-“Ê! Má của mày năm nay bao nhiêu tuổi?” Tôi giật mình trước câu hỏi của người bạn cùng công ty. Phải tính toán tầm hai phút hơn rồi mới trả lời được: “Ờ! Má của tao năm nay…” Tôi cố ghì chậm lại để chắc chắn số tuổi của má mà tôi tính được là đúng “…bốn mươi bảy tuổi.”
Để tính được con số ấy tôi phải nhẩm trong đầu “Má mình sinh trước giải phóng một năm là năm 1974. Năm nay là năm 2021. Vậy 2021 trừ cho 1974 là 47.” Trả lời xong câu hỏi của bạn, tôi cầu mong cho bạn đừng hỏi tuổi của ba mình, vì cũng phải mất thời gian tương tự để làm phép tính, mà… cái sợ lớn nhất là khi bạn nghĩ: “Trời! Ba má ruột chớ người dưng nước lã đâu mà hổng biết tuổi hả trời!”. Có lẽ bạn tôi đã không mang suy nghĩ như thế, nhưng ít ra tôi thấy thẹn thùng với lòng mình vì… điều nhỏ nhặt và thân quen đến như vậy mà… tôi lấy làm xa lạ.
Bước chân vào Sài Thành gần chục năm, công việc ngày càng ổn định. Mức lương đủ lo cho gia đình nhỏ có vợ và hai con của tôi. Ngoài ra, tôi còn dành tiền hàng tháng gửi về quê nhà cho ba má. Thông thường tôi vẫn gọi điện vài ngày một lần cho ba má và thăm hỏi. Tự nhủ rằng bổn phận kẻ làm con là nhớ điện về thăm hỏi và gửi tiền chu cấp hàng tháng vậy là đủ, thành thử tôi an tâm với đời sống hiện tại của mình. Mãi cho tới khi giật mình bởi câu hỏi của anh bạn đồng nghiệp. Trên con đường đi về nhà, người tài xế riêng của tôi nín khe không hỏi tôi bất cứ câu gì, còn tôi thì đăm chiêu suy nghĩ. Sát bên nhà mình có một con sông tên là… con sông đó chảy ra xã và huyện… xung quanh nhà tôi có khung cảnh… bà con lối xóm quanh nhà tôi là… hồi còn ở nhà ba má hay làm… Tất cả những điều ấy phải rất vất vả tôi mới nhớ lại được mà bán tín bán nghi là bao nhiêu phần đúng. Chợt có suy nghĩ nảy lên khiến tôi xấu hổ: “Sao tiền lương, lời lãi và thậm chí là khoản hầu bao mỗi khi đi với bạn bè tôi tính nhanh quá trời! Mà nhớ tuổi ba má, nhớ về quê hương và gia đình lại khó đến vậy?”
Có thể tôi không thuộc tuýp người hoài cổ. Không lấy quá khứ làm tất cả cho đời mình. Có thể tôi đã muốn quên những gì là quê mùa để nhớ hoài cái tân tiến của Sài Thành. Có thể tôi muốn quên dòng nước lấm phèn vàng khè kẽ chân mỗi khi lội xuống ruộng mà nhớ dòng nước tinh khiết của máy lọc nước hạng sang. Có thể tôi muốn quên những gì bám kéo đời tôi trước đây với cái nghèo khổ để giờ đây vun vén cho cảm thức kiếm tiền… và tiền… và tiền… Bỗng! Tôi nhận ra mình gần như cũng quên dáng đi của ba mình ra sao? Quên cả giọng nói của má thế nào? Quên những gì đã nuôi lớn con người tôi. Sẽ không có tôi hôm nay nếu không có cái quá khứ nghèo nàn, tủi khổ và quê mùa ấy. Nói đúng hơn, tôi quên… cội nguồn. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người.” Câu hát thân quen mà tôi cũng suýt… quên chợt khiến tôi đau hơn bao giờ hết.
“Alo! Má ơi! Con nè! Có ba ở nhà không? Ba má có khỏe không? …”. Khóc. Tôi đã khóc khi nghe giọng nói của má bên đầu dây điện thoại bên kia. Chợt nhận ra giọng nói của má yếu dần, sự mong manh trong giọng nói mà bao nhiêu lần gọi điện tôi đã không để ý vì những lần ấy tôi chỉ gọi cho có lệ. Má tôi giật mình khi nghe tôi khóc dù tôi đã cố nén để má không phát hiện ra: “Gì vậy con? Sao khóc? Cái thằng vô duyên hết sức…”
Có bao giờ bạn đã quên như tôi chưa? Có bao giờ bạn ngập ngừng khi ai đó hỏi tuổi của ba má như tôi chưa? Có bao giờ bạn phải bỏ hàng giờ để khóc và muốn… cuối tuần cùng vợ con trở về nhà ngay lập tức chưa? … Đừng quên! Hãy nhớ! Hãy làm ngay khi còn kịp… Đừng giật mình như tôi, bạn nhé!
Viết thay bạn,
Little Stream
https://dongten.net/2021/12/07/giat-minh/