm “Bảo vệ sự sống thai nhi Việt” thường xuyên nghe mỗi lần đi lục lọi thùng rác tại các phòng khám. Nhưng tình yêu đã tiếp cho những con người ấy sự dũng cảm, lòng quảng đại vô bờ để dấn thân:
“Toàn bộ đất nghĩa trang này là của vợ chồng u Nhiệm. Vợ chồng u đã làm việc này mười mấy năm nay rồi. Nhờ biết đến u Nhiệm qua một vài bài báo, chúng tôi từ người tứ xứ khắp nơi tìm về đây để làm việc này cùng u”.
 
Ảnh: Đôi bàn tay ấm áp của mẹ Nhiệm đã vỗ về biết bao thai nhi xấu số.
 
Người mẹ của hàng nghìn thai nhi ấy xuất hiện trước mắt chúng tôi thật đẹp, một vẻ đẹp xuất phát từ tâm hồn. Mẹ hiền, chất phát, giản dị, mẹ như bao người mẹ nông thôn tần tảo, chịu thương chịu khó. Dưới bóng chiếc nóng lá che nửa mặt, nụ cười mẹ hiện ra vẫn thật rạng rỡ. Bàn tay đầy dãy những vết chai, những rãnh nẻ, thế nhưng lại là bàn tay ấm áp, dịu dàng nhất vỗ về cho hàng vạn sinh linh bé nhỏ. Cầm bàn tay ấy, lắng nghe những câu chuyện của mẹ, chúng tôi chẳng kìm nén nổi nước mắt. Mẹ kể: “Trong 13 năm mẹ làm, mẹ day dứt nhất là khi mẹ cứu được một bé sống vào năm 2013 nhưng vì không hiểu biết, pháp luật lại có nhiều ngăn trở nên mẹ không được quyền nuôi bé, bé được chuyển vào cô nhi viện. Sau này mẹ có tìm đến hỏi nhưng người ta cho mất rồi. Cứu được bé làm người nhưng lại không biết mặt bé.”

Từ vụ việc của em bé được cứu sống và những thủ tục pháp lý liên quan đến quyền nhận nuôi mà báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc. Bài báo đầu tiên xuất hiện và thế là người ta mới biết đến công việc của mẹ. Còn đằng đẵng thời gian trước đó mẹ cứ âm thầm hy sinh. Nhớ về những ngày bắt đầu với công việc này, mẹ nghẹn ngào: “Khởi sự vất vả khó khăn lắm. Từ năm 2006 đi xin người ta rất e dè chẳng cho nhưng cứ cầu nguyện rồi cũng nhận được sự đồng ý của những phòng khám đầu tiên. Lúc bấy giờ mẹ rất vất vả, không có tủ lạnh, không có điều kiện mua tiểu, phải mua xi măng về đúc khuôn để chôn cất các bé.  Một mình mẹ gánh các bé từ trong nhà ra nghĩa trang. Sau này khi nhiều đoàn bác ái biết đến thì mẹ cũng được giúp đỡ phần nào.”

Niềm tự hào của người phụ nữ 61 tuổi giờ đây có lẽ chính là hai cô con gái 5 tuổi. Hai đứa con mà mẹ gọi là “hai thiên thần nhỏ” và dành hết tình thương cho chúng. Mẹ ruột của các bé là những cô gái chỉ đôi mươi, vì những nông nổi, bồng bột mà có ý định nạo phá thai. Mẹ Nhiệm thuyết phục, cưu mang cho đến ngày các bé chào đời và giờ đây là tự tay nuôi dưỡng. Mặc dù cuộc sống kinh tế vất vả, khó khăn nhưng khi được hỏi mẹ rằng có bao giờ có ý định cho hai bé đi, mẹ cương quyết: “Mẹ không bao giờ nghĩ đến việc cho. Mẹ còn thương hơn con mẹ đẻ ra. Hoàn cảnh của các bé đã rất đáng thương rồi.”

Chuyến đi lần này, dưới sự giúp đỡ của cha đồng hành Tôma Aquinô Nguyễn Khánh Duy SJ, nhóm SVCG Thanh Hoá tại Hà Nội đã có cái nhìn thực tế về nạn phá thai đang diễn ra tại Việt Nam. Những hình ảnh, những câu chuyện mà mỗi người đã chứng kiến, đã nghe sẽ là lời cảnh tỉnh, nhắc nhở bản thân trước những sa ngã, cám giỗ và trách nhiệm của mình với hậu quả gây ra.
 
Nhóm SVCG Thanh Hoá và Công Nghiệp cùng cộng tác với nhau trong chuyến đi ý nghĩa này.

Sau chuyến đi, các bạn SVCG chia sẻ:
“Vấn nạn phá thai là một tội ác đáng lên án. Đó là việc người mẹ tự tay giết hại đứa con mình. Sau chuyến đi lần này tôi cảm thấy bản thân mình nên ý thức và có trách nhiệm cao hơn để đừng vì một phút lầm lỡ mà đánh mất đi một sinh linh bé nhỏ còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời.”
“Nạn nạo phá thai ngày nay rất nhiều. Từ số các thai nhi bị bỏ đi đã chứng tỏ việc nạo phát thai quá dễ dàng tại Việt Nam. Xã hội dường như chấp nhận việc này như một lẽ thường và chưa có dấu hiệu dùng lại hay giảm bớt.”
Các bạn sinh viên tự tay chôn cất các thai nhi.

Bất cứ một ai chứng kiến cảnh tượng chiều hôm ấy, chắc chắn sẽ ước giá như. Giá như có một phép màu. Giá như những người mẹ ấy dũng cảm hơn mà bảo vệ và yêu thương gọt máu của mình để không phải có một người mẹ như mẹ Nhiệm. Để rồi khi bỏ đi giọt máu ấy là sự dằn vặt lương tâm đến tận cùng, là sự tuyệt thông với Thiên Chúa. Và dù có được tha thứ đi chăng nữa, dù có vì bất cứ lí do nào đi chăng nữa thì toà án lương tâm vẫn luôn thét gào.
 
Thực hiện: Anna Thu Hà
Nhóm SVCG Thanh Hóa tại Hà Nội