Tản Mạn Về Thánh Lễ Trực Tuyến

28/04/2020
781
(Một vài chuyện thật đang xảy ra trong tình hình dịch bệnh Covid -19 gợi ý suy tư)

1.Chuyện thứ nhất:

Về hình thức thánh lễ trực tuyến, ngày 17-4-2020 vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã tâm sự là có một vị giám mục xin giấu tên đã khiển trách ngài là đã cho phép cử hành thánh lễ mà không có cộng đoàn giáo dân. Trong lá thư, vị giám mục viết “Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô to lớn như vậy mà tại sao không để cho khoảng 30 giáo dân tham dự thánh lễ như một cộng đoàn?”

ĐTC Phanxico cho biết lúc đầu ngài không hiểu ý của vị giám mục. Thế nhưng sau khi nói chuyện, ngài mới biết rằng vị giám mục muốn ngài phải thận trọng để đừng biến Giáo Hội, biến các bí tích và cộng đoàn Dân Chúa trở thành môt cái gì chỉ được cảm nghiệm và được ban bố qua trực tuyến.

ĐTC nói: “Giáo Hội, các bí tích và cộng đoàn Dân Chúa là một cái gì rất cụ thể. Sự liên hệ giữa Giáo Dân với Thiên Chúa cũng rất cụ thể. Các tông đồ đã sống và có cái cảm nghiệm đó như một cộng đoàn Dân Chúa, chứ không phải sống một cách ích kỷ như một cá nhân hay là sống một cách “tràn lan” như trên mạng online”.

“Xin Chúa dạy cho chúng ta cách sống thân mật với ngài, thế nhưng sống trong Giáo Hội, qua các bí tích với cộng đoàn Dân Chúa”.

(https://www.catholicweekly.com.au/pope-warns-of-danger-in-online-masses/)

2.Chuyện thứ hai:

Địa phương tỉnh Dak Nông chúng tôi được Chính Phủ ngày 15-4-2020 xếp vào nhóm có nguy cơ thấp nên được áp dụng các biện pháp theo Chỉ Thị số15/CT-TTg, trong đó quy định “Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự”. Như thế các sinh hoạt, các Nghi lễ tôn giáo tập trung từ 20 người trở xuống thì được phép.

Thế mà ngày 17-4-2020 vị Phó Chủ Tịch tỉnh nhà chúng tôi ra văn thư đề nghị “các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh”: “Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg, (vốn áp dụng cho nhóm vùng thuộc diện “nguy cơ cao”). Và đặc biệt nói thêm về tôn giáo: “Dừng triệt để các hoạt động tôn giáo có sự tham gia của tín đồ, chỉ tổ chức các hoạt động tôn giáo trực tuyến cho tín đồ và riêng chức sắc”.

Một thời gian dài, nếu không có các sinh hoạt tôn giáo mang tính cộng đoàn, cách riêng nếu không có Thánh Lễ theo chiều kích cộng đoàn – chỉ có Thánh Lễ riêng hay trực tuyến thì có ảnh hưởng gì đến đức tin của Kitô hữu không? Câu trả lời quả là không mấy khó.

Về chân lý đức tin, Giáo Lý Công Giáo chung trình bày rằng đức tin vừa có chiều kích cá nhân vừa có chiều kích cộng đoàn: “Tin là hành vi của con người, có ý thức và tự do, xứng hợp với phẩm giá con người. Tin là hành vi có chiều Hội Thánh. Đức tin của Hội Thánh đi trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta” (GLCG chung số 180-181).

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Tuy nhiên xin liên tưởng đến một sự thật trong lãnh vực thể thao. Môn bóng đá sẽ chẳng còn là môn thể thao vua của rất nhiều quốc gia trên thế giới nếu các trận thi đấu chỉ xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến mà không có không khí sôi nổi ở các sân vận động với sự hiện diện của rất rất nhiều “cầu thủ số 12” của cả hai đội bóng.

Chắc chắn không có dịch bệnh nào sẽ biến mất 100%. Nếu lợi dụng tình trạng “nguy cơ thấp” hoặc “rất thấp” để chi phối và hạn chế nhằm dần dần triệt tiêu các sinh hoạt tôn giáo mang tính cộng đoàn thì không chính đáng và hợp pháp chút nào. Không một ai, không một Chính quyền nào được phép can thiệp vào niềm tin tôn giáo mang tính cá nhân. Chính vì thế việc Chính quyền quy định người dân chỉ được thực hành niềm tin tôn giáo của mình bằng phương tiện trực tuyến (online) xem ra “hơi bị thừa”, nếu không muốn nói là chủ ý đằng sau.

Mong sao câu “chuyện bịa” sau đây sẽ không là hiện thực. Tiếng của người vợ, người mẹ gọi lớn từ giữa phòng khách cũng là nơi đặt bàn thờ: “Hai bố con mau ra đây đọc kinh tối gia đình”. Từ trong hai phòng riêng hai bố con đang ôm hai cái laptop cũng lớn tiếng trả lời: “em (mẹ) cứ đọc kinh đi. Nhớ bật máy quay. Anh (con) ở trong này online cũng được”.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột