I/ LUẬT PHỤNG VỤ
Hướng dẫn của Hội Thánh trong các bản văn nghi thức như sau: Nghi thức Khấn trọn [cho dòng nam] ghi: “Chủ tế quỳ gối trước ghế ngồi của ngài, còn các khấn sinh thì hoặc phủ phục hay quỳ gối theo tục lệ địa phương hay hội dòng; các người khác thì quỳ gối…”;[1] Nghi thức Khấn trọn [cho dòng nữ] ghi: “Chủ tế, các người giúp lễ, các khấn sinh và giáo dân quỳ gối xuống. Nhưng nơi nào có tục lệ cho khấn sinh phủ phục thì cũng có thể giữ tục lệ đó.”[2] Nghi thức Truyền chức nói đơn giản: “Tiến chức phủ phục, ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh và cộng đoàn hát câu đáp. Vào các Chúa nhật và trong mùa Phục sinh, cộng đoàn đứng, trong những ngày khác thì quỳ…”.[3]. Tương tự, Nghi thức Cung hiến Thánh đường/Bàn thờ cũng chỉ nói: “Ca đoàn hát Kinh cầu. Nếu là Chúa nhật hay trong mùa Phục sinh, cộng đoàn đứng, vào những ngày khác thì quì, trong trường hợp này, thầy phó tế bảo mọi người “Chúng ta hãy quỳ xuống” [4]
Như vậy, qua các bản văn nghi thức trên đây, Hội Thánh không có ý xác định tỏ tường cộng đoàn cùng hướng về đâu bởi lẽ sau Công đồng Vaticanô II, dù chưa bao giờ lãng quên truyền thống tư tế cử hành quay mặt theo cùng một hướng với cộng đoàn (versus orientem /ad orientem = quay về hướng đông), đặc biệt là trong phần Phụng vụ Thánh Thể, nhưng nay Hội Thánh lại đề nghị tư tế cử hành thánh lễ có thể đối diện với dân chúng (versus populum) [x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 2002 [QCSL], số 299] nhằm nhấn mạnh chiều kích “bữa tiệc” của bí tích Thánh Thể, gia tăng sự hiệp thông và tính cộng đồng hầu giúp các tín hữu tham dự cách ý thức, tích cực và trọn vẹn” vào cử hành phụng vụ (Hiến chế về Phụng vụ Thánh [PV], số 14).[5] Cho dù hướng về đâu thì điều cốt yếu vẫn là Hội Thánh cầu nguyện luôn hướng/nhìn về Chúa là trung tâm, là Đấng hiện diện khắp nơi, vượt lên mọi thần linh, ôm lấy cả vũ trụ và thân thiết với chúng ta hơn chính chúng ta.[6] Cách riêng trong cử hành thánh lễ, Chúa Kitô, Đấng Trung Gian của Thiên Chúa, hiện diện qua những hình thái khác nhau: [1] Một là trong con người của thừa tác viên; [2] Hai là trong Thánh Thể; [3] Ba là trong lời của Người được công bố; [4] Bốn là trong cộng đoàn cầu nguyện như chính Người đã hứa: "Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20) [x. PV 7]. Do đó, theo đúng luật chữ đỏ trên đây, chúng ta thực hành như sau:
1/ Trong nghi thức cung hiến nhà thờ, Đức giám mục chủ tế, tư tế và dân chúng có thể ở yên tại chỗ, chỉ đơn giản là quỳ hoặc đứng phù hợp với ngày lễ/mùa phụng vụ/hoàn cảnh của mình mà tham gia vào Kinh Cầu Các Thánh bởi vào thời điểm này nhà thờ/bàn thờ chưa được cung hiến, đồng nghĩa với thánh giá chưa được chúc lành và nhà tạm còn đang trống không.[7]
2/ Trong nghi thức cung hiến bàn thờ cũng vậy, tư tế và dân chúng hát Kinh Cầu Các Thánh trong tư thế quỳ hoặc đứng ngay tại chỗ của mình phù hợp với ngày lễ/mùa phụng vụ/hoàn cảnh. Riêng Đức giám mục chủ tế, ngài có thể chọn thực hành tiến ra quỳ/đứng trước bàn thờ và hướng về thánh giá như “hướng Đông nội tại” để tham dự vào Kinh Cầu Các Thánh vì hướng Đông được nối kết với dấu chỉ thánh giá.[8] Tuy nhiên, thực hành này hơi phức tạp ở chỗ: một là, cần thời gian để vị chủ tế và các thừa tác viên khác di chuyển ra trước bàn thờ; hai là, thánh giá phải ở trục trung tâm và phải ở tầm thấp; ba là, có thể kéo theo các vị đồng tế cũng phải hướng về thánh giá. Bởi thế, đơn giản hơn và theo đúng bản văn nghi thức, Đức giám mục chủ tế cũng có thể quỳ/đứng ngay tại tòa/ghế chủ tọa của mình [như ở phần nghi thức đầu lễ] đang khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh mà không nhất thiết phải di chuyển ra trước bàn thờ vì lúc này bàn thờ chưa được cung hiến.[9]
3/ Trong nghi lễ truyền chức và khấn dòng, tư tế và dân chúng có thể thực hành như trên, riêng vị chủ tế thì có thể quỳ/đứng trước bàn thờ tại ghế của mình và đối diện với dân chúng, rồi tham dự vào phần hát Kinh Cầu Các Thánh như tham dự vào một số phần khác của thánh lễ (kinh Thương xót, kinh Vinh danh, Tung hô tưởng niệm, …).
II/ TÌM MỘT GIẢI PHÁP TỐT NHẤT
Tuy vậy, trong thực tế ở nhiều nơi và cả ở Việt Nam, vì theo nghi thức, ghế dành cho vị chủ tọa [khi cử hành nghi lễ truyền chức và khấn dòng] được mang ra đặt ngay trước bàn thờ nên người ta không quen và không dễ tiếp nhận hình ảnh vị chủ tế quỳ/đứng tại ghế của ngài theo hướng đối diện với dân chúng [như vừa nói trên: I/ 3/] mà cũng có nghĩa là quay lưng lại với bàn thờ đang khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh. Lý do là vì truyền thống của Hội Thánh và tâm tính của Kitô hữu muốn quy chiếu phụng vụ vào Thiên Chúa thay vì vào con người. Do đó, cùng với vị chủ tế, cả cộng đoàn và cách riêng là các vị đồng tế thường chọn lựa cùng hướng về một trong 3 đối tượng sau: nhà tạm, thánh giá hoặc bàn thờ. Câu hỏi đặt ra là trong lễ truyền chức và khấn dòng, khi đang hát Kinh Cầu Các Thánh, cộng đoàn cùng hướng về đâu thì được coi là thực hành phù hợp hơn và ưu tiên hơn? Để trả lời, chúng ta cần xem xét một số điểm sau:
1/ Thứ nhất, ba tiêu điểm (focal points) hay ba điểm hướng về của toàn bộ cử hành thánh lễ là ghế chủ tọa, giảng đài và bàn thờ chứ không phải là nhà tạm hay thánh giá (x. QCSL 269, 309, 310). Ở nghi thức đầu lễ, trọng tâm của hành vi phụng vụ là ở ghế chủ tọa, vị chủ tế cử hành tại đó và mọi người tham dự hướng về vị trí này; Cộng đoàn sẽ hướng về bục giảng hay giảng đài trong phần phụng vụ Lời Chúa; Tiếp theo, tiêu điểm sẽ được dịch chuyển sang bàn thờ, cộng đoàn sẽ hướng về bàn thờ trong phần Phụng vụ Thánh Thể; và cuối cùng lại quay hướng về ghế chủ tọa ở phần nghi thức kết lễ.[10]
2/ Thứ hai, theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002]: “Nếu nhà tạm có Mình Thánh Chúa đặt trong cung thánh, thì linh mục, phó tế và các thừa tác viên cúi mình khi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không cúi mình trước nhà tạm đang khi cử hành thánh lễ” (QCSL 274). Hậu nhiên, nhà tạm không được coi là điểm quy chiếu vào thời điểm hát Kinh Cầu Các Thánh. Trọng tâm phụng vụ lúc này không phải là sự hiện diện Thánh Thể nơi nhà tạm mà chính là lời nguyện và các hành vi thuộc nghi thức[11] mà cụ thể ở đây là việc Hội Thánh cầu khẩn cùng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng mà toàn thể các thánh đang liên kết với Người, chia sẻ cuộc tử nạn của Người và đồng bàn dự tiệc với Người, và cũng là "đám mây nhân chứng" (x. Hr 12,1) hằng nâng đỡ và che chở cộng đoàn Hội Thánh. Cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh trong tâm tình kết hợp lời kêu cầu của Hội Thánh vào lời cầu bầu huynh đệ của các thánh để xin Thiên Chúa ban xuống muôn ơn cho những ứng viên sắp lãnh nhận một ơn gọi hay một thừa tác vụ đặc biệt (nghi thức khấn dòng/truyền chức), cũng như làm cho lòng các tín hữu nên đền thờ thiêng liêng của Người (nghi thức cung hiến nhà thờ/bàn thờ).[12]
3/ Thứ ba, thật ra vị trí của nhà tạm không nhất thiết phải ở trong cung thánh của nhà thờ mà có thể đặt bên ngoài cung thánh, cụ thể là trong một phòng nguyện nhỏ gắn liền với nhà thờ, hoặc ở một gian nhánh của thánh đường hầu thích hợp cho việc cầu nguyện riêng tư và để các tín hữu tôn thờ Mình Thánh (x. QCSL 315).[13] Sách Lễ nghi Giám Mục [số 49] nói rõ rằng nếu có một nhà tạm lưu giữ Mình Thánh ở trên hay ở gần nơi Đức Giám mục cử hành thánh lễ thì nên chuyển Thánh Thể đến một nơi khác và để nhà tạm trống rỗng.[14] Hơn nữa, một số thánh lễ truyền chức, nhất là thánh lễ truyền chức giám mục thường vẫn được cử hành ngoài trời, hoặc một nơi không phải thánh đường, cho nên thực tế là không có nhà tạm ở đó. Trường hợp cuối cùng là thánh lễ cung hiến thánh đường, vào lúc hát Kinh Cầu Các Thánh thì chưa vẫn có Thánh Thể được lưu giữ trong nhà tạm mới. Như thế, trong tất cả các trường hợp vừa nêu, việc hướng về nhà tạm đang lúc cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh là không thể xảy ra.
4/ Thứ tư, nếu nhà tạm ở trong cung thánh, thì theo thần học phụng vụ, khi đang cử hành thánh lễ, sự tôn kính dành cho nhà tạm phải nhường chỗ cho việc tập trung hơn vào bàn thờ, là nơi cử hành hy tế hiện tại. Việc hướng về nhà tạm trong thánh lễ có thể làm lu mờ tính trung tâm của bàn thờ và của cử hành Hy tế Thập giá được hiện tại hóa nơi bàn thờ (x. QCSL 274).[15] Phải nói thêm rằng, bàn thờ là trọng tâm quy tụ của toàn bộ kiến trúc thánh đường, luôn ở vị trí trung tâm của nhà thờ/nhà nguyện mà tất cả cộng đoàn tín hữu tự nhiên chú ý và hướng về đó (QCSL 299),[16] và cũng chính là Canvê mà ai nấy phải “ngước mắt lên nhìn.”[17] Chính ở vị trí này mà bàn thờ thành tâm điểm cùa hành vi tạ ơn trọn hảo trong cử hành Thánh Thể, là nơi hy tế thập giá được hiện tại hóa dưới những dấu chỉ bí tích, cũng là bàn tiệc Dân Chúa được mời đến tham dự (x. GLCG 1182; QCSL 296).[18]
5/ Thứ năm, vì Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] hướng dẫn rằng thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh được đặt trên bàn thờ, hoặc gần bàn thờ, hoặc treo phía trên bàn thờ hay trên bức tường đầu cung thánh ở phía sau bàn thờ sao cho cộng đoàn tập họp có thể nhìn thấy rõ để nhắc các tín hữu nhớ đến cuộc thương khó sinh ơn cứu độ của Chúa (x. QCSL 308). Như thế thánh giá có thể là một đối tượng để cộng đoàn hướng về đang khi hát Kinh Cầu Các Thánh [như đã nói trên] vì hướng Đông được nối kết với dấu chỉ thánh giá.[19] Tuy nhiên, bàn thờ thường khi trở thành nơi xứng đáng được các tín hữu biểu lộ sự cung kính thậm chí còn hơn cả thánh giá.[20] Thêm nữa, đối với thánh giá có vị trí ở gần bàn thờ (mà thường ở về một phía của bàn thờ), hoặc thánh giá treo cao phía trên bàn thờ hay thánh giá cố định trên bức tường đầu cung thánh phía sau bàn thờ, thì từ lòng nhà thờ, cộng đoàn có thể hướng về đó cách dễ dàng. Thế nhưng, đối với các vị đồng tế đang đứng trên cung thánh đối diện với dân chúng, và nhất là đối với đức giám mục/linh mục chủ tế đang quỳ trước bàn thờ, thực hành ngước nhìn/hướng về thánh giá từ vị trí đó trong suốt Kinh Cầu Các Thánh chắc chắn sẽ gặp phải khó khăn và bất tiện hơn rất nhiều so với hướng về bàn thờ. Nếu thánh giá được đặt ở giữa và ở trên bàn thờ, các tư tế ở bất cứ vị trí nào khi hướng về bàn thờ thì chắc chắn cũng sẽ hướng về thánh giá luôn.
III/ KẾT LUẬN THỰC HÀNH
Tuy các bản văn nghi thức không xác định rõ ràng hướng nhìn của cộng đoàn đang khi hát Kinh Cầu Các Thánh là hướng về bàn thờ hoặc thánh giá hay nhà tạm, nhưng qua phần trình bày ở trên, chúng ta có thể đi đến kết luận thực hành cụ thể như sau:
1/ Trong nghi thức cung hiến nhà thờ: Đức giám mục chủ tế đứng/quỳ tại tòa/ghế chủ tọa, còn mọi người đứng/quỳ tại chỗ phù hợp với ngày lễ/mùa phụng vụ/hoàn cảnh của mình;
2/ Trong nghi thức cung hiến bàn thờ: [i] Một là Đức giám mục chủ tế đứng/quỳ tại tòa/ghế chủ tọa và mọi người đứng/quỳ tại chỗ; [ii] Hai là Đức giám mục ra đứng/quỳ trước bàn thờ cùng mọi người hướng về thánh giá;
3/ Trong nghi thức truyền chức/khấn dòng: [i] Một là theo sát chữ đỏ của nghi thức, nghĩa là chủ tế quỳ/đứng đối diện với dân chúng và mọi người đứng/quỳ tại chỗ; [ii] Hai là toàn thể cộng đoàn cùng hướng về bàn thờ như một đối tượng phù hợp, thuận tiện và ưu tiên nhất.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Nguồn: hdgmvietnam.com
-----------
[1] Thánh Bộ về Phượng tự (1970), Nghi thức Khấn Dòng & Nghi thức Thánh hiến Trinh nữ, số 61.
[2] Ibid., số 66.
[3] Congregationis de Cultu Divino et Disciplina Sacramentorum, De Ordinatione episcopi, presbyterorum et diaconorum, editio typica altera (1989): Nghi thức Truyền chức Giám mục, số 42; Nghi thức Truyền chức Linh mục, số 127; Nghi thức Truyền chức Phó tế, số 203
[4] Sách Lễ Nghi Giám Mục (1984), số 899, 943.
[5] X. Rita Ferrone, Liturgy: Sacrosanctum Concilitum (New York/Mahwah: Paulist Press, 2007), 57-8.
[6] Joseph Ratzinger, The Spirit of the Liturgy (San Francisco: Ignatius Press, 2000), 89.
[7] X. Sách Lễ Nghi Giám Mục (1984), số 885, 891, 916, 922.
[8] Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, 97-8.
[9] X. Sách Lễ Nghi Giám Mục (1984), số 943,
[10] X. Thomas P. Rausch SJ, Đạo Công giáo Thiên niên kỷ thứ III, dg. Nguyễn Đức Thông (Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2010), 390-91.
[11] X. Joseph DeGrocco, A Pastoral on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), n. 274, 152.
[12] X. Sách Lễ Nghi Giám Mục (1984), số 899, 943.
[13] X. Huấn thị Eucharisticum Mysterium số 53; Holy Communion and Worship of the Eucharist outside Mass (21 June 1973), số 9; Inaestimabile Donum (1980), số 24; Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 130; United States Conference of Catholic Bishops, Built on Living Stones, số 79.
[14] X. Edward McNamara, “Empty Tabernacle at a Bishop's Mass” (26 Nov. 2013), https://www.ewtn.com/catholicism/library/empty-tabernacle-at-a-bishops-mass-4703.
[15] X. Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, 90-2.
[16] HĐGMVN-UBGM Về Nghệ Thuật Thánh, Dựng Xây Từ Những Viên Đá Sống Động (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2006), số 58.
[17] x. Crispino Valenziano, "Liturgial Architecture," Handbook for Liturgical Studies, vol. V, ed. Anscar Chupungco (Quezon: Claretian Publications, 2004), 383.
[18] X. Sách Lễ Nghi Giám Mục (1984), số 918.
[19] Ratzinger, The Spirit of the Liturgy, 97-8.
[20] X. Dom Robert Le Gall, Tự Điển Phụng Vụ (C.L.D, 1982), s.v. “Bàn thờ,” 27-32.