Lễ truyền thống Sinh viên Công Giáo Thanh Hóa lần thứ XX: Điều đó có nghĩa là gì?

04/05/2019
930

Tạm gác lại tất cả những cuộc hẹn cùng những cuộc chơi với bạn bè “ngoài kia”,  tôi tìm về bên Chúa và anh chị em mình thông qua chương trình Lễ Truyền Thống 2019 của nhóm Sinh Viên Công Giáo Thanh Hóa.  Dù chỉ diễn ra chưa đầy hai ngày,  nhưng chương trình đã cho tôi biết bao cung bậc của cảm xúc, gợi cho tôi bao thắc mắc khi đi tìm đáp án cho câu hỏi: “Điều đó có nghĩa là gì?”

Trước khi bắt đầu hành trình, tôi mở điện thoại để xem câu gợi hứng từ Thánh nhân mình sẽ nhận được trong ngày sống hôm nay là gì như thói quen thường nhật. “Bạn phải tự huấn luyện mình, nhẫn nại và kiên trì thực tập, dần dần bạn tập quen sống trong sự cận kề êm đềm của Ngài và học sống dưới cái nhìn của Thầy Chí Thánh” ( Chân phước Ê- li- sa- bét Chúa Ba Ngôi), đây là câu hôm nay tôi nhận được. Nhưng tại sao “học sống dưới cái nhìn của Thầy Chí Thánh” lại đánh động và để trong tôi nhiều suy nghĩ đến vậy, Chúa muốn dạy tôi “cái nhìn” nào trong hai ngày này?

Phải chăng là “cái nhìn” qua những giây phút “ồn ào”? Còn nhớ, khi bước vào phần trò chơi lớn, trước khi  chọn đội, trong đầu tôi hiện lên suy nghĩ: “mình phải ở trong đội có những người này, người kia… thì mới vui được”. Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Tôi ở trong một đội với nhiều “nhân tố” mới, và tôi bắt đầu suy nghĩ: “ôi, chắc đội mình sẽ chán lắm đây. Nhìn không khả thi cho lắm”. Nhưng sau đó, tôi tự nhủ: “thui, học cách chấp nhận đi, cứ chơi hết mình đi xem thế nào”. Và hơn cả mong đợi, đội tôi là đội “lầy lội” và “sáng tạo” nhất trong các đội, đến độ trưởng trạm nào cũng phải sợ và cho điểm bằng một con số tròn trĩnh, tròn như con số 0 trong số 20 của đêm lửa trại…

Và trong đêm lửa trại đó, không hiểu vì sao tôi luôn nhớ đến bốn chữ “giây phút hiện tại”. Có lẽ Chúa muốn tôi trân trọng hơn những giây phút quý báu này, bởi có thể đây là lần cuối tôi được “cháy”? Phải chăng qua bài học về cái nhìn qua những giây phút náo nhiệt đó, Chúa muốn tôi luôn biết mở rộng lòng đón nhận từng người Chúa gửi đến trong cuộc đời mình như những món quà vô giá? Phải chăng Chúa muốn tôi biết trân trọng hơn nữa từng khoảnh khắc quý giá khi trở về với cuộc sống thường ngày?

Và liệu Chúa chỉ dạy tôi qua những “cơn sóng ồn ào” đó? Không, giữa những tiếng cười nói vô tư đang diễn ra, bất chợt, chỉ một dòng chữ  “dâng lên một lời nguyện” trong “Góc nhìn Giê-su” cũng đủ làm tôi “lặng”  xuống. Tôi ước mình có thể giúp gia đình mà tôi chụp hình được phần nào đó. Mong ước đó làm khóe mắt tôi cay cay khi biết rằng sức tôi có thể làm được gì? Phải chăng Chúa biết rõ điều đó nên Người muốn bảo tôi “dâng lên một lời nguyện” cho gia đình đó đi con”. Gói trọn tâm tình và ước mong, tôi dâng lên Chúa lời nguyện thành kính nhất cho tất cả các gia đình đang gặp khó khăn, đặc biệt là gia đình kia… Có lẽ qua phút “lặng đó”, tôi được mời gọi luôn biết mở rộng con tim có thể nhạy cảm và nhìn thấy những nhu cầu của những người xung quanh mình, đặc biệt là những “người kém may mắn hơn mình ngoài kia”… Sự nhạy cảm đó còn đưa tôi đến với những người thật “đặc biệt”. Đến nơi đây, nhìn và cảm nhận công sức của những “người hùng thầm lặng” bao tháng ngày vất vả chuẩn bị cho chương trình, lòng tôi không khỏi xúc động. “ Nhìn” để thấy biết ơn và cảm phục, “nhìn” để nhớ và mong ước được phục vụ như trước, phục vụ trong âm thầm.

Và có lẽ, cái nhìn ở chặng cuối cùng của hành trình giúp tôi phần nào lớn hơn trong đời sống thiêng liêng. Đó là cái nhìn lạc quan và tin tưởng phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Có thể Chúa muốn dùng chút sơ suất nhỏ trong chương trình lần đầu này để từng thành viên trong nhóm luôn biết khiêm nhường và không ngừng học hỏi hơn. Biết đâu chính sự không hoàn hảo đó Thiên Chúa dùng để đưa mọi người đến sự hiệp nhất qua lời cầu nguyện. Đó là ý nghĩa mà tôi đọc được qua cái nhìn cuối cùng này.

Lễ Truyền Thống mừng sinh nhật tuổi 20 của nhóm đã kết thúc trong sự bình an của Chúa, tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Trở về căn phòng cũ cùng những người thân quen nơi đây. Những bài học mà Chúa dạy tôi qua những “cái nhìn” bước đầu đã giúp tôi trở về với cuộc sống thường nhật dễ dàng hơn. Tôi thấy dễ dàng để “cúi mình” xuống phục vụ và biết trân trọng từng từng người cùng từng phút giây hiện tại hơn. Cái nhìn biết đón nhận, trân trọng và tri ân tất cả mọi người cùng với giây phút hiện tại sẽ là nền tảng giúp tôi trong những ngày tiếp theo. Nhìn về tương lai, bỗng hiện lên trong tôi một câu hỏi: “liệu rằng mình sẽ sống những bài học đó được bao lâu?”. Bao lâu không quan trọng, quan trọng là tôi luôn biết trân trọng từng phút giây hiện tại, sống hết mình với nó. Bởi biết đâu, hôm nay là ngày cuối cùng trên cõi đời này của tôi thì sao?

Lạy Chúa, xin đồng hành và luôn khơi dậy trong con những bài học quý báu qua những “cái nhìn” Người đã dạy con trong dịp Lễ Truyền Thống lần này. Xin cho con luôn biết thực hành những “cái nhìn” đó trong từng giây phút hiện tại của cuộc đời mình. Bởi có lẽ đó là điều Chúa muốn con “đi và làm như vậy”. Và có lẽ, đó cũng là lời cám ơn đẹp nhất con muốn gửi tới quý cha, quý thầy đồng hành và mọi người đã làm nên một Lễ Truyền thống tuyệt vời như vậy.

Tri Ân