Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ: Lịch sử và ý nghĩa kinh Cáo Mình

26/09/2022
2073


23. Lịch sử và ý nghĩa kinh Cáo Mình (Confiteor)?

 

Chủ sự và cộng đoàn cùng đọc kinh Cáo Mình nhìn nhận thân phận tội nhân của mình trước Chúa và anh chị em, dựa theo lời khuyên nhủ của thánh Giacôbê (x. Gc 5,16). Tuy nhiên, việc tha tội là do Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, các thiên thần, các thánh và anh chị em.

Chrodegang, Giám mục thành Metz (712-766) dạy các giáo sỹ, sau khi kết thúc giờ Kinh Sáng, tất cả cùng đọc: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh em, tôi đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm, vì vậy, tôi xin anh em cầu nguyện cho tôi. Viện phụ xướng: Xin Thiên Chúa toàn năng, thương xót, tha tội cho anh em, giải thoát anh em khỏi mọi sự dữ, gìn giữ anh em trong sự thiện hảo và dẫn đưa anh em tới sự sống muôn đời. Tất cả đáp: Amen.

Như vậy, kinh Cáo Mình vào thời này mới có phần đầu so với kinh Cáo Mình mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.

Năm 1080, đan viện Cluny sử dụng mẫu kinh Cáo Mình khác: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa, cùng với các thánh, và cùng với anh em, tôi đã phạm tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Lỗi tại tôi. Vì vậy, tôi xin anh em cầu nguyện cho tôi.

Năm 1184, trong đan viện Xitô, theo lòng sốt sắng của Bernard (1090-1153), đã thêm danh xưng Đức Maria vào kinh Cáo Mình: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa, cùng Đức Bà Maria và cùng với các Thánh.

Từ đó, theo lòng sốt sáng địa phương, người ta thêm các thánh, nhất là các thánh quan thày vào kinh Cáo Mình làm cho kinh Cáo Mình mất dần tính Công Giáo. Do đó, Công Đồng thứ ba tại Ravenne (Italia) năm 1314 quyết định, chỉ được thêm vào kinh Cáo Mình Đức Maria, Tổng Lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Tẩy Giả và hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô mà thôi.

Từ Sách lễ Đức Piô V (1570) đến năm 1970, Giáo Hội sử dụng kinh Cáo Mình sau: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, cùng Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, cùng Tổng lãnh thiên thần Micaen, cùng Thánh Gioan Tẩy giả, cùng Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cùng các Thánh và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, Tổng lãnh thiên thần Micaen, Thánh Gioan Tẩy giả, Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cùng các Thánh và cùng anh chị em khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Như vậy, Đức Mẹ và các thánh được lặp lại hai lần.

 Sách lễ được ban hành năm 1970 cho tới nay sử dụng mẫu kinh Cáo Mình, như đang sử dụng hiện nay: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh chị em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

Về các thánh, vẫn thấy còn Đức Maria, bỏ Tổng Lãnh thiên thần Micae, nhưng gọi chung các thiên thần, bỏ thánh Gioan Tẩy Giả và hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, gọi chung tất cả các thánh.

Nghi thức sám hối có thể bỏ nếu đã có hành vi tương đương, chẳng hạn rảy nước thánh ngày Chúa nhật (x. QCSL, số 51), hoặc hành vi thống hối thứ tư Lễ Tro, hoặc khi có một nghi thức phụng vụ đi trước Thánh Lễ như rước nến (02/02), rước lá (Lễ Lá), Lễ hôn phối, hoặc khi kết hợp giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều với Thánh Lễ… (x. Quy chế tổng quát Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, số 94).

Còn tiếp…

Lm. Giuse Đào Hữu Thọ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org: 

 

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 1

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 2

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 3

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 4

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 5

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 6

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 7

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 8

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 9

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 10