Thánh vịnh 106 – Chúa Nhật 12 Mùa Thường Niên – Giải nghĩa và hát mẫu

18/06/2021
1166

Thánh vịnh 106 là một bài ca tạ ơn và cũng là một bài thánh ca cộng động, được hát trong nghi lễ tạ ơn nơi đền thờ bởi những kẻ thờ phượng. Họ hân hoan ca vang lời tạ ơn Chúa vì được Ngài  cứu thoát. Điều đặc biệt nơi Thánh vịnh này là có sự xuất hiện của 4 nhóm người đại diện cho những người được giải thoát (x. Tv 106,4-32).

 

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Tv  106 (107), 23-24.25-26.28-29.30-31

 

Bối cảnh và Ý nghĩa

Sách Thánh vịnh gồm 150 thánh vịnh, được chia thành 5 cuốn nhỏ:

Cuốn I: từ Tv 1 – 41

Cuốn II: từ Tv 42 – 72

Cuốn III: từ Tv 73 – 89

Cuốn IV: từ Tv 90 – 105

Cuốn V: từ Tv 106 – 150

Các cuốn sách này được liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Điều này có thể được thấy nơi hai cuốn sách cuối cùng, cuốn IV và cuốn V. Thánh vịnh 105 khép lại cuốn IV với lời kêu cầu:

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,

xin Ngài thương cứu độ,

quy tụ chúng con về từ giữa muôn dân nước,

để chúng con cảm tạ Thánh Danh

và được hiên ngang tán dương Ngài” (Tv 105, 47).

Còn Thánh vịnh 106 mở ra cuốn sách cuối cùng của bộ sách Thánh vịnh như một lời đáp trả cho tiếng kêu xin ở phần cuối của cuốn sách thứ IV:

Hãy tạ ơn Chúa  vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 106,1).

Thánh vịnh 106 là một bài ca tạ ơn và cũng là một bài thánh ca cộng động, được hát trong nghi lễ tạ ơn nơi đền thờ bởi những kẻ thờ phượng. Họ hân hoan ca vang lời tạ ơn Chúa vì được Ngài  cứu thoát. Điều đặc biệt nơi Thánh vịnh này là có sự xuất hiện của 4 nhóm người đại diện cho những người được giải thoát (x. Tv 106,4-32).

Bố cục

Thánh vịnh 106 gồm 43 câu và có thể được chia thành các phần:

  • Nhập đề (c. 1-3): Khởi đi với những lời tạ ơn Chúa của những người đã được Ngài giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày Babylon.
  • Diễn đề (4-32): Phần này được chia thành 4 phần chính ứng với 4 nhóm người:
    • Phần I (c. 4-9) phác họa nhóm người đầu tiên là những người lang thang trong sa mạc được cứu sống.
    • Phần II (c. 10-16) diễn tả nhóm người thứ hai là những tù nhân được thả tự do.
    • Phần III (c. 17-22) diễn tả nhóm người thứ ba là những người đau yếu được chữa lành.
    • Phần IV (c. 23-32) phác họa nhóm người thứ tư là những người thuỷ thủ được cứu thoát từ những con thuyền bị bão táp xô xuống vực sâu.
  • Kết luận (c. 33-43): Thánh vịnh kết thúc với một thánh thi trình bày những kỳ công của Chúa tỏng lịch sử cứu độ.

Các phần chính của Thánh vịnh đều diễn ra theo một tiến trình chung như sau. Trước tiên là lời than van của người bị thống khổ, rồi đến lời cầu xin Chúa giúp, sau đó là hành động giải thoát của Chúa, và cuối cùng là lời ca tạ ơn.

Truyền thống

Thánh vịnh 107 được sử dụng trong đền thờ tại Giêrusalem, nơi nhóm họp toàn dân và giữa hội động bô lão, như một nghi lễ tạ ơn của cộng đoàn những người được Chúa giải thoát. Bài ca tạ ơn này này được Giáo Hội đưa vào sử dụng trong Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B với một ý nghĩa mới mẻ. Tình thương của Thiên Chúa nay được hiện thực hoá nới chính Con Một của Ngài. Đức Giêsu Kitô được Chúa Cha sai đến ở giữa thế gian hầu cứu vớt những người lang thang trong sa mạc xưa cũng như trong xa mạc thế gian hôm nay. Người giải phóng những người sống trong tối tăm mù mịt, lầm than xiềng xích gông cùm, chữa lành những người hóa điên trong cuộc đời lầm lỗi, và dẫn đưa những thuỷ thủ trong cơn bão táp về bến bờ mong chờ. Hôm nay, bài ca này lại được hát vang trên môi miệng các Kitô hữu hầu nói lên tâm tình tạ ơn vì tình Chúa yêu thương. Người Kitô hữu, dù phải sống giữa thế gian với tất cả những phong ba bão táp, tất cả những nỗi thống khổ cuộc đời, nhưng luôn hướng về Đức Kitô, Đấng là suối mạch sự sống trong sa mạc, là ngọn hải đăng trong đêm tối bão tố, là thần lương chữa lành tất cả những vết thương nơi nhân loại.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Phú
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/thanh-vinh-106-chua-nhat-xii-thuong-nien-giai-nghia-va-hat-mau/