NGÀY 29 THÁNG 5: LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

28/05/2025
37

WHĐ (28/5/2025) – Lễ này diễn ra vào ngày thứ bốn mươi sau Chúa nhật Phục sinh. Vì lễ rơi vào thứ Năm, nên tại nhiều quốc gia, lễ được chuyển sang Chúa nhật kế tiếp.
 

NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ

29 tháng 5

Lễ Chúa thăng thiên

Lễ Chúa thăng thiên là một lễ trọng trong phụng vụ được tất cả các Giáo hội Kitô giáo cử hành. Lễ này diễn ra vào ngày thứ bốn mươi sau Chúa nhật Phục sinh. Thánh Gioan Kim Khẩu và Thánh Augustinô có nhắc đến lễ này, nhưng có lẽ chính Thánh Grêgôriô thành Nyssa là người đã góp phần làm lan rộng việc mừng lễ này. Vì lễ rơi vào thứ Năm, nên tại nhiều quốc gia, lễ được chuyển sang Chúa nhật kế tiếp. Với việc Chúa Giêsu lên trời, sự hiện diện của “Chúa Kitô lịch sử” kết thúc, và sự hiện diện của Thân Thể Chúa Kitô là Hội Thánh được khai mở.

Năm A

Năm B

Năm C

 

Năm A

Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,16-20)

Nhóm Mười Một

Cộng đoàn các môn đệ, những người đã quy tụ các “chứng tá” về việc loan báo Tin mừng, là một cộng đoàn mang thương tích vì sự vắng mặt của một người anh em – Giuđa. Dù không hoàn hảo, chính cộng đoàn cụ thể và có thật này đã được Chúa Giêsu trao phó nhiệm vụ trở thành những chứng nhân cho Tin mừng của Người, cho lời mời gọi yêu thương của Người.

Galilê

Bản văn nêu rõ rằng sứ mạng các môn đệ lãnh nhận đã đưa họ trở về khởi đầu hành trình theo Chúa Giêsu: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1,11 – Bài đọc I hôm nay). Galilê là nơi mọi sự đã bắt đầu. Đó là nơi họ đã lắng nghe Chúa Giêsu, là nơi hình thành Cộng đoàn, nơi sống đời thường mỗi ngày.

Một cách hiện hữu mới

Bản văn sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta một vài điểm quy chiếu thần học và thiêng liêng để hiểu mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành. Trong Cv 1,11, tác giả nói rằng Chúa Giêsu “được rước lên trời”. Điều này nhấn mạnh rằng đây là hành động của Thiên Chúa. Một đám mây “quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (câu 9), gợi lại hình ảnh đám mây trên núi Sinai (Xh 24,15), đám mây bao phủ Hòm Bia Giao Ước (Xh 33,9), và sau cùng là đám mây trên núi Hiển Dung (Mc 9,7). Vì thế, việc Chúa Giêsu lên trời không phải là một “cuộc chia ly,” nhưng là một cách hiện hữu mới. Người giải thích lý do tại sao các môn đệ lại “lòng đầy hoan hỷ” (x. Lc 24,52), bởi vì Chúa Giêsu đã chịu chết, đã phục sinh và nay đã lên trời, nên cánh cửa Thiên Đàng, cánh cửa sự sống đời đời đã được mở ra. “Đám mây đức tin” bao phủ cuộc đời chúng ta ngày nay không phải là trở ngại, nhưng là con đường giúp chúng ta có thể cảm nếm một kinh nghiệm sống động và chân thật về Chúa Giêsu, bởi chúng ta xác tín rằng nếu Người đã phục sinh và lên trời, thì một định mệnh tương tự cũng đang chờ đợi chúng ta, vì Người là hoa quả đầu mùa (x. 1 Cr 15,20).

Hội thánh lên đường

Chúng ta không chờ đợi ngày sau hết trong sự thụ động hay khép kín trong nhà mình. Trái lại, như chính Chúa Giêsu nhắc nhớ, chúng ta chờ đợi ngày sau hết bằng cách dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,7). Chúng ta được củng cố bởi lời hứa của Chúa Giêsu: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19), nơi Người chính là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta (x. Xh 3,12), là Emmanuel (x. Mt 1,23; Is 7,14).

Và dù sự trung tín của các môn đệ có lúc phai nhạt, thì lòng trung tín của Thiên Chúa dành cho chúng ta không bao giờ suy giảm. Chính vì thế, hành trình của cộng đoàn cũng như của từng môn đệ của Đấng Phục Sinh luôn rộng mở trước những chân trời mới và khả thể mới, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể.

Lạy Chúa, việc Chúa lên trời
làm lòng con đầy hoan hỷ,
vì đã đến lúc con không còn đứng yên nhìn Chúa hành động,
mà chính con phải dấn thân.

Điều Chúa trao phó cho con
làm vỡ tan lớp vỏ ích kỷ cá nhân
và thái độ đứng nhìn thụ động,
đánh thức trong con ý thức trách nhiệm cá vị
trước ơn cứu độ của thế giới.

Lạy Chúa, Chúa đã trao phó Tin mừng của Chúa cho con,
để con loan báo Tin mừng ấy trên mọi nẻo đường trần thế.
Xin ban cho con đức tin mạnh mẽ
như các Tông đồ tiên khởi,
để con không bị nỗi sợ lấn át,
khó khăn không làm con chùn bước,
hiểu lầm không khiến con nản lòng,
nhưng luôn luôn và ở khắp mọi nơi,
con trở nên Tin mừng sống động của Chúa,
mặc khải tình yêu của Ngài,
như các thánh tử đạo và các thánh đã sống
trong suốt dòng lịch sử của muôn dân nước.

(Dòng Đa Minh, Tỉnh Dòng Thánh Catarina thành Siena, Rôma)

Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, trong ngày thăng thiên
đã đổ tràn niềm hoan hỷ trên nhóm Mười Một,
xin cho chúng con cũng xứng đáng được hưởng niềm hoan hỷ ấy
nhờ lời cầu nguyện và lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, trong ngày thăng thiên
đã mang thân phận yếu đuối của chúng con vào cõi trời,
và mở ra cho chúng con đường dẫn tới Thiên Đàng,
xin ban chúng con niềm vui của sự thanh thản và bình an.

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, khi lên trời vinh hiển
đã mặc lấy chúng con bằng ân ban Thánh Thần,
xin làm cho chúng con trở nên chứng nhân của Chúa trong đời thường,
loan báo niềm vui của Lòng Chúa Thương Xót.

(Lời nguyện của Lm. Andrea Vena)

 

Năm B

Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. (Mc 16,19-20).

Một hướng đi mới

Tin mừng Máccô kết thúc bằng câu trên. Chúa Giêsu từ biệt các môn đệ để trở về cùng Chúa Cha, Đấng mà với Người, Nước Thiên Chúa đã được khai mở. Đây là một bảo chứng vui mừng rằng đó chính là đích đến hành trình của chúng ta. Chúa Giêsu không chỉ đến để chỉ cho ta một cách sống mới, nhưng còn để cách sống mới ấy có một định hướng và cùng đích. Nhờ đó, mọi thực tại trần thế có thể trở thành con đường dẫn ta về trời; và mọi sự, kể cả những giây phút khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống, cũng có thể mang một ý nghĩa mới.

Giống như Người

Biến cố Thăng thiên đánh dấu sự hoàn tất cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu. Nhưng đó cũng là một mầu nhiệm liên quan đến chính cuộc đời chúng ta; nơi đó chất chứa một chân lý về con người: như Chúa đã được đưa lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha, thì chúng ta cũng được tiền định cho chính cuộc “thăng thiên” ấy – cuộc trở về cùng Chúa Cha. Muôn loài thụ tạo, như Thánh Phaolô nói, “những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19-21). Việc Chúa Giêsu lên trời cả hồn lẫn xác cũng cho thấy rằng cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả thân xác, không phải là một cản trở, mà chính là con đường dẫn tới Thiên Đàng. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi biến tất cả những gì mình là và những gì mình làm trở thành “lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa”.

Một cách hiện hữu mới

Bản văn sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta một vài điểm quy chiếu thần học và thiêng liêng để hiểu mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành. Trong Cv 1,11, tác giả nói rằng Chúa Giêsu “được rước lên trời”. Điều này nhấn mạnh rằng đây là hành động của Thiên Chúa. Một đám mây “quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (câu 9), gợi lại hình ảnh đám mây trên núi Sinai (Xh 24,15), đám mây bao phủ Hòm Bia Giao Ước (Xh 33,9), và sau cùng là đám mây trên núi Hiển Dung (Mc 9,7). Vì thế, việc Chúa Giêsu lên trời không phải là một “cuộc chia ly,” nhưng là một cách hiện hữu mới. Người giải thích lý do tại sao các môn đệ lại “lòng đầy hoan hỷ” (x. Lc 24,52), bởi vì Chúa Giêsu đã chịu chết, đã phục sinh và nay đã lên trời, nên cánh cửa Thiên Đàng, cánh cửa sự sống đời đời đã được mở ra. “Đám mây đức tin” bao phủ cuộc đời chúng ta ngày nay không phải là trở ngại, nhưng là con đường giúp chúng ta có thể cảm nếm một kinh nghiệm sống động và chân thật về Chúa Giêsu, bởi chúng ta xác tín rằng nếu Người đã phục sinh và lên trời, thì một định mệnh tương tự cũng đang chờ đợi chúng ta, vì Người là hoa quả đầu mùa (x. 1 Cr 15,20).

Hội thánh lên đường

Chúng ta không chờ đợi ngày sau hết trong sự thụ động hay khép kín trong nhà mình. Trái lại, như chính Chúa Giêsu nhắc nhớ, chúng ta chờ đợi ngày sau hết bằng cách dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,7). Chúng ta được củng cố bởi lời hứa của Chúa Giêsu: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19), nơi Người chính là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta (x. Xh 3,12), là Emmanuel (x. Mt 1,23; Is 7,14).

Và dù sự trung tín của các môn đệ có lúc phai nhạt, thì lòng trung tín của Thiên Chúa dành cho chúng ta không bao giờ suy giảm. Chính vì thế, hành trình của cộng đoàn cũng như của từng môn đệ của Đấng Phục Sinh luôn rộng mở trước những chân trời mới và khả thể mới, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể.

Lời nguyện

Đức Kitô không có đôi tay nào khác,
ngoài đôi tay của chúng ta,
để thực thi công trình của Người hôm nay.
Đức Kitô không có đôi chân nào khác,
ngoài đôi chân của chúng ta,
để dẫn đưa nhân loại
bước đi trên đường của Người.
Đức Kitô không có đôi môi nào khác,
ngoài đôi môi của chúng ta,
để nói với con người hôm nay
về chính Người.
Đức Kitô không có phương tiện nào khác,
ngoài sự trợ giúp mà chúng ta trao ban,
để dẫn đưa con người hôm nay
đến với Người.

Chúng ta là cuốn Kinh Thánh duy nhất
mà người đời còn đọc.
Chúng ta là sứ điệp mới nhất từ Thiên Chúa,
được viết bằng lời nói và việc làm.

(Chú thích: Bài này được cho là của Raoul Follereau, một số nguồn khác cho là của một tác giả vô danh ở Flanders, thế kỷ XIV).

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, trong ngày thăng thiên
đã đổ tràn niềm hoan hỷ trên nhóm Mười Một,
xin cho chúng con cũng xứng đáng được hưởng niềm hoan hỷ ấy
nhờ lời cầu nguyện và lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, trong ngày thăng thiên
đã mang thân phận yếu đuối của chúng con vào cõi trời,
và mở ra cho chúng con đường dẫn tới Thiên Đàng,
xin ban chúng con niềm vui của sự thanh thản và bình an.

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, khi lên trời vinh hiển
đã mặc lấy chúng con bằng ân ban Thánh Thần,
xin làm cho chúng con trở nên chứng nhân của Chúa trong đời thường,
loan báo niềm vui của Lòng Chúa Thương Xót.

(Lời nguyện của Lm. Andrea Vena)

 

Năm C

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 24,46-53)

Người đã mở trí cho họ hiểu Kinh thánh

Chính Chúa Giêsu đã trở thành “Người Thầy” dạy dỗ các môn đệ của mình: “Có lời Kinh thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình …” Các môn đệ vừa gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Họ đã cùng Người ăn cá nướng. Và dưới ánh sáng của biến cố này, “Người mở trí cho các ông hiểu”, để nhận ra rằng tất cả những điều đã xảy ra đều nằm trong một kế hoạch yêu thương, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Mặc lấy quyền năng từ trên cao

Việc Chúa Giêsu lìa xa trần thế gắn liền với hồng ân Thánh Thần, Đấng sẽ làm cho các môn đệ trở nên những chứng nhân can đảm của những gì họ đã thấy và nghe, và làm điều đó với niềm hoan hỷ: Các ông “trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa…” Các môn đệ không còn sợ hãi hay nhút nhát như khi họ từng lẩn tránh Thập giá. Giờ đây, họ tìm được can đảm để tiếp tục làm cho những kỳ công của Chúa Giêsu được hiện diện nơi thế gian bằng chính niềm vui và chứng tá sống động của họ.

Hoán cải và ơn tha thứ tội lỗi

Nội dung chứng tá của các môn đệ chính là niềm vui vì Thiên Chúa là tình yêu, Người là Đấng Thương Xót. Đó là sức mạnh có thể giúp chúng ta đổi hướng, từ bỏ đời sống tội lỗi và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn về chất lượng.

Hướng về Bêtania

Thành Bêtania nằm về phía Đông của Giêrusalem. Chính tại nơi này, người ta mong chờ Vinh quang của Đức Chúa sẽ trở lại (x. Ed 43,2; 11,23). Giờ đây, Chúa Giêsu chuẩn bị lên cùng Chúa Cha, nhưng trước đó, Người đưa các môn đệ của mình “ra ngoài”. Cử chỉ này gợi nhớ hành động của Thiên Chúa khi giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ. Thánh sử Luca muốn nối kết biến cố này với câu chuyện xuất hành, để cho chúng ta hiểu rằng mọi sự đều được hoàn tất nơi Chúa Giêsu.

Một cách hiện hữu mới

Bản văn sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta một vài điểm quy chiếu thần học và thiêng liêng để hiểu mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành. Trong Cv 1,11, tác giả nói rằng Chúa Giêsu “được rước lên trời”. Điều này nhấn mạnh rằng đây là hành động của Thiên Chúa. Một đám mây “quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (câu 9), gợi lại hình ảnh đám mây trên núi Sinai (Xh 24,15), đám mây bao phủ Hòm Bia Giao Ước (Xh 33,9), và sau cùng là đám mây trên núi Hiển Dung (Mc 9,7). Vì thế, việc Chúa Giêsu lên trời không phải là một “cuộc chia ly,” nhưng là một cách hiện hữu mới. Người giải thích lý do tại sao các môn đệ lại “lòng đầy hoan hỷ” (x. Lc 24,52), bởi vì Chúa Giêsu đã chịu chết, đã phục sinh và nay đã lên trời, nên cánh cửa Thiên Đàng, cánh cửa sự sống đời đời đã được mở ra. “Đám mây đức tin” bao phủ cuộc đời chúng ta ngày nay không phải là trở ngại, nhưng là con đường giúp chúng ta có thể cảm nếm một kinh nghiệm sống động và chân thật về Chúa Giêsu, bởi chúng ta xác tín rằng nếu Người đã phục sinh và lên trời, thì một định mệnh tương tự cũng đang chờ đợi chúng ta, vì Người là hoa quả đầu mùa (x. 1 Cr 15,20).

Hội thánh lên đường

Chúng ta không chờ đợi ngày sau hết trong sự thụ động hay khép kín trong nhà mình. Trái lại, như chính Chúa Giêsu nhắc nhớ, chúng ta chờ đợi ngày sau hết bằng cách dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,7). Chúng ta được củng cố bởi lời hứa của Chúa Giêsu: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19), nơi Người chính là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta (x. Xh 3,12), là Emmanuel (x. Mt 1,23; Is 7,14).

Và dù sự trung tín của các môn đệ có lúc phai nhạt, thì lòng trung tín của Thiên Chúa dành cho chúng ta không bao giờ suy giảm. Chính vì thế, hành trình của cộng đoàn cũng như của từng môn đệ của Đấng Phục Sinh luôn rộng mở trước những chân trời mới và khả thể mới, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, trong ngày thăng thiên
đã đổ tràn niềm hoan hỷ trên nhóm Mười Một,
xin cho chúng con cũng xứng đáng được hưởng niềm hoan hỷ ấy
nhờ lời cầu nguyện và lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, trong ngày thăng thiên
đã mang thân phận yếu đuối của chúng con vào cõi trời,
và mở ra cho chúng con đường dẫn tới Thiên Đàng,
xin ban chúng con niềm vui của sự thanh thản và bình an.

Lạy Chúa Giêsu,
chính Chúa, khi lên trời vinh hiển
đã mặc lấy chúng con bằng ân ban Thánh Thần,
xin làm cho chúng con trở nên chứng nhân của Chúa trong đời thường,
loan báo niềm vui của Lòng Chúa Thương Xót.

(Lời nguyện của Lm. Andrea Vena)

Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News

Nguồn: hdgmvietnam.com