PHỤNG VỤ VÀ VẺ ĐẸP
Corrado Maggioni
WGPQN (05.09.2023) - Đức Thánh cha Phanxicô viết trong Niềm Vui Tin Mừng số 24 rằng: “Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh”. Suy tư này giúp chúng ta hiểu sự bùng nổ của mầu nhiệm trong cuộc sống của chúng ta đang diễn ra như thế nào qua Viam Chritudinis, nghĩa là qua các dấu chỉ nhạy cảm đong đầy vẻ đẹp, đó là những hành động phụng vụ. Vâng, nhưng vẻ đẹp là gì? Và chúng ta nhận biết nó như thế nào?
Phụng vụ và vẻ đẹp không chỉ được kết hợp bắt đầu từ mỹ học, nghĩa là từ những gì được cảm nhận bằng các giác quan, ngay cả khi phải nói rằng chính các giác quan của chúng ta nắm bắt được cái đẹp. Việc cử hành phụng vụ trong ngôi nhà thờ “đẹp” xét theo quan điểm nghệ thuật hay mặc lễ phục quý giá và sử dụng chén bằng bạc chạm khắc thủ công vẫn không đủ để cảm nhận vẻ đẹp của đức tin được cử hành. Vẻ đẹp được kết hợp trong phụng vụ bắt đầu từ chính bản chất của phụng vụ, đó là sự hiện diện được chia sẻ thông qua các dấu chỉ khả giác của công trình cứu độ, vẻ đẹp đích thực mà con người chúng ta cần. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc lại trong Sacramentum caritatis số 35 rằng: “Cái đẹp không phải là một yếu tố dùng để trang hoàng, nhưng chính là một thành phần thiết yếu của hành động phụng vụ, bởi lẽ nó là một thuộc tính của Thiên Chúa và thuộc tính do Ngài mạc khải. Tất cả những điều đó phải làm cho chúng ta ý thức sự quan tâm cần phải có để hành động phụng vụ được rạng rỡ theo đúng bản chất của nó”.
Vì thế, chính vẻ đẹp của Chúa Kitô, Tin Mừng của Người, các mầu nhiệm của Người, cái chết và sự phục sinh của Người, sự hiện diện sống động của Người, bây giờ và ở đây, làm cho hoạt động phụng vụ trở nên đẹp đẽ, thánh thiện, đáng mong đợi, hấp dẫn. Không có đức tin, vẻ đẹp của mầu nhiệm được cử hành vẫn không thể nhận thấy được. Thật vậy, chính người tín hữu bị đặt câu hỏi khi nói về vẻ đẹp và phụng vụ, vì đức tin đạt được qua các giác quan, bằng lời cầu nguyện, bài hát, sự thinh lặng và các cử chỉ cụ thể, chẳng hạn như rửa bằng nước, xức dầu, rước Thánh Thể, việc đặt tay. Trên thực tế, kinh nghiệm phụng vụ diễn ra qua cách thức là dấu chỉ khả giác “signa sensibilia” như hiến chế phụng vụ thánh viết trong số 7, theo chiều hướng từ Nhập Thể đến cử hành, Thánh Lêô Cả nhận xét: “Những gì là hữu hình của Đấng Cứu Chuộc chúng ta được truyền vào các bí tích” (De Ascensione Domini II, 2). Bấy giờ, những “hữu hình” mới có giá trị, dù biết rằng chúng chỉ là phương tiện của các thực tại khác chứ không phải là cùng đích. Phong trào chất vấn đi từ vẻ đẹp của mầu nhiệm Chúa Kitô -Misterium Christi- đến vẻ đẹp của hành động làm cho nó hiện diện cách bí tích “nhờ dấu chỉ khả giác”- “per signa sensibilia”.
Những “dấu chỉ khả giác” nào nói lên vẻ đẹp?
Chúng ta được dẫn đến câu trả lời rằng những gì lọt vào tầm mắt của chúng ta nói lên vẻ đẹp, nghĩa là vẻ đẹp được nhìn thấy qua một hình ảnh, một tác phẩm điêu khắc, kiến trúc, màu sắc, quần áo, đồ trang trí. Do đó, con mắt được đặt câu hỏi. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, trong phụng vụ, Mầu nhiệm được cử hành là một thực tại “vô hình” đối với cái nhìn của con người. Trên thực tế, thị giác có thể đánh lừa, theo nghĩa nó có thể khiến chúng ta sao lãng khỏi Mầu nhiệm hoặc hiểu sai Mầu nhiệm. Nguy cơ thờ ngẫu tượng luôn hiện hữu và ngay cả sau khi Chúa Kitô nhập thể, khuôn mặt hữu hình của Đấng vô hình, hình ảnh có thể là mặt nạ chứ không phải khuôn mặt. Do đó, hành động phụng vụ không đẹp hay xấu theo những gì mà đôi mắt ta thấy đẹp hay xấu, tức là theo tiêu chí “tôi thích – tôi không thích”, vì cách tiếp cận trực quan không thấu đáo mặc dù nó vẫn có tầm quan trọng của nó, bởi vì nó không phải là không liên quan đến việc cử hành ở nhà thờ chính tòa Milan hay trong “nhà để xe” ở ngoại ô không phải là không thích hợp. Có thể có một phụng vụ đẹp đẽ trong một khung cảnh không đẹp đẽ và ngược lại, một phụng vụ tẻ nhạt trong một nhà thờ đẹp đẽ.
Cách tiếp cận hình ảnh có thể được đào sâu tốt hơn dưới ánh sáng của sự khác biệt giữa cái nhìn, tìm kiếm, chiêm nghiệm. Những hình ảnh của một nhà thờ có thể dẫn chúng ta đến việc nhận biết các thực tại vô hình theo phẩm chất “thần học” của chúng, nhưng cũng giúp chúng ta có khả năng nhìn vào chúng, đọc chúng, thậm chí chiêm ngắm chúng tùy theo các mầu nhiệm được cử hành. Bản thân nó, trong một nhà thờ, biểu tượng không nên mang tính trang trí mà mang tính thừa tác vụ, tức là phục vụ phụng vụ.
Sau thị giác, âm thanh nói với chúng ta về vẻ đẹp và do đó, chính đôi tai bị đặt câu hỏi, với khả năng nghe, lắng nghe và thậm chí nghe nhiều hơn nữa để nội tâm hóa. Tôi nghĩ đến âm nhạc và ca hát, những thứ khiến chúng ta phải thốt lên: ôi tuyệt vời làm sao! mà thực ra, nó không cho chúng ta nhìn thấy gì, đúng là nó khiến chúng ta nhắm mắt lại để thưởng thức rõ hơn sự mê hoặc của những nốt nhạc. Không giống như mắt, tai là một cơ năng mà chúng ta không thể đóng lại và nó luôn mở có nghĩa là tiếp nhận liên tục: tất nhiên có sự khác biệt giữa nghe và “lắng nghe”, một sự lựa chọn tự nguyện không chỉ có nghĩa là cởi mở mà còn là chú ý để hiểu thông điệp, để nhận ra nó, chấp nhận nó và phản ứng theo cảm xúc. Chúng ta hãy nghĩ đến phụng vụ Lời Chúa, với vị trí của vẻ đẹp được sở hữu bởi điều “phát ra từ miệng Đấng Tối Cao”. Nhận thức về sự hấp dẫn của tiếng gọi: Hãy theo tôi! không phải do nghe thấy âm thanh mà do lắng nghe giọng nói của Ai đó thực sự hiện diện, người đang nói với tôi ngay bây giờ, và được nội tâm hóa trong bảng âm thanh của bản ngã, khiến nó rung động, gợi ra câu trả lời: tôi đây. Đương nhiên, việc lắng nghe không chỉ là Lời Chúa mà còn là âm thanh tuyệt vời của Giáo hội trong lời cầu nguyện. Do đó, các bài đọc Kinh Thánh, lời cầu nguyện, thánh ca, điệp ca, đáp ca, tung hô, là những yếu tố quan trọng cho chủ đề của chúng ta. Tất nhiên, không chỉ bản thân từ ngữ mới quan trọng, mà cả cách chúng được phát ra: âm sắc của giọng nói quan trọng hơn từ ngữ; nội dung và chức năng cũng mang tính quyết định cho việc ca hát: một bài hát hay được trình diễn lạc lõng không giúp nắm bắt được vẻ đẹp của thời điểm phụng vụ cụ thể đó. Có một sự khác biệt giữa một hành động phụng vụ và một buổi hòa tấu thánh nhạc.
Vì thế, qua mắt và tai, vẻ đẹp của Mầu nhiệm được cử hành chạm đến con tim, nơi người ta cảm nghiệm được sự biến đổi, hoán cải, thay đổi, được diễn tả qua cử chỉ và lời nói, tức là qua thân thể và miệng lưỡi. Chính những thái độ bên ngoài của chúng ta (đứng, quỳ, ngồi, phủ phục, dang tay) thể hiện cảm xúc của trái tim, cũng như những lời chúng ta thốt ra từ miệng (cầu nguyện, tung hô, ca hát, cầu khẩn, ca ngợi), chúng thể hiện phản ứng của linh hồn chúng ta.
Không gian và thời gian, hình ảnh và âm thanh, cử chỉ và lời cầu nguyện, hình dạng và màu sắc, tất cả đều góp phần làm nên kinh nghiệm về vẻ đẹp phụng vụ nơi những người cầu nguyện. Và điều này diễn ra theo một nhịp điệu được đánh dấu bằng việc quay trở lại để cử hành, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, hết bữa tiệc này đến bữa tiệc khác, cho đến khi bước vào phụng vụ Thiên Đàng.
Vẻ đẹp suy tàn trong phụng vụ là gì?
Việc cử hành thật đẹp vì nó biểu lộ Tình Yêu làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ (x. Kh 21,5). Tính thẩm mỹ trong phụng vụ tỏa sáng dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua, là nguồn tái tạo cho một nhân loại vốn không đẹp đẽ gì. Và mầu nhiệm được Chúa Kitô cử hành luôn dẫn chúng ta đến tâm điểm, đó là Thập giá, nghĩa là tự hiến vì tình yêu, cho đến chết, để người khác được sống. Ân sủng biến đổi những gì đã trở nên xấu xí thành đẹp đẽ do xa cách Thiên Chúa, bắt nguồn từ Đấng Chịu Đóng Đinh, vì “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Isaia 53, 2-3), nhưng Ngài luôn tồn tại “vô song tuyệt mỹ giữa loài người” (Tv 45,3), là nguyên nhân của vẻ đẹp thiêng liêng của Giáo hội. Phụng vụ, tưởng niệm Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô, thực sự là nguồn mạch vô tận cho vẻ đẹp của Hiền Thê, “không nhăn nheo” như Thánh Phaolô đã viết (Ep 5,27). Thánh Augustinô đã nhận xét một cách đúng đắn rằng “Chúa Kitô bị biến dạng khi bị treo trên thập giá: nhưng sự xấu xí của Người là vẻ đẹp của chúng ta” (Sermo 27,6: nba 29, 522; pl 38, 181). Và nhận xét về vẻ đẹp của Chúa Kitô, thánh nhân bày tỏ như sau: ‘Tại sao trên thập giá Chúa cũng đẹp? Vì sự điên dại của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người; và sự yếu đuối của Thiên Chúa lại mạnh mẽ hơn loài người (x. 1Cr 1, 23-25). Do đó, đối với chúng ta là những người tin rằng, Chàng Rể luôn thể hiện mình là người đẹp. Nét đẹp là Thiên Chúa, Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa; nét đẹp trong cung lòng Đức Trinh Nữ, nơi Người không mất đi thần tính và mặc lấy nhân tính; Đẹp thay Ngôi Lời được sinh ra như một hài nhi, bởi vì, ngay khi còn thơ ấu, khi bú sữa, khi được ẵm trên tay, trời cao đã lên tiếng, các thiên thần ngợi mừng, vì sao soi đường cho các đạo sĩ, Người được tôn thờ trong máng cỏ, máng ăn cho súc vật; nên đó là cái đẹp ở trên trời, đẹp ở dưới đất; đẹp trong lòng mẹ, đẹp trong vòng tay cha mẹ; đẹp ở những điều kỳ diệu, đẹp ở những khổ hình; đẹp ở sự mời gọi sống, đẹp ở sự không màng đến cái chết; đẹp đẽ khi rời bỏ cuộc sống và đẹp tìm lại được nó; đẹp trên thánh giá, đẹp trong mồ, đẹp trên trời” (Tv 44,3: nba 25, 1079. 1081; Tv 36,4).
Vẻ đẹp trong phụng vụ thể hiện qua trật tự nghi lễ và sự khéo léo của nó được đưa vào thực hành, với nhịp điệu, không gian, lời nói, sự thinh lặng, hành động, đồ vật. Sự hài hòa của ngôn ngữ biểu tượng-nghi thức, không phụ thuộc vào sự ngẫu hứng chủ quan, có nghĩa là mọi thứ nói với chúng ta về Chúa và chúng ta nói với Chúa, mọi thứ đều quy về cử chỉ của Ngài, để cho vẻ đẹp hoán cải và cứu rỗi, vì những gì được Thiên Chúa chạm đến đều trở nên đầy ân sủng và đẹp đẽ. Vì thế, hành động phụng vụ đẹp không phải vì nó quyến rũ bằng cách thu hút cái hữu hình làm cho nó đủ tiêu chuẩn, nhưng vì nó dẫn từ mầu nhiệm hữu hình đến mầu nhiệm vô hình, từ cái nghe được đến cái không thể diễn tả, đó là điều mà lòng chúng ta khao khát vô cùng: chúng ta hãy nghĩ đến Thánh vịnh 62, được đọc trong giờ kinh sáng của Chúa nhật tuần đầu tiên, một ví dụ cho việc lặp đi lặp lại lời cầu nguyện buổi sáng của người tín hữu:
“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn,
không giọt nước”.
Do đó, một nghi thức tốt cho thấy những điều có thể gọi là vẻ đẹp mùa xuân của phụng vụ và khiến chúng ta phải thốt lên với cùng một sự nhiệt thành như Phêrô: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay!” (Mt 17,4). “Lạy Chúa! thật tuyệt vời khi được ở đây, được qui tụ nhân danh Chúa, bởi vì Chúa ở đây”. Không có sự hiện diện sống động của Chúa thì không có gì đẹp đẽ trong phụng vụ! Phụng vụ không tìm kiếm vẻ đẹp như một mục đích tự thân, tự quy chiếu, quá chú ý về mình: phụng vụ chỉ tìm kiếm Chúa và sự hiệp thông với Người, và trong Người giữa chúng ta. Một khi Thiên Chúa thực sự đã được tìm thấy, thì mọi sự trở thành lý do để chúc tụng và tạ ơn như lời ca của Kinh Tiền tụng: “Vì thế, mọi thụ tạo đều đồng thanh hân hoan chúc tụng rằng: Thánh, Thánh, Thánh”.
Chúng ta cảm thấy rằng cử hành đức tin thực sự đẹp đẽ nếu nó trở thành một kinh nghiệm khởi đầu, tức là nếu nó không là một thực tại bên ngoài chúng ta, mà biến đổi những người tham gia: tác động của vẻ đẹp được đo lường dựa trên hiệu quả mà nó tạo ra trong tâm trí (suy nghĩ), trong trái tim (tình cảm và các mối quan hệ), về cách ứng xử trong cuộc sống (những lựa chọn hàng ngày). Nó không đơn giản chỉ là vấn đề nhìn thấy hoặc nghe thấy điều gì đó đẹp đẽ bằng mắt và tai, mà là vượt qua ngưỡng cửa, qua việc ngắm nhìn và lắng nghe, nó cho phép chúng ta bước vào Mầu nhiệm bằng trái tim của mình, để sống trong đó. Hoàng hôn thì đẹp nếu người ta tận hưởng nó vì tác động của nó đối với tôi khi tôi nhìn ngắm nó chứ không phải nếu đó là cơ hội để chụp ảnh tự sướng. Khi hành động nghi lễ không còn ý nghĩa mà là những bức ảnh đẹp được chụp trong quá trình đó, thì vẻ đẹp của kinh nghiệm phụng vụ bị tổn hại. Không được quên rằng hoạt động phụng vụ tự nó không phải là mục đích: nó được sắp đặt cho sự sống và đạt đến sự viên mãn trong đời sống của các tín hữu. Thật khó có thể hiểu được tác động mà vẻ đẹp của phụng vụ để lại đối với tâm hồn của từng người cầu nguyện cũng như đối với cảm giác của một cộng đoàn. Tuy nhiên, nó có thể được nhận thức rõ ràng qua khả năng làm cho mình trở thành món quà yêu thương.
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: https://www.osservatoreromano.va
Nguồn: gpquinhon.org (05.09.2023)